Các công ty tư nhân có ý định đưa kính thiên văn lên mặt trăng
Trong một nỗ lực đưa kính thiên văn lên mặt trăng cho nhiều mục đích khác nhau, hai công ty tư nhân đã hợp tác nhằm thực hiện nhiệm vụ này trên một miệng núi lửa ở cực nam của mặt trăng trước năm 2016. Kính thiên văn được lắp đặt trên mặt trăng sẽ có tên Đài thiên văn Mặt trăng Quốc tế (International Lunar Observatory) với chảo ăng-ten đường kính 2 mét, ban đầu nó sẽ cung cấp những hình ảnh chưa từng có trước đây về vũ trụ, trái đất của chúng ta cũng như khám phá thiên thể, khoáng sản và nước trên bề mặt của mặt trăng.
Dự án này được lên ý tưởng và xúc tiến bởi hai công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực vũ trụ bao gồm ILOA (International Lubar Observatory Association) có nhiệm vụ xây dựng căn cứ khoa học và thương mại trên mặt trăng cùng với Moon Express, môt công ty được kỳ vọng sẽ trở thành FedEx của không gian vũ trụ trong những thâp kỷ tới đây. Moon Express cũng đang tham gia cuộc thi Google Luna X-Prize với giải thưởng 20 triệu USD nếu đưa thành công tàu lên mặt trăng và cung cấp dữ liệu, hình ảnh, video về trái đất trước năm 2015. Mục tiêu của hai công ty này sẽ là lắp đặt hai kính thiên văn trên một miệng núi lửa có tên gọi Malapert cách bề mặt mặt trăng 5km. Từ vị trí này, cả hai kính thiên văn ăng-ten vô tuyến và quang học có thể cung cấp góc quan sát đặc biệt và chưa từng có trước đây về dải Ngân hà cùng với đó là độ chi tiết và rõ nét cao vì không bị ảnh hưởng bởi tầng khí quyển từ trái đất.
Không chỉ có thể quan sát dải Ngân hà, kính thiên văn từ miệng núi lửa Malapert ở cực nam mặt trăng cũng có thể quan sát trái đất, người đồng thành lập lên ILOA cho biết. Kính thiên văn trên mặt trăng không phải dành cho khách tham quan lên đây và nhìn về trái đất mà hình ảnh, dữ liệu được thu bởi kính thiên văn sẽ được truyền về trái đất, con người sẽ có thể nhìn thấy những hình ảnh này nhờ mạng Internet. Không chỉ nhằm mục đích quan sát vũ trụ mà dự án do Moon Express và ILOA khởi xướng còn mang mục đích thương mại. Nếu mọi thứ tiến triển tốt, hai công ty tư nhân này còn muốn khám phá cực nam của mặt trăng nhằm tìm ra khoáng sản và nước trên đó. Nếu các khoảng sản quý được tìm thấy, chúng sẽ được gửi về trái đất nhằm thu lời trong khi nước sẽ được dùng bởi các nhà du hành vũ trụ lên đây. Ngoài ra, Moon Express cũng sẽ gửi một tàu do thám lên đây nhằm khám phá xung quanh khu cực nam.
Để thực hiện thành công, ILOA và Moon Express không phải không có vấn đề. Việc một ngày trên mặt trăng dài bằng một tháng ở trái đất là một thách thức. Trong khoảng một tháng đó, sẽ có hai tuần là ngày với nhiệt độ lên tới trên 120 độ C và hai tuần là đêm khi nhiệt độ kéo xuống mức âm 170 độ C. Vì nằm ở cực nên kính thiên văn này nhận được 90% ánh mặt trời trong chu kỳ quay của mặt trăng cũng như ngưỡng nhiệt ổn đinh ở âm 50 độ C. Ánh sáng mặt trời sẽ được dùng để cung cấp năng lượng cho kính thiên văn qua các panel năng lượng mặt trời, nhờ đó không cần thiết phải lắp đặt nguồn cung cấp năng lượng hạt nhân tại đây.
Mục tiêu của Moon Express và ILOA sẽ là đưa vào hoạt động đài thiên văn này vào năm 2016 nhưng thách thức sẽ là nguồn tiền đầu tư cũng như trình độ kỹ sư. Hai công ty này ước tính chi phí cho dự án sẽ vào khoảng 100 triệu USD.