Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Vũ khí laser đã xuất hiện từ thập niên 70 - 80 theo tiết lộ của Anh

laserweapon-42
Tổ hợp laser tự hành 1K17 Sjatie của Liên Xô.

Laser xưa nay vẫn được xem là một loại vũ khí của tương lai và chúng ta hầu như chỉ có được cái nhìn rõ ràng về nó qua hệ thống vũ khí laser LaWS lắp trên chiến hạm USS Ponce của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, các tài liệu tuyệt mật vừa được công bố của Anh đã chứng minh rằng không chỉ chế tạo thành công vũ khí laser trong những năm 1970 - 1980, các cường quốc tham chiến cũng đã triển khai loại vũ khí này trên chiến trường. Nội dung của một lá thư gởi từ Bộ quốc phòng Anh cách đây 30 năm đã tiết lộ rằng vũ khí laser từng được triển khai trên tàu chiến Hoàng Gia Anh trong suốt cuộc chiến tranh chấp đảo Falkland với Argentina năm 1982. Chính phủ Anh lúc bấy giờ đã rất quan ngại về một loại vũ khí tương tự được các quốc gia đằng sau Bức màn sắt phát triển.

Tia laser đầu tiên được phát minh vào những năm 1960 và nó nhanh chóng cho thấy khả năng tạo ra mật độ năng lượng đủ lớn để đốt cháy các lưỡi dao bằng thép. Công chúng bắt đầu có được sự hình dung về vũ khí laser thông qua một dự án phòng thủ có tên X-ray Laser do Chương trình phòng thủ chiến lược (SDI) thuộc bộ quốc phòng Mỹ đề xuất thời chiến tranh lạnh. Theo ý tưởng ban đầu, dự án sẽ thành lập một lá chắn laser X-ray hoạt động bằng các vụ nổ hạt nhân. Lá chắn sẽ được triển khai bằng một loạt các tên lửa được phóng từ tàu ngầm hoặc vệ tinh trên quỹ đạo trong đợt tấn công thứ 2 của Xô-viết. Các vệ tinh được tích hợp đầu đạn hạt nhân và trên lý thuyết, năng lượng từ vụ nổ của đầu đạn có thể kích hoạt hàng loạt bộ phát xạ laser trên tên lửa hoặc vệ tinh. Qua đó, mỗi vệ tinh có thể bắn hạ nhiều đầu đạn của Xô-viết cùng lúc. Biện pháp này được cho là tiên tiến hơn và nhanh hơn so với laser quang học bởi laser quang học chỉ có thể bắn hạ từng đầu đạn trong 1 lần. Số lượng đầu đạn có thể phá hủy đối với mỗi phát bắn laser bị giới hạn.

falklands-laser-4

Tuy nhiên, vào ngày 26 tháng 3 năm 1983, thử nghiệm đầu tiên về hệ thống phòng thủ X-ray laser diễn ra trong hầm ngầm đã mang lại những kết quả không như mong đợi. Cụ thể, khi vụ nổ hạt nhân được dùng làm nguồn năng lượng để kích hoạt các bộ phát xạ laser, thiết bị soát lỗi của hệ thống đã bị phá hủy trong quá trình thử nghiệm, do đó kết quả từ cuộc thử nghiệm không thể được xác định. Sau cùng, dự án X-ray laser đã khép lại nhưng laser vẫn được xem là vũ khí tốt nhất dành cho các hệ thống phòng thủ.

Trên thực tế, laser từ lâu đã là một phần trong kho vũ khí của nhiều cường quốc. Các văn bản vừa được tiết lộ cho thấy trong cuộc xâm chiếm cảng Stanley ngày 2 tháng 4 năm 1982 phát động cuộc chiến tranh Falkland, Hải quân Hoàng Gia Anh đã lần đầu tiên sử dụng vũ khí laser để đáp trả.

Cuộc chiến giành đảo Falklands là một sự kiện lịch sử theo nhiều khía cạnh. Đây là trận thủy chiến lớn duy nhất kể từ sau chiến tranh thế giới II, là cuộc chiến tranh tên lửa hiện đại đầu tiên, là thời điểm Anh thoát khỏi tình trạng tê liệt gây ra bởi cuộc khủng hoảng kênh đào Suez và một trong những cuộc dàn quân đáng chú ý nhất kể từ thế chiến thứ II khi Hải quân Hoàng Gia Anh đã tìm cách triển khai một lực lượng đặc nhiệm để chiếm lại các đảo Falkland trong 2 tháng, 1 tuần và 5 ngày.

Trong suốt thời gian chiến sự, vũ khí laser đã được Hải quân Hoàng Gia Anh triển khai để triệt hạ các máy bay chiến đấu của Argentina. Tuy nhiên, vũ khí laser này không bắn ra chùm tia mang năng lượng lớn để đốt cháy máy bay trên không như hệ thống LaWS hiện đại của Mỹ. Thay vào đó, nó được thiết kế để làm lóa mắt các phi công chiến đấu cơ của Argentina.

Từ một bức thư do bộ trưởng bộ quốc phòng Anh - Michael Heseltine gởi đi vào ngày 17 tháng 1 năm 1983, ông nhấn mạnh rằng lực lượng đặc nhiệm (Task Force) đã được trang bị một loại vũ khí laser tầm trung. Trích từ nội dung bức thư gởi đến lực lượng đặc nhiệm: "Chúng tôi đã phát triển và triển khai khẩn cấp một loại vũ khí laser - được thiết kế để làm lóa mắt các phi công máy bay chiến đấu tầm thấp của Argentina khi họ tấn công tàu, cho lực lượng Task Force tại Nam Đại Tây Dương. Loại vũ khí này chưa từng được sử dụng trước đây và thông tin về nó vẫn được bảo mật rất kĩ càng."

Bức thư của Heseltine cũng tiết lộ nhiều điều thú vị về lịch sử phát triển của vũ khí laser. Theo ông, Anh quốc đã bắt đầu nghiên cứu về vũ khí laser kể từ khi tia laser được phát minh vào đầu những năm 1960 nhưng sự quan tâm đối với vũ khí laser chỉ lên đến đỉnh điểm sau một phát hiện quan trọng của Mỹ vào năm 1972. Ông không tiết lộ phát hiện này là gì nhưng khả năng là sự phát triển của loại laser khí năng động năng lượng cao (High-energy gas dynamic laser) có thể tạo ra đủ năng lượng để bắn hạ máy bay hay tên lửa. Heseltine đã cho biết Anh và Mỹ đã liên tục trao đổi thông tin về chủ đề vũ khí laser và vào năm 1974, một chương trình của Anh đã được thiết lập để đánh giá mức độ thiệt hại gây ra bởi laser và các hiệu quả lan truyền.

Kết quả từ các chương trình nghiên cứu của Anh năm 1979 khả quan hơn với việc sử dụng laser tầm trung để bắn phá các mục tiêu mềm như mắt, thiết bị quang học và cảm biến điện-quang. Thêm vào đó, lá thư của Heseltine cũng chi ra rằng vào giai đoạn giữa thập niên 80, Xô-viết có thể đã phát triển một vũ khí laser tương tự và được trang bị trên tàu chiến Kirov. Những vũ khí như vậy có thể mang lại lợi thế cho các nước khối Warsaw nếu chúng được sử dụng kết hợp với các khí tài quân sự khác để tấn công lực lượng NATO.

laserweapon-45

laserweapon-46 laserweapon-51

Thật vậy, Xô-viết lúc bấy giờ đang phát triển vũ khí laser và thậm chí họ chế tạo phiên bản thử thiệm phương tiện laser tự hành 1K17 Sjatie. Phương tiện bao gồm một hệ thống máy chiếu laser với thành phần quang học được chế tạo từ ruby đỏ lắp trên khung gầm MSTA-S của pháo tự hành 2S19 "Msta-S". Hệ thống này phát ra tia laser vô hiệu hóa các cảm biến, trang thiết bị điện-quang học, trang thiết bị tên lửa, mặt đất và máy bay của NATO. Tuy nhiên, do chùm laser được tạo ra bằng cách tập trung ánh sáng thông qua các khối ruby nhân tạo nặng 30 kg nên giá thành sản xuất cả hệ thống rất đắt đỏ. Cuối cùng, khi Liên Xô sụp đổ, hoạt động phát triển Sjatie cũng rơi vào quên lãng. Chỉ có 2 nguyên mẫu 1K17 Szhatie được thử nghiệm, 1 chiếc thì đã trở thành phế liệu còn 1 chiếc đang được trưng bày tại viện bảo tàng công nghệ quân sự gần Moscow nhưng không có hệ thống máy chiếu laser. Trước mối đe dọa tiềm tàng của Xô-viết, Anh đã tập trung vào các vũ khí laser hạng trung và các biện pháp đối phó. Tuy nhiên, kể từ khi laser cho thấy điểm yếu khi hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, vũ khí laser đã không còn được xem là giải pháp thay thế cho các vũ khí truyền thống.

falklands-laser
HMS Hermes - 1 trong những tàu sân bay của Hải quân Hoàng Gia Anh được cho là được trang bị vũ khí laser.

Chi tiết về việc Hải quân Hoàng Gia Anh đã triển khai vũ khí laser trong cuộc chiến Falklands như thế nào vẫn chưa được tiết lộ nhiều. Thế nhưng, nhiều khả năng họ đã sử dụng hệ thống laser làm lóa (LDS) được thiết kế chuyên dụng để vô hiệu hóa cảm biến trên máy bay và phi công. Trong một cuốn sách có tựa đề "The Naval Institute Guide to World Naval Weapons Systems" của chuyên gia phòng thủ Norman Friedman xuất bản năm 1997-1998, ông cho biết Anh quốc đã phát triển một thiết bị cầm tay dùng ốm nhòm để ngắm. Sau đó, có những tài liệu cho biết thiết bị được cơ giới hóa và hoạt đông trong các bước sóng cận hoàng ngoại. Vẫn chưa rõ chiến hạm nào của Hải quân Hoàng Gia Anh được trang bị loại laser này nhưng có thể là những tàu khu trục, tàu tấn công đổ bộ hay 2 hàng không mẫu hạm trong lực lượng Task Force.