Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Polyplane và Samara - 2 UAV giá rẻ có hình dạng máy bay giấy và hạt cây phong

UAV

Khi nhắc đến khái niệm "phương tiện bay không người lái" (UAV), chúng ta thường nghĩ đến những chiếc máy bay có hình thù kì lạ, đắt tiền, công nghệ cao, sử dụng chủ yếu cho quân đội như quái vật Predator của Mỹ. Thế nhưng, một nhóm các nhà nghiên cứu robot dẫn đầu bởi tiến sĩ Paul Pounds đến từ đại học Queensland, Úc đã tạo ra 2 chiếc UAV có giá cực kì rẻ và dễ sản xuất bởi chúng có thể được thải hồi và sử dụng 1 lần. Chiếc UAV đầu tiên mang tên Polyplane về cơ bản là một loại máy bay giấy công nghệ cao, trong khi chiếc còn lại có tên Samara lại có hình dáng giống như hạt cây thông. Cả 2 được tạo ra với mục đích trợ giúp cho công tác cảnh báo và cứu hộ trong trường hợp cháy rừng.

2 máy bay do thám mini được phát triển dựa trên ý tưởng là các mô-đun cảm biến tự triển khai giúp chuyển tiếp dữ liệu môi trường về trạm thu nhận tại các địa hình phức tạp. Chẳng hạn như, bạn có thể thả hàng tá "máy bay giấy công nghệ cao" dọc theo các cánh rừng. Chúng sẽ cung cấp thông tin về điều kiện khí quyển và từ đó lần ra những dấu hiệu cho thấy có một đám cháy nhỏ xuất hiện và khả năng lan ra trên diện rộng.

Polyplane:

Polyplane

Nguyên mẫu đầu tiên có thiết kế rất quen thuộc với chúng ta - một chiếc máy bay giấy đơn giản nhưng được "nâng cấp". Nâng cấp đầu tiên là một hệ thống điện tử, cho phép chiếc máy bay giấy có thể tự lái một khi được thả từ máy bay lớn hơn hoặc máy bay không người lái trên khu vực triển khai. Máy bay tự định hướng được nhờ 2 cánh nhỏ được lắp phía sau mỗi cánh. Hệ thống điều khiển trên máy bay sẽ điều hướng cho máy bay đến mục tiêu định trước hoặc ít nhất là đến càng gần điểm này càng tốt.

Nâng cấp thứ 2 là cách thức thành phần điện tử được tích hợp vào quy trình sản xuất. Mạch điện được in trực tiếp lên giấy. Sau khi được làm khô bằng tia cực kím và nung kết bằng vi sóng, chúng ta có một chiếc máy bay cực nhẹ, mạch điện có thể gập vào trong và thành phần điện tử có thể được dán vào máy bay thay vì chấm hàn.

Hiển nhiên, máy bay giấy UAV có ưu điểm thải hồi và tái chế. Chúng rất rẻ, nhẹ và sở hữu các đặc tính khí động đã được chứng minh. Ngoài ra, giấy cũng là vật liệu có thể phân hủy sinh học, do đó một khi được thải hồi, UAV giấy sẽ không tác động nhiều đến môi trường.

Hơn nữa, bạn có thể sẽ ngạc nhiên với cự ly bay được của một chiếc máy bay giấy bằng dòng phản lực trong khí quyển. Vào năm 2011, một dự án có tên Space Planes đã thử nghiệm khả năng này bằng cách thả 100 chiếc máy bay giấy từ một quả bóng bay nằm ở độ cao 36 km trên bầu trời nước Đức, kết quả là tất cả các máy bay giấy đã đáp xuống nhiều địa điểm trên thế giới, từ châu Âu đến châu Phi, châu Mỹ và thậm chí là Úc nhờ dòng phản lực khí.

Và dĩ nhiên, máy bay giấy cũng có nhược điểm lớn đó là dễ hỏng khi gặp nước, ở đây là những cơn mưa.

Samara:

Samara_01
Samara

Nguyên mẫu thứ 2 là một trong số rất nhiều thiết bị bay sở hữu thiết kế lấy ý tưởng từ hạt cây phong. Không giống như Polyplane, Samara sử dụng một bo mạch thông thường, được gắn vào một lưỡi cứng vừa là ăng-ten, vừa là cánh.

Với thiết kế này thì Samara không có được khả năng điều khiển linh hoạt như Polyplane nhưng hình dạng hạt cây phong sẽ giúp nó bay là là xuống đất khi được thả từ trên cao. Qua đó, các thành phần điện tử sẽ không bị hư hại và cũng không cần đến sự hỗ trợ của dù hay hệ thống hạ cánh.