Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Xbox One là một phép thử cho chiến lược "One Microsoft"

Xbox_One.
Trong nhiều năm trời, dòng máy chơi game Xbox của Microsoft giống như một đứa trẻ sống tách rời khỏi công ty mẹ của mình. Nó giữ khoảng cách với các sản phẩm còn lại của Microsoft và giả vờ như nó không liêm quan gì đến phần còn lại của hãng. Sau này Microsoft có bổ sung thêm một số tính năng giúp Xbox tương tác và kết hợp tốt hơn với hệ sinh thái Windows, tuy nhiên điều đó vẫn còn mờ nhạt. Thế nhưng đến ngày 22/11 vừa qua, mối quan hệ này đã thay đổi với sự xuất hiện của Xbox One. Chiếc console này là bài thử nghiệm đầu tiên đối với chiếc lược mà hãng gọi là "One Microsoft".

Ý tưởng này được đưa ra và thúc đẩy bởi CEO Steve Ballmer nhằm khuyến khích các bộ phận của Microsoft cùng làm việc với nhau, xóa mờ bức tường một thời sừng sững đứng chắn giữa các phòng ban. Dự tính gộp Windows Phone và Windows cũng là một phần của One Microsoft. Kế hoạch này cũng nhắm đến mục đích tăng cường sức mạnh cho hệ sinh thái mà Microsoft đang cố gắng tạo nên.

Còn với chiếc Xbox One, Microsoft quảng bá sản phẩm của mình như một thiết bị giải trí trung tâm đặt trong phòng khách của người dùng, một thiết bị có thể chơi game, xem TV, duyệt web, truyền video HD từ những dịch vụ online. Microsoft đã bán được 80 triệu chiếc Xbox 360 từ năm 2005 và Xbox One là cơ hội ngàn vàng để hãng biến lượng fan hâm mộ đông đảo này thành khách hàng của mình. Julie Larson-Green, phó chủ tịch mảng phần cứng của Microsoft, cho biết: "Nó còn hơn cả một nền tảng chơi game. Chúng tôi đang suy nghĩ nhiều hơn về việc biến những thiết bị của chúng tôi thành một sàn diễn cho tất cả các sản phẩm Microsoft". Chiến lược "One Microsoft" xuất hiện một cách rõ ràng ở đây và ngay lúc này.

Xbox_One_4.
Hệ điều hành của Xbox One bao gồm một phần của Windows 8 để chạy ứng dụng và một phần của Xbox OS dành riêng cho việc chơi game. Sự xuất hiện của Windows ở đây có nghĩa là người dùng sẽ có nhiều lựa chọn ứng dụng hơn, bởi vì việc phát triển app cho nền tảng này dễ hơn nhiều so với việc viết phần mềm cho Xbox OS. Ngoài ra, người dùng còn có thể truy cập vào SkyDrive, thực hiện cuộc gọi Skype, ra lệnh "Xbox, record" và nền tảng đám mây Azure sẽ tiến hành ghi lại 30 giây cuối trong màn chơi của bạn, chưa kể đến việc bộ máy tìm kiếm Bing Search cũng được tích hợp chặt chẽ vào Xbox One, dịch vụ Xbox Music và TV+Movie cũng có mặt ở đây.

Chưa hết, các máy Xbox One còn sở hữu hệ thống 300.000 máy chủ nhằm phục vụ cho việc chơi game trực tuyến, hiển thị thông tin về Xbox Live, Dashboard. Một phần của hệ thống 300.000 máy chủ này còn được sử dụng để tính toán các cảnh chơi trong game. Booty giải thích rằng Microsoft sẽ nhắm đến các "khu vực không nhạy cảm với độ trễ" trong các trò chơi để chuyển chúng cho server đám mây xử lí. Chúng là các thành phần không đòi hỏi phải cập nhật liên tục trong mỗi khung hình hoặc không cần phải thay đổi liên tục.
Xbox_One_1.
Booty có lấy ví dụ về những thành phần sẽ được cho máy chủ đảm đương, chẳng hạn như ánh nắng xuyên qua tán cây trong một khu rừng hoặc một chiến trường có sương mù. Những thứ này không đòi hỏi phải được cập nhật theo thời gian thực nên chúng hoàn toàn có thể được xử lí nền, trong khi Xbox One vẫn đảm bảo phản hồi tốt với các pha hành động. Chính vì thế mà Xbox One sẽ giảm bớt một phần công việc của mình cho đám mây, còn bản thân máy thì tập trung vào thực thi những thứ khác. Vị này tiết lộ thêm rằng cứ mỗi chiếc Xbox One của người dùng thì sẽ được 3 server phục vụ.

Nói cách khác, tất cả những gì tốt nhất của Microsoft đều đang có mặt trên chiếc console thế hệ mới này, từ phương diện giải trí, lưu trữ, tìm kiếm cho đến nội dung đa phương tiện. Nó tạo ra một khối gắn kết chặt chẽ cho Xbox One và giúp chiếc máy này gần gũi hơn với người dùng.

Tuy nhiên, Microsoft sẽ phải đối mặt với một nguy cơ: nếu một phần nào đó không thành công hay gặp trục trặc thì nó cũng sẽ ảnh hưởng đến Xbox One. Khi đó, Microsoft sẽ làm phật lòng những khách hàng trung thành của mình. Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó nền tảng Azure có vấn đề và người chơi không thể ghi hình lại các đoạn game của mình, hay Skype đột nhiên "chết"... Mặc dù khả năng xảy ra những điều này không lớn nhưng rõ ràng nguy cơ đó là có tồn tại.

Giống Microsoft, Sony cũng đang cố gắng đưa những dịch vụ trực tuyến của mình vào trong PlayStation 4 bán ra ít hôm trước khi Xbox One lên kệ. Và thật trùng hợp, Sony cũng đang thúc đẩy chiến lược "One Sony" của riêng mình. Dan Race, người phát ngôn của Sony, nói rằng "mặc dù game là trái tim của PS4 nhưng chúng tôi biết rằng fan PS thích nhiều loại hình giải trí số khác nhau", và tiết lộ thêm rằng công ty ông cũng đang tiếp tục phát triển thêm các nội dung khác cho mẫu console mới.

Sony cho biết mình đã bán được 1 triệu chiếc PS4 mới trong vòng ít hơn 24 giờ tại Mỹ và Canada. Microsoft cũng không kém cạnh gì khi công bố cùng kết quả như trên, có điều hãng không nói rõ doanh số 1 triệu Xbox One là được thống kê ở những quốc gia nào bởi nó được bán ra ở 19 quốc gia. Giá bán của PS4 là 399$, trong khi Xbox One là 499$, nhưng Microsoft có vẻ như không ngần ngại khoản khác biệt này. Yusuf Mehdi, phó chủ tịch mảng marketing cho Xbox, cho biết: "nếu chúng tôi thành công, chúng tôi đắt hơn họ 100$ bởi vì chúng tôi có những tính năng thật sự khác biệt".

Vậy là chúng ta đang có một cuộc đấu giữa một bên là "One Microsoft" và một bên là "One Microsoft". Cả hai đều công bố doanh số ban đầu là 1 triệu máy, rất ấn tượng, nhưng về lâu dài thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chúng ta chắc hẳn sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa mới có được câu trả lời chính xác cho chuyện này, và cũng khi đó chúng ta sẽ biết rõ rằng liệu chiến lược "One Microsoft" có thật sự đem lại những giá trị gia tăng cho Xbox One hay không.