Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

[Phân tích] Thấy gì từ việc Microsoft chọn Satya Nadella làm CEO

06_low.

Tin đồn rộ lên từ vài ngày trước nhưng tối hôm qua thì Microsoft thông bố chính thức về việc bổ nhiệm Satya Nadella, trưởng bộ phận điện toán đám mây và doanh nghiệp làm tổng giám đốc điều hành của hãng. Có thể nói đây là một lựa chọn mang tính an toàn cao của Microsoft nhưng liệu nó có đủ thay đổi tình hình công ty không khi vẫn còn đang có những cá nhân xuất sắc khác, nhưng người dám chấp nhận rủi ro lớn như Stephen Elop hay có khả năng vực dậy một bộ máy rệu rã như Alan Mulally? Microsoft vẫn đang có lợi nhuận rất lớn nhưng ai cũng có thể thấy được họ gặp rất nhiều khó khăn ở thị trường dành cho khách hàng cá nhân, thị trường consumer chứ không phải thế mạnh enterprise mà Nadella đang nắm giữ.

Giải pháp nào cho Microsoft?
Trước khi nói về lý do mà Microsoft chọn Satya Nadella, chúng ta hãy phân tích sơ qua tình hình của công ty này và những giải pháp họ có thể lựa chọn:
  • Microsoft rất mạnh ở mảng doanh nghiệp nhưng khách hàng cá nhân lại là một vấn đề khác, đặc biệt là với xu hướng di động như hiện tại.
  • Các dịch vụ doanh nghiệp của Microsoft hỗ trợ cho nhau rất tốt nhưng quá khó cho người dùng bình thường tiếp cận.
  • Thế giới đang dần dịch chuyển về các gói thuê bao phần mềm, trả tiền theo tháng/năm thay vì mua đứt như trước kia.
  • Trước đây nhân viên thường sử dụng thiết bị do công ty cấp nhưng đang dần nổi lên xu hướng BYOD (Bring Your Own Device). Khi sử dụng thiết bị công ty cấp, nhân viên IT thường chọn những hệ thống đi cùng với nhau (có lợi cho Microsoft) nhưng người dùng cá nhân không thích điều đó, họ muốn một cái gì đó vừa giải trí vừa làm việc được.
  • Khi người dùng đã sử dụng một thiết bị khác ngoài hệ sinh thái Microsoft, họ có xu hướng thử thêm các thiết bị khác cùng nhà sản xuất. Ví dụ như dùng iPhone thì người ta sẽ muốn thử thêm iPad hoặc máy tính Mac OS…
  • Những bộ phận ít quan trọng hơn của tập đoàn như Thiết bị ngoại vi, Xbox hoạt động không hiệu quả. Lợi nhuận mang về cho công ty rất thấp hoặc lỗ.
  • Bộ phận Office vẫn là nơi mang lại doanh thu lớn nhất, tuy nhiên việc thiếu vắng ứng dụng di động cho các nền tảng lớn cũng phần nào ảnh hưởng đến Microsoft, dễ bị mất thị phần vào tay iWork và Google Docs.
  • Mảng kinh doanh trực tuyến bị cạnh tranh rất mạnh, Skydrive (hiện tại là OneDrive) hoạt động không hiệu quả so với Dropbox, Bing hoàn toàn lép vế trước Google, không có một dịch vụ mạng xã hội đủ cạnh tranh…
  • Microsoft Azure phát triển tốt nhưng vẫn thua Amazon Web Services khá nhiều, chưa được nhiều người biết đến. Số liệu đến tháng 4/2013 của Gartner Research cho biết khoảng 20% công ty chọn Azure so với 71% chọn Amazon. Dù được dự đoán sẽ tăng lên 35% vào cuối năm rồi nhưng nó vẫn chưa phải là một thành công với Microsoft.
  • Bản thân Nadella cho biết mỗi ngày có hơn 1000 khách hàng mới sử dụng Azure và trên 50% công ty S&P 500 dùng dịch vụ này, thống kê vào cuối năm ngoái.
  • Mảng Windows gặp khá nhiều khó khăn, Windows 8 vẫn chưa thật sự hấp dẫn người dùng.
  • Windows Phone vẫn còn thiếu quá nhiều tính năng, quá chậm chân so với phần cứng tuyệt vời của Nokia. Nếu 1 chiếc Lumia 1520 chạy Android hay iOS thì bạn sẽ chọn nó hay chọn bản Windows Phone?
Như vậy, rõ ràng Microsoft có thể đưa ra 3 giải pháp chính để sửa chữa vấn đề của họ:
  • Tập trung hết sức vào lĩnh vực di động, sẵn sàng loại bỏ những bộ phận không cần thiết để giữ cho tập đoàn khỏe mạnh (Xbox, chuột, bàn phím…)
  • Tập trung vào điện toán đám mây, vào lĩnh vực doanh nghiệp mà hãng đang rất mạnh. Rút hẳn vào mảng business như IBM, SAP và Oracle làm.
  • Như lựa chọn số 2 nhưng sẽ lấy tiền thu được từ mảng doanh nghiệp và các mảng mạnh khác đầu tư dần cho mảng di động, từ từ xây dựng lại hệ cộng sinh để cạnh tranh với các nền tảng khác.
Lựa chọn đầu tiên phù hợp với Stephen Elop, một người sẵn sàng chấp nhận rủi ro quá lớn đó. Nếu chiến lược trên thành công, Microsoft sẽ thành công hơn rất nhiều nhưng thất bại sẽ kéo cả công ty xuống vực thẳm. Rõ ràng hội đồng quản trị Microsoft sẽ không cho phép điều này xảy ra, ít nhất là cũng chưa thể xảy ra cho đến khi Microsoft không còn gì để mất, mà rõ ràng Microsoft quá lớn để có thể hành xử như vậy. Xbox bán đi thì có thể hiểu được nhưng dám đụng vào Bing thì quá khó để Elop có thể tồn tại được ở Microsot ở thời điểm này.

Lựa chọn số 2 có thể sẽ phù hợp với Alan Mulally, người từng tuyên bố Microsoft & Google là 2 công ty duy nhất ông muốn làm CEO nếu rời khởi Ford. Đây cũng là một giải pháp mà Mark Hurd có thể chọn dù ông tuyên bố không hứng thú với Microsoft. Mark Hurd từng là giám đốc điều hành rất thành công ở HP và hiện đang là đồng chủ tịch ở Oracle.

Giải pháp thứ 3 là cái mà có lẽ nhiều người sẽ lựa chọn nhất, và nó sẽ là những gì mà Nadella đeo đuổi.

Tại sao Microsoft chọn Nadella?
An toàn là câu trả lời chính xác nhất trong trường hợp này. 46 tuổi, cái tuổi còn quá trẻ để làm CEO một tập đoàn lớn như Microsoft nhưng Nadella đã có tới 22 năm làm việc ở đây, bằng với số năm mà ông cưới vợ. Hơn thế nữa, ở thời điểm này thì trẻ là một lợi thế rất lớn, hãy nhìn các công ty khác: Facebook có CEO 29 tuổi, Google 40 và Yahoo 38.

Với 22 năm và kinh nghiệm khi làm việc tại Sun Microsystem, Nadella là vị tổng giám đốc có nền tảng kỹ thuật tốt nhất của Microsoft với bằng cử nhân Kỹ Sư Điện, Thạc Sĩ Khoa Học Máy Tính. Nadella cũng đồng thời là điều hành viên hoạt động hiệu quả nhất ở Microsoft trong 10 năm trở lại, bộ phận doanh nghiệp và điện toán đám mây do ông lãnh đạo mang lại doanh thu cao chót vót với 19 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, bằng 1/4 toàn công ty. Cloud & Enterprise cũng là bộ phận có mức tăng trưởng ấn tượng nhất, bao gồm các thành phần như SkyDrive (giờ là OneDrive), Office 365, Bing & Windows Azure...

Có nền tảng kỹ thuật xuất sắc nhưng Nadella cũng không phải là một tay mơ trong lĩnh vực kinh doanh. Ông có bằng MBA của đại học Chicago. Khi đó, Nadella phải di chuyển qua lại liên tục giữa trụ sở Microsoft ở Redmond và Chicago mỗi cuối tuần, vừa làm vừa học.

Nadella có thể nói là một người rất rành rẽ về nội bộ Microsoft, ông từng giữ trọng trách quản lý trong bộ phận Office, bộ phận nghiên cứu & phát triển, trưởng nhóm Server & Tools, là một trong năm điều hành viên cao cấp báo cáo trực tiếp với Steve Ballmer vào năm 2011. Chính vì sự rành rẽ đó cũng như những phát triển ở nhóm Cloud & Enterprise mà Satya Nadella là lựa chọn an toàn nhất trong nội bộ Microsoft so với một Elop quá cá tính cùng Mulally từ bên ngoài. Người bên trong là một tiêu chí rất quan trọng khi lựa chọn giám đốc điều hành của các công ty lớn, thống kê từ Spencer Stuart cho biết có tới 73% trong số 500 doanh nghiệp S&P 500 chọn CEO từ nội bộ. Nadella là thành viên ban lãnh đạo của Microsoft dưới triều đại 14 năm của Ballmer. Cái thời đại lãng mạng mà một ông lớn như IBM dám thuê người không có nền tảng công nghệ làm CEO và thay đổi hoàn toàn bộ mặt công ty đã qua rồi (Louis Gerstner, CEO IBM khi đó có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và đóng gói thức ăn).

Nadella được cho là người đã đưa ra ý kiến về việc Gates nên từ bỏ vị trí chủ tịch công ty để trở thành cố vấn cho ông trong lĩnh vực tiêu dùng, một điểm có lẽ rất được lòng ban lãnh đạo hiện tại của công ty. Nên nhớ đã có rất nhiều tin đồn về ứng cử viên CEO Microsoft từ chối vì họ quá lo ngại Gates cũng như Ballmer sẽ can thiệp & ngăn cản các quyết định thay đổi quá lớn. Bản thân 3 thành viên trong ban điều hành Microsoft cũng từng mong muốn Bill Gates rời bỏ ghế chủ tịch vì lo ngại can thiệp quá lâu vào các quyết định sau này. Dù không còn tham gia điều hành trực tiếp, Gates và Ballmer có tới 8,5% cổ phần của Microsoft trị giá cả trăm tỷ đô la Mỹ.

Có một điểm cộng khác cho Nadella: ông có một nền tảng rất xuất sắc về tìm kiếm. Dù Bing chưa thể cất cánh nhưng đây là lần đầu tiên bộ ba Googe, Microsoft, Yahoo có CEO đều mạnh về mảng tìm kiếm. Có thể Bing không mang lại lợi nhuận lớn cho Microsoft nhưng nó là một phần bộ mặt của công ty. Chính Nadella là người vực dậy Bing, chỉ ra những sai lầm của Microsoft Windows Live MSN Search vào thời điểm 2009 để công ty có thể phát triển Bing.

Nadella sẽ làm những gì?
Có quá nhiều người nghi ngờ về việc một người gốc Ấn giữ chức CEO của công ty phần mềm lớn nhất thế giới nhưng hãy nhìn vào Indra Nooyi của Pepsi, Shantanu Narayen từ Adobe, Anshuman Jain Deutsche Bank hay Ajay Banga tại MasterCard, họ đều rất xuất sắc trong lĩnh vực của mình và Nadella cũng phần nào chứng tỏ được khả năng qua 22 năm ở Microsoft.

Câu cửa miệng của Nadella trong buổi phát biểu nhậm chức cũng như những video phỏng vấn là “Mobile First, Cloud First (di động, điện toán đám mấy”, hoàn toàn trái ngược so với devices and services (thiết bị và dịch vụ) mà Steve Ballmer luôn muốn Microsoft trở thành, hoàn toàn không nhắc gì tới phần thiết bị. Đây là một chiến lược rất hợp lý với Microsoft nhưng quá khó để tin vì bản thân Nadella từng khẳng định ông muốn Microsoft trở thành một công ty thiết bị và dịch vụ trong bài phỏng vấn vào tháng 12/2013. Liệu bạn có thể tin tưởng một người thay đổi hoàn toàn suy nghĩ chỉ trong hơn 1 tháng ngắn ngủi?


Nếu thực hiện đúng những tuyên bố về Mobile và Cloud, chắc hẳn Nadella sẽ tập trung phát triển Office cho di động đầu tiên. Microsoft đã lộ rất nhiều thông tin về Office nhưng chúng vẫn chưa được giới thiệu. Các dịch vụ xoay quanh Office như Access cũng cần được nâng cấp tốt hơn, hỗ trợ web và di động mạnh mẽ hơn như đối thủ FileMaker Pro đang làm.

OneDrive cũng cần được tích hợp sâu hơn, hỗ trợ nhiều tính năng hơn trên di động. Windows 8.1 hỗ trợ OneDrive rất tốt nhưng phiên bản cho iOS & Android còn quá nhiều hạn chế so với Dropbox. Sẽ thật không công bằng khi lấy rất nhiều dịch vụ từ các đối thủ khác nhau so sánh với Microsoft nhưng với tư cách công ty phần mềm lớn nhất thế giới, Microsoft không thể thua trên các mặt trên quan trọng như vậy.

Windows 8.1 cũng cần được cải tiến hơn nữa, thân thiện hơn với người dùng. Việc từ bỏ menu Start và bổ sung trở lại làm rất nhiều người bối rối với Microsoft, thậm chí dấy lên những nghi ngờ về tư tưởng của hãng. Nếu Windows 8.1 vẫn thất bại trong việc tiếp cận với đại đa số người dùng thì Microsoft sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong các bản nâng cấp kế tiếp, nhất là khi cả Mac OS và Linux đều cho cập nhật hệ điều hành & cung cấp bộ Office miễn phí.

Windows Phone cần được cải tiến mạnh mẽ hơn, lắng nghe nhiều hơn những góp ý của người dùng. Microsoft đã làm giới lập trình thất vọng một lần với WP7 khi ứng dụng không tương thích với WP8 và họ không thể làm điều đó một lần nữa. Đã quá muộn để thúc đẩy một hệ cộng sinh thứ 3 bên cạnh iOS và Android nhưng Microsoft hoàn toàn có thể tạo được đột phá với nguồn lực của họ. Có cảm tưởng như Microsoft đang rất giống Sony của vài năm trước: các bộ phận tách biệt với nhau, thiếu tính liên kết. Sony đang dần cải thiện rất nhiều và Microsoft cũng buộc phải như vậy.

Microsoft đang làm rất tốt mảng doanh nghiệp nhưng họ cần đơn giản hóa nó hơn, quá nhiều giải pháp, quá nhiều chức năng gây rối cho người dùng. Microsoft Azure cần nổi bật hơn thay vì bị Amazon Web Services làm lép vế như hiện tại.

Có 2 điểm mà người nắm giữ vị trí CEO của Microsoft rất cần ở thời điểm hiện tại: tính sáng tạo và sẵn sàng thay đổi. Đó là những đặc tính mà Nadella cần chứng tỏ trong thời gian ông đương chức.

Có một thông tin bên lề để bạn tham khảo: khi Elop rời Microsoft để sang Nokia, đã có những lời đồn về việc người đàn ông này sẽ quay trở lại làm CEO thay cho Steve (Ballmer) vào một ngày nào đó. Không hiểu sao mình vẫn cứ suy nghĩ về việc Nadella sẽ ổn định mảng Cloud và các bộ phận doanh nghiệp cho Microsoft để Elop quay trở lại làm CEO, tập trung đánh mạnh mảng Mobile trong 2-3 năm tới.

Lưu ý:
  • Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết, không phải là quan điểm chung của Ban Quản Trị Tinhte.vn.
  • Bài viết có tham khảo ý kiến của @dihuta