Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Gặp gỡ những lập trình viên chấp nhận rủi ro để cố gắng cứu Windows Phone

Gap_go_Windows Phone_ung_dung_khong_chinh_thuc500px
Kho ứng dụng của Windows Phone hiện nay đã có trên 160.000 ứng dụng, thế nhưng nó vẫn còn thiếu một số cái tên lớn trong làng công nghệ thế giới. Microsoft đã có nhiều nỗ lực để thu hẹp khoảng cách về ứng dụng giữa nền tảng di động của mình với iOSAndroid, thế nhưng thực tế thì những bước đột phá trong nỗ lực này lại đến từ những lập trình viên đơn lẻ, những người đã tạo ra các phiên bản không chính thức dành cho Windows Phone của các app bên thứ ba. Có thể kể ra một số cái tên quen thuộc như MetroTube để thay cho YouTube, 6Sec thay cho Vine, và hàng loạt app khác thế chỗ cho Instagram.

Những ứng dụng này sẽ kết nối và sử dụng các dịch vụ trực tuyến, từ đó mang lại trải nghiệm cho người dùng những trải nghiệm gần giống như app chính chủ bên iOS và Android. Thế nhưng, vì không có sự hỗ trợ chính thức, nên những app này có thể gặp vấn đề, chẳng hạn như một hôm đẹp trời nào đó chúng không thể hoạt động được nữa. Là một người dùng, chúng ta cũng sẽ phải trả phí cho một số app để không phải thấy quảng cáo, trong khi app chính chủ bên các nền tảng khác thì lại miễn phí. Những phần mềm này được cộng đồng Windows Phone đánh giá cao, nhưng các lập trình viên viết ra chúng cũng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.

Rudy Huyn, một lập trình viên người pháp, dành phần lớn thời gian của mình trong những năm gần đây để viết ứng dụng cho Windows Phone. Huyn luôn có hứng thú với máy tính, và năm 2010, anh đã sang tận Tây Ban Nha để tham dự sự kiện MWC và chứng kiến tận mắt sự kiện Microsoft giới thiệu Windows Phone lần đầu tiên. "Tôi bị thu hút bởi Windows Phone bởi vì tôi thấy nó là cách giúp tôi trở nên khác biệt so với những lập trình viên khác", Huyn nói với trang tin The Verge. Cũng như nhiều nhà phát triển khác, anh tham gia viết app cho Windows Phone ngay từ những buổi đầu của hệ điều hành này, và anh đã tạo được app Wikipedia rất tốt, nó nhanh chóng leo lên top đầu của Windows Phone Store (lúc đó kho app vẫn còn được gọi là Marketplace).

Wikimedia Foundation, tổ chức đứng sau lưng từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia, nhanh chóng khám phá ra app của Huyn, nhưng thay vì yêu cầu gỡ bỏ nó, tổ chức này bày tỏ rằng họ chấp nhận sự tồn tại của phần mềm. Huyn chia sẻ rằng Wikimedia Foundation thậm chí còn còn "đánh giá cao" sản phẩm của anh. Thế nhưng những người khác thì không may mắn như thế.

Wikipedia

Snapchat là một ứng dụng chat/chia sẻ hình ảnh khá phổ biến ở Mỹ và hoạt động theo phương chậm nhanh-gọn-lẹ. Khi người dùng Snapchat chia sẻ một bức ảnh, nó sẽ hiện lên trên thiết bị của người được chia sẻ, sau đó biến mất. Snapchat có cho Android và iOS, nhưng không hỗ trợ chính thức cho Windows Phone. Thế nên Swapchat, một app không chính chủ xuất hiện, để phục vụ cho người dùng chạy nền tảng của Microsoft.

Thế nhưng chỉ mới tuần trước, phần mềm này đã bị buộc phải gỡ bỏ khỏi Windows Phone Store bởi yêu cầu từ SRC Apps, công ty đứng đầu sau Snapchat. Lập trình viên viết ra Swapchat nói rằng SRC Apps "cực lực phản đối" việc các hàm API của họ bị sử dụng bởi bên thứ ba. Swapchat thực chất là app miễn phí, nhưng người dùng có thể trả tiền để gỡ bỏ quảng cáo. Mặc dù những người dùng đã tải app này vẫn có thể xài được bình thường nhưng vụ việc cho thấy về rủi ro khi trả tiền cho một app không chính chủ như thế. Giờ đây, những người đã trả phí chấp nhận chuyện app mà họ đã chi tiền sẽ không bao giờ được update, và nó có thể ngừng hoạt động bất cứ lúc nào.

Tình trạng tương tự cũng từng diễn ra với MetroTube, một app thay thế cho YouTube. Nó buộc phải biến mất khỏi Windows Phone Store vào cuối năm 2011, và khoảng một năm sau mới xuất hiện trở lại. Lập trình viên tạo ra MetroTube chưa bao giờ tiết lộ lý do vì sao app của anh bị gỡ bỏ, thế nhưng trang The Verge biết rằng những cuộc thảo luận giữa nhà phát triển này với Google đã dẫn đến sự việc đó.

Bây giờ hãy nói về Instagram. Tính đến bây giờ chúng ta chưa hề có phiên bản Instagram dành cho Windows Phone, thế nhưng số app không chính thức vẫn rất nhiều và nhiều trong số đó đáp ứng được hầu hết các tính năng của Instagram. Ví dụ, Instance, một app không chính chủ, đã được tải về 300.000 lượt, thế nhưng tuần trước bỗng nhiên bị ngừng hoạt động. Việc Instagram thay đổ bộ lọc spam đã vô tình khiến những app bên thứ ba như Instance không thể upload ảnh được, và bất kì ảnh nào được tải lên từ app này đều bị ẩn không cho mọi người xem. Điều đó ảnh hưởng đến hàng nghìn, thậm chí là hàng trăm nghìn người dùng Windows Phone. Instagram sau đó cho biết họ không cố ý block các ứng dụng không chính thức, và sau đó lỗi đã được khắc phục. Lại một lần nữa, chúng ta thấy rằng sự bất ổn khi sử dụng các app Windows Phone không do chính nhà cung cấp dịch vụ viết nên.

Instance

Vậy tại sao những lập trình viên vẫn chấp nhận các rủi ro về pháp lý, chấp nhận chi phí cho việc hỗ trợ cao hơn bình thường, và phải hứng chịu sự phàn nàn từ người dùng khi app không hoạt động nhưng không phải do lỗi của mình? Với Daniel Gary, lập trình viên đã tạo ra Instance, lý do này rất đơn giản: "Mọi thứ bắt đầu từ việc tôi muốn làm vợ mình vui". Sau khi mua cho vợ một chiếc Windows Phone của Samsung, anh bắt đầu viết ra phần mềm Pinterest bởi mạng xã hội này chưa có app cho nền tảng của Microsoft, trong khi vợ anh lại thích dùng dịch vụ này. "Đó là ứng dụng Windows Phone đầu tiên của tôi và nó miễn phí 100%, không có quảng cáo". Hiện nay phần mềm này vẫn còn tồn tại trên Store và chẳng ai yêu cầu anh phải gỡ bỏ cả.

Cả Pinterest lẫn Instance đều không (hoặc chưa) khiến Gary gặp rắc rối về pháp lý, thế nhưng anh chàng yêu vợ này thừa nhận rằng mọi chuyện không phải suông sẻ hoàn toàn. Với Instance, Instagram đã yêu cầu anh phải đổi tên và logo để không bị kiện và làm khó. Còn Pinterest thì thoải mái hơn, hãng chưa bao giờ nói gì về app của Gary, mặc dù anh toàn sử dụng các API riêng tư của họ.

Thật sự mà nói thì Android cũng gặp vấn đề tương tự, thế nhưng không "đau" như Windows Phone bởi nó có quá nhiều người sử dụng. Những nền tảng như Symbian và webOS thì có một số lượng lập trình viên khá đông đảo, nhưng rõ ràng chúng đã thất bại trên thị trường di động hiện nay. Trong khi đó, Windows Phone, và về một khía cạnh nào đó có thể tính thêm cả BlackBerry, thì đang cố gắng chiến đấu để giành thị phần trong bối cảnh người dùng càng ngàng càng đòi hỏi những app tốt hơn và xịn hơn.

Huyn chia sẻ rằng anh có hứng thú tạo ra những ứng dụng không chính thức xét về góc độ người dùng hơn là góc độ lập trình viên. "Có những người không mua máy Windows Phone bởi vì không có Instagram. Bằng ứng dụng 6Sec (thay cho Vine) và 6tagram (thay cho Instagram, sắp sửa được ra mắt), Huyn muốn "cho Instagram thấy rằng hoàn toàn có thể tạo ra một app tốt". Nếu Vine hay Instagram triển khai app chính chủ thì Huyn nói anh hoàn toàn "mở" với quyết định đó. "Tôi không hứng thú với việc kiếm tiền. Tôi chỉ muốn Windows Phone có được nhiều người dùng nhất có thể, và cũng là để thu hút mọi người đến với nền tảng này".

6Sec

Instance, 6Sec, và nhiều app không chính thức khác trên Windows Phone thực chất có cung cấp những dịch vụ, tính năng "gia tăng" và người dùng phải trả phí để sử dụng chúng. Một mặt, chuyện này hoàn toàn dễ hiểu vì lập trình viên cần tiền để hỗ trợ, nâng cấp app, và trong trường hợp của 6Sec, là để duy trì phí server lên đến hàng nghìn đô la mỗi tháng. Thế nhưng, những người đang trả tiền cho 6Sec có thể không nhận rằng một ngày đẹp trời nó đó, ứng dụng tuyệt vời trong máy của họ bỗng nhiên ngừng hoạt động nếu Twitter quyết định cấm các app không chính thức.

Ngoài ra, việc phát triển những ứng dụng không chính thức như thế này còn xây dựng nên danh tiếng cho lập trình viên, và tất cả những thứ này có thể sụp đổ nếu như app ngừng hoạt động. Atta Elayyan, lập trình viên viết ra phần mềm MetroTube, chia sẻ rằng việc đây là một cuộc chơi rất "nguy hiểm và đầy biến động".

Thế nhưng không chỉ có những lập trình viên nhỏ lẻ mới chơi trò chơi này. Ngay chính bản thân Microsoft cũng từng đưa ra một ứng dụng YouTube không chính thức cho Windows Phone, và Google sau đó đã than phiền và buộc Microsoft phải gỡ bõ phần mềm này. Giờ đây, cả hai đã bắt tay nhau để cùng tạo ra một phần mềm YouTube có thể hoạt động tốt, và không xâm phạm lợi ích của bên nào cả. Microsoft có thể làm được điều này bởi vì hãng là một công ty lớn, nếu không muốn nói là rất lớn, ngang tầm Google. Những lập trình viên nhỏ lẻ thì đành phải chịu thua và chấp nhận làm theo yêu cầu từ các hãng lớn mà thôi. Tình hình này sẽ còn tiếp diễn đến khi nào người ta bắt đầu mua nhiều máy Windows Phone hơn, và các công ty phần mềm bắt đầu dành nguồn lực, thời gian và tiền bạc để phát triển nên các ứng dụng của riêng mình.

Dù cho những ứng dụng không chính thức đã bị đưa lên và gỡ xuống rất nhiều, các lập trình viên vẫn sẵn sàng cho cuộc chơi mèo vờn chuột này. Họ là những người tài giỏi, có tham vọng, sẵn sàng cống hiến và chấp nhật rủi ro để tạo ra các app phục vụ người dùng. Họ đã và đang sẵn sàng tiếp tục cuộc rượt đuổi đó.