Đánh giá nhanh laptop Aftershock Titan V2: Core i7, SLI GTX 880M, giá
hơn 70 triệu
Aftershock PC là một công ty khởi nghiệp năm 2012 của Singapore, chuyên cung cấp laptop có cấu hình dễ dàng tùy chỉnh theo nhu cầu của người sử dụng khi đặt mua máy. Với các game thủ cần một chiếc laptop có cấu hình siêu mạnh, có thể thay thế chiếc máy để bàn để xách đi khi cần thiết, thì hãng này có các máy 17 inch, điển hình là Aftershock Titan V2, với CPU Core i7 mạnh mẽ, 2 card đồ họa GeForce GTX 880M chạy SLI, tùy chọn 3 SSD, màn hình Full HD và bộ loa của Onkyo. Aftershock là công ty độc quyền các sản phẩm trên nền Clevo ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, giống như Eurocom ở Châu Âu hay Sager của Mỹ.
Cấu hình Aftershock Titan V2 P370SM-A (2014) trong bài:
Màn hình: 17.3" Full HD 1920 x 1080 (không có cảm ứng)
Lưu trữ (SSD): 120GB chứa OS
Kết nối: WiFi N, USB 3.0, mini DP, HDMI, LAN, Bluetooth
Giá bán: khoảng 70 - 75 triệu đồng ở VN
Aftershock Titan V2 sử dụng barebone của Clevo P370, do đó nếu đã quen thuộc với thương hiệu Clevo thì chúng ta sẽ thấy thiết kế của chiếc máy này tương đối quen thuộc. Nó có một bộ khung to khỏe, hầm hố, nhưng dĩ nhiên cũng đi kèm đó là sự cồng kềnh, to dày và nặng nề của một chiếc laptop 17 inch cấu hình đụng nóc. Máy được làm với vỏ hầu hết bằng nhựa, chất lượng hoàn thiện ở mức trung bình, cầm cứng cáp và chắc tay, tuy nhiên mặt lưng màn hình rất dễ lún khi nhấn nhẹ và chắc chắn là không thể đẹp bằng các thương hiệu cao cấp có nhiều kinh nghiệm trong việc làm máy game như Alienware, Razer.
Bàn phím và touchpad
Titan V2 có bàn phím kiểu full size, chứa đầy đủ các phím của một chiếc máy tính PC, hầu như không có phím nào vắng mặt trên bộ bàn phím này. Tuy nhiên, phím chức năng Fn được bố trí ở phía bên phải, nằm giữa phím Alt và Ctrl vì vậy mà trong thời gian đầu làm quen, khi thao tác với dãy phím Fx chúng ta sẽ thấy bất tiện hơn một chút vì phải sử dụng tay phải hoặc cả 2 tay, thay vì tay trái như bình thường.
Nhờ lợi ích của một bàn phím full size trên laptop 17 inch, do đó kích thước của mỗi phím được làm to và rộng, giúp chúng ta có thể dễ dàng làm quen và gõ phím hơn. Cảm giác gõ phím của máy tốt, độ lún của các phím mềm và vừa phải, không quá nông cũng không quá sâu.
Touchpad của máy được làm lớn, phủ một lớp giả vân carbon và nó cũng được làm chìm 2 nút chuột trái/phải, vì vậy chúng ta có thể nhấn chuột ở bất kì đâu từ 2/3 trở xuống của bàn rê chuột này.
Màn hình
Với một chiếc laptop được build cho mục đích chơi game, do đó cảm ứng đã không được trang bị cho chiếc Titan V2. Chúng ta có một màn hình chống chói 17.3 inch độ phân giải Full HD, được cân màu sắc theo hướng lạnh và hơi ngả xanh rất nhẹ. Mình khá thích khả năng hiển thị màu sắc của màn hình này, trong và dịu mắt, không quá rực và gây chói mắt.
Bản lề màn hình nhẹ nên có thể đóng mở chỉ bằng một tay mà không cần giữ thân máy. Tuy nhiên chất liệu nhựa khi hoàn thiện phần khung màn hình không cao, nó dễ bị lún khi chúng ta nhấn tay ở mặt sau màn hình.
Benchmark
Với cấu hình mạnh mẽ của mình thì Aftershock Titan V2 dễ dàng ghi điểm cao trong các phép benchmark, cả về đồ họa lẫn benchmark phần cứng máy, và dĩ nhiên là các game cũng không thể làm khó chiếc máy này, ngay cả khi đặt ở chế độ thiết lập cao nhất.
Với phép benchmark 3DMark 13, máy ghi được gần 3650 điểm cho Fire Strike Extreme và hơn 24.000 điểm Sky Diver, phép bechmark đồ họa mới ra mắt gần đây.
Pin và nhiệt độ
Chiếc máy được trang bị tới 3 quạt tản nhiệt, cho riêng 2 GPU và CPU, vì vậy hiệu suất làm mát của chiếc máy cũng được bảo đảm, khi ở chế độ không tải thì CPU nằm trong mức 50-55 độ C, GPU khoảng 40 độ C. Khi stress máy, nhiệt độ cũng tăng cao hơn đáng kể, CPU lên tới hơn 80 độ C nhưng với lớp vỏ dày bằng nhựa, chúng ta cũng không thấy nóng khi rờ tay ở các khu vực, kể cả đáy máy. Quạt tản nhiệt cũng hoạt động rất êm, không quá ồn khi stress máy.
Aftershock sử dụng viên pin 9 cell dung lượng 89Wh cho Titan V2, nhưng cấu hình cao với nhiều linh kiện ngốn nhiều điện nên dĩ nhiên thời lượng dùng pin của máy cũng không quá ấn tượng. Theo thử nghiệm, khi để màn hình độ sáng 70%, bật đèn nền bàn phím và sử dụng máy để lướt web thì thời gian dùng pin được khoảng hơn 3 tiếng một chút, mình cũng khá hài lòng với kết quả này.
Nhiệt độ khi chạy không tải
Nhiệt độ khi stress CPU và RAM
Kết luận
Aftershock Titan V2 có thể tùy chọn cấu hình cao, rất mạnh mẽ và khả năng nâng cấp phần cứng dễ dàng, tuy nhiên chất lượng hoàn thiện của máy trung bình khá, đồng thời thiết kế to, thô và nặng, đi kèm theo đó là giá bán cao có thể sẽ là rào cản lớn để chiếc máy này tiếp cận với người dùng Việt Nam. Hi vọng Aftershock sẽ tiếp tục giới thiệu thêm nhiều cấu hình máy linh động hơn, với giá cả hợp lý hơn để chúng ta lựa chọn.