Với việc biến mọi bề mặt phẳng thành giao diện cảm ứng đa điểm, cảm biến 3D Haptix của Ractiv tiềm năng có thể thay thế chuột máy tính truyền thống. Thế nhưng, không dừng lại ở chuột máy tính, các nhà phát triển Haptix mới đây đã công bố kế hoạch "tiêu diệt" cả bàn phím vật lý. Cụ thể, Ractiv đã hợp tác cùng Zack Dennis - nhà phát minh phương pháp nhập liệu ASETNIOP để hiện thực hóa ý tưởng này.
Soạn thảo bằng bàn phím ảo trên màn hình máy tính bảng hay điện thoại không phải lúc nào cũng thoải mái. Nếu bạn gõ mà không nhìn vào màn hình thì hiệu quả và độ chính xác khi gõ không cao. Vì vậy, Zack Dennis đã phát tiển một giải pháp thay thế bàn phím ảo với tên gọi ASETNIOP - bàn phím vô hình, dựa trên layout QWERTY và cho phép người dùng nhập liệu với 10 ngón tay.
Phương pháp nhập liệu ASETNIOP sẽ gán 8 ký tự thường được gõ nhất với các ngón tay khi chúng ta sử dụng trên bàn phím thông thường. Dennis nói: "Ý tưởng ở đây rất đơn giản. Bàn phím bao gồm chỉ 10 điểm tiếp xúc cho mỗi 1 đầu ngón tay. Mỗi lần nhấn và nhả ngón tay sẽ tạo ra một chữ cái thường dùng trên bàn phím QWERTY." Theo thứ tự các ngón tay trên 2 bàn tay từ trái sang, ngón út trái sẽ là A, áp út là S, giữa là E, trỏ là T, tương tự với bàn tay phải là N, I, O, P. Vì vậy, phương pháp nhập liệu của Dennis được gọi là ASETNIOP. Các ký tự ít được dùng hơn của bản chữ cái sẽ được gán theo tổ hợp - 2 ngón cùng lúc. 2 ngón cái sẽ được dùng cho phím Shift và Space hoặc Enter.
Quy tắc hoạt động của bộ gõ ASETNIOP.
Hiện tại, Dennis đã phát triển một plug-in cho trình duyệt Google Chrome với tên gọi DexType. Plug-in này sẽ sử dụng cảm biến Leap Motion, giúp người dùng nhập liệu ngay trên không. Tuy nhiên, giờ đây thì Dennis đã chuyển sang hợp tác với Haptix 3D.
Theo tính toán của Dennis, hầu hết người dùng bàn phím ASETNIOP có thể đạt tốc đọ 30 từ/phút trong chỉ vài giờ tập gõ. Tốc độ này sẽ liên tục tăng khi người dùng bắt đầu quen với hệ thống các phím và tổ hợp phím. Mặc dù bản thân Dennis đã có thể gõ từ 65 đến 70 từ/phút nhưng anh cho biết kỷ lục 100 từ đã được xác lập.
Liệu việc tích hợp ASETNIOP vào cảm biến 3D Haptix có thể kết thúc sự phụ thuộc của chúng ta vào bàn phím vật lý? Trước mắt thì không! Tuy nhiên, ngay từ đầu, cả 2 nhóm phát triển đều tìm cách định hướng cho sản phẩm của mình.
Ractiv - nhóm phát triển Haptix đã bắt đầu lập trình hệ thống ASETNIOP vào cảm biến và Dennis cho biết họ đang cùng nhau làm việc để bổ sung các tính năng cải tiến như đoán từ hay tự động sửa lỗi trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Dennis cũng tiết lộ anh đang phát triển tính năng nhận dạng chữ viết tay để người dùng có thể nhập con số, dấu và dấu nhấn thuận tiện hơn.
Chiến dịch đầu tư cho cảm biến Haptix của Ractiv đã được phát động trên trang Kickstarter. Thời gian tài trợ sẽ kết thúc vào ngày 13 tháng 9 tới và nếu mọi chuyện diễn ra theo kế hoạch thì những cá nhân tài trợ sẽ nhận được sản phẩm sớm nhất là vào mùa xuân năm 2014.
ASETNIOP với Haptix 3D.