Với game thủ, khi đầu tư mua một chiếc card đồ họa thì điều họ quan tâm nhất có lẽ là tốc độ khung hình (FPS) mà nó có thể mang lại cho họ khi chơi game. Vì vậy, GPU nào cho FPS càng cao thì mặc nhiên là càng mạnh, càng tốt. Mới đây, AMD đã giới thiệu loạt card đồ họa mới là Radeon R7 và R9 series, trong đó có R9 290 và R9 290X là 2 GPU hoàn toàn mới, được nâng cấp đáng kể so với thế hệ HD 7000 để cạnh tranh với những GPU đầu bảng của nVIDIA, trong đó R9 290X giá bán 550$ cạnh tranh với GeForce GTX TITAN, trong khi R9 290 giá chỉ 399$ cạnh tranh trực tiếp với GTX 780.
Cuối tháng 8/2013, có thông tin rò rỉ rằng AMD sẽ tổ chức ngày hội Tech Day (sau này sự kiện được đặt tên là GPU '14) ở đảo Hawaii nhằm giới thiệu những GPU mới, lúc đó dự kiến sẽ mang tên là Radeon HD 9950 và HD 9970. Cả 2 GPU này đều có tên mã là Hawaii, tuy nhiên, tức phút chót khi sự kiện diễn ra, tên chính thức của loạt sản phẩm mới được ấn định là Radeon R series (gồm R7 và R9), trong loạt GPU đó thì hầu hết đều được đổi tên từ HD 7000, chỉ riêng R9 290 và R9 290X là 2 GPU mới, tên mã Hawaii.
Ngoài mục đích thiết kế cho game thủ để chơi game, GPU Hawaii của AMD cũng được thiết kế hỗ trợ chơi game ở độ phân giải 4K, đón đầu xu thế độ phân giải siêu cao đang dần phổ biến trong những năm trở lại đây. Về thông số kĩ thuật, GPU Hawaii được sản xuất trên tiến trình 28nm, sở hữu 6,2 tỉ bóng bán dẫn, hỗ trợ RAM 4GB GDDR5 và kiến trúc GCN 1.1 mới. AMD cũng khéo léo khi tung ra Radeon R9 290X trước, vào những ngày cuối tháng 10, sau đó tới 5/11 thì họ tiếp tục tung ra R9 290 với giá rẻ hơn. Sự khác biệt giữa R9 290 và R9 290X là rất ít, Nếu 290X có 2816 Stream Processor thì con số này ở 290 là 2560, còn lại các thông số khác đều tương tự nhau, tuy vậy giá của chúng lại chênh lệch đến 150$, một mức giá rất hấp dẫn dành cho game thủ.
Cấu hình thử nghiệm
- GPU: AMD Radeon R9 290 4GB GDDR5
- Driver: AMD Catalyst 13.11 beta 8
- HĐH: Windows 8.1 Pro 64bit
- Bo mạch: MSI Z87I
- CPU: Intel Core i5-4430, 4 nhân 3GHz
- RAM: 8GB x 2 (16GB) Corsair Vengance Pro 2133MHz
- Ổ cứng: SSD Corsair Neutron GTX 240GB + 2 HDD chạy Raid 0
- PSU: EVGA SuperNOVA 750W
- Màn hình: DELL Ultrasharp U2713HM
Với phiên bản driver Catalyst 13.11 beta 8, bản thử nghiệm này đang gặp lỗi với Windows 8.1, với trường hợp của mình là card R9 290 không tự động chỉnh tốc độ quạt theo chế độ tải, chỉ chạy mặc định ở 20% do đó GPU bị quá nhiệt. Giải pháp là phải sử dụng phần mềm EVGA Precision để chỉnh cho GPU tự động thay đổi tốc độ quạt. Rất may là chỉ vài ngày sau đó thì AMD đã tung ra các bản mới, ví dụ 13.11 beta 11 xài rất ổn định.
Card đồ họa Radeon R9 290 có 4 cổng xuất tín hiệu hình ảnh, gồm 1 HDMI, 1 DisplayPort và 2 DVI Dual-link, theo AMD thì nó hỗ trợ xuất cùng lúc ra 4 màn hình độ phân giải Full HD, kèm theo đó là hỗ trợ chơi game ở độ phân giải 4K. R9 290 cần nguồn điện từ 1 đầu 8 pin và 1 đầu 6 pin, TDP khoảng 270W, do đó chúng ta nên trang bị bộ nguồn công suất thực 500W trở lên để có hiệu quả sử dụng tốt nhất.
Bảng mô tả kiến trúc GCN 1.1 của AMD Radeon R9 290
Thông số chi tiết của GeForce GTX 780 Ti và các sản phẩm khác
Kết quả benchmark và thử đo FPS với một số game tiêu biểu
Tổng kết
Với giá 400$ đầu tư cho một chiếc card đồ họa, R9 290 thuộc phân khúc cao cấp nhưng lại có giá rất cạnh tranh so với các thế hệ trước cũng như những đối thủ hiện tại của nVIDIA là GeForce GTX 780, GTX 770. Ngoài ra, trong vài năm nữa thì một điều chắn chắc rằng có rất nhiều game mới sẽ hỗ trợ vi kiến trúc GCN của AMD, nhờ sự hậu thuẫn của 2 nền tảng console vừa ra mắt là PS 4 và Xbox One. Do đó, GPU của AMD đang có những lợi thế trước mắt đáng để đầu tư ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều cần làm ưu tiên và tốt hơn của của AMD đó chính là phát triển driver Catalyst thật hoàn chỉnh để hỗ trợ những dòng card đồ họa này.
Hiện tại Radeon R9 290 hàng xách tay đang được một số cửa hàng vi tính ở VN bán với giá dao động từ 13 - 14 triệu đồng, tức cao hơn khoảng 50% so với giá đề xuất của hãng. Hi vọng AMD sẽ sớm có biện pháp điều chỉnh để sản phẩm tới tay người dùng trong nước với giá hợp lý hơn.