Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Thân gửi Google: xin đừng phá hỏng Android

Android_KitKat_Moto_E.

Lịch sử của Android luôn gắn liền với chữ "nhiều hơn". Kể từ khi xuất hiện trong chiếc T-Mobile G1 vào năm 2008, hệ điều hành di động của Google đã cạnh tranh với các đối thủ bằng cách bổ sung thêm nhiều tính năng hơn, cấu hình cao hơn, và màn hình to hơn. Sau mỗi đợt cải tiến, nhiều chiếc điện thoại xuất sắc chạy Android đã ra đời, nhưng song song đó cũng có rất nhiều người thất vọng bởi họ bị bỏ rơi lại phiên bản cũ hoặc mua phải một cái máy đã không tốt ngay từ lúc đầu. Vào cuối năm ngoái, Google chấn chỉnh lại chuyện này bằng cách ngừng lại và giới thiệu Android 4.4 KitKat, một bản cập nhật hướng đến chữ "ít hơn".

KitKat đơn giản hóa giao diện của hệ thống, giảm yêu cầu cấu hình để tạo ra một trải nghiệm người dùng tốt hơn, đồng thời giúp các đối tác của Google cập nhật thiết bị của họ trong thời gian ngắn hơn. Kết quả là, Android giờ đây trở nên tốt và đồng nhất hơn bao giờ hết. Nhưng để giải quyết vấn đề phân mảnh trong quá trình "tiến hóa" của Android, Google phải dừng quy trình này lại, Google buộc phải thêm vào những tính năng mới khiến hệ điều hành to ra. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi phiên bản Android kế tiếp ra đời, phiên bản có tên mã bắt đầu bằng chữ "L" sẽ xuất hiện tại sự kiện Google I/O vào cuối tháng này?

Động lực phía sau KitKat cũng đầy tham vọng như bất kì mục tiêu nào mà Google đặt ra cho chính mình. Chỉ vừa mới cán mốc 1 tỉ thiết bị Android được kích hoạt, giờ đây Google nhắm đến việc tiếp cận với hàng tỉ người dùng smartphone tiềm năng. Hãng đang nắm trong tay OS di động phổ biến nhất hế giới, nhưng những phiên bản Android cũ kĩ vẫn còn chiếm lĩnh những thị trường mới nổi vốn rất nhạy cảm với giá. Những nơi này lại xuất hiện đầy các thiết bị giá rẻ không đi kèm theo Google Play Store. Điều đó tạo ra một rắc rối kép với Google: những người mới đến với Android gặp ngay trải nghiệm xấu với nền tảng này, ngay cả khi họ thích thì cũng không chi tiền và thời gian sử dụng các dịch vụ nằm trong hệ sinh thái Google. Tóm lại, vấn đề nằm ở chỗ một trải nghiệm Android tốt và Android rẻ là hai thứ khác nhau.

KitKat là giải pháp cho chuyện đó.

Steve Horowitz, phó chủ tịch mảng phần mềm của Motorola Mobility, đã đánh giá cao việc KitKat hạ thấp yêu cầu cấu hình, cũng nhờ đó là công ty ông có thể cho ra chiếc Moto E giá rất rẻ nhưng vẫn đem đến trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. Moto E xứng đáng nhận danh hiệu dẫn đầu trong một loạt các điện thoại Android với độ phản hồi giao diện cực tốt trong khi giá rất thấp. Đúng, Motorola đã có chiếc Moto G tốt không kém với giá 179$, nhưng chiếc Moto E giá 129$ thì có thể đến với một thị trường rộng lớn hơn rất nhiều. G rẻ so với tiêu chuẩn của Mỹ và Châu Âu, còn E thì rẻ so với tất cả mọi người trên thế giới.

Moto E là một trong những "nhà truyền giáo" giúp mang KitKat đến với thế giới. Nó chứng tỏ rằng phiên bản Android mới nhất đủ linh hoạt để có thể dùng trên bất kì thiết bị nào, không quan trọng kích thước và giá tiền. Ở Ấn Độ, một trong những thị trường smartphone tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhu cầu đối với Moto E cao đến nỗi đã hai lần khiến cho trang web của nhà phân phối bị sập, và máy cũng đã hết hàng tại quốc gia này. Ngay cả với Nokia và BlackBerry vốn rất nổi tiếng tại đây, chiếc điện thoại của Google đang rất hấp dẫn người dùng bằng trải nghiệm tuyệt hảo kết hợp với hệ sinh thái rộng lớn.

Trái ngược lại với Moto E, ngay cả Vertu giờ cũng đang bán những chiếc điện thoại xa xỉ đắt tiền chạy bản Android mới nhất, điển hình như chiếc Signature Touch với 4.4 KitKat. Tất cả những nhà sản xuất điện thoại Andorid lớn đều cũng đã mang KitKat vào mọi sản phẩm mới của mình thay vì phải hứa hẹn cập nhật trong một tương lai vô định nào đó.

Nói cách khác, KitKat đã thành công trong việc giảm đi tính phân mảnh của hệ sinh thái Android. Mặc dù vẫn còn xa lắm Android mới có thể đuổi kịp tính đồng nhất của iOS nhưng nó đang ở vị trí tốt hơn bao giờ hết. Giờ đây, Google đang chuẩn bị cho một đợt cập nhật lớn kế tiếp đối với đứa con cưng của mình.

Những tin tức rò rỉ gần đây gợi ý rằng Google đang ấp ủ dự án Android Silver, một sáng kiến có thể mang đến cho thị trường nhiều thiết bị cao cấp chạy phiên bản Android mới nhất và cũng là những máy được cập nhật nhanh nhất. Nó cũng sẽ đảm bảo rằng trải nghiệm Android là thuần túy nhất có thể chứ không bị tùy biến mạnh tay như những gì các nhà sản xuất đang làm. Dấu hiệu này gợi ý rằng Google đang quay trở lại chiến lược đặt thiết bị cao cấp lên hàng đầu, điều mà công ty đã từng làm trong quá khứ.

Tuy nhiên, dù cho Google có làm gì với tương lai của Android, chúng ta vẫn có thể tin rằng sự thành công của KitKat sẽ tiếp tục xuất hiện trên phiên bản Android 4.5/5.0 kế tiếp và hơn thế nữa. KitKat, với đại diện là Moto E, đã vượt qua ngưỡng dưới của trải nghiệm người dùng mà Android chưa bao giờ có thể đạt được trên những thiết bị giá rẻ. Ngoài ra, các điện thoại Android mới trong năm nay không chỉ nâng cấp về phần cứng mà còn cập nhật thêm về phần mềm. Những con chip mới nhất của Qualcomm thì đủ đa dạng để có mặt trong mọi phân khúc thị trường và hiệu năng của chúng là một trong số những nguyên nhân giúp cho Android có mặt trên ngày càng nhiều thiết bị. Tất cả những điều trên sẽ không thay đổi mặc cho có chuyện gì xảy ra tại sự kiện Google I/O đi nữa.

Có thể nhiều người không đồng tình, nhưng sự thật là Android đang đạt đến mức độ thống nhất cao nhất trong lịch sử của mình. Dù bạn có mua một cái điện thoại Vertu, một chiếc smartphone Motorola hay một máy Xperia của Sony thì trải nghiệm cơ bản, hiệu năng và tính năng của chúng sẽ tương đương nhau đến nỗi khiến cho bạn cảm thấy rằng chúng xuất phát từ một gia đình. Trong bối cảnh Android 4.5/5.0 chuẩn bị ra đời, những chiếc điện thoại hiện tại sẽ không chậm đi, tính năng cũng không bị cắt giảm, nhưng vấn đề liên quan đến tính phân mảnh của Android có thể nổi lên một lần nữa. Chúng ta hãy chờ xem Google sẽ làm những gì để giải quyết chuyện này.

Và thân gửi Google, vui lòng đừng làm hỏng Android nhé.

Nguồn: The Verge