Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Satya Nadella, người được giao trọng trách làm mới Microsoft trong vai trò CEO

Microsoft_CEO_Satya_Nadella.
Hơn 5 tháng sau khi Steve Ballmer công bố sẽ thôi giữ chức CEO của Microsoft, ban giám đốc của tập đoàn phần mềm khổng lồ này đã tìm ra ứng cử viên thay thế đó là Satya Nadella. Trước đây ông từng là phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng đám mây và doanh nghiệp của Microsoft. Nadella là CEO thứ 3 của tập đoàn này và cũng là một người am hiểu nội tình nhờ có hơn 20 năm làm việc cho công ty. Vậy những thách thức mà ông phải giải quyết trong cương vị CEO bao gồm những gì và liệu Nadella có giúp Microsoft thật sự đổi mới trong thế giới công nghệ ngày nay hay không?

Vị CEO mới

Steve Ballmer không thể thay đổi Microsoft đủ nhanh để bắt kịp thời cuộc. Trong quá trình làm CEO suốt 13 năm của Ballmer, công ty đã không bắt kịp với Apple và Google trong mảng điện thoại, bộ phận tìm kiếm Bing cũng chưa khiến Google bị lung lay, thời gian đầu của thời đại tablet cũng thiếu vắng sự hiện diện của Microsoft. Bên cạnh đó, Ballmer còn tạo ra một văn hóa công ty chậm chạp, nhân viên lại đấu đá lẫn nhau, và bản thân vị CEO này cũng không đi đủ nhanh để khắc phục các sai lầm của mình. Và bây giờ đã đến lúc ông phải ra đi.

Ngày 24/8/2013, Ballmer chính thức tuyên bố sẽ rời Microsoft sau hàng chục năm cống hiến cho công ty. Ngay sau đó, tập đoàn phần mềm khổng lồ này bắt đầu việc tìm kiếm CEO mới không chỉ đủ khả năng thay thế cho Ballmer mà còn phải làm mới lại Microsoft. Bill Gates, đồng sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn, là một trong số những nhân vật chủ chốt trong ban điều hành việc bổ nhiệm CEO mới. Danh sách ứng cử viên của chiếc ghế này được rút gọn lại từ hơn 100 người xuống chỉ còn một vài cá nhân: cựu CEO Stephen Elop từ Nokia, CEO Alan Mulally của Ford, CEO Tony Bates chịu trách nhiệm bộ phận Skype, cuối cùng là Phó chủ tịch mảng dịch vụ đám mây & doanh nghiệp Satya Nadella.

Chúng ta đã có rất nhiều tin đồn, hết người này đến người kia được cho là sẽ lên làm vị tân CEO của Microsoft. Và đến ngày 4/4/2014, Microsoft chính thức tuyên bố nhân vật sẽ đảm nhiệm trọng trách này chính là Satya Nadella. Vị phó chủ tịch người Ấn Độ đã có hơn hai thập kỉ gắn bó với Microsoft, thế nên ông hiểu Microsoft hoạt động ra sao và biết cách khiến mảng dịch vụ và đám mây của công ty trở nên thành công.

Microsoft_CEO_Satya_Nadella_1.

Trong quá trình lựa chọn Nadella, ban quản trị Microsoft đã quyết định sẽ chọn một hướng đi mới mà theo họ là cần thiết: đưa một người có nền tảng về kĩ thuật lên làm CEO. Được sinh ra ở Ấn Độ vào năm 1969, ông từng theo học ngành kỹ sư điện tử tại trường Đại học Mangalore trước khi chuyển tới Mỹ học khoa học máy tính tại trường Đại học Wisconsin-Milwaukee. Ông cũng có tham gia một khóa thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chicago. Nadella từng làm việc tại Sun Microsystems trước khi chuyển tới làm việc tại bộ phận dịch vụ trực tuyến của Microsoft.

Trái ngược với Nadella vốn theo đuổi toàn những bằng cấp kĩ thuật, Steve Ballmer lại học về toán và kinh tế ở Harvard trước khi về học quản trị kinh doanh tại Đại học Standford. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, ông đã dừng việc học của mình lại và về với Microsoft. Nói ngắn gọn, Ballmer là một doanh nhân làm việc cho một công ty công nghệ, còn Nadella là một kĩ sư nhưng có kiến thức về kinh doanh.

Đám mây, doanh nghiệp và thách thức trong thị trường tiêu dùng

Nadella về với Microsoft hồi năm 1992 và trong những năm sau đó, ông đã giữ nhiều vị trí liên quan đến việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng doanh nghiệp, đồng thời dẫn đầu những nỗ lực tiến vào thị trường tìm kiếm và dịch vụ đám mây mà Microsoft đang nhắm đến. Dưới sự chỉ huy của ông, bộ phận Cloud and Enterprise của Microsoft đã thực sự phất lên. Trong những báo cáo tài chính mới đây, COO Kevin Turner cũng chỉ ra rằng sự tăng trưởng của Microsoft có phần đóng góp rất lớn của bộ phận này.

Microsoft hiện cũng đang dịch chuyển từ việc cung cấp 2 sản phẩm cơ bản là Office + Windows sang nhiều sản phẩm nhắm đến người tiêu dùng lẫn khách hàng doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường PC đang hết sức ảm đạm còn mảng thiết bị di động lại tăng trưởng mạnh mẽ, Nadella đang dẫn dắt một bộ phận tối quan trọng đối với tương lai Microsoft, đi kèm theo đó là sự ra đời của những giải pháp nền đám mây như Office 365 hay Windows Server 2012.

Chúng ta biết được rằng Nadella đã có thế mạnh như thế nào ở mảng phần mềm và giải pháp cho các công ty, tổ chức, nhưng thật không may rằng đây chỉ mới là một vế của phương trình. Việc giỏi về kĩ thuật doanh nghiệp chỉ là một phần trong kế hoạch của Microsoft trong quá trình thực hiện kế hoạch chuyển hóa chính mình thành một công ty "thiết bị và dịch vụ".

Hồi cuối năm 2012, Steve Ballmer đã tiết lộ về kế hoạch này cho các cổ đông và sau đó chính Ballmer cũng thừa nhận rằng một mình ông thì không thể thực hiện được nó. Ông thuyết trình về kế hoạch với 2 phần chính: Microsoft sẽ nhắm đến việc phát triển phần mềm và dịch vụ cho nhiều loại thiết bị khác nhau, sau đó cho ra đời các thiết bị được tối ưu hóa để xài phần mềm và dịch vụ của chính mình. Đối tượng mà kế hoạch "thiết bị và dịch vụ" nhắm đến sẽ là người tiêu dùng thông thường lẫn các doanh nghiệp. Nadella đã giúp Microsoft đi lên ở vế doanh nghiệp, còn vế người tiêu dùng thì sao?

Trong những năm gần đây sự suy yếu của Microsoft, thật đáng tiếc, lại nằm chủ yếu ở thị trường tiêu dùng. Ví dụ: Windows 8 không thu hút được sự chú ý từ người dùng như những gì Windows 7 và Windows XP từng làm được, Windows Phone thì bị Android và iOS bỏ xa. Theo số liệu từ ABI, trong quý 4/2013, Windows Phone chiếm tỉ trọng chỉ 4% trong tổng số smartphone được giao, trong khi Android chiếm 77% và iOS nắm trong tay 18%. Khoảng cách này vẫn còn xa lắm, và để thu hẹp nó lại thì vẫn còn rất nhiều việc mà Nadella cần phải làm.

[​IMG]
Tỉ trọng số smartphone được giao trong Q4/2013

Thực chất thì Microsoft vẫn có những thành công nhất định ở thị trường tiêu dùng. Trong báo cáo tài chính mới nhất, hãng đã ghi nhận mức tăng doanh thu 13% ở các sản phẩm hướng đến người dùng thông thường, Xbox One thì bán chạy hơn PlayStation 4 với 908.000 máy được giao trong tháng 12 năm ngoái. Doanh số bán máy tính bảng Surface cũng tăng gấp đôi so với quý trước đó. Và với việc mua lại nhánh thiết bị và dịch vụ của Nokia, Microsoft hiện đang đào sâu hơn vào mảng phần cứng, và đây cũng là một lĩnh vực mới mà Nadella sẽ phải đối diện khi lên giữ chức tân CEO Microsoft.

Nadella có thành công hay không thì phải để thời gian trả lời, nhưng trước mắt việc mà ông cần làm đó là hướng một gã khổng lồ trong làng công nghệ đi vào một kỉ nguyên mới. Ông cũng phải đảm bảo rằng Microsoft sẽ luôn thay đổi nhanh chóng, luôn bắt kịp thời đại chứ không bị ngủ quên trước một xu hướng công nghệ quan trọng nào đó. Ví dụ: Google hiện nay đang đầu tư rất nhiều vào ngôi nhà thông minh, vào các thiết bị Internet-of-Things cũng như thiết bị đeo được, còn Microsoft thì vẫn chưa có động thái đáng kể nào ở những mảng này. Nếu trong tương lai các xu hướng đó phổ biến hơn thì Nadella có nhiệm vụ phải thúc đẩy Microsoft và giúp công ty nằm trong top đầu nếu muốn thành công.

Hồi tháng 12 năm ngoái, khi nói chuyện tại hội nghị Le Web, Nadella cũng cho biết là ông đã nhận ra những thách thức mà ông phải đối mặt. Trả lời cho câu hỏi: "Ông có nghĩ rằng Microsoft sẽ vượt qua chính mình và sẵn sàng đón nhận tương lai hay không?", Nadella nói: "Chúng tôi sẽ phải làm được. Không có câu trả lời nào khác trong lĩnh vực này ngoài việc bạn phải làm mới bản thân mỗi ngày. Đôi khi bạn sẽ thành công, đôi khi không, nhưng cái nào nhiều hơn mới là quan trọng. Chúng tôi đã không thể tồn tại trong 30 năm nếu chúng tôi không thể dẫn đầu các xu hướng công nghệ mới. Sự thật là chúng tôi có khả năng và nó giúp công ty đi săn tìm những ý tưởng mới, điều này là yếu tố quan trọng với việc kinh doanh cũng như sự tồn tại của Microsoft".

Sự trợ giúp từ Bill Gates?

Cùng lúc với việc Nadella trở thành CEO mới của Microsoft thì đồng sáng lập ra tập đoàn là Bill Gates sẽ thôi giữ chức chủ tịch tập đoàn và nhường chỗ cho John Thompson. Cương vị mới mà Bill Gates đảm nhiệm tại Microsoft sẽ là cố vấn công nghệ cho Satya Nadella. Bill Gates cũng chúc mừng Nadella với cương vị mới, ông tin rằng Microsoft có nhiều lãnh đạo tài năng và tương lai của tập đoàn sẽ rất sáng lạn nhờ những nhân tố này.

[​IMG]

Nguồn tin của trang Bloomberg thì nói thêm rằng Bill Gates sẽ dành ít thời gian hơn cho việc quản trị, thay vào đó ông sẽ đến công ty ít nhất một lần mỗi tuần để thúc đẩy việc xây dựng những sản phẩm quan trọng. Sự trở lại này là rất đáng quan tâm bởi Bill Gates là một người tài năng, chú ý đến tiểu tiết và có khả năng kinh doanh tốt.

Được biết Bill Gates đã thử thách Nadella trong suốt những tháng ban quản trị tìm kiếm CEO. Chính vì thế, Gates và Nadella sẽ hợp tác tốt với nhau khi cả hai chính thức nhận nhiệm vụ mới. Nadella rành các sản phẩm của Microsoft cho doanh nghiệp và đám mây. Trong khi đó, Gates thì có thể sáng tạo ra những công cụ quan trọng với thời đại kĩ thuật số và biến những điều không tưởng thành một vật dụng không thể thiếu trong mọi gia đình (như những gì ông từng làm với PC chạy Windows). Kết hợp sức mạnh của cả hai, chúng ta có được một Microsoft vừa mạnh vừa mới mẻ.

Nhưng cũng có quan ngại rằng Bill Gates sẽ trở thành một vật cản trong quá trình Microsoft tiến đến phía trước, rằng ông sẽ khiến việc cách tân và sáng tạo bị chậm chạp đi. Điều này không phải là không có lý, khi mà trước đây 3 trong số 20 thành viên của hội đồng quản trị Microsoft từng muốn Gates rời bỏ vị trí chủ tịch để Microsoft có một tương lai tươi sáng hơn. Những người này cho rằng sự có mặt của Gates đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai những chiến lược kinh doanh mới cũng như sẽ hạn chế năng lực của CEO trong việc ra các quyết định quan trọng.

Vậy vai trò của Bill Gates mới sẽ giúp được gì cho CEO Satya Nadella? Microsoft sẽ có những bước đi quan trọng nào trong thời gian tới để giúp công ty thoát khỏi tình cảnh chậm chạp? Liệu kiến thức về kĩ thuật của Nadella có giúp Microsoft quay lại thời hoàn kim của mình hay không? Chúng ta hãy chờ xem.

Nguồn: Engadget