Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Tàu Rosetta đã bắt đầu tiếp cận sao chổi Churyumov-Gerasimenko sau hành trình dài 10 năm

Rosetta.

Vào lúc 11:30 CET (16:30 giờ Việt Nam) ngày 6 tháng 8, trung tâm điều hành không gian của ESA tại Darmstadt, Đức đã nhận được các tín hiệu radio đầu tiên xác nhận rằng tàu thăm dò Rosetta đã bắt đầu tiếp cận và đi vào quỹ đạo quanh sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Vậy là sau cuộc hành trình dài hơn 10 năm, Rosetta đã trở thành tàu vũ trụ đầu tiên bay quanh một sao chổi.

Tàu Rosetta đã đến điểm hẹn với sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko sau gần 1 thập kỷ bay không ngừng nghỉ trong vũ trụ và sự kiện này cũng đã đánh dấu bước khởi đầu cho hoạt động thăm dò kéo dài hơn 1 năm nhằm mở rộng hiểu biết của chúng ta về giai đoạn sớm của lịch sử hệ Mặt Trời cũng như thử nghiệm lần hạ cánh đầu tiên lên một sao chổi vào tháng 11 tới. Rosetta đã trải qua một quãng đường dài 6,4 tỉ km và hiện đang cách Trái Đất 450 triệu km. Con tàu đang bay trên quỹ đạo quanh sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko và hướng vào bên trogn hệ Mặt Trời ở tốc độ khoảng 55.000 km/h.

Rosetta được phóng vào năm 2004 và để tiếp cận sao chổi, con tàu đã thực hiện một lộ trình vòng quanh gồm 3 lần bay ngang Trái Đất, 1 lần qua sao Hoả và 1 lần bay chệch hướng sao Mộc nhằm khai thác lực hấp dẫn từ hành tinh này để đạt tốc độ đủ lớn nhằm bắt kịp sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko. Trong suốt thời gian này, Rosetta cũng đã bắt gặp các tiểu hành tinh Steins, Lutetia và từng được đưa về trạng thái ngủ đông trong suốt 31 tháng để bảo tồn tài nguyên khi tiếp cận sao chổi.

Vào tháng 1, Rosetta đã được đánh thức bằng tín hiệu radio từ bộ phận khiểm soát sứ mạng và trong nhiều tuần, các trang thiết bị nghiên cứu khoa học đã được phục hồi hoạt động trong đó bao gồm cả gói thiết bị khảo sát sao chổi của NASA. Kể từ tháng 5, con tàu đã thực hiện 10 lần điều chỉnh quỹ đạo rất quan trọng mà bất cứ sai sót nào cũng có thể khiến Rosetta bay quá sao chổi mà không có cách nào quay trở lại.

Giống như hầu hết các sao chổi khác, Churyumov-Gerasimenko sở hữu một quỹ đạo hình elip. Nó bay quanh Mặt Trời một lần mỗi 6,5 năm và trên đường đi, nó bay ngoài quỹ đạo sao Mộc và bay trong quỹ đạo sao Hoả. Các nhà thiên văn tin rằng các sao chổi với thành phần chủ yếu gồm băng, đá và bụi là tàn dư của giai đoạn sớm của hệ Mặt Trời và chúng có thể cho chúng ta biết các hành tinh hình thành như thế nào. Thêm vào đó, một giả thuyết cũng được nhiều nhà khoa học tin tưởng là nước trên Trái Đất bắt nguồn từ một vụ va chạm với sao chổi.

Churyumov-Gerasimenko_02.


Trong quá trình tiếp cận, Rosetta đã hướng các camera định hướng và hệ thống camera OSIRIS về phía sao chổi. Nhờ vậy, chúng ta đã có được những hình ảnh đầu tiên về sao chổi Churyumov-Gerasimenko. Các hình ảnh cho thấy sao chổi này có hình thù lởm chởm, sắc cạnh hơn so với các tiểu hành tinh và mặt trăng từng được khám phá trước đây. Ngàoi ra, sao chổi còn có một chỗ thắt tại trung tâm, tạo nên hình thù kì dị chưa từng thấy.

ESA cho biết hoạt động quan sát từ các thiết bị đo sóng cực ngắn (MIRO) trên Rosetta cho thấy sao chổi Churyumov-Gerasminko đang mất nước ở tỉ lệ 300 ml mỗi giây. Trong khi đó, máy đo phổ ảnh hoá nhiệt hồng ngoại (VIRTIS) cũng đo được nhiệt độ bề mặt trung bình của sao chổi vào khoảng -70 độ C và điều này có nghĩa sao chổi này là một quả cầu tuyết, tối và không phản xạ ánh sáng mặt trời.

Rosetta hiện tại đang bay cách sao chổi Churyumov-Gerasimenko 100 km và nó sẽ giữ nguyên quỹ đạo này trong hơn 1 năm đến khi sao chổi bay trở lại sao Mộc. Do trọng lực của sao chổi quá thấp, con tàu không thể bay vòng quanh sao chổi ở cự ly gần hơn. Tuy nhiên, Rosetta sẽ di chuyển theo một loạt các quỹ đạo hình tam giác khi nó đến gần tâm sao chổi hơn trong vòng 6 tuần tới. Sau cùng, con tàu sẽ bay quanh sao chổi theo quỹ đạo tròn ở cự ly 30 km.

Churyumov-Gerasimenko.
Kích thước của sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko.

Khi tiếp cận Churyumov-Gerasimenko gần hơn, Rosetta sẽ khảo sát 5 điểm hạ cánh tối ưu cho tàu đổ bộ Philae nhằm thực hiện lần hạ cánh đầu tiên trong lịch sử lên một sao chổi. Quyết định cuối cùng sẽ được thực hiện vào tháng 10 và tàu đổ bộ Philae sẽ rời Rosetta và đáp lên bề mặt sao chổi vào ngày 11 tháng 11 theo kế hoạch.

Nhà khoa học Matt Taylor làm việc cho dự án Rosetta của ESA cho biết: "Trong vòng vài tháng tới, bên cạnh việc mô tả đặc điểm tâm của sao chổi và thiết lập các cột mốc cho phần còn lại của sứ mạng, chúng tôi sẽ bắt đầu chuẩn bị cho sự kiện lịch sử tiếp theo: hạ cánh trên một sao chổi. Sau khi hạ cánh, Rosetta sẽ tiếp tục theo dõi sao chổi cho đến khi nó tiến gần Mặt Trời vào tháng 8 năm 2015 và việc quan sát hành vi của sao chổi ở cự ly gần sẽ cho chúng tôi một cái nhìn cặn kẽ và trải nghiệm thực tiếp về sao chổi khi nó bay quanh Mặt Trời."


Nguồn: ESA