Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Liệu Chromecast có giúp Google thành công trong việc tiến sâu vào phòng khách của người tiêu dùng?

Google_Chromecast__2

Cách đây ít hôm Google đã tổ chức một sự kiện có liên quan đến cả ChromeAndroid, trong đó không nhiều thứ mới được công bố. Nexus 7 thì đã bị rò rỉ cấu hình lẫn hình ảnh một thời gian dài trước khi sự kiện diễn ra, còn Android 4.3 thì chỉ là bản nâng cấp nhỏ. Hãng chỉ làm chúng ta ngạc nhiên nhất với Chromecast, một thiết bị nhỏ gọn có tác dụng truyền nội dung từ các dịch vụ trực tuyến về TV thông qua Wi-Fi và cổng HDMI. Đây là nỗ lực mới nhất của Google trong việc tiến sâu vào phòng khách của người tiêu dùng theo sau những thiết bị không mấy thành công như Nexus Q hay Google TV.

Trước hết, Chromecast là một thiết bị nhỏ gọn xinh xinh, giá rẻ chỉ 35$ (tức khoảng 735.000 đồng) và nó hoàn toàn đi theo xu hướng điện toán đám mây mà Google đang nhắm tới. Rishi Chandra, giám đốc sản phẩm của Chromecast (và cũng chịu trách nhiệm bộ phận Google TV), nói rằng công ty ông "đang đặt một ván cược, và đây là một ván cược khá ghê gớm". Có thể thấy rằng Google đang muốn mở rộng sự hiện diện của mình lên TV ở khắp mọi nơi cũng như cách mà hãng xuất hiện trên thiết bị di động hay máy tính. Nhưng liệu hãng có thành công không hay lại đi vào vết xe đổ của Nexus Q hay mắc lại những điểm yếu của Google TV?

Đôi nét về Chromecast và tính năng của nó

Google_Chromecast__1

Chiếc Chromecast có thể được gắn thẳng vào chiếc TV của người dùng và theo Google, nó chạy một phiên bản được đơn giản hóa của Chrome OS, hệ điều hành đám mây vốn đang được trang bị cho những chiếc máy tính Chromebook và Chromebox. Có thể xem phần mềm bên trong Chromecast là "một trình duyệt chứa các thành phần cần thiết", chỉ đơn giản là thế. Tất cả những gì nó có thể làm là hiển thị nội dung được ra lệnh từ máy tính, smartphone hay tablet. Ví dụ, bạn có thể sử dụng app YouTube trên Android/iOS, chọn video muốn phát, nhất nút Cast, sau đó Chromcast sẽ bắt đầu phát đúng đoạn phim đó lên TV. Thiết bị này hỗ trợ video, audio chuẩn HTML5. Ngoài ra nó còn có một extension cho phép chơi video Flash, và đó là tất cả những gì thiết bị nhỏ gọn này có thể làm. Việc chơi những tập tin được lưu trữ trên các thiết bị mạng khác hay các tập tin video Quicktime, Silverlight thì chưa được hỗ trợ.

Về mặt kĩ thuật, Chromecast sử dụng một chuẩn tên là "Google Cast". Những thiết bị di động, máy tính và trình duyệt Chrome sẽ biết được rằng trong mạng Wi-Fi của chúng ta có đang hiện diện một chiếc Chromecast nào hay không, từ đó ra lệnh cho Chromecast phát phim ảnh hay nhạc từ dịch vụ online. Đây chính là hạn chế đầu tiên bởi thiết bị này chỉ hoạt động với trình duyệt Chrome và một số app bên thứ ba. Google có cung cấp bộ Google Cast SDK để các lập trình viên tích hợp Google Cast vào phần mềm của mình, nhưng trong ngắn hạn thì tính năng này có thể chưa phổ biến.

Khi sử dụng kĩ thuật phát nội dung như đã mô tả ở trên, giám đốc Chandra nói rằng hãng sẽ không theo dõi những video nào người dùng đang xem, mặc dù phần lớn chức năng của Google Cast được chạy trên máy chủ của hãng. "Tất cả những gì chúng tôi biết đó là chúng tôi sẽ nhận được một cái gì đó rồi tiếp tục gửi nó cho người khác. Chúng tôi không có thông tin cụ thể về nội dung của thông điệp được gửi". Mặc dù người dùng cũng có tùy chọn chuyển sang chế độ theo dõi nặc danh nhưng theo lời Chandra thì Google không có ý định biến Google Cast thành một nền tảng quảng cáo.

Mặc dù phần lớn những thứ mà chúng ta sẽ phát bằng Chromecast đến từ các dịch vụ đám mây nhưng Google cũng đang thử nghiệm một tính năng mang tên Chrome tab projection. Về cơ bản, tính năng này cho phép trình duyệt Chrome gửi trang web trực tiếp từ PC của chúng ta đến Chromecast. Nó sử dụng mạng Wi-Fi để truyền trang web local chứ không đi qua máy chủ của Google và giao thức được dùng ở đây là WebRTC. Bộ giao thức này cho phép các trình duyệt có thể giao tiếp với nhau trực tiếp mà không cần thông qua server trung gian, cũng chẳng cần phải cài thêm plugin. WebRTC hiện đã có mặt trong Chrome và Firefox, và người ta cũng đang dự tính phổ biến việc gọi điện video thông qua chuẩn này.

Kế tiếp, Chromecast có tích hợp chế độ mã hóa DRM ở mức phần cứng để giúp bảo vệ nội dung số khỏi tình trạng ăn cắp bản quyền. Chế độ này cho phép Chromecast truyền video từ những dịch vụ như Netflix xuống TV với độ phân giải 1080p. Google nói rằng Netflix bắt buộc thiết bị truyền phim 1080p phải có khả năng mã hóa như thế này mới được phép truy cập nội dung của công ty.

Hướng đi của Google với Chromecast

Như vậy, Chromecast là một giải pháp "rất Google" để giải quyết vấn đề kĩ thuật trong việc truyền nội dung đến TV của người dùng. Nó gần giống với Nexus Q nhưng đã được làm tốt hơn, giá rẻ hơn và nhỏ gọn hơn.

Nếu như Apple có một hệ sinh thái riêng của mình nên có thể dễ dàng tối ưu hóa phần cứng - phần mềm thì Google cần phải giải quyết nhiều thứ từ nhiều nhà sản xuất khác nhau. Khi đối mặt với thác thức đó, Google đã sử dụng một giải pháp đa nền tảng cực kì hữu hiệu, đó là dựa theo các chuẩn và trình duyệt web, rồi tích hợp thêm dịch vụ của hãng vào. Nói cách khác, Google biết họ đang làm gì và họ đã có sự kiểm soát tốt hơn về mặt trải nghiệm người dùng.

Google_Chromecast__3

Để Chromecast phổ biến, Google sẽ phải tiếp cận đến từng lập trình viên, từng nhà cung cấp dịch vụ/nội dung để giới thiệu về Chromecast và cung cấp cho họ bộ SDK để tự tích hợp Cast vào app của họ. Chandra nói rằng việc sử dụng bộ SDK rất dễ, nhất là với những đơn vị nào đã hỗ trợ HTML5 hay Flash trên nền web. Thế nhưng giai đoạn này không thể diễn ra trong một sớm một chiều, nó cần phải có thời gian mới trở nên phổ biến được (nếu có thể).

Đó là ở Mỹ, ở các nước khác thì tình hình còn tệ hơn nếu như Google muốn tiến ra thị trường quốc tế. Google TV cũng từng thất bại ở nhiều thị trường bởi nội dung dành cho thị trường đó quá nghèo nàn, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dùng. Ví dụ, ở Việt Nam thì Netflix gần như là không dùng được trừ khi xài thông qua giải pháp mạng riêng ảo (VPN), mặc dù đây là một dịch vụ video rất phổ biến tại Mỹ. Còn YouTube thì phổ biến rồi nên nó không phải là vấn đề lớn.

Các nhà phát triển lại sẽ chỉ tích hợp Cast khi nào có nhiều người sử dụng thiết bị của Google, và đây chính là vấn đề cổ điển: vòng tròn con gà với quả trứng. Chromecast mới ra, người ta cần có nhiều app hỗ trợ thì mới mua về dùng cho sướng, trong khi lập trình viên thì lại chờ đợi số lượng Chromecast nhiều lên mới tích hợp nó vào phần mềm của mình. Cũng may là với mức giá rẻ thì thiết bị này có khả năng giúp quá trình trên được đẩy nhanh hơn và giúp thu hút lập trình viên đến với Cast trong thời gian ngắn hơn.

Về phía các hãng cung cấp nội dung, họ rất thích áp đặt những điều khoản riêng và mức giá riêng cho từng loại thiết bị, nhất là các hãng TV. Google Cast đối đầu với chuyện này đơn giản bằng cách chấp nhật nó. Chandra nói: "Nếu bạn muốn thực hiện theo mô hình mà chúng tôi đã đề cập (truyền nội dung từ đám mây), bạn sẽ phải hợp tác một cách đầy đủ. Tôi không thể chỉ đơn giản đi lấy nội dung từ đám mây rồi truyền xuống thiết bị của mình mà không có sự hợp tác của bạn với chúng tôi".

Nếu nhìn từ góc nhìn này, Chromecast chẳng khác gì bạn thân của các công ty sản xuất nội dung và Google cũng chẳng có ý định thay đổi gì những điều lệ mà họ đã đặt ra. Theo lời Chandra, "nếu nội dung không được phép phát lên TV thì nó cũng sẽ chẳng có mặt trên Chromecast".

Google_Chromecast__4

Về tính năng "Chrome tab projection", thật không may rằng nó chưa phải là một giải pháp tốt. WebRTC không có được độ trễ thấy và băng thông rộng như AirPlay của Apple hay Miracast hay Intel WiDi. Trong những đợt thử nghiệm ngay tại nơi trình diễn, video truyền thông qua Google Cast gặp vấn đề trong việc đồng bộ tiếng với hình, và Chandra nói rằng "với một số cấu hình Wi-Fi nhất định thì chúng tôi không tốt như những gì chúng tôi muốn". Mặc dù Chandra hứa hẹn rằng "không có giới hạn nào về những việc có thể làm" nhưng trải nghiệm không đồng bộ như trên đã là một điểm trừ cho Cast.

"Chrome tab projection" cũng chỉ hoạt động với Chrome và một số app khác, một hạn chế to lớn. Điều đó có nghĩa là nếu bạn muốn xem video hay hình ảnh được chứa trên máy tính của bạn thì không phải là một chuyện dễ dàng. Chandra gọi việc truyền nội dung trong mạng nội bộ là "một câu hỏi mở" nhưng "tôi sẽ không nói về những gì chúng tôi đang làm với nó". Còn ở thời điểm hiện tại, người dùng sẽ phải kiếm cách đẩy nội dung của mình lên mây, mà phải là những đám mây nào Chrome và các app có thể truy cập và hiển thị nội dung được. Với Chandra, vấn đề này sẽ ngày càng ít nghiêm trọng hơn bởi vì "chúng tôi là Google, chúng tôi tin rằng ngày càng nhiều thứ sẽ nằm trên mây".

Những giới hạn nói trên cũng không cho phép việc chơi game thực thụ có thể diễn ra với Chromecast, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Độ trễ lớn, không hỗ trợ truyền thông tin trực tiếp trong mạng nội bộ có nghĩa là chúng ta không thể sử dụng tablet, smartphone để chơi game trên TV giống như những gì iOS với AirPlay có thể làm được. "Tôi nghĩ chơi game là một tình huống sử dụng mà chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào, nhưng ở góc nhìn của tôi thì đó không phải là ưu tiên số một".

Cả Google TV sau bao nhiêu năm trời ra mắt cũng chưa có một chuẩn nào như AirPlay như phép sao chép màn hình từ PC, smartphone, tablet của người dùng ra TV. Chỉ có vài model dùng giao thức Miracast mới làm được chuyện này, mà nó lại phải phụ thuộc vào việc thiết bị cầm tay của người dùng có hỗ trợ Miracast hay không nữa.

Nói đi cũng phải nói lại, mặc dù có nhiều hạn chế là thế nhưng Chromecast vẫn là một thiết bị khá hấp dẫn. Hiện có nhiều cách để giúp chúng ta đẩy nội dung từ các trang web về đến TV, nhưng chính sự đơn giản cũng như mức giá rẻ của Chromecast sẽ giúp nó đánh bại các giải pháp khác. Tính đến bây giờ thì đây là sản phẩm liên quan đến TV khả thi nhất mà Google từng làm ra.

Nói về Google TV và Chromecast, Google từng nói rằng cả hai thiết bị có thể cùng tồn tại song song nhau. "Chúng tôi không nghĩ là có một thiết bị nào có thể làm được mọi thứ". Chandra nói rằng hiện nay vẫn có hàng triệu chiếc TV được bán ra mỗi năm. "Chúng sẽ cần đến một hệ điều hành tích hợp, và chúng tôi tin rằng OS đó nên là Android, vốn là hệ điều hành của Google TV". Còn với hàng trăm triệu chiếc TV đã được mua và đang có mặt trong các hộ gia đình, Chromecast đơn giản là một giải pháp mở rộng cho chúng. Ngoài ra, "Google TV tập trung hơn vào việc nhúng trong TV cũng như thị trường set-top box".

Việc thuyết phục Samsung, LG, Sony từ bỏ nền tảng Smart TV của riêng mình và chuyển sang dùng Android là một chặn đường dài với rủi ro thất bị rất cao. Thực chất thì đến bây giờ Google vẫn chưa thành công trong việc đó vì số lượng Google TV trên thị trường hiện nay không nhiều so với Smart TV. Đó đơn giản là xung hướng mà người dùng vẫn chưa cảm thấy hứng thú ở thời điểm hiện tại. Và "hiện tại" có nghĩa là Google phải làm gì đó nhanh hơn Apple, Microsoft, nếu không thì hay công ty lớn này sẽ chiếm lấy thị phần của Google.