Google chia sẻ về dự án vẽ bản đồ 3D Tango và những lợi ích của nó
Tìm hiểu về thế giới xung quanh luôn là khả năng mà con người đã có được ngay từ thuở lọt lòng, tuy nhiên với máy móc thì không phải như thế. Đồng ý rằng đã có những con robot, những phần cứng có thể quan sát thế giới với độ chính xác của mắt người, nhưng đó lại là sản phẩm đến từ những phòng nghiên cứu cấp quân đội, hoặc chỉ là thử nghiệm của các trung tâm nghiên cứu. Trong khi đó, nhóm Công nghệ và Dự án hiện đại (ATAP) của Google thì đang muốn mang những công nghệ như thế ra đại chúng với dự án Tango.
Nhiệm vụ của Tango đó là tạo nên những thiết bị di động với cảm biến chiều sâu và camera đặc biệt nhằm tạo nên một bản đồ 3D của thế giới xung quanh với giá rẻ. ATAP đã giới thiệu sản phẩm đầu tiên của mình hồi tháng 2 năm nay, đó là một chiếc điện thoại. Còn bây giờ, nhóm quyết định mở rộng sang máy tính bảng.
Chiếc tablet nguyên mẫu được Google công bố sử dụng màn hình 7" độ phân giải 1920 x 1080 và chạy Android 4.4 KitKat không chỉnh sửa, tuy nhiên điểm thú vị thật sự lại nằm ở cấu hình mạnh mẽ của máy với chip NVIDIA Tegra K1 bốn nhân, RAM 4GB và bộ nhớ trong 128GB (không hỗ trợ khe thẻ nhớ). Ngoài ra, máy còn được trang bị cổng USB 3.0, microHDMI, Bluetooth LE, Wi-Fi và kết nối 4G LTE. Với một phần cứng như thế này, Google muốn đạt đến một trần sức mạnh tính toán có thể có được trên một thiết bị di động tính đến thời điểm hiện tại.
Mẫu máy tính bảng Tango sẽ nhìn ra thế giới thông qua hai camera và một cảm biến chiều sâu ở mặt lưng sản phẩm. Một chiếc camera có độ phân giải 4 megapixel với kích thước điểm ảnh lớn, lên tới 2 micron (giống camera UltraPixel trên HTC One), nhằm tăng độ nhạy sáng và hỗ trợ chụp ảnh nhanh hơn so với hầu hết các cảm biến ảnh di động hiện tại. Chiếc camera còn lại có khả năng theo dõi chuyển động với góc nhìn lớn, lên đến 170 độ. Nó thực chất là một ống mắt cá đấy.
Nói thêm về chiếc tablet này, Google cho biết khả năng ghi nhận thông tin 3D của nó không khác nhiều so với mẫu điện thoại công bố hồi tháng Hai năm nay, tuy nhiên nhờ kích thước lớn nên mức độ tiện dụng sẽ tăng lên. Ngoài ra, tablet có viên pin lớn hơn, camera có độ chính xác cao hơn và sức mạnh xử lý đồ họa cũng cao hơn.
Nếu như chiếc điện thoại trước đây trông khá to, cồng kềnh từ góc nhìn thiết kế công nghiệp thì chiếc tablet lại hoàn toàn có thể trở thành một thiết bị tiêu dùng. Nó không quá dày, và mọi thành phần được ghép nối lại với nhau rất tốt. Tuy nhiên, đây không phải là ý định của Google, thay vào đó, hãng chỉ muốn đưa chiếc tablet này đến tay các lập trình viên chuyên nghiệp. Vì được thiết kế đặc biệt cho mục đích ghi nhận thông tin 3D nên các camera được gắn vào thân máy ở góc nghiêng 13 độ để đảm bảo rằng việc sử dụng được tự nhiên, người dùng không phải đưa tablet lên trước mặt mình khi cần quét môi trường xung quanh.
Thông qua Tango, nhóm ATAP muốn mang đến cho thiết bị di động cách mà con người đánh giá và hiểu về không gian cũng như chuyển động. Họ muốn chiếc smartphone hoặc tablet của bạn bắt chước cách bạn nhìn thế giới. Nếu dự án thành công, chiếc điện thoại Tango có thể nhanh chóng tạo ra một phiên bản 3D của văn phòng hoặc ngôi nhà của bạn, trong khi vẫn đo được khoảng các giữa các đối tượng, vật thể trong phòng (như tường, bàn ghế, bình hoa, kệ tủ...).
Lợi ích đến từ những thứ này có lẽ nhiều hơn là những gì bạn nghĩ. Thay vì phải đi vòng vòng tìm kiếm món đồ cần mua trong những trung tâm thương mại khổng lồ, bạn có thể xài một ứng dụng để nó chỉ từng đường đi nước bước. Bạn có thể tưởng tượng Project Tango có thể được sử dụng như một bản đồ GPS trong nhà vậy. Ngoài ra, thay vì phải tưởng tượng xem chiếc ghế sô-fa bạn định mua sẽ trông như thế nào khi đặt vào phòng khách, bạn có thể xài một app khác để xem hình ảnh thật sự của chiếc ghế khi nó xuất hiện trong căn phòng.
Chưa hết, các nhà kinh doanh bất động sản có thể giúp người mua nhà xem sản phẩm mà không phải đi ra thực địa, còn những bản đồ 3D thì sẽ giúp ích nhiều cho người gặp vấn đề về thị lực. "Nếu bạn đi vòng vòng trong một tòa nhà văn phòng, một thiết bị với công nghệ Tango sẽ đọc tên của từng phòng họp, từng khu vực khi bạn đi ngang qua nó", theo lời Johnny Lee, trưởng nhóm kĩ thuật của dự án Tango.
Dự án này đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng đồ họa, và những nhà phát triển game lớn như Unity và Epic cũng đã bày tỏ mong muốn được làm việc với Tango. Ngay cả Autodesk (hãng làm ra phần mềm AutoCAD, 3DS Max) cũng có nhiều thứ liên quan đến Tango đang được họ nghiên cứu. Sự hỗ trợ tốt từ phía doanh nghiệp, bắt đầu từ Qualcomm với GPU Adreno bên trong chiếc smartphone Tango, sẽ tiếp tục được củng cố bởi vì NVIDIA đã mang SoC Tegra K1 của mình vào tablet trong khuôn khổ dự án. Con chip này sử dụng kiến trúc GPU của máy tính, do đó các công ty có thể mang những phần mềm đồ họa phức tạp được xây dựng trong nhiều năm trời cho PC sang các thiết bị di động một cách dễ dàng hơn.
Không thể không nói đến những tiện ích mà Tango có thể mang lại cho game. Quản lý Lee đã trình diễn một màn demo cho phép người dùng đi vòng quanh thế giới ảo bằng cách bước đi ngoài đời thực. Khi đó, chiếc tablet trở thành một cửa sổ để nhìn sang thế giới khác. "Nếu thiết bị có thể hiểu được môi trường của bạn", Lee nói, "bạn có thể biến phóng khách của mình thành một hầm ngục để chơi game". Loại môi trường như thế này cũng có thể dùng để chơi những trò tìm kiếm kho báu, nơi mà các vật thể ảo hoặc các nhân vật trong game được giấu sau những đồ vật thật trong nhà của bạn.
Hiện Tango vẫn còn ở giai đoạn đầu, tuy nhiên Lee đưa ra tầm nhìn rằng một ngày nào đó những tính năng cảm nhận môi trường như thế sẽ trở thành một thứ mà ai ai cũng kì vọng trên smartphone hoặc tablet, cũng như cách mà Bluetooth và Wi-Fi trở thành một thứ cơ bản trong điện thoại ngày nay.
ATAP cũng đang hợp tác với nhiều nhà sản xuất, nhà cung ứng linh kiện để tạo nên những phần cứng cần thiết, trong khi việc bắt tay với các trường học, viện nghiên cứu sẽ giúp cải thiện mảng phần mềm. Việc vẽ bản đồ 3D đã được tiến hành hơn 20 năm nay chứ cũng không mới mẻ gì lắm, nhưng thứ mà Tango muốn có được đó là tất cả những công nghệ đó phải hoạt động tuyệt vời trong một thiết bị nhỏ gọn và người dùng có thể xách đi đây đó.
Ở trên chúng ta đã được nghe nói về một số ví dụ của Tango trong đời sống, nhưng tất cả đều sẽ không trở thành hiện thực nếu không có sự phối hợp của các lập trình viên. Hồi tháng ba năm nay, nhóm ATAP đã giao 200 bản mẫu điện thoại đến cho các nhà phát triển bên thứ ba, và trong vòng 6 tháng tới, Google kỳ vọng sẽ cung cấp chiếc tablet cho nhiều người hơn với quy mô lớn hơn. Tất nhiên, chiếc tablet này sẽ có giá khá đắt so với những chiếc máy tính bảng Android khác trên thị trường, lên đến 1024$. Google cũng sẽ chọn lọc ra những lập trình viên tiềm năng để giao máy chứ không phải ai có tiền đều mua được thiết bị.
Khi tham gia vào một dự án kéo dài 18 đến 24 tháng, Lee và nhóm của anh đã nhìn ra được một tương lai tương sáng cho Tango. Tuy nhiên, tham vọng của nhóm không chỉ dừng lại ở điện thoại và máy tính bảng, và Lee tin rằng Tango hoàn toàn có thể được ứng dụng lên các thiết bị đeo được. "Tango là một hệ thống dựa trên camera... và trong một sản phẩm wearable, chúng ta có thể dùng những chiếc camera luôn luôn hoạt động để ghi nhận thông tin mọi lúc mọi nơi".