Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Honda Aircraft chính thức ra mắt phiên bản thương mại của HondaJet, giá bán 4,5 triệu USD

HondaJet_18.

Không chỉ sản xuất xe hơi, xe máy, Honda cũng tham gia vào lĩnh vực vận tải hàng không với mẫu máy bay phản lực doanh nhân cỡ nhỏ HondaJet. Và tại cuộc họp báo vừa diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ, Honda Aircraft Company đã công bố những cột mốc đáng chú ý trong quá trình phát triển HondaJet cùng với việc ra mắt phiên bản sản xuất thương mại đầu tiên của mẫu máy bay này sau nhiều lần trì hoãn do lỗi động cơ.
Công ty cho biết loạt máy bay đầu tiên xuất xưởng đang nằm trong giai đoạn lắp ráp cuối cùng với những bộ động cơ GE Honda HF120 vừa được chuyển đến nhà máy của Honda Aircraft. GE Honda HF120 là động cơ dành riêng cho HondaJet và đã đạt được các chứng nhận thử nghiệm của Cục hàng không liên bang (FAA) hồi cuối năm ngoái. Động cơ được phát triển và sản xuất bởi liên doanh GE Honda Aero Engines và theo General Electric thì đây là động cơ phản lực nhỏ nhất thế giới với đường kính cánh quạt chỉ 18" (45,7 cm) nhưng mang lại lực đẩy đến 2095 lb (950 kg). Mỗi chiếc HondaJet được lắp 2 động cơ HF120 trên mặt cánh thay vì nằm dưới cánh hay sau đuôi và điều này khiến chiếc máy bay của Honda trở nên rất khác biệt so với các đối thủ cùng phân khúc. HondaJet có thể đạt tốc độ trên 400 knot (740 km/h) và trần bay tối đa 9144 m.

HondaJet_10.

Theo Honda Aircarft, hoạt động sản xuất HondaJet tiếp tục tốc độ ổn định hướng đến mục tiêu đưa vào khai thác với 9 chiếc đang được hoàn thiện, 4 chiếc đang được lắp ráp phần cánh và đuôi. Theo kế hoạch sẽ có 10 chiếc sẽ đi vào dây chuyền lắp ráp hoàn thiện vào tháng 6 tới. Với tiến độ này, mục tiêu của Honda Aircraft là sớm chuyển sản phẩm đến tay người dùng ngay sau HondaJet khi nhận được chứng nhận kiểu dáng (Type Certification) vào năm tới.

HondaJet_09.
HondaJet có thêm màu mới là xanh lục đậm viền vàng bên cạnh 4 màu đã có là xanh, vàng, đỏ và bạc.

Sau khi cấp chứng nhận TIA, FAA vẫn đang thử nghiệm HondaJet và rất nhiều bài thử đang nằm trong giai đoạn cuối cùng. Các bài thử nghiệm này bao gồm:
  • Thử nghiệm tốc độ khi mất lực nâng (Stall speed), đặc tính khi mất lực nâng và hệ thống cảnh báo mất lực nâng (Stall warning): Các thử nghiệm này được thực hiện dưới nhiều điều kiện bay khác nhau. Trong quá trình thử nghiệm, hệ thống cảnh báo mất lực nâng và hệ thống bảo vệ khi mất lực nâng (phục hồi lực nâng tự động) đã được đánh giá. Các dấu hiệu cảnh báo về tốc độ bay, độ cao và nhiệt độ xung quanh trong buồng lái cũng được phê chuẩn.
  • Thử nghiệm hệ thống bánh, lốp và thắng trên mặt đất: Các hệ thống kiểm soát thắng chống trượt thông thường đã được đánh giá trên điều kiện đường băng ướt và khô. Việc thử nghiệm hệ thống thắng khẩn cấp cũng đã chứng minh khả năng hãm tốc máy bay khi hoạt động của hệ thống bị suy giảm.
  • Thử nghiệm hoạt động của cánh tà và hệ thống thắng ở các giới hạn tốc độ và tải trọng tối đa.
  • Thử nghiệm kiểm soát hệ thống thủy lực trong các điều kiện hoạt động bình thường, không bình thường và suy giảm: Hệ thống thủy lực của HondaJet cũng đã chứng minh khả năng vận hành trơn tru ở độ cao tối đa và sau thời gian bị làm lạnh kéo dài do độ cao.
  • Thử nghiệm hệ thống chữa cháy trên máy bay: Thử nghiệm này được thực hiện trong nhiều điều kiện bay nguy cấp về tốc độ và nhiệt độ.
HondaJet_08.

Ngoài ra, HondJet cũng đã hoàn thành 2000 vòng thử nghiệm độ bền cấu trúc theo yêu cầu của FAA để có thể được khai thác thương mại. Thời gian thử nghiệm này tương đương với 5 năm sử dụng đối với các đơn vị khai thác máy bay phản lực doanh nhân. Theo kế hoạch, FAA sẽ cấp chứng chỉ bay cho HondaJet vào quý 1 năm 2015.

Giá bán của HondaJet vào khoảng 4,5 triệu USD.



Nguồn: HondaJet