6 ứng dụng vẽ tranh hay và miễn phí trên iPad
Vẽ vời không chỉ đơn thuần là một công việc thiên về nghệ thuật, mà nó còn cách để thể hiện những ý tưởng, ngẫu hứng và cái đẹp mà nhãn quan bắt được bằng đôi tay hoạ sĩ khéo léo. Mọi người có thể vẽ lên giấy, vải, bảng, gỗ, tường, và thậm chí là vẽ lên trên cả iPad nữa. Tuy nhiên vẽ trên iPad thì đơn giản hơn nhiều, chỉ cần dùng ngón tay hay chịu chơi hơn sử dụng thêm cây bút cảm ứng là đã có thể vẽ vời bao luôn cả việc tô màu. Nhưng trước hết, để iPad có thể phục vụ công việc nghệ thuật này, thì mời mọi người tham khảo vài ứng dụng hội hoạ miễn phí tiêu biểu được điểm mặt dưới đây, cài vào cho em nó và vọc.
1. ADOBE IDEAS:
Đây là chương trình vẽ tranh miễn phí trong dòng họ chuyên về đồ hoạ dành cho iPad. Giao diện của Adobe Ideas đơn giản, trưc quan dễ nhìn, thanh công cụ được bố trí mặc định bên trái với phần hiển thị các công cụ khá logic, rất dễ lựa chọn. Phần lớp ảnh (layer) thì Adobe Ideas hỗ trợ tới 10 lớp, nên việc tạo một bức tranh vẽ hoàn hảo bằng nhiều lớp ảnh lồng lại là điều dễ dàng.
Ngoài ra Adobe Ideas còn cung cấp cả dịch vụ Creative Cloud với 2GB dung lượng miễn phí dành cho người dùng lưu trữ những tác phẩm của mình, và cũng từ dịch vụ này, bạn có thể tìm kiếm cho mình những tác phẩm vẽ mẫu do Adobe cung cấp.
Ưu điểm:
- Giao diện đơn giản dễ nhìn, các công cụ dễ sử dụng
- Hỗ trợ tới 10 lớp layer.
- Thao tác Undo/Redo có thể thực hiện đến 50 lần
- Có thể đồng bộ hoá qua lại các bảng màu với chương trình Adobe Kuler.
- Cung cấp dịch vụ Creative Cloud cho việc lưu trữ và tải về các mẫu vẽ do Adobe đăng tải.
- Rất thích hợp để vẽ những bức ký hoạ, phác thảo, chân dung và hoa văn đơn giản.
Nhược điểm:
- Công cụ hơi ít.
- Cần phải trả phí 1.99$ hằng tháng nếu muốn có thêm 20GB lưu trữ trên Creative Cloud.
2. ADOBE KULER:
Tuy cũng nằm trong danh sách những ứng dụng hội hoạ, nhưng Adobe Kuler chỉ là chương trình gắp màu, điều chỉnh bảng màu và không có tính năng vẽ vời gì cả. Để gắp màu, bạn có thể dựa vào bảng màu cơ bản do nó cung cấp hoặc dùng tính năng gắp màu từ vật thể trong hình thông qua Camera của thiết bị. Sau khi thực hiện thao tác gắp màu xong, người dùng có thể chỉnh độ cân bằng và điều chỉnh sắc thái của phần màu vừa gắp.
Ưu điểm:
- Khả năng gắp màu từ camera khá chính xác và nhanh.
- Hệ thống bảng màu chuẩn.
- Cung cấp mã riêng cho mỗi phần màu sắc vừa tinh chỉnh. Bạn có thể dùng mã màu này để thêm vào phần chọn màu mình cần trên các ứng dụng đồ hoạ khác.
- Đồng bộ hoá với dịch vụ Creative Cloud
Nhược điểm:
- Chỉ hỗ trợ đồng bộ hoá qua lại trực tiếp với các ứng dụng của Adobe.
3. BRUSHES 3:
Với mục đích ưu tiên về sự thoải mái khi vẽ cho người dùng, Brush 3 đã dựng nên một không gian trang giấy khá thoáng với kích thước chiếm trọn màn hình, phần thanh công cụ được tối giản thành những biểu tượng nhỏ nhưng dễ nhìn, đặt nằm ở phần cạnh đáy của màn hình thiết bị. Tương tự như Adobe Ideas, Brush 3 cũng hỗ trợ đến 10 lớp layer dành cho công việc tạo những bức ảnh lồng ghép chi tiết.
Ưu điểm:
- Không gian làm việc thoải mái.
- Hỗ trợ độ phân giải lên tới 2048 x 2048.
- Thanh công cụ được tối giản thành những biểu tượng dễ nhìn đặt ở cạnh dưới màn hình.
- Hỗ trợ đến 10 lớp ảnh layer.
- Không giới hạn thao tác Undo/Redo.
- Cung cấp tính năng ghi hình và phát lại quá trình thực hiện bức tranh.
Nhược điểm:
- Chỉ có một công cụ duy nhất là cọ vẽ.
4. INSPIRE PRO:
Nếu bạn thích thử trải nghiệm ở mảng vẽ tranh bằng cọ giống như kiểu tranh mặc thuỷ của Trung Hoa hoặc viết thư pháp thì các bạn có thể thử chương trình Inspire Pro của KiwiPixel. Giao diện của Inspire Pro cũng khá đơn giản với không gian trang giấy được hiển thị toàn màn hình, các biểu tượng công cụ và chức năng được rải đều ở 4 cạnh màn hình, rất dễ nhìn và tiện lựa chọn khi sử dụng. Về phần cọ thì Inspire Pro cung cấp sẵn 3 mẫu cọ với khả năng thay đổi kích thước và xoay đầu cọ 360 độ nên người dùng có thể thoải mái và linh hoạt trong thao tác vẽ.
Ưu điểm:
- Giao diện đơn giản với cách sắp xếp và trải đều các icon công cụ, tính năng.
- Mô phỏng tốt đường nét vẽ của cọ.
- Có thể xoay nét cọ linh hoạt theo góc 360 độ, phù hợp với các kiểu vẽ tranh mặc thuỷ và thư pháp.
Nhược điểm:
- Bảng điều chỉnh cọ có đính kèm quảng cáo, khá vướng mắt.
- Chỉ hỗ trợ 10 lần cho các thao tác Undo/Redo.
- Không thể truy nhập hình ảnh sẵn có trong thiết bị để vẽ thêm.
5. SKETCH BOOK MOBILE EXPRESS FOR IPAD:
Đây là ứng dụng chuyên dùng để vẽ tranh phác hoạ, chân dung, ký hoạ người và phong cảnh. Bộ công cụ chuyên nghiệp của SketchBook có đến 6 kiểu chì vẽ, 1 kiểu viết bi, 2 kiểu cọ, 2 kiểu bút phun sơn airbrush và 2 loại gôm, nên khá thoải mái và phù hợp cho người dùng lựa chọn. Vì là chương trình chuyên dùng để vẽ chân dung, phác hoạ và ký hoạ nên SketchBook chỉ hỗ trợ tối đa 3 lớp ảnh (layer).
Ưu điểm:
- Công cụ nhiều, chuyên nghiệp rất thích hợp cho việc vẽ ký hoạ, phác hoạ và chân dung.
- Giao diện làm việc rộng rãi dễ nhìn.
- Có cả tính năng chèn chữ và tính năng di chuyển layer.
Nhược điểm:
- Chỉ hỗ trợ có 3 lớp ảnh, không phù hợp cho việc vẽ tranh lồng ghép.
6. DRAWING BOX FREE:
Tuy cũng là một ứng dụng chuyên đề về hội hoạ, nhưng Drawing Box Free của Nguyen Tan Hon lại nhắm đến đối tượng là các khách hàng nhỏ tuổi thay vì là người lớn hoặc các tay hoạ sĩ chuyên nghiệp. Ngoài việc sỡ hữu một giao diện đầy màu sắc sặc sỡ bắt mắt ra, Drawing Box sở hữu khá nhiều công cụ vẽ phong phú lẫn nhiều mẫu nền vẽ và các hình trang trí khác nhau, nên bé có thể tha hồ tự mày mò và khám phá về nghệ thuật vẽ vời.
Ưu điểm:
- Giao diện sặc sỡ dễ thu hút các bé.
- Nhiều công cụ. Các icon cũng khá dễ thương.
- Khá nhiều hình mẫu dễ thương cho các bé vẽ và tô màu.
Nhược điểm:
- Đính kèm quảng cáo.
- Chỉ lưu được tối đa là 6 bức vẽ.
- Có cung cấp bài học vẽ dành cho trẻ nhưng đòi hỏi phải trả phí với giá 0.99$
Ngoài các ứng dụng miễn phí kể trên thì còn có những ứng dụng cùng loại khác cũng hay và mang tính chất chuyên nghiệp tốt hơn nhưng hơi tốn kém và buộc mọi người phải chịu chi chút đỉnh như PAPER BY FIFTYTHREE, ART SET PRO, TAYASUI SKETCHES. Tuy nhiên ứng dụng cũng chỉ là ứng dụng, chúng chỉ mang đến sự tiện lợi và rút ngắn quá trình thực hiện công việc của bạn, nên để có một bức tranh như ý có thể nói là đủ lột tả được cái đẹp trong nét vẽ, đủ để mãn nhãn mình và người khác thì các bạn cần phải luyện tập và học hỏi, "Nghề chơi thì lắm công phu" mà.
Nguồn: Tổng Hợp.