Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Xposed framework, cài các bản mod phần mềm/tính năng/giao diện cho Android một cách dễ dàng

Xposed_tinhte_Android.

Từ trước đến nay khi muốn chỉnh sửa (mod) một thứ gì đó trong hệ thống của Android, chúng ta thường phải sử dụng các trình quản lí tập tin để thay thế file, chỉnh sửa dòng mã, hoặc flash các tập tin từ bên ngoài. Những thao tác này quá phức tạp và tốn thời gian, một số bản mod còn đòi hỏi thêm nhiều bước thiết lập dài dòng nữa. Để giải quyết vấn đề này, lập trình viên rovo89 của diễn đàn XDA đã tạo ra một bộ khung phần mềm cho phép việc mod các thành phần hệ thống được dễ dàng hơn. Bộ khung này có tên là Xposed và những bản mod có thể được cài thông qua các tập tin APK như cài app, rất đơn giản và nhanh chóng. Hôm nay mình sẽ giới thiệu với các bạn về Xposed cùng với một số bản mod hay. Nếu bạn cũng đang dùng bộ khung này thì bạn hãy cùng chia sẻ luôn nhé.

1. Xposed hoạt động như thế nào?

Phần này hơi nặng về kĩ thuật một chút, nếu không thích bạn có thể xuống thẳng phần 2 để xem cách cài đặt.

Theo rovo89, anh ta đã thiết lập lại file chạy chứa ở địa chỉ /system/bin/app_process để nó load một tập tin JAR đặc biệt khi máy chạy lên. Các class trong file Java này sẽ được đưa vào mọi tiến trình (process) khi thiết bị Android hoạt động, kể các những process thuộc về hệ thống, nên chúng có thể hoạt động với quyền rất cao. Các lập trình viên tạo ra bản mod thậm chí được phép thay đổi method của những process để nó hoạt động theo ý của họ. Chính điều này giúp Xposed trở nên vô cùng manh mẽ bởi lập trình viên có thể thay đổi tham số, chỉnh sửa giá trị trả về của các hàm trong hệ thống (hoặc trong các app bên thứ ba) và rất nhiều thứ khác nữa. Việc thêm hoặc thay thế các tập tin resource của app cũng rất dễ dàng.

Nói tóm lại, lợi ích của Xposed là:
  • Không cần chỉnh sửa file APK của các ứng dụng bên thứ ba, giúp lập trình viên tiết kiệm thời gian decompile, chỉnh sửa rồi lại compile
  • Hoạt động với hầu hết các ROM
  • Bản mod sẽ không bị ràng buộc với một ROM nhất định, trừ khi lập trình viên muốn như thế.
  • Nhiều bản mod có thể được cài cùng lúc
  • Người dùng có thể tắt bật các bản mod mà không phải flash lại máy
  • Nguồn mở
2. Tải về và cài đặt Xposed (chỉ làm một lần)

Đảm bảo máy của bạn đã root trước khi tiến hành cài

Trước hết, bạn hãy tạo một bản backup thiết bị của mình, backup mọi thứ luôn để đề phòng trường hợp máy bị lỗi thì có thể quay về. Tốt nhất là tạo bản NandAndroid Backup. Chi tiết có thể xem tại bài viết [Thủ thuật] Sao lưu cái loại dữ liệu trên điện thoại Android. Mình sẽ không chịu trách nhiệm nếu bạn làm brick hay hỏng máy.

Để cài Xposed Installer, bạn hãy tải về tập tin XposedInstaller_2.1.4.apk. Nó là một file cài bình thường. Hãy chép nó vào thiết bị Android của bạn rồi sử dụng các trình quản lí tập tin (như Astro File Manager chẳng hạn), duyệt tìm nó và cài đặt như bao phần mềm khác. Sau đó tải thêm file Xposed-Disabler-CWM.zip và cũng chép vào máy, tác dụng thì mình sẽ nói sau.

Xposed_INstaller.

Khi quá trình dài đặt đã kết thúc, bạn sẽ thấy một phần mềm tên Xposed Installer xuất hiện trong máy. Chạy nó lên. Nhấn vào nút Install/Update. Chờ cho máy hiện thông báo hoàn thành rồi nhấn nút Reboot (hoặc tự tắt mở lại máy cũng được) là xong. Quá trình cài có thể mất 1-2 phút tùy thiết bị nên bạn hãy kiên nhẫn nhé, đừng thấy lâu rồi lại thoát Xposed Installer thì phiền lắm.

Bắt buộc với HTC One (mọi ROM, bất kể là gốc hay cook):
  • Tải về file APK cài Xposed Installer - DOWNLOAD
  • Cài file apk đó, sau đó chạy Xposed Installer lên, chọn Install / Update
  • Tải về file zip này rồi chép nó vào máy của bạn - DOWNLOAD (ROMraid)
  • Vào Recovery flash file zip này để đảm bảo Xposed không tự reset
  • Xong.
Khắc phục lỗi:

Trong trường hợp bạn bị khởi động lại mãi (boot loop)
Như đã nói ở trên, bạn đã tải về file Xposed-Disabler-CWM.zip, chép nó vào bộ nhớ trong hoặc thẻ SD. Nếu bị boot loop thì vào recovery và flash file này là xong. Ngoài ra, bạn cũng có thể phục hồi lại bản backup máy đã tạo trước đó.

3. Cách cài các bản mod

Lưu ý: không phải mọi bản mod đều có thể chạy trên máy của bạn, một số máy không tương thích thì bị lỗi force close hoặc áp dụng mod nhưng không thấy gì.

Vậy là chúng ta đã có bộ khung, giờ thì phải cài thêm những bản mod. Cách cài chung cho bất kì một bản mod nào đó là:
  1. Tải file <tên bản mod>.apk, cài vào máy
  2. Chạy Xposed Insatller lên, chuyển qua thẻ Modules (bạn cũng sẽ nhận được thông báo nếu chưa kích hoạt bản mod)
  3. Kích hoạt bản mod bằng cách chọn vào dấu tick ở đầu dòng
  4. Khởi động lại máy
  5. Xong, bạn đã có thể chạy bản mod lên để tiếp tục tinh chỉnh
4. Một số bản mod hay


Icon Themer - Thay đổi biểu tượng ứng dụng

Icon_Themer.

Tải về Icon Themer

Có thể tải về bản tính phí trên Google Play để hỗ trợ cho các bạn lập trình viên

Đây là phần mềm cho phép chúng ta thay đổi các biểu tượng của hệ thống một cách siêu nhanh chóng, bạn chẳng phải ngồi thay từng icon hay phải flash file nào cả. Nó tương thích với bộ icon của các launcher phổ biến như ADW, Apex, NOVA, Go Launcher. Không chỉ đổi icon ở launcher, Icon Themer còn đổi nó ở tất cả những nơi khác xuyên suốt toàn hệ thống luôn.

Sau khi tải và cài đặt Icon Themer, bạn hãy chạy nó lên. Trong màn hình chào mừng có đường link đến các bộ icon trên Google Play. Hãy chọn cái mà bạn thích rồi tải nó về. Mở lại Icon Themer, nhìn xuống cuối màn hình, bạn sẽ thấy dòng Choose icon pack, chọn bộ icon bạn vừa tải rồi nhấn Apply Icon Pack là xong.

PeerBlock - Chặn quảng cáo

Tải về PeerBlock

Sau khi cài và tải về PeerBlock, bạn hãy:
  1. Vào trang web www.iblocklist.com (nên vào bằng điện thoại luôn cho tiện)
  2. Chọn bất kì danh sách các đường dẫn để chặn, và để chặn quảng cáo thì xài list này http://www.iblocklist.com/list.php?list=bt_ads
  3. Chọn File Format là .zip, nhấn nút Update màu xanh để tải về danh sách vào máy của bạn. Giải nén file zip để có được file *.txt
  4. Chép file txt này vào thư mục PeerBlockLists trên thẻ microSD hoặc vào bộ nhớ trong tùy máy của bạn
  5. Chạy app PeerBlock lên, chọn vào ô "Block DNS" và "Block 'Ad' Keyword in the Host name"
  6. Chuyển qua thẻ "Block Lists" và nhấn vào nút "Rebuild cache blocklist"
  7. Khởi động lại máy là xong
PeerBlock.

Chỉnh sửa hình nền và độ trong suốt của khu vực thông báo trong Android

screenshot.

Tải về NCB

Sau khi tải về, bạn chỉ cần chạy phần mềm NCB trên khu vực duyệt ứng dụng Android của bạn. Trong giao diện mới mở, nhấn nút Select image để chọn tấm ảnh bạn muốn làm nền cho khu vực thông báo, kéo thanh trượt bên dưới để chọn độ trong suốt (transparency) rồi nhấn Apply. Khởi động lại máy để thấy thành quả.

Lưu ý: mình đã thử và bản mod này không chạy trên HTC One, chỉ chạy trên chiếc Nexus 4 của mình

WisdomSky Xploit - thay đổi màu của thanh status bar

Widsom_Sky.

Tải về WisdomSky

Phần mềm này cho phép bạn chỉnh khá nhiều thứ của status bar, chẳng hạn như màu nền, màu đồng hồ, kích hoạt hiệu ứng đổi màu của đồng hồ, chọn font chữ, kiểu chữ cho đồng hồ. Giao diện để chọn màu khá hay, bạn có ba thanh trượt để chuyển cho đến khi nào tìm được đúng màu mình thích. Bạn cũng có thể lên trang web http://www.colorpicker.com, chọn màu mình thích, sau đó sao chép mã HEX (có dạng giống như #a7939y8) của màu đó rồi nhập vào trong WisdomSky cho nhanh.

Sau khi đã chọn hết các tùy chọn ưng ý, bạn hãy cuộn xuống cuối giao diện của WisdomSky, nhấn vào nút đầu tiên. Sau đó tiếp tục nhấn nút thứ hai để máy khởi động lại là bạn sẽ thấy được sử thay đổi trong giao diện.

Lưu ý: những thứ tùy chỉnh về giao diện như thế này chỉ áp dụng tốt cho các ROM Android gốc (AOSP, AOKP, CM) và cận gốc, còn những ROM Sense, TouchWiz thì rất khó để thành công.

Thay đổi biểu tượng pin


Cách cài đặt những biểu tượng này rất dễ, bạn chỉ việc tải về file apk tương ứng với icon pin mà bạn muốn, cài nó vào máy, vào Xposed Installer để kích hoạt đúng icon đó là xong. Bạn có thể tắt bộ icon này để chuyển sang bộ icon khác tùy ý thích.

1. Green_circle - [IMG]
2. Grey Circle - [IMG]
3. White circle - [IMG]
4. Black bubble - [IMG]
5. Grey 3D
6. Black Titanium
7. Blue Circle (solid) - [IMG]
8. Hour glass - [IMG]
9. Sense Tube - [IMG]
10. Sense Tube2 - [IMG]

19. UOT Castaway - [IMG]
21. Blue glass 3D

XThemeEngine - Thay đổi theme cho thiết bị

XThemeEngine.

XThemeEngine cho phép bạn thay đổi giao diện của thiết bị giống với Theme Engine được tích hợp trong ROM CyanogenMod 10. Bạn chỉ cần cài file apk của theme, sau đó chạy XThemeEngine và chọn đúng theme vừa cài để sử dụng. Không phải flash, không phải dùng MetaMorph vất vả nữa.

Những thiết bị tương thích với XThemeEngine đã được test thử:
  • Galaxy Nexus (4.2 stock)
  • Xperia V (JB Stock)
  • Galaxy S3 (JB Stock)
  • Galaxy Note 2 (JB Stock)
  • Xperia U, Xperia P, Xperia T, Xperia TX, Xperia Sola
  • Galaxy S Duos
  • Lenovo A800
  • Ainol Novo Hero2
  • HP Touchpad 4.2.2
  • Cherry Mobile Flare / Karbonn A9+
  • LG L9
  • LG Optimus G
  • Motorola RAZR HD
  • Galaxy S Advance I9070
  • LG Motion 4G
Không chạy với:
  • HTC One X(L) Stock
  • HTC One Stock
  • Các thiết bị dùng chip x86 của Intel
Anh em tinh tế có một topic về cái XThemeEngine này, mời các bạn cùng vào thảo luận


Tổng hợp một số theme:

Hoặc tải hết tất cả các theme ở đây http://androidfilesharing.com/sharin...lic/4c72b5.php


Đổi App Picker (công cụ chọn ứng dụng mặc định) của Android Jelly Bean về lại kiểu của Android 4.0

App_Picker.

Trên Android, Google tích hợp sẵn cho chúng ta một công cụ để chọn app mặc định khi thực hiện một thao tác nào đó, ví dụ khi mở ảnh thì bạn sẽ được chọn mở bằng ứng dụng nào. Công cụ này gọi là App Picker. Hồi Android 4.0, công cụ này có giao diện, chỉ đơn giản liệt kê hết những app có thể phục vụ cho thao tác đó và chạm một lần là thao tác sẽ được thực hiện ngay.

Lên Android 4.1 trở về sau, Google chỉnh sửa thành phần này khiến chúng ta phải nhấn hai lần mới thực hiện được thao tác, phiền phức và chậm hơn. Lại có thêm hai nút Always và Just Once nữa, mất công quá.

Để chuyển App Picker của Android Jelly Bean về lại kiểu của Android 4.0, bạn hãy cài Altarnate App Picker. Sau khi cài xong, vào Xposed Installer, bật ô chọn trước chữ Altarnate App Picker lên, khởi động lại thiết bị là hoàn tất. Và để chọn một app nào làm mặc định luôn, bạn chọn vào ô Always ở góc dưới bên phải App Picker nhé.


MoDaCo Toolkit - Công cụ tất cả trong một

Đây là công cụ thuộc dạng khủng, nó có thể giúp bạn chỉnh sửa rất rất rất nhiều thứ trong hệ thống. Ngoài ra, tác giả cũng đã tích hợp thêm một số bản mod dành riêng cho HTC One vào MoDaCo Toolkit. Tất nhiên là phần mềm này cũng được dựa trên Xposed rồi.

Để sử dụng, trước hết, hãy tải về Toolkit tại đây. Sau đó cũng vào Xposed Installer để kích hoạt MoDaCo Toolkit lên. Bạn có thể chạy MoDaCo Toolkit từ bên ngoài app drawer hoặc từ trong Xposed Installer cũng được tùy ý thích.

MoDaCo_Toolkit_HTC.

Lưu ý là sau khi chạy app lên, chờ vài giây để bỏ qua màn hình quảng cáo

Những tùy chỉnh mà MoDaCo Toolkit cung cấp chia thành nhiều nhóm nhỏ, bao gồm:
  • Facebook:
    • Facebook Home: Bắt buộc Facebook Home tương thích với thiết bị của bạn
  • Google:
    • Waller - Vô hiệu hóa Google Wallet, không cho nó kiểm tra vùng miền của bạn
    • Force Play Store to 720P - thiết bị của bạn sẽ hiện diện trong kho ứng dụng Google Play như là một thiết bị có màn hình độ phân giải 720p, hữu dụng nếu như bạn không tìm ra những app viết riêng cho máy độ phân giải cao.
    • Prevent app disabling - ứng dụng nào không hỗ trợ cho quốc gia mà bạn đang ở sẽ không bị vô hiệu hóa khi máy mở lên
  • Google Nexus 7:
    • Show Camera in launcher - hiện biểu tượng camera vốn đã bị ẩn đi
  • Google Nexus (all):
    • Disable safe volume warning - vô hiệu hóa thông báo "tăng âm lượng sẽ làm hại tai..." khi bạn dùng tai nghe
    • Enable multi-user support - kích hoạt chế độ đa người dùng trên các máy Nexus không mặc định hỗ trợ (như Nexus 4 chẳng hạn)
    • Enable advanced reboot options - khi nhấn giữ phím menu, trong menu xuất hiện, bạn sẽ có nhiều tùy chọn bao gồm reboot / recovery / bootloader reboot
    • Show user on power menu - chuyển giữa nhiều người dùng khác nhau ở menu xuất hiện khi nhấn nút nguồn
  • HTC First:
    • Hide carrier in status bar - ẩn tên nhà mạng ở góc trên bên phải
  • Pebble:
    • Low priority notification - ẩn icon của đồng hồ thông minh Pebble trên thanh thông báo
  • System:
    • Allow all rotations - cho phép xoay màn hình theo mọi chiều, kể cả việc chổng ngược màn hình.
    • Device properties - cho phép tinh chỉnh nhiều thông số về thiết bị, ví dụ như tên nhà sản xuất, tên máy, model máy,...
    • Enable action bar menu button - nút menu mềm sẽ luôn được hiển thị ngay cả khi máy của bạn có một nút cứng cho chức năng này
    • Enable lock screen rotation - nếu thiết bị của bạn có hỗ trợ thì màn hình khóa sẽ cho phép xoay ngang
  • System UI:
    • Custom operator name - tùy biến tên nhà mạng
    • Hide AM/PM on clock - ẩn chữ am/pm trên đồng hồ
    • Hide battery meter - ẩn biểu tượng báo pin của hệ thống
    • Hide ongoing IME switcher - ẩn thông báo hiện ra khi chúng ta gõ chữ để đổi giữa các bàn phím với nhau
    • Show battery percentage - hiển thị % pin
    • Show navigation bar - hiển thị thanh điều hướng với các nút cơ bản của Android nếu như thiết bị có hô 4trợ
  • Wireless:
    • Enable NFC when screen is off - kích hoạt NFC ngay cả khi màn hình đang tắt
  • HTC One:
    • Disable high volume warning - vô hiệu hóa thông báo "tăng âm lượng sẽ làm hại tai..." khi bạn dùng tai nghe
    • Enable advanced reboot options - khi nhấn giữ phím menu, trong menu xuất hiện, bạn sẽ có nhiều tùy chọn bao gồm reboot / recovery / bootloader reboot
    • Volume wake - dùng hai phím âm lượng để mở khóa màn hình
    • Show Blinkfeed icon in launcher - hiển icon BlinkFeed trong launcher nếu như bạn không xài launcher mặc định của Sense 5
Và còn nhiều thứ khác nữa mà mình không liệt kê ở đây, các bạn hãy thử và trải nghiệm nhé.

Tổng hợp: XDA

# này Để dành cập nhật cho anh em khi có bản mod mới nào đó hay hay