Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Đánh giá Asha 501: nền tảng điện thoại phổ thông mới của Nokia

tinhte_Nokia_Asha_501_review_anh-dai-dien

Sau nhiều năm trung thành với nền tảng Series 40 qua nhiều phiên bản, Nokia đã quyết định làm mới lại dòng Asha bằng việc giới thiệu model 501 tại một số thị trường chọn lọc. Với sự phổ cập của các mẫu điện thoại Android giá rẻ, Nokia buộc phải đưa ra một dòng sản phẩm mới có tính cạnh tranh mạnh cùng với mức giá thật tốt, vì họ biết rằng họ khó có thể tạo ra một chiếc Lumia 520 mới để bán với giá rẻ hơn mức 200 USD. Asha 501 là một lựa chọn mới mẻ dành cho người dùng đã từng biết đến giao diện của MeeGo (N9) với nhiều các tính năng cơ bản được tích hợp. Máy có thiết kế nhỏ gọn, màn hình cảm ứng điện dung với giao diện mượt mà, đồng thời hỗ trợ hai khe cắm SIM với một khe có thể thay nóng trong chốc lát.

Thiết kế

Theo trào lưu điện thoại màn hình cảm ứng hiện nay, Asha 501 có kiểu dáng đơn giản với chỉ một phím trở ra (back <-) ở phía trước ngay bên dưới màn hình. Với thành công từ việc đa dạng hoá màu sắc trên dòng Lumia, Nokia tiếp tục áp dụng 6 bộ vỏ màu vào trong dòng Asha 501 gồm 4 màu đỏ, xanh lá cây, xanh dương, vàng theo hệ màu CMYK, bên cạnh hai màu trắng và đen truyền thống. Phía trước của máy luôn là lớp vỏ màu đen được bảo vệ bằng lớp kính nhựa. Tuy nhiên phần nút bấm để mở nắp lưng lại có màu sắc cùng với vỏ chính, nên Nokia không bán riêng vỏ để người dùng lựa chọn. Nút này có khe hở để âm thanh thoát ra có âm lượng khá lớn. Về tổng thể phần cứng của Asha 501 được đánh giá tốt, không tạo cảm giác rẻ tiền.

Máy được thiết kế từ một khối chữ nhật và bo tròn các cạnh mềm mại, ngay cả đường viền cạnh ở mặt sau cũng không quá sắc. Một bàn tay của người bình thường có thể nắm gọn 4/5 diện tích của máy. Những người có bàn tay lớn thì máy nằm lọt hẳn trong lòng bàn tay. Có thể thấy kích thước của Asha 501 rất nhỏ gọn, so với thẻ tín dụng thì nó chỉ dài hơn khoảng 1 và bề rộng cũng chỉ tăng thêm tầm 3mm.

Máy đặt các cổng kết nối lên trên đỉnh, bao gồm cổng tai nghe 3,5mm, cổng kết nối microUSB và cổng sạc 2.0mm. Nokia cung cấp sạc đầu nhỏ (2 mm) trong hộp nhưng bạn vẫn có thể sử dụng sạc microUSB để cung cấp nguồn. Điều này cực kỳ tiện lợi khi bạn có thể dùng máy tính để sạc cũng như dùng pin dự phòng với cổng microUSB.

Khi mở nắp lưng, bạn có thể thay nhanh thẻ nhớ và sim thứ 2 (chuẩn micro SIM). Việc thay SIM rất nhanh với thời gian sử dụng ngay lập tức khi bạn gắn trở lại phần nắp. Máy nhận SIM chỉ trong 2 giây và mất thêm khoảng 5 giây để dò xong mạng. Công nghệ hot-swap này Nokia đã áp dụng từ model C2-00 đã ra mắt khá lâu. Một số ý kiến cho rằng Nokia nên áp dụng hai chuẩn sim mini SIM (sim thông dụng) và micro SIM để người dùng cảm thấy tiện hơn khi sử dụng.




Trải nghiệm

Máy mất khoảng 26 giây để khởi động, trên thực tế mẫu điện thoại bạn sẽ rất ít khi tắt bởi SIM của máy có 1 khe được tháo nóng. Chính vì vậy thời gian khởi động như vậy không quá quan trọng đối với model này. Và thực tế bạn có thể sử dụng ngay lập tức khi khởi động xong.

Nokia gọi hệ điều hành trên Asha 501 là "Nokia Asha Platform 1.0". Họ cũng gọi đây là smartphone bởi có được kho ứng dụng dành riêng cho hệ máy này. Việc tạo ra ứng dụng cho Asha 501 có thể được các nhà lập trình chuyển qua từ nền tảng Series 40 cảm ứng trước đó.

Về tổng thể giao diện, Asha 501 dựa hoàn toàn trên thiết kế của hệ điều hành MeeGo trên N9. Từ những biểu tượng, giao diện nhiều ứng dụng cơ bản, mục Settings, màn hình chờ... đều có nhiều nét tương đồng đến 90%. 10% còn lại nằm ở cấu trúc menu tuỳ chọn. Trong một số ứng dụng, bạn vuốt nhẹ tay từ mép dưới màn hình lên trên để hiện ra menu tuỳ chọn. Do hạn chế về không gian hiển thị nên các thiết lập của một số ứng dụng như trình duyệt, cuộc gọi, lịch, danh bạ, email... đều nằm trong menu Settings. Trong một số ứng dụng như Facebook, phím tuỳ chọn mang cấu trúc trái-phải quen thuộc với rất nhiều người sử dụng Nokia.

Dường như bộ xử lý 1 GHz không có ý nghĩa nhiều với Asha 501 do máy chỉ có 64MB RAM. Không có giao diện đa nhiệm rất đặc trưng của N9, Nokia đưa vào đó là giao diện Fastlane rất đặc trưng. Thực ra giao diện này dạng như mục New Feed của MeeGo nhưng lại không đơn thuần là thông báo về email hay tin tức. Fastlane cung cấp những thông tin về cuộc gọi gần đây, cuộc gọi nhỡ, tin nhắn, những ứng dụng mới dùng. Ngay trên phần đầu (Today) là thông tin lịch làm việc, cuộc hẹn... Có thể xem đây là một nơi để lưu lại những gì bạn dùng, khi chọn lại một mục nào đó (ví dụ như Video) thì nó sẽ tiếp tục với giao diện sử dụng tiếp theo. Ở đây thì Video bạn xem đến đâu nó sẽ phát tiếp đến đó. Muốn coi lại từ đầu thì bạn vào thẳng mục Video trong menu của máy. Giao diện màn hình chờ của máy cũng rất giống với MeeGo, bạn chạm 2 lần để mở giao diện khoá thành giao diện chờ, đọc nhanh email, tin nhắn chỉ với một cú trượt ngang trên màn hình.



Để đánh giá một chiếc feature phone, mình thường đặt ra câu hỏi là sẽ làm gì với chiếc máy này với các công việc thông thường. Với internet thì chúng ta có email, trình duyệt; quản lý thông tin cá nhân có danh bạ, lịch làm việc, công việc... Ngoài ra kỹ lưỡng hơn bạn cũng có thể xem xét đến các chế độ quản lý profile, những tính năng cộng thêm... và ứng dụng hỗ trợ.

Tính năng và ứng dụng

Giao diện cuộc gọi của Asha 501 khá đơn giản khi bạn chỉ có thể thực hiện việc quay số, hoặc kiểm tra tài khoản. Tính năng quay số thông minh (smart dial) không có trên model này. Mình cũng không tim được một ứng dụng dial thay thế nào. Nếu bạn có lỡ vào phần này thì máy vẫn có một nút danh bạ để truy cập tiếp vào danh sách bạn bè.

Các biểu tượng có thể dễ dàng đổi vị trí cho nhau giống với nhiều các hệ điều hành cảm ứng hiện nay, tuy nhiên bạn không đòi hỏi được khả năng tạo thư mục của menu. Trước đây thì Symbian S60 thế hệ thứ 5 bị chê là chứa nhiều ứng dụng ở trong các thư mục thì đến phiên bản Symbian Belle, Nokia đã bỏ ra ngoài hết. Lúc này thì iOS lại có khả năng tạo thư mục, tuy nhiên cách mà Apple làm thì trực quan hơn bởi thiết bị của họ có màn hình lớn hơn.

Danh bạ dường như không phải là thế mạnh của feature phone. Thực ra Nokia có thể làm tốt hơn nếu hỗ trợ các giao thức danh bạ phổ biến. Họ chỉ hỗ trợ duy nhất việc chuyển danh bạ từ SIM vào bộ nhớ trong, đồng thời từ thiết bị khác qua Bluetooth. Thực ra cũng khá hợp lý bởi những người mua dòng điện thoại này thường đang dùng những model như Nokia 1280 hay C1, C2 gì đó. Danh bạ của máy có thể kết nối đến Facebook và Twitter. Tuy nhiên bạn đừng quá trông mong gì vào hai dịch vụ này bởi không phải bạn bè nào cũng công khai số điện thoại trên mạng xã hội.

Bạn có thể thiết lập các email theo giao thức POP3/IMAP rất dễ dàng. Tuy nhiên Mail for Exchange vẫn chưa được hỗ trợ. Có lẽ vì thế mà danh bạ, lịch làm việc không thể đẩy xuống được. Hy vọng phiên bản tiếp theo của Asha Platform sẽ hỗ trợ điều này. Với nhiều email quá dài và giao diện web như trang web giới thiệu sản phẩm, trình đọc mail của Asha thông báo là không thể đọc được. Thử lưu trên máy tính thì thấy bức thư đó nếu không kèm ảnh đi kèm sẽ có dung lượng chữ là 190 KB. Tuy nhiên có thể là giao diện (layout) của bức email quá phức tạp, không phù hợp với giao diện của máy.

Về nhập liệu, do có sẵn bàn phím QWERTY nên Nokia không đầu tư kỹ cho giao diện T9 (nhắn tin dạng bấm số). Phần tiên đoán không hiện lên những từ cần thiết mà chỉ xuất hiện khi người dùng chạm vào những từ cần gõ. Trong khi đó bộ gõ QWERTY có sẵn tính năng tiên đoán với giao diện chiếm đến 2/3 màn hình (khá phí phạm). Do mình dùng bộ gõ tiếng Việt nên một hàng dấu thanh và ký tự có dấu mũ đã chiếm phần lớn. Nokia vẫn chưa áp dụng bộ gõ telex như nền tảng Symbian S60 cũ.

Ứng dụng nghe nhạc của máy có giao diện khá đơn giản và dễ dùng. Chất lượng khi nghe qua tai nghe ở mức khá. Chất âm tạo ra khó trong và thiếu chi tiết, một đặc trưng dễ thấy ở các dòng điện thoại giá rẻ. Do mình dùng dòng CX của Sennheiser nên chất bass được thể hiện khá ổn, tất nhiên là nó chẳng thể trong trẻo giống như trên Lumia. Chính vì vậy một bản nhạc 128 kbps được nạp vào máy là quá đủ, dùng chuẩn cao hơn bạn cũng chẳng thấy khác biệt. Việc điều khiển nhạc có thể thực hiện ngay giao diện khoá máy của Asha 501.

Dù chỉ là dòng điện thoại phổ thông nhưng camera của Asha 501 lại có khả nhiều tuỳ chỉnh. So với iOS thì nó có thêm hẹn giờ, cân bằng trắng, hiệu ứng ảnh, độ phân giải ảnh, rất hữu ích. Chất lượng hình tạo ra ở mức chấp nhận được nếu chụp ở điều kiện ánh sáng tốt.


Tính năng 2 SIM và thời gian sử dụng

Asha 501 có một thanh tính năng trạng thái gồm việc tắt mở Wi-Fi, bluetooth, mạng 2G và chuyển nhanh chế độ im lặng. Ngoài ra thì đây cũng là nơi để bạn quản lý việc sử dụng 2 SIM của mình.

Máy có hai chức năng gồm tự chọn SIM để sử dụng mỗi khi nghe gọi, nhắn tin. Hoặc mặc định chọn 1 SIM để luôn sử dụng cho đàm thoại, tin nhắn. Riêng về phần kết nối EDGE/GPRS thì máy dành ra một mục riêng. Như vậy bạn có thể chọn sử dụng mạng di động ở SIM 2 nhưng mặc định nghe gọi, nhắn tin ở SIM 1 cũng được. Như vậy là SIM mặc định sẽ luôn chạy cho dù bạn đang ở phần tin nhắn từ SIM còn lại gửi đến. Mặc vậy việc chuyên đổi SIM chính lại rất nhanh chóng, bạn chỉ cần vuốt nhẹ tay từ cạnh trên màn hình để mở ra thanh công cụ (dạng notification) để chọn SIM ưu tiên. Lúc này máy sẽ hiển thị SIM có màu xanh da trời, sim còn lại màu trắng.

Về thời gian dùng pin, do chỉ dùng để nghe gọi thông thường, máy có thể hoạt động lên đến 3-4 ngày với hai SIM được gắn. Riêng với việc sử dụng 1 khe SIM thì có thể dùng được cả tuần nếu nghe gọi ít.

Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao máy không hỗ trợ 3G, vì thực tế chính 3G có thể sẽ làm cho máy có thời gian dùng pin ngắn lại. Trong khi Nokia đặt nặng tiêu chí thời lượng pin cho model này. Ngoài ra máy đã có sẵn kết nối Wi-Fi thì ở Việt Nam đó vẫn là một lợi thế. Bên cạnh đó việc truy cập mạng chỉ có tốc độ trung bình do hạn chế về phần cứng. Nếu tốc độ lướt web Wi-Fi là 10 thì tốc độ dùng mạng EDGE/GPRS cũng đạt đến 8. Như vậy việc không có 3G giúp Asha 501 có mức giá khá ổn.

Hiện tại, Asha 501 chưa có phần mềm kết nối đến máy tính để bạn có thể đồng bộ dữ liệu. Hy vọng tương lai Nokia sẽ phát hành ứng dụng 'sync' dành cho dòng máy này.


Kết luận

Dù không phải là một nền tảng quá mới mẻ nhưng những gì mà Asha 501 sẽ không gây nhàm chán cho người dùng feature phone. Sử dụng giao diện MeeGo vốn được đánh giá cao về khả năng sử dụng cảm ứng, Asha 501 là một lựa chọn khá phù hợp cho một chiếc điện thoại nhỏ gọn, hỗ trợ 2 SIM và thời gian sử dụng khá. Chi một nửa số tiền so với Lumia 520, bạn vẫn có được đầy đủ tính năng của một chiếc điện thoại thông minh với thiết kế nhỏ gọn hơn, giao diện đẹp, hỗ trợ 2 SIM, có Wi-Fi. Vấn đề còn lại sẽ là việc Nokia cần tích hợp khả năng đồng bộ danh bạ, ít ra cũng là với Nokia Account, sau đó là Gmail, cũng như hỗ trợ ứng dụng kết nối với PC.