Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Liệu chỉ có thiết kế và tính năng mới làm nên sự thành công cho các thiết bị đeo được?

[IMG]

Trong thời gian gần đây chúng ta được nghe nói rất nhiều đến các thiết bị có thể đeo được (wearable), từ những vòng tay theo dõi sức khỏe như FitBit, Misfits cho đến những đồng hồ thông minh như Sony Smartwatch, Pebble, Omate và thậm chí là kính thông minh như Google Glass. Loại thiết bị này cũng thu hút được sự chú ý của nhiều công ty lớn như Apple, Samsung, Asus, LG… kèm theo đó là hàng loạt tin đồn, tin rò rỉ về wearable. Vậy làm thế nào một công ty wearable có thể thành công trong thị trường non trẻ này? Cây viết Craig Hajduk từ trang Wired, một cựu nhân viên Microsoft, người giúp xây dựng chiến lược kinh doanh cho các ý tưởng mới về công nghệ của công ty Artefact và cũng là một nhà khởi nghiệp, đã có những chia sẻ khá thú vị về điều này.

Theo Hajduk, hiện nay thị trường điện tử tiêu dùng và đồ trang sức là hai lĩnh vực kinh doanh cực kì khó cạnh tranh bởi nó đã có quá nhiều công ty lớn với đầy kinh nghiệm. Thế mà thiết bị đeo được lại kết hợp cả hai thị trường này lại với nhau, thế nên sự thành công là một điều càng khó hơn nữa.

Thường thì người ta sẽ nghĩ rằng thiết kế chính là bí quyết để thắng lợi trong thị trường này, tuy nhiên có một thứ thường bị bỏ qua, đó chính là mô hình kinh doanh. Theo Hajduk thì đây mới chính là yếu tố giúp công nghệ wearable thật sự cất cánh, chứ không thì thể loại thiết bị này cũng chỉ là một công nghệ tuyệt vời đang mãi loanh quanh đi tìm mục đích sử dụng thật sự cho mình. Và ngay cả khi nó giúp người dùng giải quyết được một số vấn đề nào đó, vẫn còn lại một câu hỏi chưa có lời đáp: làm thế nào các công ty có thể kinh doanh một cách bền vững với các sản phẩm wearable?

Chúng ta có thể lấy việc kinh doanh nhạc số của Apple như một ví dụ tốt khi mà mô hình kinh doanh có sức ảnh hưởng mạnh đến sự thành công một sản phẩm. Apple hiểu rõ rằng cái cảm giác sở hữu là cực kì quan trọng đối với nhạc số, và hãng đã tập trung nguồn lực của mình nhằm làm ra một dịch vụ (iTunes) có khả năng giúp người dùng mua và sở hữu nhạc một cách nhanh chóng và trực quan nhất có thể. Nhiều chuyên gia từng dự đoán rằng các dịch vụ nghe nhạc online rồi sẽ đánh bại iTunes bởi nó rẻ hơn và có nhiều nhạc hơn. Tuy nhiên, khi không có được cảm giác sở hữu thì về lâu dài, rất khó để người dùng nắm bắt được giá trị của việc nghe nhạc. Đó cũng là lý do mà nhiều người vẫn khoái download nhạc về máy nghe hơn là nghe online.

Kết quả của việc thiết lập nên một mô hình kinh doanh như thế quá rõ ràng đối với Apple: trong quý vừa rồi, iTunes đã mang lại 4 tỉ USD cho công ty, trong khi những dịch vụ nghe nhạc online hay thuê nhạc thì đang lâm vào cảnh khó khăn.

Giống với thị trường nhạc số, các công ty wearables cần hiểu rõ khách hàng của mình kì vọng gì ở những công nghệ và thiết bị đeo được. Chúng ta không thể chỉ tạo ra một sản phẩm đẹp tuyệt vời nhưng không mang lại giá trị gì cho người dùng. Thứ mà thị trường cần là những vật đẹp, xịn và đồng thời có thể giúp khách hàng nhận ra được mục tiêu mà chúng thật sự được sinh ra để đạt được.

Một trong những thứ quan trọng nhất đối với thiết bị wearable hiện nay đó là tính tiện ích. Chúng ta có rất nhiều chiếc vòng đeo tay có thể đo nhịp tim, lượng calo đã đốt cháy, hướng di chuyển, vị trí, địa điểm… Tất cả những dữ liệu này lúc đầu sẽ làm cho người dùng cảm thấy hứng thú. Tuy nhiên, về lâu dài thì lợi ích của wearable còn vượt xa hơn những thông số nói trên, dẫn đến việc người dùng sẽ sử dụng nó trong một thời gian dài. Người ta sẽ mua các thiết bị như thế để có được thân hình gọn gàng hơn, sức khỏe tốt hơn, vui vẻ hơn. Như lời Aaron Filner, quản lý sản phẩm của Facebook, thì “nếu một thiết bị không thể giúp người dùng thay đổi hành vi của mình, người ta sẽ tiếp tục sử dụng nó trong bao lâu? Nó cần phải tạo ra được sự khác biệt để trở nên có giá trị trong dài hạn”.

Bởi vì các công nghệ wearable được thiết kế để thu về những kết quả tích cực trong dài hạn, các mô hình kinh doanh của những công ty wearable cũng phải thay đổi để bám theo nó. Ví dụ: nếu giá trị thật sự của thiết bị đeo được nằm ở những dịch vụ đi kèm thì thay vì bán một thiết bị với giá thật đắt, các công ty có thể bán thiết bị miễn phí chung với hợp đồng sử dụng dịch vụ trong vài năm, hoặc kèm theo các chế độ huấn luyện sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng… Nếu bạn bán một thiết bị có khả năng đo hoạt động thể chất cũng như chế độ dinh dưỡng của khách hàng, bạn có thể nghĩ đến chuyện dùng những dữ liệu này để tạo ra kế hoạch luyện tập, ăn uống phù hợp cho từng người một. Những mô hình kinh doanh như thế không chỉ giúp mang lại nguồn “trợ cấp” cho thiết bị, mà nó còn giúp tạo dựng mối quan hệ dài lâu giữa khách hàng với công ty nữa.

Smartphone, tablet, laptop hiện đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Wearable rồi cũng sẽ như thế, nhưng nó gắn kết với người dùng theo một cách khác. Nó sẽ “dính” với chúng ta nhiều hơn, và cuối cùng sẽ trở thành một trong những thứ giúp tạo nên hình ảnh cá nhân của mỗi người. Hãy thử tưởng tượng thế này: lúc bạn đeo một chiếc smartwatch từ Sony, Google, Apple thì hình ảnh của bạn trong mắt người khác chắc chắn sẽ không giống như khi bạn đeo smartwatch từ một hãng ít tên tuổi nào đó. Nói rộng ra, người dùng sẽ nhìn và nhận dạng các sản phẩm wearable theo cùng cách mà họ nhìn nhận về các hãng thời trang, trang sức. Khi đó, mọi sự lựa chọn của khách hàng đều có ý nghĩa nhất định của nó và gắn kết với cá nhân người đã mua.

Điều này có nghĩa là việc thiết lập nên mối quan hệ với khách hàng thật sự là điều quan trọng đối với các công ty sản xuất thiết bị wearable. Các công ty trước đây dành nhiều sức lực cho mặt kĩ thuật hay tính năng sẽ buộc phải thay đổi để tồn tại trong một thị trường như thế. Một người may mắn được sở hữu Google Glass từng nói với tờ The New York Times rằng: “tôi thích chúng lắm, chúng thật đáng kinh ngạc, nhưng tôi cảm thấy như một thằng khách người khi đeo Glass ở nơi công cộng”. Còn nếu bạn đang đi dạo ngoài đường và đeo tai nghe Beats By Dre thì khác. Beats làm ra những tai nghe có thiết kế mang tính biểu tượng, họ cũng định vị sản phẩm và thương hiệu của mình nhằm tạo ra một mối quan hệ bền chặt với người dùng ngay từ khi bắt đầu kinh doanh. Đó cũng là lý do vì sao Beats nhanh chóng trở thành doanh nghiệp “tỉ đô” chỉ trong thời gian ngắn.

Việc thay đổi theo hướng “đồng cảm sâu sắc” với người dùng sẽ là thứ cho phép các công ty wearable tiếp cận tốt hơn với khách hàng của mình, từ đó xây dựng nên một sản phẩm còn hơn cả hữu ích. Còn việc xây dựng một mối liên kết về mặt cảm xúc thì còn vượt xa hơn cả bản thân sản phẩm nữa. Ngoài ra, việc chọn lựa các đối tác phân phối có “đẳng cấp” và “thương hiệu” phù hợp với mục đích và nguồn lực công ty cũng là một cách giúp tăng lượng khách hàng nhanh chóng cho các hãng wearable, đồng thời đảm bảo công ty vẫn có thời gian tập trung cho sản phẩm của mình.

Dan Pingree, phó chủ tịch bộ phận marketing của công ty quần áo Moosejaw, từng chỉ ra rằng “một thứ mới, lạ và cách tân sẽ là chiến thắng lớn đối với công ty bán lẻ nào đang muốn tạo dựng một mối liên kết với khách hàng của mình.” Nói cách khác, những đối tác về kênh phân phối cũng rất sẵn lòng phối hợp với các công ty wearable bởi nó mang lại lợi ích về khách hàng cho họ, thì dại gì mà họ bỏ qua. Với những công ty nhỏ lẻ mới khởi nghiệp trong ngành wearable thì đây sẽ là một điều mà họ cần quan tâm nếu muốn việc kinh doanh của mình thành công.

Nói tóm lại, kẻ thành công thật sự trong cuộc đưa về wearable sẽ là những công ty và sản phẩm có khả năng cung cấp tiện ích cho người dùng, giúp họ đạt được một mục tiêu nào đó, và song song đó, phải tạo dựng mối liên kết bền vững với khách hàng. Đó là lý do mà vì sao các công ty rất hăng hái tham gia vào lĩnh vực non trẻ này. Đây cũng là lý do vì sao người ta rất chờ đợi Apple và Samsung nhảy vào và làm ra những thiết bị wearable thật thụ bởi hai công ty này rất biết cách tạo dựng quan hệ với khách hàng và biến một thứ tưởng chừng như không hữu dụng trở thành một thứ dính với người dùng hằng ngày. Ngoài ra, kẻ thắng cuộc còn phại xây dựng nên mô hình kinh doanh tốt cho mình nữa. Chúng ta hãy cùng chờ đợi xem điều gì sẽ diễn ra.