Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Tăng cường thực tế ảo (Augmented Reality) sẽ là tương lai của việc tìm kiếm thông tin

Tang_cuong_thuc_te_ao.

Không nghi ngờ gì khi hiện nay Wikipedia trở thành cách dễ nhất mà chúng ta có thể dùng để tra cứu thông tin. Quyển từ điển bách khoa trực tuyến này có hầu hết mọi thứ trên đời, từ những món ăn, đồ chơi cho đến các định nghĩa, khái niệm khoa học cao siêu. Tuy nhiên nếu như bạn cầm tìm thông tin về một thứ mà bạn không biết tên thì sao? Bạn chỉ đơn giản là đang nhìn vào nó và thắc mắc thôi, vậy thì làm sao mà biết chữ gì để nhập vào?

Những biện pháp thay thế cho việc tìm kiếm bằng từ khóa cũng đang dần nổi lên. Chẳng hạn, tính năng tìm kiếm bằng giọng nói đã ngày càng được hoàn thiện và được tích hợp vào rất nhiều smartphone hiện nay từ tầm trung cho đến cao cấp. Thế nhưng, trong số những giải pháp mới đó thì đáng chú ý nhất có lẽ là việc ứng dụng công nghệ tăng cường thực tế ảo (augmented reality - AR).

Hiện nay AR cũng đã bắt đầu xuất hiện ở một vài nơi, chẳng hạn như quyển ca-ta-lô tương tác của hãng bán đồ nội thất IKEA nổi tiếng, sách chỉ công thức nấu ăn của Heinz hay mới đây là tính năng tự động nhận diện vật phẩm Fireflight nằm trong chiếc điện thoại Amazon Fire. Đó là những ví dụ cho thấy AR rất có tiềm năng và nhiều công ty lớn đã bắt đầu hiện thực hóa nó cho phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của họ. Một cách chậm rãi, AR đang dần đi vào cuộc sống của con người.

AR-heinz-619x357.

Nếu như xu hướng này tiếp tục phát triển thì chúng ta sẽ cần đến một thứ tương tự như Wikipedia nhưng chuyên dùng để tra cứu các đối tượng 3D. Đó chính là thử thách lớn nhất của thế giới công nghệ, ngoài ra người ta còn phải làm sao để nó có thể được truy cập mọi lúc, mọi nơi nữa kìa. Thế nhưng đây là chuyện khác, chúng ta sẽ nói về nó sau.

Các mạng xã hội như Instagram, Pinterest, Snapchat và Facebook hiện đang dẫn đầu những cuộc thay đổi trong cách mà con người chúng ta trao đổi thông tin. Một nghiên cứu của Đại học New York cho thấy rằng khoảng 80% lượng thông tin được tiêu thụ trên Internet hiện nay là thông qua hình ảnh, trong khi chỉ 10% là qua việc đọc hiểu. Nếu chúng ta tiếp thu được kiến thức ở dạng đa phương tiện thông qua một thiết bị nào đó, chúng ta sẽ học, nhớ và diễn tả ý tưởng/thông tin của mình một cách hiệu quả hơn.

Ambarish Mitra, CEO của Blippar (công ty chuyên cung cấp nền tảng thực tế ảo để quảng cáo và phát hành nội dung), cho biết rằng ông đã làm việc với rất nhiều ý tưởng về AR. Trong số đó có việc sử dụng Google Glass để tìm kiếm các đối tượng 3D trong đời sống, và điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, một câu hỏi mà Mitra hay nhận được đó là: Vì sao chúng ta lại sử dụng AR thay cho việc tìm kiếm bằng văn bản như truyền thống? Liệu một quyển ca-ta-lô các hình ảnh ba chiều có thật sự giúp chúng ta tiêu thụ những nội dung hiện đại một cách hiệu quả hơn hay không?

AR-Cadillac2-619x357.

Mitra nói rằng chắc chắn là tốt hơn. Tất nhiên vẫn có những tình huống mà việc tìm kiếm bằng văn bản sẽ là công cụ thực tế nhất, thế nhưng AR sẽ đáp ứng tốt hầu hết nhu cầu truy vấn thông tin từ những thứ mà chúng ta gặp hằng ngày. Hiện tại chúng ta chỉ có mỗi công cụ tìm kiếm dựa trên từ khóa, thế nên chúng ta chưa biết được AR sẽ tốt đến đâu và nó có thể đáp ứng nhu cầu của con người tới mức nào.

Bạn hãy thử tưởng tượng, một hôm nào đó bạn đang đi trên đường và thấy một thứ gì đó lạ lạ, bạn chỉ việc rút smartphone, tablet hay thậm chí là chiếc smartwatch ra và chĩa vào vật đó. Ngay lập tức kết quả sẽ trả về và bạn biết được cái cây đó thuộc họ gì, bộ bàn ghế kia do ai sản xuất, chiếc xe đẹp đẹp xịn xịn đậu bên đường bao nhiêu tiền. Quá đơn giản phải không?

Bằng cách rút thiết bị điện tử, bật app và chĩa camera như thế, chúng ta không chỉ tìm thấy thông tin nhanh hơn và việc tiêu thụ thông tin cũng hữu hiệu hơn. Công nghệ nhận dạng hình ảnh sẽ sớm trở thành đôi mắt của con người, nó sẽ tự động tìm ra các thông tin có liên quan. Có thể ở những ngày đầu thì kết quả trả về vẫn chỉ ở dạng văn bản, nhưng không gì có thể ngăn cản nó "tiến hóa" thành phản hồi giọng nói hay thậm chí là phản hồi bằng các vật thể 3D.

Cách chúng ta tương tác với thiết bị sẽ là nhân tố cực kì quan trọng trong AR. Chúng ta luôn nghĩ rằng smartphone, tablet hay máy tính chính là những phần mở rộng cho các giác quan của con người, và những thiết bị wearable đã phản ánh rõ điều này trong vòng 5 năm trở lại đây. Google Glass đi đầu trong việc sử dụng mắt và giọng nói để tìm kiếm. Hành vi này rất mới mẻ và mang tính cách mạng. Nó đòi hỏi con người phải nói, nhìn và lắng nghe môi trường xung quanh thông qua các giải pháp công nghệ.

Kĩ thuật tăng cường thực tế ảo, khi kết hợp với thiết bị wearable cũng như smartphone, tablet, sẽ nhanh chóng mở ra một cánh cổng tới thế giới tri thức theo cách nhanh và tiện hơn hiện nay. Nó thậm chí có thể thay đổi khái niệm về địa điểm bán hàng, cả ngoài đời lẫn trên mạng. Thay vì phải tìm kiếm, đăng nhập, mua hàng, tính tiền hoặc nhập mã thẻ tín dụng, AR có thể khiến việc giao dịch trở nên đơn giản hơn nhiều. Bạn chỉ cần dùng một chiếc kính như Google Glass và đặt lệnh mua, chẳng phải là nhanh hơn hay sao? Thông tin về tài khoản người dùng và thẻ ngân hàng thì sẽ được thiết bị tự xử lý rồi. Nói cách khác, AR dẫn đến một kỉ nguyên thương mại điện tử cực kì mới mẻ, và chúng ta chỉ mới ở buổi đầu của thời kì đó mà thôi.

AR-mistubishi-619x357.

Những công ty công nghệ hàng đầu hiện đang đầu tư tiền bạc và thời gian vào việc phát triển sản phẩm AR của riêng họ. Chúng ta đã thấy hàng đống các bản quyền liên quan đến tăng cường thực tế ảo và giao tiếp hình ảnh được đăng kí bởi nhiều tên tuổi khác nhau, lớn có nhỏ có. Facebook mới đây đã mua lại công ty thực tế ảo Oculus VR với giá 2 tỉ USD để hiện thực hóa mong muốn mang không gian ảo đến với mọi người. Samsung, Sony, Apple cũng chẳng chịu thua với những bản quyền hết sức sáng tạo liên quan đến các đối tượng ảo được chiếu vào không gian thật để người dùng tương tác và tìm kiếm thông tin.

Trong bối cảnh các thiết bị wearable nói chung và những sản phẩm AR nói riêng đang dần có mặt trên thị trường, và trong bối cảnh AR tiếp tục tăng trưởng như một kênh truyền thông đại chúng, người tiêu dùng sẽ nhanh chóng thích nghi với giải pháp công nghệ mới này và ở góc nhìn kinh doanh, chúng ta có một thị trường trị giá cả tỉ hoặc chục tỉ USD trên toàn cầu. Còn ở góc nhìn về dữ liệu, nhờ sự phổ biến của các sản phẩm AR, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng nên một thư viện các đối tượng ba chiều, một trang Wikipedia dành riêng cho tăng cường thực tế ảo.

Thực chất thì tăng cường thực tế ảo cũng đang tự chứng tỏ tiềm năng của mình. Theo nghiên cứu của Research and Markets, có khoảng 60 triệu người đã tiếp xúc với AR trong năm 2013 và nó đã mang về doanh thu gần nửa tỉ USD cho các công ty. Còn theo báo cáo của Juniper, thị trường này sẽ vượt ngưỡng 1 tỉ USD vào năm 2015.

Bằng cách liên tục tương tác với môi trường thông qua các giải thuật thông minh, những bộ máy tìm kiếm AR sẽ học được cách chúng ta mô tả và hình tượng hóa những vật thể khác nhay trong đời sống. Chẳng phải chúng ta cũng có câu nói là "A picture is worth a thousand words" đó sao (dịch: một bức ảnh thì đáng giá bằng cả nghìn lời nói).


Trong các năm qua, chúng ta đã nhận ra sức mạnh của việc chia sẻ thông tin thông qua hình ảnh và video. Điều đó đã thay đổi căn bản cách chúng ta nghĩ về thiết bị, ứng và các nền tảng công nghệ. Với các thiết kế và sản phẩm thông minh, con người sẽ học được cách cung cấp những công cụ cho chính mình nhằm tìm kiếm và tiêu thụ thông tin một cách hiệu quả nhất. Tăng cường thực tế ảo cũng sẽ đóng vai trò cực kì quan trọng trong những hình thức giao tiếp mới, và biết đâu trong vài năm nữa thôi, chúng ta sẽ có một Wikipedia dành cho AR thì sao?

Nguồn: Wired