Có nhiều lý do để bạn sử dụng OS X trên ổ cứng gắn ngoài, tuy nhiên thì mục đích chính để mình thử nghiệm như trong bài viết này là để tìm hiểu và trả lời một số thắc mắc trong quá trình sử dụng máy tính mà thôi. Để không đi quá chuyên sâu thì bài viết này mình sẽ tiếp cận vấn đề một cách đơn giản, không quá kỹ thuật. Về cơ bản OS X cho phép khởi động hệ điều hành từ ổ cứng gắn ngoài. Tức là mỗi khi sử dụng thì cắm ổ cứng gắn ngoài vào máy tính Apple, sau đó chọn ở động từ đó, vậy là xong.
Chung quy lại thì cuối cùng là làm cái gì? Mục đích bài viết là cài OS X 10.9 trên một ổ cứng di động và đi cắm vào bất cứ cái máy tính Apple nào bắt gặp, để thử nghiệm độ tương thích và xem nó có hoạt động được hay không? Chi tiết:
Sử dụng ổ cứng di động Buffalo với 2 cổng kết nối (USB 3.0 và thunderbolt). Bên trong ổ cứng di động là SSD (vì sao là SSD mà không phải HDD sẽ nói ở dưới).
Nếu có USB 3.0 dung lượng cao (32GB, 64GB, 128GB) thì dùng luôn USB cũng được, không cần ổ cứng di động.
Cài đặt OS X 10.9 lên ổ cứng di động này (tham khảo tại đây)
Sử dụng cable Thunderbolt (USB 3.0 cũng được) để kết nối ổ cứng di động và máy tính
Bạn có thể làm gì với một ổ cứng di động có cài sẵn OS X 10.9? Lý do thì lúc nào chả có, chỉ là bạn có hứng thú để tạo một món đồ chơi như vầy không mà thôi. Với mình, ổ cứng gắn ngoài chạy OS X 10.9 (cùng với nó là toàn bộ dữ liệu, phần mềm, thiết lập) thực sự hữu ích vì cắm qua máy nào cũng dùng được. Và môi trường làm việc không có thay đổi dù bạn có cắm vào bao nhiêu máy khác nhau cũng vậy. Một số lý do nên có 1 ổ cứng gắn ngoài có sẵn hệ điều hành:
Dùng làm ổ cứng lưu trữ, dùng để sao lưu dữ liệu, dùng để cấp cứu dữ liệu trên những máy bị hỏng hệ điều hành.
Nếu bạn sử dụng USB 3.0 với dung lượng cao thì nó còn rất cơ động, và có thể làm bộ restore nhanh cho laptop mà không cần cài mới.
Trong trường hợp máy tính Apple của bạn bị hỏng thì có thể lấy cái hdd của nó ra, cắm vào hdd box và kiếm 1 chiếc máy khác để sử dụng.
Dùng để thử nghiệm hệ điều hành mới (OS X 10.10 Yosemite)
KẾT QUẢ THỬ NGHIỆM
Chạy được trên những máy tính Apple khác nhau? Mình đã thử cắm ổ cứng di động này trên nhiều laptop Apple khác nhau (Macbook Pro 17” 2009 - MacBook Pro 15” 2011 - MacBook Pro Retina 13” 2013 - MacBook Pro 15” 2013) thì nó đều hoạt động tốt. Thông thường cắm vào là dùng, lần đầu tiên cắm vào thì mất khoảng 30 giây để hệ điều hành tự động tối ưu theo phần cứng mới, sau đó là sử dụng tốt.
Mỗi khi kết nối vào phần cứng mới thì cần làm một số việc như:
Phải thiết lập lại tap to click của trackpad
Máy sẽ tự động hỏi mật khẩu của iMess và Facetime để kích hoạt lại 2 dịch vụ này
Độ phân giải màn hình sẽ tự động được thiết lập ở chế độ “Best for display”
Tất cả những thiết lập khác không có gì thay đổi cả
Với một số máy đời cũ thì kết nối qua cổng thunderbolt không có tác dụng, lúc đó phải sử dụng bằng cable USB 3.0. Tuy nhiên, sử dụng cable nào thì tốc độ thực thi của máy cũng không thay đổi (hoặc là có thể mình không cảm nhận được)
Sử dụng USB 3.0 được không, thay vì phải dùng hdd box cồng kềnh? Bạn hoàn toàn có thể sử dụng USB 3.0 thay vì ổ cứng di động như trong bài viết này. Vấn đề là USB 3.0 đó cần có dung lượng đủ lớn, tốt nhất là từ 32GB trở lên. Trong trường hợp ngoài hệ điều hành thì bạn còn muốn chứ dữ liệu, cài thêm nhiều phần mềm thì nên dùng ổ cứng giống như mình, khi đó dung lượng lưu trữ sẽ lớn hơn, sử dụng thoải mái hơn.
Mình lựa chọn ổ cứng di động vì muốn sử dụng luôn để làm việc, cùng với nó là nhiều dữ liệu và phần mềm đi kèm. Mỗi lần dùng chỉ cần kiếm 1 máy tính Apple cắm vào là xong, không phải thiết lập lại. Nếu bạn chỉ muốn thử nghiệm thì nên sử dụng với USB 3.0
Lựa chọn ổ cứng cho box là HDD hay SSD? Trên thực tế thì HDD cũng được chứ không cần phải SSD, nhưng vấn đề là HDD chạy rung do cơ cấu chuyển động, ngoài ra nó cũng nóng hơn SSD. Và yếu tố chủ yếu nữa là HDD thì chậm hơn SSD rất là nhiều. Do đó để đảm bảo tốc độ, nhiệt độ cũng như độ bền thì SSD là lựa chọn sáng suốt.
Với ổ cứng di động mình đang dùng, kết nối với máy tính qua cable thunderbolt thì thời gian khởi động vào khoảng 15s đổ lại. Với cổng USB 3.0 thì lâu hơn 1 chút. Có một lưu ý nữa đó là nếu bạn dùng USB 3.0 thì nó nóng hơn so với dùng ổ cứng di động SSD.
Lựa chọn cổng Thunderbolt hay USB 3.0? Để cho giảm chi phí thì kết nối qua USB 3.0 đã là đủ rồi, tuy nhiên thunderbolt thì có tốt độ cao hơn. Do đó nếu được bạn nên sử dụng cable thunderbolt thay cho USB 3.0. Vấn đề là để mua được hdd box có hỗ trợ cổng thunderbolt cũng không đơn giản và nó cũng mắc hơn so với hdd box chuẩn USB 3.0.
Một vấn đề nữa là cable thunderbolt giúp máy tính nhận ổ cứng gắn ngoài nhanh hơn là USB 3.0. Bình thường muốn khởi động từ ổ cứng gắn ngoài thì lúc mở máy sẽ nhấn giữ phím ALT để vào bảng boot, với thunderbolt thì bảng danh sách này hiện ra nhanh hơn là với cable usb 3.0