Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Đánh giá ASUS RoG G750JZ: thiết kế không đổi, card rời GTX 880M, vận hành mát, pin lâu hơn, giá 39tr

Tinhte.vn_ASUS_G750JZ_Review-Hero.

Đúng 1 năm sau khi thế hệ laptop chơi game G750 (ROG) cải tiến từ G75 được bán ra thị trường, ASUS năm nay tiếp tục nâng cấp dòng máy này với các phiên bản G750JZ, JM, JS và JK. Mặc dù thiết kế gần như không thay đổi nhiều so với phiên bản tiền nhiệm nhưng ASUS đã nâng cấp cho máy GPU GTX 800M mới nhất của Nvidia. Các phiên bản G750JZ, JM, JS và JK tương đương với các GPU GTX 880M, 870M, 860M và 850M. Hôm nay thì mình cũng đã mượn được phiên bản G750JZ mạnh nhất từ ASUS và xin gởi đến các bạn bài đánh giá dưới đây. Hy vọng rằng với những đánh giá khách quan thì những ai đang sử dụng G750 thế hệ trước cũng như những ai đang có ý định đầu tư một chiếc máy chơi game di động sẽ có cơ sở để rút hầu bao cho chiếc máy này.
Thiết kế và trải nghiệm nhập liệu

Tinhte.vn_ASUS_G750JZ_Review-5.


G750JZ tiếp tục thừa hưởng thiết kế từ G750JH/JX/JW năm ngoái cũng như ngôn ngữ thiết kế lấy ý tưởng từ chiếc máy bay chiến đấu F22. Nhìn tổng thể G750JZ, bạn có thể dễ dàng nhận ra đó là một chiếc laptop ROG của ASUS với lớp vỏ đen, logo ASUS ROG phát sáng và 2 họng tản nhiệt lớn hầm hố đặt sau máy. ASUS tiếp tục sử dụng chất liệu su nhám cho mặt ngoài, mang lại cảm giác tiếp xúc rất thích tay, tạo độ bám tốt - một yếu tố rất cần thiết đối với những chiếc máy tính chơi game hạng nặng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như G750JZ (nặng khoảng 4,5 kg tính cả pin). Chất liệu này tiếp tục được phủ trên phần bản lề, gù sau máy đến 2 "ống pô" rất liền mạch.

Tinhte.vn_ASUS_G750JZ_Review-24.

Kết nối giữa màn hình và thân máy là phần bản lề chắc chắn. Thiết kế bản lề này cũng được cải tiến, được làm nhô ra từ gù sau máy và đưa phần màn hình ra phía trước một chút. Do đó, khi mở nắp máy, bạn sẽ không thể thấy được bản lề và có cảm giác như màn hình được treo nổi trước mặt, rất hiện đại và máy móc. Viền màn hình bên trong khá dày, khoảng 1,3 cm 2 bên và 2,5 cm trên dưới. Tại viền trên là cụm webcam nằm trong một thiết kế hình tam giác ngược bằng kính và hơi lõm xuống dưới, tạo không gian đặt ngón tay để mở màn hình. Đối với một chiếc máy tính thông thường thì viền màn hình như vậy khá thô nhưng với máy tính chơi game thì thiết kế này càng làm tăng vẻ hầm hố cho máy. Có lẽ vì điều này mà thiết kế viền màn hình của dòng ASUS ROG vẫn không thay đổi nhiều qua thời gian.

Tinhte.vn_ASUS_G750JZ_Review-13.

Nội thất bên trong của G750JZ vẫn tương tự G750 năm ngoái với chất liệu chủ đạo là nhôm phay xước. Vỉ phím, chiếu nghỉ tay, tất cả đều nằm trên một tấm nhôm duy nhất thay vì phân tách giữa chất liệu su và nhôm như dòng G75 trước đây. Khu vực phím được thiết kế khá trau chuốt, nằm lọt thỏm lòng vỉ phím với 2 cạnh được vát chéo 2 bên tạo sự liền mạch với các đường vát, cắt thẩm mỹ tại mặt ngoài của máy. Phía trên góc phải bàn phím là nút nguồn hình tam giác trong suốt với một vạch đèn LED. Khu vực bàn phím và bàn rê của G750JZ vẫn tương tự thế hệ trước với bàn phím đầy đủ có kèm phím số và bàn rê đa điểm lớn. Trải nghiệm gõ phím trên G750JZ khá tốt, bàn phím chiclet rời rạc có đèn nền 3 nấc sáng mang lại khả năng định hướng tốt trong nhiều điều kiện ánh sáng. Với không gian rộng rãi, các phím được rải đều mang lại hành trình phím dài hơn, giúp các ngón tay di chuyển thoải mái hơn. Các phím điều hướng lớn được đặt lùi xuống một hàng, tách biệt với khu vực phím chính nên rất dễ định vị và thao tác. Tuy nhiên, do các phím hơi cao so với mặt phẳng vỉ phím nên tình trạng flex đôi khi vẫn diễn ra và bạn cũng cần một lực nhiều hơn để thao tác chính xác với phím. Thêm nữa, ASUS vẫn gắn bó với thiết kế đèn backlit màu trắng nên bàn phím của G750JZ trông không hấp dẫn bằng bàn phím của Alienware hay MSI với nhiều tuỳ chọn màu sắc.

Tinhte.vn_ASUS_G750JZ_Review-14.


Dưới bàn phím là bàn rê đa điểm lớn có kích thước khoảng 11,5 x 8,5 cm. Bàn rê được đặt lệch sang trái nhưng khoảng trống phần nghỉ tay tại đây vẫn khá rộng rãi, đủ để bạn thoải mái đặt lòng bàn tay và thao tác. Bề mặt bàn rê được phủ nhám mang lại cảm giác tiếp xúc rất thích tay. 4 góc bàn rê có 4 dấu ngoặc màu đỏ khiến chúng ta liên tưởng đến ống ngắm của máy bay chiến đấu. Bàn rê đa điểm hỗ trợ đầy đủ các thao tác cử chỉ của Windows 8 và được ASUS bổ sung một số thao tác theo driver như vuốt 3 ngón từ trên xuống để hiện Desktop, vuốt 3 ngón từ dưới lên để chuyển đổi ứng dụng. 2 nút chuột lớn được đặt ngay dưới bàn rê khá dễ bấm. Tuy nhiên, thiết kế nút chuột hơi chênh nên khi bấm bạn sẽ có cảm giác sượng, đặc biệt là nút chuột trái. Chưa rõ đây là lỗi trên chiếc máy mình đánh giá hay lỗi chung của dòng máy này. Do đó mình khuyên các bạn nên kiểm tra kỹ nút chuột này trước khi "rước nàng về dinh". Về tổng thể thì mình khá hài lòng về nội thất của G750JZ ngoại trừ một điều chất liệu nhôm rất dễ bám vân tay và bạn có thể thấy rõ qua hình chụp trên.

Tinhte.vn_ASUS_G750JZ_Review-28.


Về các cổng kết nối, G750JZ vẫn được ASUS trang bị nhiều cổng kết nối tiêu chuẩn và cách bố trí cổng kết nối vẫn tương tự G750JH năm ngoái. Tại cạnh trái là 2 cổng USB 3.0, ổ Blu-ray và khe cắm thẻ nhớ SD. Tại cạnh phải là một loạt các cổng gồm 2 USB 3.0, HDMI, VGA, LAN, Thunderbolt và jack tai nghe, mic. Về giao tiếp không dây, ASUS đã trang bị cho G750JZ card Wi-Fi Bigfoot Networks Killer Wireless-N 1202 của Qualcomm nhằm đảm bảo kết nối ổn định và độ trễ thấp cùng kết nối Bluetooth 4.0 với tầm hoạt động dài hơn.

Màn hình và âm thanh:

Tinhte.vn_ASUS_G750JZ_Review-1.
G750JZ được trang bị màn hình 17,3" matte tấm nền TN, độ phân giải Full HD 1920 x 1080p (16:9), tương tự màn hình của G750JH. Chất lượng hiển thị của màn hình khá tốt, màu sắc tươi tắn, độ tương phản cao và độ sáng vừa phải. Nếu quan sát ở cự ly bình thường thì mình vẫn cảm nhận được chất lượng hình ảnh, độ sắc nét và màu sắc. Thêm vào đó, nhờ màn hình matte nên khả năng hiển thị nội dung dưới ánh sáng trực tiếp cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nếu quan sát gần hơn hay thay đổi góc nhìn thì màn hình của G750JZ lộ rõ một vài nhược điểm. Điều đầu tiên là màn hình hiện rõ các vân sọc nếu quan sát gần và bạn cũng có thể nhận ra qua hình chụp trên đây. Tiếp theo là do sử dụng tấm nền TN Chimei nên màn hình của G750JZ có góc nhìn khá hạn chế. Góc nhìn tốt nhất từ 2 bên khoảng 110 độ đổ lại, nếu rộng hơn thì hình ảnh sẽ bị nhoè mờ đi (wash out) và ám tím. Góc quan sát từ dưới lên còn giới hạn hơn bởi hình ảnh sẽ bị bóng ma, gần như phim âm bản. Do đó, xét trên phương diện là một chiếc máy chơi game giải trí đòi hỏi chất lượng màn hình cao thì G750JZ vẫn còn nhiều thiếu sót. Thiết nghĩ ASUS nên nâng cấp chiếc màn hình này, có thể dùng tấm nền IPS và màn hình gương (glassy) để tăng cường trải nghiệm hình ảnh đồng thời mở ra thiết kế màn hình mới với 1 tấm gương duy nhất phủ tràn ra viền màn hình.

Tinhte.vn_ASUS_G750JZ_Review-29.

Về phần âm thanh, G750JZ vẫn được tích hợp loa 2.1 với loa Sub dưới đáy máy giúp tăng trải nghiệm âm thanh và hiệu ứng. Chất lượng âm thanh đầu ra tốt với độ chi tiết cao, tách biệt và âm lượng lớn. Thêm vào đó, loa Sub đi kèm đã góp phần tăng độ chắc của âm bass, qua đó mang lại trải nghiệm âm thanh rất tuyệt vời khi chơi game hay xem phim. Ngoài ra, ASUS còn cài sẵn phần mềm tinh chỉnh âm thanh Maxxaudio giúp bạn có thể tuỳ chỉnh các thiết lập âm thanh khác nhau tuỳ theo nội dung như nhạc, game, phim.

Hiệu năng:

Speccy.PNG

Phiên bản ASUS G750JZ có cấu hình cao nhất trong 4 phiên bản lần này. Dưới đây là cấu hình chi tiết:
  • CPU: Intel Core i7-4700HQ lõi tứ, xung nhịp 2,4 GHz, Turbo Boost lên 3,4 GHz, 6 MB Cache;
  • GPU: Nvidia GeForce GTX 880M, 4 GB GDDR5 + Intel HD Graphics 4600;
  • RAM: 16 GB (2 thanh 8 GB chạy kênh đôi, tổng 4 khe RAM);
  • Ổ cứng: Hitachi HGST 1 TB (2 khe ổ cứng);
  • Ổ quang: Pioneer Blu-ray RW.

Intel Core i7-4700HQ là một thành viên thuộc gia đình Haswell và là phiên bản CPU được trang bị rất phổ biến trên các dòng máy tính chơi game hiện nay. Core i7-4700HQ được sản xuất trên quy trình 22 nm với nhiều cải tiến về hiệu năng và tính năng. Nó hỗ trợ tối đa 32 GB RAM với chuẩn RAM mới DDR3L-1333, 1600 qua đó mang lại băng thông bộ nhớ tối đa 25,6 GB/s. Bên cạnh đó, Core i7-4700HQ cũng được tích hợp GPU HD Graphics 4600 với xung nhịp tối đa 1,2 GHz cùng các công nghệ hình ảnh như Intel Quick Sync, Wireless Display và hỗ trợ xuất tối đa 3 màn hình ngoài. Tuy nhiên, CPU này cũng được dùng trên các phiên bản G750 năm ngoái nên đây không được xem là một thành phần nâng cấp.

Cải tiến lớn nhất trên G750JZ phải nhắc đến là GPU Nvidia GTX 880M. Nhưng liệu GTX 880M có thật sự là một bản nâng cấp mạnh mẽ của 780M hay không? Trước khi đến với phần benchmark thì mình cũng tìm hiểu qua về các thông số của con GPU này và kết quả không bất ngờ. Mặc dù xung nhịp đồ hoạ được tăng lên 954 MHz so với 823 MHz của phiên bản GTX 780M nhưng GTX 880M vẫn được phát triển trên cấu trúc Kepler GK104 thay vì Maxwell GM10x, được sản xuất trên quy trình 28 nm, kết cấu GPU tương tự GTX 680MX và 780M gồm 1536 lõi CUDA, 256 TMU và 32 ROP. Phiên bản GTX 880M trên G750JZ có 4 GB bộ nhớ GDDR5 thay vì 8 GB, xung nhịp RAM 5000 MHz và băng thông 160 GB/s nên về cơ bản GTX 880M trên G750JZ tương đồng với phiên bản 780M trên G750JH. Qua những phân tích về đặc điểm kỹ thuật của GTX 880M và GTX 780M thì có thể dự đoán rằng hiệu năng của 2 phiên bản này sẽ tương đương nhau, một 9 một 10.

Bên cạnh hiệu năng thì GTX 880M cũng được tích hợp các công nghệ tiên tiến của Nvidia như Optimus giúp chuyển đổi thông minh giữa card rời và card onboard tuỳ theo tác vụ để tối ưu hiệu năng và kéo dài thời lượng pin; GPU Boost giúp đẩy hiệu năng lên tối đa, xung nhịp lên đến 1023 MHz; Battery Boost với chế độ siêu tiết kiệm điện năng giúp kéo dài thời gian chơi game gấp 2 lần trong khi vẫn giữ được khung hình trên 30 fps.

Crystaldisk.PNG

Về lưu trữ, mặc dù hỗ trợ RAID 0 nhưng phiên bản G750JZ mình dùng để đánh giá chỉ có 1 ổ cứng HDD 1 TB 7200 rpm. Nếu dùng thêm 1 ổ SSD để chạy RAID 0 hoặc 2 ổ 500 GB thì hiệu năng hệ thống sẽ cao hơn nhiều. Tốc độ ổ cứng Hitachi trên G750JZ khá cao với tốc độ đọc ghi lần lượt là 127,4 MB/s và 121,8 MB/s ở chế độ đọc ghi liên tục với 1000 MB dữ liệu.

Hiệu năng tổng thể và hiệu năng đồ hoạ được benchmark và so sánh theo các bảng dưới đây. Các mẫu máy được chọn để so sánh gồm MSI GT70 (Core i7-4800MQ 2,7 GHz, GTX 880M, 12 GB RAM, ổ HGST Travelstar 7K1000 7200 rpm), Alienware 17 (Core i7-4700MQ 2,4 GHz, GTX 880M, 8 GB RAM, ổ WDC Scorpio Blue WD10JPVX-75JC3T0 7200 rpm), ASUS G750JH (Core i7-4700HQ 2,4 GHz, 8 GB RAM, ổ SSD LiteOn LMT-256M6S) và Eurocom X3 (Core i7-4930MX 3 GHz, GTX 880M, 16 GB RAM, ổ SSD Crucial CT120M500SSD3 mSATA SSD).



Với bài test 3DMark 11, G750JZ đạt 8613 điểm ở nội dung Performance, cao nhất trong số các mẫu máy còn lại. So với thế hệ G750JH với GPU GTX 780M thì hiệu năng của G750JZ cao hơn khoảng 15%.



Với bài test 3DMark 13, mặc dù điểm số của 2 nội dung Ice Storm và Cloud Gate dành cho máy tính cấu hình tầm trung của G750JZ có phần thua kém so với các mẫu máy còn lại, đặc biệt là ASUS G750JH và Eurocom X3 dùng SSD chạy RAID nhưng hiệu năng xử lý đồ hoạ game của G750JZ đã được chứng minh với điểm số cao nhất trong nội dung Fire Strike. Fire Strike là nội dung nặng nhất trong gói benchmark 3DMark 13 bởi nó dành riêng cho các dòng máy tính chơi game, đánh giá hiệu năng render của GPU theo thời gian thật. Ngoài ra, 3DMark 13 phiên bản mới còn có thêm nội dung test là Sky Diver dành cho máy tính chơi game và tầm trung. G750JZ đạt 16270 điểm cho nội dung này.



Đánh giá hiệu năng tổng thể của G750Z với PCMark 7 và PCMark 8, có thể thấy điểm số giữa các mẫu máy khá sát nhau. Các thông số của 4 mẫu máy còn lại mình tham khảo từ Notebookcheck và thực hiện benchmark theo thiết lập tương tự trên chiếc G750JZ. Cần lưu ý rằng thông số benchmark chỉ mang tính tham khảo còn hiệu năng thật sự của chiếc máy được phản ánh rõ hơn qua trải nghiệm chơi game thực tế.

Những gì game thủ mong đợi ở một chiếc máy chơi game là làm sao game có thể chạy mượt ở cấu hình cao nhất và trải nghiệm thực tế trên G750JZ cho thấy máy đủ sức càn lướt những game nặng và thiết lập cấu hình cao. Mình thử qua 4 game và dưới đây là kết quả đo khung hình. Trong các bài đánh giá tiếp theo, mình sẽ cố gắng thử nhiều game hơn.
  • BioShock Infinite: ~64 fps ở cấu hình Ultra
  • Crysis 2: ~62 fps ở cấu hình Xtreme
  • Battlefield 4: ~60 fps ở cấu hình Ultra (không khử răng cưa, 4xMSAA)
  • Assassin's Creed IV: ~53 fps ở cấu hình Max (không khử răng cưa, 2xMSAA)
Pin, nhiệt và khả năng nâng cấp:

Tinhte.vn_ASUS_G750JZ_Review-12.
Với thiết kế dày cùng 2 khe tản nhiệt lớn hướng ra sau, G750JZ vận hành khá mát mẻ. Máy được trang bị 2 quạt tản nhiệt độc lập cho GPU và CPU, riêng GPU có 3 ống dẫn nhiệt giúp tăng hiệu quả tản nhiệt khi hệ thống tải nặng. Khu vực phát nhiệt dễ cảm nhận nhất khi cho máy chạy game là gần phím nguồn, nơi có ổ cứng HDD bên dưới. Các khu vực còn lại như bàn phím và đặc biệt là chiếu nghỉ tay vẫn rất mát mẻ.

Về khả năng nâng cấp, ASUS G750JZ có tổng cộng 4 khe RAM và 2 khe ổ cứng. Việc nâng cấp như thêm RAM hay ổ cứng có thể được thực hiện dễ dàng qua một khoang trống có nắp đậy dưới đắy máy. Bạn sẽ phải mở con ốc nằm dưới miếng su và nhấc nắp đậy lên để tiếp cận các thành phần này.

Tinhte.vn_ASUS_G750JZ_Review-30.


Về pin, ASUS G750JZ được trang bị pin 88 Wh (5900 mAh) tương tự G750 phiên bản năm ngoái. Tuy nhiên, thời lượng pin đã được cải thiện đáng kể nhờ công nghệ chuyển đổi card đồ hoạ Optimus - một tính năng mà GTX 780M trên G750JH không có. Trải nghiệm làm việc đa nhiệm trên G750JZ với nhiều tác vụ khác nhau, trình duyệt luôn mở từ 9 đến 13 thẻ duyệt, chế độ pin Balance, độ sáng màn hình 100% thì pin có thể trụ được khoảng 5 giờ, nhiều hơn 2 giờ so với G750JH. Khi chơi game, hệ thống tải tối đa thì thời lượng pin chỉ còn khoảng hơn 1 giờ nhưng để đảm bảo trải nghiệm game tốt nhất thì bạn nên cắm sạc cho máy khi chơi.

Tổng kết:

Qua những đánh giá trên, các bạn hẳn cũng đã nắm được những cải tiến trên G750JZ so với thế hệ G750 năm ngoái cũng như hiệu năng của máy so với các đối thủ cùng phân khúc. Cấu hình mạnh nhưng vận hành mát mẻ, thời lượng pin lâu hơn là điều mà ASUS đã làm rất tốt trên G750JZ. Với trải nghiệm nhập liệu tốt, nhiều kết nối, vận hành êm ái, cấu hình cao, G750JZ hiển nhiên có thể thay thế một chiếc máy tính để bàn để chơi game, làm việc, lướt web và giải trí. Tuy vậy, mình vẫn có một vài điểm chưa hài lòng trên G750JZ, điển hình như màn hình với góc nhìn khá hạn chế và thiết kế vẫn không có gì thay đổi so với G750JH. Do đó, G750JZ vẫn như một chiếc bình cũ chứa ruột mới và những game thủ đang sử dụng G750 năm ngoái có thể sẽ phân vân khi quyết định nâng cấp lên G750 năm nay. Mặc dù vậy, nếu yêu thích thương hiệu ASUS ROG cũng như muốn đầu tư một chiếc máy tính chơi game có thể đem ra ngoài để tề tựu với các chiến hữu thì G750JZ là một sự lựa chọn đáng chú ý.

Được biết ASUS sẽ bán G750 trong thời gian tới với các phiên bản G750JZ/JS/JM và JK. Các phiên bản này khác biệt chủ yếu về GPU, lần lượt là GTX 880M/870M/860 và 850M. Giá bán của phiên bản G750JZ như trên là 38.990.000 VND, rẻ nhất là phiên bản G750JK với giá 28.990.000 VND. Dưới đây là tóm tắt ưu khuyết điểm của G750JZ:

Ưu điểm:
  • Thiết kế đẹp, hầm hố, chắc chắn;
  • Màn hình chất lượng khá tốt, âm thanh hay;
  • Cấu hình mạnh;
  • Trải nghiệm nhập liệu tốt;
  • Thời lượng pin lâu, vận hành êm ái, mát mẻ.
Khuyết điểm:
  • Góc nhìn màn hình hạn chế;
  • Dày và nặng, ảnh hưởng đến tính cơ động;
  • Giá cao.
Hiện tại ASUS có trưng bày các phiên bản G750 tại Phong Vũ, 125 CMT8, P. Bến Thành, Q.1. Bạn có thể đến đây để trải nghiệm trực tiếp.