Mời quan sát mưa sao băng Camelopardalids xuất hiện vào thứ 7 tuần này,
ngày 24 đến 25 tháng 5
Tuy không xem được mức ở lúc cao điểm là từ 800 đến 1000 sao băng mỗi giờ nhưng vào đêm 23 và 24 tháng 5, chúng ta vẫn có thể quan sát trận mưa sao băng này với mật độ lên tới 200 sao băng mỗi giờ. Đây thật sự là một hiện tượng thiên văn thú vị và hiếm gặp rất đáng để mỗi người chúng ta theo dõi quan sát.
Theo dự đoán thì tột trận mưa sao băng cực lớn và vô cùng hiếm thấy mang tên Camelopardalids sẽ xuất hiện vào những ngày cuối tháng 5 sắp tới. Nếu các dự báo là đúng thì đây thật sự là một cơn "bão sao băng" với mật độ sao băng lúc đỉnh điểm lên tới 800 đến 1000 sao băng mỗi giờ. Mưa sao băng Camelopardalids sẽ bắt đầu đạt cực điểm vào khoảng ngày 23 và 24 tháng 5 sắp tới. Theo dự đoán chính xác thì khoảng thời gian đẹp nhất của hiện tượng sẽ rơi vào từ 6 đến 8 UTC, tương đương với 13 đến 15h theo giờ VIệt Nam. Như vậy, tại Việt Nam sẽ không quan sát được cực điểm của hiện tượng này.
Đôi nét về mưa sao băng Camelopardalids
Hồi năm 2012, các nhà thiên văn học đã dự đoán về mật độ các mảnh vụn của sao chổi 209P/LINEAR sẽ tạo thành một trận mưa sao băng cực kỳ lớn vào năm 2014. Đây là sao chổi thường đi qua quỹ đạo của Trái Đất trong quá trình xoay quanh Mặt Trời với chu kỳ 5 năm. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong mưa sao băng sắp diễn ra không phải là những mảnh vụn của sao chổi khi tiến gần Trái Đất lần này mà lại đến từ những mảnh vụn mà nó để lại từ một lần quét qua Trái Đất trong những năm 1800.
Dựa trên tính toán về chuyển động của các mảnh vụn sao chổi, các nhà nghiên cứu có thể dự đoán chính xác rằng Trái Đất sẽ chứng kiến được hiện tượng lịch sử này vào ngày 24 tháng 5 sắp tới. Một dự đoán khác vào năm 2013 cho rằng trận mưa sao băng có mật độ khoảng 200 sao băng mỗi giờ, tương đương với một trận mưa sao băng vào loại rất lớn. Do đó, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, đây thật sự là một sự kiện thiên văn rất hiếm gặp và đáng chú ý đối với mỗi người yêu thiên văn.
Quan sát ở đâu và khi nào?
Mưa sao băng sẽ có vùng trung tâm tại chòm sao Camelopardalids (Hưu cao cổ). Đây là chòm sao năằm phía Bắc bầu trời, phía dưới bên phải 30o so với sao Bắc Cực (Polaris). Chúng ta có thể xác định vị trí cần quan sát mưa sao băng thông qua việc xác định sao Bắc Cực, ngôi sao nằm ở hướng chính Bắc. Với một bản đồ, là bàn hoặc thiết bị GPS trên điện thoại, bạn có thể dễ dàng xác định hướng chính Bắc từ vị trí hiện tại của mình. Hy vọng rằng với thời tiết nắng nóng kéo dài trong những ngày sắp tới, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để quan sát được hiện tượng này một cách tối ưu nhất.
Như đã đề cập ở đầu bài, mưa sao băng lần này sẽ xuất hiện vào ngày 23, 24 sắp tới và đạt cực điểm của hiện tượng vào khoảng 6 đến 8h UTC ngày 24, tương đương với 13 đến 15h theo giờ Việt Nam. Chúng ta sẽ không thể quan sát đỉnh điểm của hiện tượng nhưng vào buổi tối các ngày 23 và 24, tại các vị trí ở Việt Nam vẫn có thể quan sát được mưa sao băng với mật độ trên dưới 200 ngôi sao mỗi giờ.
Một số lưu ý khi quan sát mưa sao băng
Mình có tham khảo một số chú ý khi quan sát mưa sao băng từ các chuyên trang thiên văn học. Dưới đây là vài lưu ý để các bạn có thể quan sát hiện tượng trên một cách hoàn hảo nhất.
- Bạn không cần sử dụng kính thiên văn hay bất cứ dụng cụ nào khác, mưa sao băng hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường.
- Đối với trận mưa sao băng Camelopardalids lần này, các bạn không cần thức đêm để theo dõi. Khoảng thời gian đêm 24 là tối ưu nhất để có thể quan sát mưa sao băng do đó là thời điểm gần với đỉnh điểm hơn so với rạng sáng ngày 25.
- Hãy lựa chọn vị trí ít bị ô nhiễm ánh sáng nhất để quan sát mưa sao băng. Tránh những khu vực có ánh sáng chiếu thẳng vào mắt người quan sát.
- Đồng thời bạn chỉ có thể quan sát mưa sao băng nếu trời không có mây. Theo chia sẻ của hội thiên văn Việt Nam thì bạn có thể sử dung mẹo nhỏ như sau: đứng ngoài trời khoảng 5 phút để mắt bạn quen dần với bóng tối và bạn sẽ dễ dàng thấy các ngôi sao trên bầu trời. Nếu bạn có thể đếm được 50 ngôi sao thì bạn hoàn toàn có thể quan sát được mưa sao băng.
- Cuối cùng là sự kiên nhẫn, đôi khi bạn phải liên tục nhìn lên bầu trời từ 5 đến 10 phút mới thấy được 1 vệt sao băng.
Hy vọng rằng tất cả các bạn đều có thể quan sát được hiện tượng thiên văn thú vị này. Chúc vui.