Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Đo tốc độ thực tế Wi-Fi chuẩn ac trên MacBook Air 2013 và AirPort Time Capsule

tinhtevn-wifi-ac

Như hôm trước Tinh tế có nói về thiết bị AirPort Time Capsule 2013 của Apple, một trong hai điểm mới mạnh mẽ nhất của thiết bị lưu trữ này đó là được tích hợp kết nối Wi-Fi chuẩn "ac" rất mới, cho phép nó có thể lưu chuyển dữ liệu với các thiết bị khác với tốc độ lên tới hơn 100 MB/s (867 Mb/s). Và để sử dụng được "ac", ta cũng cần có những máy tính hỗ trợ Wi-Fi ac. Tiện thể mình đang dùng chiếc MacBook Air 2013 là chiếc laptop đầu tiên và duy nhất của Apple hiện nay có "ac" nên mình làm luôn một bài đo tốc độ thực tế của chuẩn Wi-Fi này.

Thiết bị sử dụng để đo gồm có:
  1. AirPort Time Capsule 2013, dung lượng 2TB.
  2. MacBook Air 2013 bản cấu hình cao: ổ cứng 256GB SSD, CPU Core i5 hai nhân 1.3GHz, 8GB RAM.
tinhtevn-wifi-ac-800

Thiết lập mạng:
Time Capsule 2013 hỗ trợ đầy đủ các chuẩn Wi-Fi a/b/g/n/ac trên cả hai băng tần 2.4 và 5.0 GHz. Ở đây do Wi-Fi ac chỉ chạy trên băng tần 5.0Ghz nên mình không có test 2.4GHz. Việc thiếp lập Time Capsule khá đơn giản, bạn có thể dùng phần mềm AirPort Utility có sẵn trong MacBook hoặc cài trên iPhone để làm, không khó.

Với Time Capsule, chúng ta có thể sử dụng nó với 2 mục đích sau:
  • Dùng làm Time Machine, tự động backup toàn bộ dữ liệu trong máy qua kết nối Wi-Fi ac.
  • Dùng làm ổ cứng NAS, Time Capsule sẽ đóng vai trò như là một ổ cứng mạng, truy cập qua Wi-Fi ac và có dung lượng 2 TB.
Thật hạnh phúc khi MacBook Air 2013 và Time Capsule mới đều hỗ trợ nhau một cách rất tốt nên mọi chức năng đều hoạt động rất dễ dàng.

Đo tốc độ thực tế:
Wi-Fi ac trên Time Capsule 2013 cho tốc độ cao nhất theo lý thuyết là 867 Mb/s (tương đương 108 MB/s). Đây là tốc độ theo lý thuyết, còn trên thực tế thì tất nhiên sẽ thấp hơn, nhưng quan trọng là thấp hơn bao nhiêu.

BÀI 1: Dùng làm Time Machine
Khi máy tính và Time Capsule được đặt trong cùng một phòng, không có tường ngăn cách, khoảng cách khoảng 3 mét trở lại thì tốc độ cao nhất của Wi-Fi ac đo được là 23,7 MB/s, tức đạt được khoảng 22% so với tốc độ lý thuyết. Còn khi để hai thiết bị ra xa, cách nhau 1 tầng lầu, khoảng cách tầm 3 mét thì tốc độ bị tuột xuống khá thấp, chỉ còn 1,3 MB/s.



BÀI 2: Dùng làm ổ cứng NAS
Cũng đo giống như trên, khi mình đặt hai máy ở gần nhau thì tốc độ cao nhất khi chép một thư mục nặng 5,22 GB từ NAS vào máy tính (và ngược lại) là 30,5 MB/s, cao hơn một chút so với khi dùng làm Time Machine. Tuy nhiên khi đem máy tính xuống lầu cách khoảng 3 mét và ngăn bởi một sàn bê tông như trên thì máy tính gần như không kết nối được với Time Capsule nên mình cũng không đo được tốc độ thực tế của Wi-Fi.



Tuy tốc độ này khá thấp so với lý thuyết đề ra nhưng nếu so với các thiết bị dùng Wi-Fi chuẩn n đang rất phổ biến hiện nay thì chuẩn ac đã nhanh hơn rất nhiều. Thực tế, khi dùng một ổ cứng NAS với máy tính Windows, dùng router Buffalo AirStation HighPower N450 với băng thông tối đa 450 Mbps thì tốc độ đọc và ghi lần lượt cũng chỉ đạt được khoảng 15 MB/s mà thôi, bằng có phân nửa so với Wi-Fi ac của mình.

Cũng cần lưu ý là tại khu vực mình test có rất nhiều sóng Wi-Fi của các nhà khác, lúc nào cũng có trên 10 sóng Wi-Fi khác nhau và có thể trong số đó sẽ có vài cái là Wi-Fi ac nên ít nhiều sóng do Time Capsule phát ra sẽ bị ảnh hưởng, làm cho tốc độ bị chậm đi, tùy theo môi trường bạn sử dụng mà tốc độ thực tế có thể sẽ khác nhau.