Đánh giá chi tiết Lenovo A3000: máy tính bảng 7" 2 sim 2 sóng
Điện thoại 2 sim 2 sóng thì có nhiều rồi, nhưng máy tính bảng mà cũng 2 sim 2 sóng như chiếc Lenovo A3000 này thì quả là hiếm. Bạn sẽ làm gì với một cái máy tính bảng màn hình 7” mà có đến 2 sim nhỉ? Tuy nhiên làm gì thì còn tính sau, trước mắt cần phải đánh giá xem chất lượng cũng như các tiêu chí khác như màn hình, tốc độ có đủ để sử dụng không đã. Cảm nhận đầu tiên thì Lenovo A3000 không khác gì chiếc điện thoại với màn hình cực to cả, ngay cả đến nắp lưng nó cũng giống điện thoại ở chỗ có thể tháo được, máy có loa thoại, có micro, có cảm biến tắt màn hình khi để lên tai nói chuyện. Vừa qua, Lenovo đã chính thức ra mắt A3000 tại thị trường Việt Nam với giá bán lẻ là 5,49 triệu.
Thông số kỹ thuật của Lenovo A3000:
- Hai SIM: micro SIM - Sim 1 hỗ trợ 3G, sim 2 không có 3G (chỉ có E)
- Hệ điều hành: Android 4.2.2 Jelly Bean
- CPU: MediaTek bốn nhân (Cortex-A9), xung nhịp 1GHz
- GPU: PowerVR SGX531
- Màn hình: IPS LCD 7”, độ phân giải 600 x 1024 (170 ppi)
- RAM: 1GB
- Bộ nhớ trong: 16GB
- Thẻ nhớ: microSD
- Camera chính: 5 MP
- Kết nối: Bluetooth 4.0, Wi-Fi n, micro USB, A-GPS
- Kích thước: 194 x 120 x 11 mm
- Nặng: 339 gram
- Pin: Li-Po 3500 mAh, không tháo được
Thiết kế
Lenovo A3000 có thiết kế bình thường như bao chiếc máy tính bảng khác, may mắn là thiết kế này không xấu, bầu bĩnh, mềm mại. Tuy là máy tính bảng nhưng nó có thể tháo nắp sau được, tháo ra để thay sim, thay thẻ nhớ. Nhưng không thay pin được, pin của máy đã được gắn kỹ ở bên trong và phủ tấm bảo vệ.
Viền màn hình của A3000 là khá lớn làm cho tổng thể lớn, tuy nhiên thiết kế cong của nắp lưng làm giảm cảm giác khó chịu đi khá nhiều, chính vì thế bạn có thể cầm máy bằng một tay mà không cảm thấy bị cấn. Mặt trước ở cạnh dưới có logo Lenovo, cạnh trên là loa thoại và cảm biến, tất cả được bố cục khá cân đối. Máy không có các phím chức năng mà chúng đã được hiển thị trên màn hình cảm ứng (phím ảo). Bao lấy toàn bộ màn hình là khung máy được làm bằng chất liệu cứng, có vẻ như là nhựa cứng, được sơn bóng với ánh kim loại, nhìn rất là chắc chắn.
Nắp lưng của máy khá lớn, tháo ra thì có nguyên một mảng lớn mà chúng ta cũng không làm gì được ở đây ngoài việc thay sim và thẻ nhớ. Có vẻ như lenovo không muốn người dùng can thiệp vào pin của máy, nhưng cũng muốn sau này sửa chữa được dễ hơn nên mới sử dụng thiết kế này. Mình đã thử tháo 2 con ốc đặt ở vị trí trên viên pin thì thấy vẫn chưa mở tiếp được, có lẽ phải tháo hết ốc ở đây ra mới được.
Nắp lưng của Lenovo A3000 được thiết kế với các vân dạng lưới, chống bám vân tay, chống mồ hôi chính vì thế nó khá sạch sẽ. Có vẻ như nó còn chống cả trầy nhẹ nữa, mình dùng hơn 1 tuần, quăng quật nhiều mà chưa thấy vết trầy nào cả. Nắp lưng này có một điểm yếu là tháo ra vào nhiều lần thì nó bị ọp ẹp, cầm tay vào gây cảm giác khó chịu, bạn có thể khắc phục bằng cách chêm giấy hoặc dùng keo dính 2 mặt cũng được (đùa đấy ).
Như bao chiếc điện thoại khác, cái dép Lenovo A3000 có loa thoại và micro ở các vị trí trên và dưới, nhưng vì kích thước lớn nên việc úp lên mặt để nghe không mấy thoải mái, thỉnh thoảng bạn còn đặt lệch loa làm cho nghe điện thoại không được tốt. Tốt nhất là bạn nên dùng một chiếc tai nghe bluetooth với cái máy này. Hai phím tăng giảm âm lượng đặt ở phần trên của cạnh phải, riêng có phím power thì đặt trên đỉnh máy. Phím power hơi chìm, rất nhiều lần mình mò hoài mà không định vị được phím này. Đỉnh máy còn có cổng sạc microUSB và giắc cắm tai nghe.
Lenovo còn trang bị cho A3000 tính năng rung khi nhận cuộc gọi, nói thì hơi buồn cười, nhưng với một cái điện thoại to như thế này mà có rung thì cũng đáng để nói đến. Thực tế thì mỗi khi có điện thoại tới thì nhạc chuông khá to, át cả rung vì thế không cần kích hoạt rung cũng được. Hơn nữa với thân hình quá khổ, rung trên A3000 cũng bị giảm cường độ đi khá nhiều.
Màn hình - Camera
Bạn không thể yêu cầu quá cao ở một chiếc máy tính bảng 3G giá 5tr5, và lenovo cũng không trang bị công nghệ tốt để tiết kiệm chi phí. Chính vì thế không quá ngạc nhiên khi màn hình của A3000 không xuất sắc và camera thì như để làm cảnh dù rằng nó lồi hẳn ra nhìn rất là hoành tráng.
Điểm sáng là dù độ phân giải không cao làm hình ảnh và chữ bị rỗ thì công nghệ IPS cũng giúp cho chất lượng hiển thị không tệ. Màu sắc cũng như góc nhìn là tốt, không xấu giống như những chiếc máy tính bảng giá rẻ khác. Đây có thể coi là điểm mạnh, đủ để A3000 cạnh tranh với các lựa chọn khác. Nếu so sánh với một chiếc máy màn hình đẹp (HTC One chẳng hạn) thì bạn sẽ nhận thấy màn hình A3000 hơi bị ngả vàng 1 chút xíu, không nặng lắm và chấp nhận được. Với độ phân giải chỉ có 600 x 1024 thì mỗi khi có nội dung nào đó hiển thị ở font kích thước nhỏ bạn sẽ khó chịu để nhìn, với các font kích thước lớn thì thoải mái hơn.
Phần mềm và Hiệu năng
Khá khen cho lenovo với bản rom họ dùng trên A3000. Lần đầu tiên cầm vào mình đã ngạc nhiên vì không thấy giao diện đặc trưng của hãng, thay vào đó họ biến tấu 1 chút với giao diện mặc định của Android. Điều này khá quan trọng với một chiếc máy có cấu hình không cao, giúp máy hoạt động mượt mà, các giao diện đồ hoạ thống nhất với nhau. A3000 sử dụng giao diện máy tính bảng chứ không phải điện thoại.
BXL 4 nhân của máy được cung cấp bởi MediaTek với tốc độ 1GHz. Đây là hệ thống 4 nhân giá rẻ, vì thế tốc độ thực thi là không cao, điểm mừng là nhân Cortex A9 chứ không phải A5 hay A7. Vì thế dù nói tốc độ thực thi không cao thì nó cũng không quá tệ, vẫn tốt hơn những chiếc điện thoại 4 nhân khác những chỉ dùng Cortex A5 hoặc A7. Nhân xử lý là một yếu tố rất quan trọng để bạn lựa chọn, khi mà các hãng thường đánh lừa người dùng bằng mỹ từ quảng cáo: “vi xử lý 4 nhân mạnh mẽ”, trong khi không nói rõ là sử dụng nhân loại nào, hiệu năng của chúng rất khác nhau. Điểm số ở dưới đây phản ánh khá rõ hiệu năng của A3000.
Việc được trang bị Android 4.2.2 cũng giúp cho trải nghiệm người dùng trên A3000 được tốt hơn. Không cần phải tùy chỉnh nhiều, những tính năng có sẵn cũng đã đủ để bạn sử dụng máy một cách thoải mái. Trượt tay từ bên trái thanh notification xuống là mở khu vực thông báo, trượt từ bên phải xuống thì là khu vực phím chức năng - nơi mà bạn có thể tắt mở nhanh các kết nối, chỉnh độ sáng màn hình ...
Có một lưu ý đó là với A3000 xách tay từ TQ thì không có sẵn Google Play và tiếng Việt, còn với hàng chính hãng VN thì bạn đã được tích hợp sẵn Google Play và giao diện tiếng Việt rồi.
Thời lượng dùng pin
Viên pin 3500 mAh đủ để máy hoạt động với tần suất bình thường trong khoảng 5 đến 6 tiếng onscreen, đây là mức khá tốt. Tất nhiên với mỗi người dùng thì cách dùng đều khác nhau vì thế khó mà đánh giá toàn vẹn được, với các bài kiểm tra thì màn hình luôn để ở mức 50% và sử dụng ở mức khá cao để thử tính năng máy. Một bài kiểm tra đơn giản là xem film online trên Youtube thông qua wifi trong 2h20p thì tiêu tốn hết 34% pin.
Hiện tại pin của máy còn 37% với màn hình đã mở hơn 3h24p. Có một điểm lạ là màn hình A3000 không phải là thành phần gốn pin nhất, mà vị trí đầu thuộc về sóng điện thoại và wifi, có lẽ Lenovo nên cải tiến chỗ này, khi đó pin máy sẽ tốt hơn.
Kết luận
Với mức giá 5tr5 cho máy chính hãng, Lenovo A3000 là một lựa chọn khá ổn. Bạn có 2 khe sim để sử dụng, có màn hình đủ dùng, thời gian sử dụng pin tốt, thiết kế không quá xấu. Điểm trừ ở nắp sau ọp ẹp có thể khắc phục được.