Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

[Thủ thuật] Đồng bộ, chia sẻ dữ liệu giữa thiết bị Android và máy Mac thật dễ dàng

Android_Yeu_OS_X.

Trong hệ sinh thái Apple, các sản phẩm được đồng bộ với nhau một cách tuyệt vời. Những thiết bị di động có thể sync dữ liệu với máy tính thật nhanh chóng thông qua mạng Wi-Fi hoặc cáp USB, ngoài ra chúng cũng có thể đồng bộ thông qua dịch vụ đám mây iCloud. Tuy nhiên, không phải ai dùng máy tính Apple cũng dùng iPhone. Nhiều người vẫn chọn Android làm nền tảng di động cho riêng mình vì tính mở của nó mặc dù máy tính vẫn chơi với Mac. Mình cũng là một trong số đó, và mình hiểu được sự khó chịu khi không đồng bộ dữ liệu giữa hai hệ sinh thái này với nhau. Trong bài viết hôm nay mình xin chia sẻ với anh em một số ứng dụng/dịch vụ có thể giúp giải quyết vấn đề trên, và cũng như mọi lần, rất hoan nghênh anh em cùng đóng góp thêm ý kiến nhé.

Tóm tắt nội dung bài viết
Noi_dung.

1. Đồng bộ danh bạ, lịch, email

Nếu bạn đã sắm cho mình một cái điện thoại hay máy tính bảng Android thì chắc hẳn bạn đã tạo cho mình một tài khoản Gmail (hoặc tài khoản Google Apps của công ty, cơ quan, tổ chức). Và rất may mắn, cả OS X và iOS đều hỗ trợ đồng bộ danh bạ, lịch, email thông qua Google một cách dễ dàng mà không gặp khó khăn gì. Trên Android, chỉ cần bạn đăng nhập tài khoản Google của mình vào thì danh bạ, sự kiện lịch và tất nhiên là email sẽ được đồng bộ với máy chủ. Lúc chuyển sang xài máy Apple, iPhone, iPad, iPod Touch hay máy tính Mac đều hỗ trợ đăng nhập tài khoản Google để lấy dữ liệu xuống. Bạn chẳng cần phải thiết lập dài dòng phức tạp cả.

Email_Calendar.

Ở trên máy Android, bạn vào Settings > Accounts > Add an account > Google để đăng nhập tài khoản. Nhớ chọn sync danh bạ, lịch và email khi được hỏi.

Còn trên OS X, bạn vào  > System preferences > Internet Accounts > Google.

2. Chuyển tập tin giữa máy Android với Mac

Giờ thì mọi chuyện bắt đầu khó lên một chút rồi đây. Nếu như bạn cắm thiết bị Android vào máy tính Windows thì thiết bị sẽ được nhận ra trong My Computer / This PC thì trên OS X lại không có gì xảy ra cả. Một số máy cũ khi kết nối bằng cáp USB với OS X sẽ hiện ra dưới dạng thẻ nhớ, nhưng đa phần các máy Android mới trong khoảng 2 năm trở lại đây thì không. Vậy làm thế nào để chép file từ máy tính Mac sang? Chúng ta có 2 cách:

1. Sử dụng ứng dụng Android File Transfer do Google cung cấp, app này đòi hỏi bạn phải kết nối máy Android với máy Mac bằng cáp USB. Đối với các bạn nào đang xài điện thoại HTC chạy giao diện Sense 5, Sense 6 trở lên thì mời xem thêm bài này để biết cách thiết lập trước khi kết nối.

ATF.

2. Sử dụng ứng dụng AirDroid. Phần mềm này hay ở chỗ bạn có thể gửi file không dây giữa máy tính với điện thoại mà không cần cài đặt gì phức tạp, tốc độ tải cũng rất ngon. Ngoài việc gửi file thì AirDroid còn cho phép chúng ta làm được nhiều thứ khác, ví dụ như xem có bao nhiêu tin nhắn chưa đọc, duyệt qua toàn bộ các chủ đề SMS đang có trong máy và trả lời tin nhắn, xem từng cuộc trò chuyện một, duyệt ảnh, cài tập tin APK từ xa, chơi nhạc...

Cách sử dụng AirDroid:

Tải về AirDroid cho Android tại đây. Chạy ứng dụng lên, đăng kí cho mình một tài khoản (hoặc bỏ qua cũng được, chi tiết mình sẽ giải thích thêm bên dưới) Chuyển sang máy tính, dùng trình duyệt nào cũng được truy cập vào địa chỉ do ứng dụng hiển thị trên màn hình. Trong ảnh minh họa thì địa chỉ của máy mình là http://192.168.1.120:8888.

Chờ một tí thì hai thiết bị sẽ được kết nối với nhau, lưu ý rằng cả PC và smartphone Android phải đang truy cập cùng một mạng Wi-Fi. Sau đó, bạn hãy kéo thả tập tin muốn gửi từ máy tính sang điện thoại vào khu vực Toolbox > File của AirDroid nền web như đánh dấu ở hình dưới. Trong trường hợp bạn cần gửi file từ điện thoại sang máy Mac thì xài app AirDroid trên máy Android của bạn.

AirDroid_File.

Còn nếu bạn muốn kết nối điện thoại với máy tính khi đang xài khác mạng Wi-Fi:

Thực hiện tương tự như trên, tuy nhiên người dùng nhớ đăng kí cho mình một tài khoản AirDroid Đến bước dùng máy tính, đừng nhập địa chỉ nội bộ, thay vào đó hãy dùng link http://web.airdroid.com/ Trên máy tính, đăng nhập bằng cùng tài khoản với tài khoản bạn đã đăng kí với AirDroid khi nãy Chờ một lát hai máy sẽ được kết nối với nhau sẽ sử dụng được. Lưu ý cách này thì tốc độ gửi file sẽ khá chậm.

3. Đồng bộ nhạc

Nếu như iPhone, iPod Touch, iPod có khả năng đồng bộ nhạc cực kì dễ dàng với thư viện iTunes trên máy Mac thì Android lại không đơn giản như thế. Nếu bạn đang dùng máy của HTC, LG hay Samsung, các hãng này có cung cấp phần mềm để bạn cài trình đồng bộ lên OS X nên không gặp nhiều khó khăn. Bạn chỉ việc cắm thiết bị vào máy tính, một ổ cài đặt app sẽ hiện ra, bạn chỉ cần cài và sử dụng mà thôi. Bạn cũng có thể tải về những app đồng bộ ở các link sau:
Nhưng nếu bạn xài máy của các hãng khác thì sao? Không lẽ phải chép từng tập tin, thư mục nhạc đơn lẻ? Trong trường hợp này bạn có thể xài app DoubleTwist. Sau khi cài phần mềm này lên Android và OS X, bạn có thể nhanh chóng đồng bộ thư viện nhạc iTunes của mình, rất tuyệt vời.
Tuy nhiên, có một số máy DoubleTwist không hỗ trợ, khi đó, bạn có thể thử sang SyncMate do hãng Eltima làm với chức năng tương tự, có điều tính tương thích cao hơn và hỗ trợ đồng bộ nhiều thứ hơn. Bạn có thể tải về bản Trial để xài, nếu thấy đồng bộ ngon với điện thoại, máy tính bảng của mình thì hãy mua với giá từ 39,99$ cho một bản quyền cá nhân (mua theo gói sẽ được giảm giá). Trước đây mình từng đánh giá SyncMate rồi, mời anh em quan tâm ghé qua đọc bài.
Sync_Mate.

4. Đồng bộ bookmark, lịch sử duyệt web

Hai thành phần này thì hơi khó chơi, và cách đơn giản để có thể đồng bộ bookmark và lịch sử duyệt web giữa Android với OS X đó là sử dụng Firefox hoặc Chrome (xin lỗi các bạn thích Safari). Hai trình duyệt này hỗ trợ sync rất đơn giản. Với Chrome bạn chỉ cần đăng nhập cùng một tài khoản Google trên máy tính và máy Android, còn với Firefox thì sử dụng Firefox Account. Bạn thậm chí còn có thể dùng điện thoại để xem các tab đang mở trên máy tính nữa kìa.

5. Dùng điện thoại Android điều khiển việc chơi nhạc của iTunes

Trên iOS, Apple có cung cấp một ứng dụng tên là Remote để người dùng có thể điều khiển việc chơi nhạc của phần mềm iTunes trên máy tính mà không cần cài thêm bất kì thứ gì. Còn trên Android thì chúng ta có Retune. Mặc dù không phải do Apple viết ra nhưng ứng dụng này chạy rất ngon, độ ổn định cao, cực kì nhạy và cũng chẳng cần cài thêm phần mềm vào máy tính. Chúng ta có thể truy cập vào toàn bộ các playlist, duyệt qua tất cả các bài nhạc đang có trong thư viện, điều khiển việc dừng/chơi/tua nhanh/nhảy bài... một cách nhanh chóng và đơn giản.

iTunes_Control.

Để ghép Retune với iTunes, bạn hãy chạy iTunes lên, nhìn sang cột bên trái của phần mềm (hoặc nhấn vào nút Devices ở góc bên phải nếu bạn xài iTunes 11, như hình bên dưới), chọn đúng tên thiết bị Android của bạn. Nhập bốn con số đang hiện trên máy Android vào iTunes là xong, bạn đã có thể bắt đầu sử dụng, không cần cài thêm client gì cả. Lưu ý: cũng như Apple Remote, Retune chỉ có tác dụng khi iTunes đã mở sẵn chứ nó không thể khởi chạy hay tắt iTunes.

Retune_1.

Tải về Retune dành cho Android.

6. Phát nhạc, video từ máy Mac sang TV box chạy Android bằng AirPlay

Nói là TV box thế thôi chứ thực ra thủ thuật này bạn có thể áp dụng cho TẤT CẢ mọi thiết bị Android, dù cho đó là smartphone, tablet hay Google TV. Tuy nhiên, hữu dụng nhất thì vẫn là truyền nhạc, phim sang TV box gắn vào màn hình lớn để thưởng thức nội dung cho đã.

Mình thường xài ứng dụng AirTight để làm được điều đó. App sẽ được cài trên Android và nó đóng vai trò nhận tín hiệu từ máy Mac thông qua giao thức AirPlay (tất nhiên cả máy tính lẫn thiết bị Android sẽ phải vào chung một mạng Wi-Fi). Còn trên OS X thì bất kì ứng dụng nào có hỗ trợ AirPlay, ví dụ như iTunes hay QuickTime, đều có thể phối hợp một cách ngon lành mà không cần cài thêm gì cả. Ngay cả việc tìm kiếm thiết bị để chơi cũng tự động luôn.

Air_Play.

AirTight có giá 1$ và kết nối rất ổn định, hỗ trợ truyền đầy đủ thông tin bài nhạc hoặc video. Ngoài ra còn có phần mềm AirAudio miễn phí, tuy nhiên mình cảm thấy quá trình kết nối giữa máy Mac với thiết bị Android hơi khó và chậm. Tùy nhu cầu và túi tiền mà các bạn chọn sử dụng app cho phù hợp nhé.

7. Thiết lập email iCloud với Android

Trong trường hợp bạn dùng iCloud làm hộp thư chính của mình trên máy Mac thì bạn vẫn có thể thiết lập được nó trên Android. Chúng ta sẽ sử dụng một ứng dụng có sẵn trên hầu hết smartphone và tablet Android có tên "Mail". Lưu ý rằng phần mềm này trong tên chỉ có một chữ là "Mail" mà thôi, không phải Gmail hoặc Yahoo Mail gì cả nhé. Bạn hãy chạy ứng dụng đó lên, nhấn phím menu và chọn Add Account. Hình bên dưới là mình minh họa bằng máy HTC, các máy của những hãng khác thì giao diện Mail sẽ khác đôi chút nhưng cơ bản thì thông số và cách làm vẫn như nhau, đừng lo lắng nhé.

Đầu tiên bạn cần nhập địa chỉ mail của mình. Khi được hỏi, chọn loại tài khoản là POP3/IMAP, sau đó nhập đầy đủ địa chỉ email (có bao gồm đuôi @icloud.com) và password của bạn vào máy. Trong màn hình kế tiếp:
  • Đảm bảo loại tài khoản là IMAP
  • Dòng Email Address sẽ được tự điền sẵn cho bạn, kiểm lại một lần nữa cho chắc
  • Dòng Username, bạn điền phần đầu của địa chỉ email, không bao gồm đuôi icloud.com)
  • Dòng Password bỏ qua, không cần nhập lại
  • Dòng IMAP server, nhập imap.mail.me.com
  • Dòng Security Type, chọn SSL, ngay bên dưới đó là Port, nhập 993
iCloud_Android_1.

Nhấn Next để tiếp tục. Lúc này bạn sẽ được chuyển sang màn hình thiết lập giao thức gửi thư.
  • Dòng Username và Password bạn không cần điền lại
  • Dòng SMTP server, nhập smtp.mail.me.com
  • Dòng Security Type, chọn TLS, dòng Server Port nhập số 587
Tiếp tục nhấn Next, chờ một chút để ứng dụng Mail xác nhận máy chủ gửi nhận thư iCloud là chúng ta đã có thể sử dụng được. Sau đó bạn chỉ việc điền tên cho tài khoản email này là xong. Nhấn Finish Setup khi hoàn tất. Hãy thử gửi và nhận mail xem sao. Việc thiết lập như trên hỗ trợ cả push mail, tức là khi thư vừa đến sẽ xuất hiện thông báo ngay lập tức, rất ngon.

iCloud_Android_2.