EU không đồng ý đề xuất giải quyết vụ án độc quyền của Google, muốn
hãng đưa ra giải pháp tốt hơn
Trước đây Google từng đề xuất rằng hãng sẽ tách riêng các đường link quảng cáo ra khỏi kết quả tìm kiếm thông thường để chấm dứt vụ án chống độc quyền tại Châu Âu. Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu (EC) nói rằng giải pháp của Google là "chưa đủ để giải tỏa các quan ngại" của ủy ban, đồng thời thúc giục Google đưa ra những cách giải quyết khác tốt hơn. Nhận xét này được đưa ra bởi Joaquin Almunia, thành viên của Ủy ban cạnh tranh thuộc EC, và ông cũng đã gửi một bức thư với nội dung tương tự đến chủ tịch Eric Schmidt của Google.
Hồi tháng 4 vừa qua, Google nói rằng hãng sẽ giúp người dùng phân biện các đường link quảng cáo với những kết quả tìm kiếm thông thường bằng cách sử dụng các khung hoặc "những thành phần đồ họa rõ ràng khác". Hãng cũng hứa rằng sẽ hiển thị link dẫn đến kết quả của những dịch vụ tìm kiếm đối thủ trong vòng 5 năm tới, và trong ảnh bên dưới bạn có thể thấy được điều này ở dòng chữ "Search on Site1, Site2, Site3". Nhưng như đã nói ở trên, EC không chấp nhận việc này và đòi hỏi Google phải làm tốt hơn nữa.
Từ trước đến nay Google cũng bị theo dõi chặt chẽ bởi FairSearch, một tổ chức bao gồm nhiều hãng tìm kiếm và công ty công nghệ, trong đó có Microsoft và Nokia. Mục tiêu của FairSearch là tìm ra "một hướng giải quyết cho việc Google lạm dụng việc thống trị của mình" trong thế giới của các công cụ tìm kiếm. Theo sau phán quyết của EC, FairSearch Châu Âu đã đưa ra phát ngôn lên án giải pháp của Google, nói rằng nó sẽ "thu hút một lượng lớn người dùng đến với sản phẩm của công ty, và làm họ nản lòng khi muốn sử dụng dịch vụ của các đối thủ".
Về phần Google, hãng nói rằng đề xuất của mình đã giải quyết một cách rõ ràng những quan ngại của EC. Google sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan này để tiếp tục tìm ra phương thức phù hợp. Nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề này, Google có thể bị phạt đến 5 tỉ USD.
Từ năm 2010 đến nay, Google đã bị nhiều công ty khác kiện lên Châu Âu vì lý do vi phạm luật chống độc quyền. Nhiều hãng và các nhà phê bình cáo buộc Google đã sử dụng vị thế thống trị trên thị trường tìm kiếm trực tuyến để quảng bá cho những dịch vụ do chính mình làm ra.