G3 thể hiện cố gắng và trình độ công nghệ của LG trong lĩnh vực Smartphone mà hãng vốn không trong nhóm mạnh. Ở G3 chúng ta thấy LG cố gắng cải tiến rất nhiều từ ngoại hình cho đến phần cứng cũng như trải nghiệm người dùng. Những cải tiến này là rất lớn nếu so với các điện thoại LG trước đây. Bên ngoài chúng ta thấy một thiết kế mới hơn, hiện đại hơn, bên trong chúng ta có cấu hình mạnh mẽ hơn với màn hình độ phân giải cao còn về trải nghiệm người dùng thì LG tận dụng tối đa khả năng hiển thị trên màn hình. Việc duy nhất mình thấy LG làm chưa tốt đó là để G3 xách tay về quá nhanh với giá rẻ... làm ảnh hưởng đến giá trị của G3 trong suy nghĩ của người dùng.
Thiết kế, hoàn thiện và nguyên vật liệu
LG G3 được thiết kế theo triết lý đơn giản, hiện đại và đầy kim loại. Trong thế giới các máy có cùng thiết kế kiểu bằng nhựa và nhiều mảng ghép lại và nhất là các máy đến từ Hàn Quốc thì mình đánh giá LG G3 là đẹp nhất, hiện đại nhất. Và Nếu các bạn đang dùng các điện thoại LG thì bạn sẽ thấy G3 thoát hẳn ra ngoài khỏi những thiết kế vốn rất chung chung của LG. Ở G3 chúng ta cũng thấy LG nâng cao hơn mức độ hoàn thiện sản phẩm của mình. Từ những chi tiết nhỏ thì G3 đều được làm rất kỹ và có độ chính xác cao. Máy được làm để có thể tháo nắp và thay pin được nhưng vẫn chắc chắn như loại nguyên khối như G2 và G.
Mặt trước của G3 đầy màn hình, tỉ lệ màn hình trên toàn diện tích là 76,4% thuôc hàng cao nhất trong thế giới smartphone. Đây được xem là lợi thế lớn nhất của G3. Chúng ta có một chiếc máy màn hình rất lớn trên một kích thước nhỏ gọn. Cả 4 cạnh xung quanh màn hình của G3 đều rất mỏng. Hai cạnh hai bên cũng rất mỏng tuy không mỏng bằng viền của G2. Kích thước và trọng lượng của G3 chỉ tương đương với các máy có màn hình khoảng 5" trong khi G3 kích thước màn hình là 5"5.
Mặt trước của G3 cũng như tổng thể máy được thiết kế theo kiểu hiện đại, mạnh mẽ với các đường thẳng rõ ràng chứ không bầu bầu như là G2. Điểm nhất của mặt trước là phần in logo LG phía dưới màn hình. Các máy khác màu nhau khi nhìn từ phía trước thì phần này khác màu nhau. Mặt kính trên cùng của G3 tràn tận ra mép của máy và đè lên cả phần nhấn này. Khi tắt màn hình đi thì và nhìn vào màn hình ta thấy mảng đen cũng ra tận mép ngoài tuy nhiên có một viền đen khoảng 2mm xung quanh màn hình.
Phía trên của màn hình chúng ta có một khu vực cũng khá mỏng nếu so với các smartphone khác và chứa loa thoại ở giữa, Camera trước với độ phân giải 2.1Mp và các loại cảm biến khác nhau. Phần trên màn hình này được làm bằng màu đen và phủ kính nên khi tắt màn hình chúng ta nhìn vào nó gần như nhập vào phần hiển thị của màn hình.
Sườn của máy là nhựa cứng, miếng kiếng trên cùng của màn hình được bỏ lọt vào trong sườn nhựa này. Tận cùng của mép máy khi chúng ta rờ vào hay cầm vào sẽ thấy cấn tay nhẹ vì phần này khá là sắc. Tuy nhiên vì máy bầu và dày phía sau nên chúng ta không cần phải cầm mạnh vào máy nên cảm giác cấn khi sử dụng không nhiều.
Hai cạnh hai bên của LG G3 hoàn toàn không chứa các phím hay nút chức năng nên LG làm cho nó khà là mỏng. Các nút cứng cơ bản của một chiếc điện thoại là nút khoá/mở màn hình và nút tăng/giảm âm lượng đã được đưa ra phía sau. Những máy cao cấp của LG có hệ thống nút cứng được đặc ở phía sau. Đó là một đặc trưng của hãng.
Cạnh dưới của G3 là nơi mà họ để các cổng kế nối MicroUSB, lỗ cắm tai nghe 3,5mm và một micro. Cạnh này không phẳng hoàn toàn mà có một phần vát về phía trước làm cho nó nhìn mỏng hơn. Nhựa mà LG dùng làm sườn của máy phải là loại rất cứng vì mình đã cắm sạc chiếc G3 của mình khá nhiều lần nhưng cổng kết nối vẫn rất đẹp và không bị tổn thương. Nhiều chiếc máy được làm bằng nhựa khác thường bị tổn thương ở vị trí cổng sạc sau khi sử dụng nhiều lần trong khi G3 thì không bị.
Cạnh trên của G3 cũng được vát tương tự như cạnh dưới. Cạnh trên có cổng hồng ngoại và một micro khác. Cổng hồng ngoại trên G3 nhìn rất nhỏ và gọn. Chúng ta có thể dùng ứng dụng điều khiển không dây trên LG G3 để điêfu khiển các thiết bị điện tử trong nhà.
Hai cạnh hai bên cà hai cạnh trên dưới đều được vát bằng những đường thẳng rõ ràng không bầu bầu trơn trơn như ở trên G2 trước đây.
Vì LG mang các nút cứng cở bản của máy ra phía sau nên gần khu vực camera nhìn khá lộn xộn tuy hãng đã cố gắng thiết kế rất đơn giản và đối xứng. Ở giữa trên cùng là Camera, dưới đó, vẫn trong cụm đó là nút tăng/giảm âm lượng và ở giữa lá nút khoá/mở màn hình. Hai bên chúng ta có đèn flash LED kép và bộ phận hỗ trợ lấy nét bằng tia laser lần đầu tiên có trên điện thoại. Phía dưới, bên trái chúng ta có loa ngoài. Logo LG nằm ngay dưới cụm camera và tổ hợp phím.
Tổ hợp phím cứng được mang ra phía sau thì làm cho hai sườn hai bên đẹp hơn. Tuy nhiên khi sử dụng các nút này không thân thiện lắm, nhất là đối với anh em mới chuyển qua dùng LG. Chúng ta cần phải chú ý và làm quen để có thể sử dụng các nút này một csach quen thuộc.
Mặt lưng của LG G3 được che bằng nắp có thể tháo được. Nắp này bằng nhựa nhưng được phủ một lớp kim loại rất mỏng. Nắp này được hoàn thiện để nhìn vào hay cầm vào giống như là kim loại phay xước. Cách hoàn thiện này tạo ra điểm nhấn vào màu sắc đẹp cho LG G3.
Màn hình
LG G3 là chiếc điện thoại đầu tiên có màn hình độ phân giải Quad HD (1440x2560) được giới thiệu và bán ra rộng rãi trên thế giới. Độ phân giải này trên màn hình 5"5 đạt mật độ điểm ảnh là 534 điểm trên một inch vuông. Mật độ này là rất cao so với những chiếc smartphone khác. Tấm nền mà LG sử dụng cho G là là tấm nền IPS và mặt kính bảo vệ ngoài cùng là Gorilla Glass 3. Về lý thuyết thì màn hình LG có thể được xem là tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên thực tế sử dụng thì các nội dung khác nhau sẽ đưa ra trả nghiệm khác nhau trên màn hình độ phân giải cao này.
Với những nội dung được tối ưu hoá cho màn hình độ phân giải cao như những icon mà LG thiết kế, những hình nền độ phân giải cao hay các mảng màu, các font chữ thuộc phần thiết kế của G3... được thể hiện rất tuyệt vời. Mọi thứ đều rõ ràng, sắc nét và mịn màng đến tuyệt vời.
Với những nội dung khác như icon của ứng dụng của bên thứ 3, icon của Google, font chữ ở màn hình chính hay trong trình duyệt... lại có vẻ như bị rỗ, hay răng cưa hoặc hơi nhoè. Mình đoán rằng các nội dung này chưa được làm cho màn hình độ phân giải quá cao của LG G3 hoặc là LG chưa tối ưu hoá tốt phần này.
Về phần hiển thị ngoài trời nắng thì LG G3 cũng ở mức trung bình chứ không tốt như các màn hình có công nghệ chống chói.
Kết luận thì màn hình của G3 tuy độ phân giải cao nhưng do khai thác chưa tốt, sự tương thích của màn hình chưa tốt nên chúng ta chưa có trải nghiệm vượt trội hơn như cấu hình của nó mang lại. Phần này chúng ta có thể mong chờ update từ LG.
Sử dụng màn hình hiệu quả.
Không chỉ sử dụng hiệu quả diện tích bề mặt của điện thoại với phần hiển thị chiếm đến 76% diện tích bề mặt LG còn tiến xa hơn khi tối ưu hoá hệ thống cũng như việc hiển thị các nút ảo của Android để giúp người dùng có thể tận dụng triệt để màn hình của G3. LG nói về điều này và nọ nói là học từ người dùng (Learning from You).
Đồng màu thanh menu với ứng dụng: Việc này giúp cho người dùng có cảm giác màn hình lớn hơn, và không bị chia cắt cũng như giảm khó chịu khi nhìn thanh công cụ đen thui với quá nhiều biểu tượng trên đó. Ở các ứng dụng cơ bản của máy như gọi điện thoại, trình duyệt, email, settings...thì màu của anh menu sẽ cùng màu với ứng dụng và hoà nhập vào ứng dụng. Lúc này chúng ta sẽ có cảm giác ứng dụng chiếm toàn màn hình, rất rộng và thanh menu như được ẩn đi. Màn hình của G3 đã lớn và sử dụng hiệu quả thế này thì cảm giác nó còn lớn hơn. Nếu so với các máy Androdi khác với thanh menu luôn đen thì làm cho màn hình nó cụt lại và mắt chúng ta luôn bị chi phối bởi thanh menu đen với các biểu tượng thông báo khó chịu.
Tùy chọn ẩn các nút cơ bản của Android theo từng ứng dụng. Nếu phía bên trên LG nhập màu của thanh menu vào màu của ứng dụng cũng như hệ thống thì bên dưới LG cho phép chúng ta có thể làm cho các nút cở bản của Android ẩn đi khi ở ứng dụng nào đó. Việc này giúp cho màn hình hiển thị rộng hơn nữa. Anh em nên nhớ rằng chúng ta từng phải thêm các ứng dụng khác hoặc Root máy để có thể làm được việc này. Giờ thì nó đã có ngay trong tuỳ chỉnh của hệ thống.
Điểm yếu của tuỳ chọn ẩn các nút Android là chúng ta cần vuốt từ dưới lên trước khi muốn bấm nút back hay nút Home hoặc nút Đa nhiệm... tức là chúng ta phải thêm một thao tác nữa trước các thao tác chúng ta hay làm.
Mình đánh giá rất cao các tuỳ biến thông minh này của LG. Nếu anh em từng dùng qua HTC One M8 với màn hình hiểu thị sau khi trừ đi thanh meu, các nút cơ bản của Android thì thấy phần hiển thị dùng được có tỉ lệ là rất ít. Hoặc kể cả các điện thoại Sony khi trừ đi hai phần này cũng chẳng còn bao nhiêu để sử dụng. Mình từng nói Z Ultra cho trải nghiệm Android tối vì màn hình nó quá lớn nên hai phần trên dưới chiếm chẳng bao nhiêu. Tức là với thói quen sử dụng bình thường của mình thì tỉ lệ hiển thị dùng được trên tổng diện tích bền mặt là rất quan trọng. Tỉ lệ càng cao thì trải nghiệm càng tốt.
Camera
Có hai điểm cải tiến mà LG trang bị cho G3 đó là hệ thống hỗ trợ lấy nét bằng tia Laser và hệ thống chống rung quang học mới. Trong đó hệ thống hỗ trợ lấy nét bằng tia laser giúp tăng tốc độ lấy nét lên đáng kể cũng như việc lấy nét chính xác và nhanh hơn trong môi trường thiếu sáng. Theo LG thì hệ thống này giúp G3 trở thành chiếc điện thoại có khả năng lấy nét nhanh nhất hiện nay. Lý thuyết hoạt động là đèn laser sẽ phóng ra một chùm hay lưới các tia laser vô hình với mắt người để chiếu vào khu hình. Và dựa vào các tia đó máy ảnh xác định nét để chụp.
Thực tế chụp ảnh cho thấy camera của LG G3 có nhiều cải tiến về tốc độ chụp, chất lượng ảnh cũng như thao tác so với các thế hệ máy trước đây của LG. Tuy nhiên nếu so với các máy cao cấp trên thị trường thì trải nghiệm chụp ảnh từ G3 vẫn ở mức khá. Hình ảnh từ G3 ra cũng giống như từ hầu hết những chiếc Android khác, rất phẳng, rất ít thông tin, chất lượng không cao. Nếu so về chất lượng ảnh thì khó so được với ảnh từ các máy Lumia cao cấp. Và nếu so về tốc độ chụp thì lại không nhanh hơn iPhone 5s hoặc S5. Tinh tế sẽ có một bài đánh giá chi tiết hơn nữa về camera của G3 để anh em tham khảo.
Camera của LG G3 có chống rung nên trong video này mình cầm tay, ngồi xe máy mà độ ổn định hình ảnh là rất tốt. Coi không khó chịu.
Dưới đây là một số hình dược chụp và chỉnh trên LG G3 bằng Photoshop Express. Anh em có thể xem hình chụp bằng G3 ở đây: http://www.tinhte.vn/gallery/albums/hinh-anh-chup-bang-lg-g3.1092/
Pin
LG G3 được trang bị pin 3000mAh và với nắp pin có thể tháo được. Anh em nhớ là ở G2 bán ra ở Việt Nam thì nắp lưng không tháo ra được. Kết quả sử dụng pin của G3 cho thấy chúng ta có thể sử dụng hơn một ngày làm việc bình thường. Tứ là nếu anh em tối sạc ngày dùng thì đảm bảo không cần phải sạc giữa ngày. Kết quả thử nghiệm pin chi tiết hơn về pin của G3 được Mod Vuhai6 đăng tải và cho thấy G3 ở mức khá. Mình trích bài của Mod Vuhai6 ở đây để anh em xem thêm.Cấu hình và giá bán:
LG bán ở thị trường Việt Nam hai bản với cấu hình khác nhau. Một bản có RAM 3GB và dung lượng lưu trữ trong 32GB. Bản còn lại RAM 2GB và dung lượng lưu trữ là 16GB. Giá lần lượt là 16 triệu và 13 triệu đồng. So với các máy cao cấp khác như S5, Z2, M8 thì G3 được trang bị CPU mạnh nhất, màn hình to nhất, độ phân giải cao nhất... về kích thước và trọng lượng của G3 cũng vượt trội tuy màn hình to hơn, nhất là khi so với Z2 và M8. Bản 16GB với giá 13 triệu đồng là chiếc Android cao cấp đáng mua nhất hiện nay.