Các bác sĩ tạo ra "máy trợ tim sinh học" đầu tiên trên thế giới bằng
biện pháp cấy ghép gen
Nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi bác sĩ Eduardo Marbán thuộc Viện tim Cedars-Sinai tại Los Angeles đã lần đầu tiên thực hiện thành công phương pháp cấy ghép gen vào trong trái tim mắc bệnh của lợn và chuyển đổi các tế bào cơ tim chưa chuyên môn hóa thành một dạng "máy trợ tim sinh học". Đây là thành công sau hàng chục năm nghiên cứu hứa hẹn sẽ tạo nên mô hình trợ tim sinh học ưu việt và an toàn có thể áp dụng cho con người trong tương lai không xa. Nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí Science Translational Medicine số ra vừa qua.
Từ trước đến nay, phần lớn các máy trợ tim đều thực hiện nhiệm vụ chính là dùng dòng điện để kích thích quả tim giúp giữ cho nhịp đập luôn được điều hòa ổn định. Tuy nhiên, phương pháp điều trị trên đòi hỏi trải qua quá trình phẫu thuật cấy ghép và rất dễ bị các biến chứng như nhiễm trùng. Sau nhiều năm nghiên cứu, các bác sĩ đã đạt được thành công vượt bậc góp phần phát triển một phương pháp điều trị bệnh tim mới: "hệ thống trợ tim sinh học."
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã chọn quả tim từ những con heo bị mắc chứng nghẹt van tim hoàn toàn. Sau đó, những quả tim này được cấy ghép gen mang tên TBX18 bằng thủ thuật ống thông xâm lấn tối thiểu. Theo giải thích từ các bác sĩ trong nhóm nghiên cứu, loại gen cấy ghép có nhiệm vụ kích thích các tế bào cơ tim chưa chuyên môn hóa thành các tế bào nút xoang nhĩ. Đây chính là những tế bào có khả năng tạo ra các xung điện nhằm ổn định nhịp đập của tim. Nói cách khác, đây chính là các "máy trợ tim hoàn toàn tự nhiên."
Một ngày sau phẫu thuật cấy ghép, trái tim của các cá thể heo đã đập nhanh hơn so với các cá thể khác không thực hiện phương pháp trên. Đồng thời, theo quan sát của nhóm nghiên cứu thì các cá thể heo cũng giữ được tình trạng nhịp tim mạnh trong suốt 14 ngày sau đó. Đây là thành công ngoài dự tính, hứa hẹn phương pháp trên có thể đạt được hiệu quả lâu dài hơn so với mục tiêu ban đầu của các bác sĩ.
Ban đầu, Marbán và các đồng nghiệp chỉ dự định phát triển một biện pháp chữa trị tạm thời cho các bệnh nhân nảy sinh vấn đề sau khi đã được cấy ghép máy trợ tim nhân tạo. Tuy nhiên giờ đây, với thành công của kỹ thuật trên, nhóm nghiên cứu đã xem xét khả năng đây có thể là một phương pháp điều trị lâu dài cho bệnh nhân thậm chí là thay thế hoàn toàn máy trợ tim nhân tạo trong tương lai.
Ngoài ra, phương pháp này còn có thể được áp dụng cho những đứa bé vẫn còn trong bụng mẹ. Đây là những ca bệnh không thể nào điều trị bằng cách cấy ghép máy trợ tim nhân tạo. Trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển phương pháp "máy trợ tim sinh học" để đưa ra một giải pháp hoàn hảo hơn cho công tác điều trị bệnh tim mạch. Theo dự tính của các bác sĩ, các nghiên cứu lâm sàng trên người sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm sắp tới.