Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

[Lịch sử] Những điện thoại "đỉnh đỉnh" một thời của Nokia

Nokia N95, 16-07-2013-2

Nếu những hãng khác dùng yếu tố phần cứng như màn hình, CPU để xác định độ cao cấp của một chiếc máy thì với Nokia, mình lại nghĩ camera mới là yếu tố được chăm chút nhất, là thứ xác định đúng phân khúc của một chiếc máy. Hãy nhìn vào Lumia 1020 đi bạn sẽ thấy rõ điều đó. Ngoài ra, yếu tố thiết kế và chất lượng hoàn thiện cũng là hai điểm mạnh khó chối cãi của những chiếc điện thoại dán mác Nokia. Hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn những chiếc máy Nokia mà mình từng biết, đã từng sử dụng và tại sao mình không phải fan của Nokia mà lại thích những máy của Nokia như vậy.

Nokia 7650 (2002)
Nokia_7650_cnetcom
7650 không mấy phổ biến ở Việt Nam nhưng đây là chiếc điện thoại đầu tiên của Nokia được trang bị camera, mặc dù độ phân giải của nó lúc bấy giờ chỉ có 0.3 MP. 7650 chạy trên hệ điều hành Symbian, CPU xung nhịp 104 MHz, RAM vỏn vẹn 4 MB và bộ nhớ trong chỉ có 16 MB. Bên dưới là tấm hình được chụp bởi camera của 7650 với điều kiện ngoài trời, ánh sáng tốt. Do camera có độ phân giải thấp nên bạn thấy tấm hình khá mờ nhòe và kém chi tiết.

Nokia_7650_Outdoors_Example
Ảnh chụp từ camera của Nokia 7650. Nguồn: Wikipedia

Nokia 7610 (2004)
nokia-7610
"Chiếc lá" huyền thoại một thời của Nokia, cực kỳ phổ biến ở Việt Nam và có giá bán thời đó khoảng trên 10 triệu đồng, rất đắt. Thời điểm năm 2004 đã xuất hiện nhiều điện thoại có camera nhưng 7610 nổi bật hơn cả nhờ có cảm biến máy ảnh lên tới 1 MP, trong khi những máy khác phổ biến ở mức 0.3 MP.

Thiết kế của 7610 khá độc đáo nhờ có bàn phím hình xoắn ốc và kiểu dáng bo tròn mạnh ở hai góc đối xứng. Tuy có giá bán rất cao ở Việt Nam nhưng mình còn nhớ hồi đó rất nhiều người mua và sử dụng, thường là những người đi xe tay ga như @, Dylan :D

Nokia N90/N92/N93/N93i (2005-2007)
Nokia-N93i
Đây là những chiếc điện thoại ở phân khúc rất cao cấp của Nokia, với giá bán vào thời đó cực mắc, chiếc nào cũng trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, ưu điểm mạnh nhất của chúng là khả năng chụp hình và quay phim rất tốt với camera từ 2.0 - 3.2 MP và thiết kế màn hình gập xoay tạo tư thế cầm máy giống hệt như các máy quay phim cầm tay nhỏ gọn. Những máy này mình rất thích bởi có kiểu dáng chuyên nghiệp và thiết kế sắc sảo, tuy nhiên mình lại chưa có dịp dùng lâu bao giờ vì lúc đó không đủ điều kiện :)

Nokia N95 (2007)
Nokia N95, 16-07-2013-800

N95 có thể nói là anh cả trong dòng N95 với hàng loạt các công nghệ tiên tiến nhất được tích trong chiếc điện thoại có độ dày lên tới... 21 mm. N95 có hai CPU (Dual CPU) của TI OMAP xung nhịp 332 MHz cùng với camera 5MP ống kính Carl Zeiss cho chất lượng ảnh chụp rất tốt và tốc độ lấy nét nhanh. Chất lượng ảnh chụp phải nói là khá tốt khi đem so với mặt bằng chung của các điện thoại khác hiện nay. Hình chụp ra hoàn toàn có thể đem đi rửa ảnh 12x15 với chất lượng tốt.

Một điểm khác khiến cho N95 nhận được nhiều ngưỡng mộ đó là cụm camera ở mặt sau có kích thước to, xung quanh khối camera là nắp che ống kính có thể đóng/mở bằng một cái gạt xoay nằm ngay trên vòng xoay lớn, khi xoay mở nắp camera thì ứng dụng chụp hình trong máy tự động được mở lên, khi đóng nắp thì camera cũng tự tắt. Ở nhà mình còn một chiếc N95 cũ dùng từ năm 2007 đến giờ nhưng phần cứng, phần mềm và cơ cấu xoay trượt các kiểu vẫn còn hoạt động khá tốt.

Nokia N82 (2007)
Nokia-N82
Lâu rồi mới thấy Nokia đưa Flash Xenon lên các điện thoại của họ như Lumia 1020 và Lumia 928, chắc nhiều bạn vẫn còn nhớ, Nokia N82 mới là điện thoại đầu tiên nhất của Nokia được trang bị Flash Xenon cùng với camera 5 MP ống kính Carl Zeiss tương tự như N95. Mình không xài N82 nhưng thằng người bạn thân của mình thì có, phải nói chất lượng ảnh của N82 nhiều lúc vượt mặt cả N95 làm mình phải ghen tỵ, nhất là trong các bối cảnh tối, Flash Xenon hoạt động rất hiệu quả, hình ảnh đủ sáng, không bị quá cháy và không làm mất nhiều chi tiết ảnh. Ngoài ra, cảm biến Accelerometer của máy còn được dùng để chống rung khi quay phim.

Nokia N86 8MP (2009)
Nokia-N86-8MP
Đến năm 2009, Nokia tiếp tục tung ra tiếp "chiếc điện thoại đầu tiên của họ có camera 8MP", độ phân giải này là khá cao ở thời điểm của năm 2009. Máy độc đáo ở chỗ có màn trập cơ (giống như các máy ảnh chuyên dụng) và cho phép điều chỉnh khẩu độ camera. Ống kính Carl Zeiss tiếp tục được sử dụng như là một truyền thống từ trước cho đến tận ngày nay với tiêu cự rộng 28 mm, hai đèn Flash LED và quay được phim VGA (640x480) tốc độ lên tới 30 khung hình/giây.

Nokia N8 (2010)
tinhtevn-nokia-n8

Đến N8, Nokia tiếp tục đẩy con số độ phân giải lên một tầm cao mới, 12 MP và cho đến nay, chất lượng ảnh của N8 vẫn còn được đánh giá rất cao và vẫn còn nhiều người sử dụng nó chỉ vì camera này, mặc dù hệ điều hành và phần mềm của N8 đã rất cổ lổ sĩ. Thậm chí vào năm 2010, một tạp chí nhiếp ảnh nổi tiếng ở Nam Phi có tên PiX còn mạnh dạn dùng chính chiếc N8 này để chụp ảnh bìa cho cuốn tạp chí số tháng 12 của họ. Bạn có thể xem ảnh và video hậu trường chụp ảnh bằng N8 ngay bên dưới.

nokia-n8-pix
Ảnh bìa tạp chí nhiếp ảnh chụp bằng Nokia N8

Video hậu trường chụp ảnh chuyên nghiệp bằng N8

Nokia 808 PureView (2012)
tinhtevn-nokia-808

Có lẽ không cần phải nói nhiều về chiếc máy còn rất mới này, Nokia 808 PureView là chiếc điện thoại đầu tiên của Nokia được tích hợp công nghệ PureView giúp tăng cường chất lượng ảnh chụp với độ phân giải camera lên tới một con số rất cao là 41 MP. Mặc dù vẫn sử dụng hệ điều hành Symbian Belle cũ nhưng nhờ phần mềm camera có sẵn rất đa năng, có nhiều tùy chỉnh nên người ta vẫn có thể sáng tác ra những bức ảnh rất là tuyệt vời với chiếc điện thoại này.

Mời các bạn xem qua một số tấm ảnh mình chụp bằng 808, ảnh chỉ blend thêm màu chứ gần như không chỉnh hậu kỳ nào khác.



Lumia 920 (2012)
tinhtevn-lumia-920

Nếu ví tất cả những máy trên là hiệp sĩ camera ngoài ánh sáng thì ta có thể nói Lumia 920 là người hùng camera trong bóng tối. Khả năng chụp tối của Lumia 920 rất ấn tượng, bạn có thể xem qua những tấm hình chụp thử bên dưới để thấy. Ngoài ra, Nokia còn cho biết cụm ống kính của 920 là cụm ống kính "floating", có nghĩa là nó có thể trôi qua lại trong thân máy, mục đích là để chống rung khi bạn quay phim, cụm ống kính này sẽ di chuyển ngược chiều với chiều run tay của bạn để ổn định lại khung hình đó, kết quả là ta sẽ có được một đoạn video mượt mà, xem rất thích mắt.

Video quay bằng Lumia 920



Lumia 1020 (2013)
tinhtevn-lumia-1020

Và đây chính là tượng đài lớn nhất hiện nay trong danh mục các điện thoại máy ảnh của Nokia. Hãng đã trang bị cho máy nhiều tính năng chụp ảnh chuyên nghiệp đến nỗi cũng khó để chúng ta đòi hỏi thêm. Lumia 1020 thừa hưởng đầy đủ các thế mạnh từ những sản phẩm trước, nào là cảm biến 41 MP công nghệ PureView của Nokia 808, chống rung quang học giống 920 và Flash Xenon giống N82, ngoài ra máy còn có zoom quang 6x khi quay video và đặc biệt nhất là khả năng điều chỉnh khẩu, tốc, ISO nhờ phần mềm Nokia Pro Cam có sẵn.

Chưa kể đến việc những công nghệ nói trên đều là những cái "thế hệ thứ hai" hết, cảm biến BSI 41 MP hoàn toàn mới được xây dựng trên sự thành công của Nokia 808, công nghệ chống rung quang học thế hệ 2 được cải tiến so với Lumia 920, có thể hoạt động với cả chụp hình lẫn quay phim.

Chưa thể đánh giá được nhiều về chất lượng ảnh chụp vì hiện nay chưa ai có máy chính thức cả. Hẹn các bạn lại ở một bài viết khác chúng ta sẽ đánh giá chi tiết về hơn cái camera của chiếc máy này.