Mời các bạn tham quan nhà máy sản xuất Moto X
Moto X là sản phẩm đầu tiên của Motorola thể hiện rõ ảnh hưởng của Google kể từ sau thương vụ Google mua lại Motorola Mobility với số tiền 12,5 tỷ USD. Moto X có hai điểm rất được Motorola chú trọng trong quá trình marketing, đó là khả năng tùy biến ngoại hình rất cao và máy được lắp ráp ngay trên đất Mỹ. Cả hai yếu tố này đều rất mới lạ trong thế giới smartphone bởi từ trước đến nay các hãng chỉ đưa ra một số màu hạn chế cho người dùng, và hầu hết điện thoại đều được làm ở Trung Quốc. Trang The Verge mới đây đã đó dịp ghé thăm nhà máy sản xuất Moto X tại bang Texas và cho chúng ta xem những tấm ảnh bên trong cơ sở này.
Nhà máy ở Texas là do Motorola hợp tác với Flextronics để cải tiến lại cơ sở vốn từng được dùng bởi Nokia. Trong chỉ 6 tháng, nhà máy đã được nâng cấp hoàn toàn theo yêu cầu kĩ thuật của Motorola và tạo 2500 đầu việc làm. Thực ra thì mãi đến cuối năm ngoái Motorola mới quyết định sẽ sản xuất thiết bị của mình tại Mỹ, còn nhà máy thì bắt đầu đi vào hoạt động chính thức từ ngày 6 tháng 8 năm nay. Hiện năng suất của nhà máy này là 100.000 thiết bị mỗi tuần. Motorola nói con số này vẫn có thể được nâng lên đến hàng chục nghìn chiếc mỗi tuần bởi nhà máy có diện tích 3,7ha nhưng hơn phân nữa vẫn còn chưa dùng tới.
CEO Dennis Woodside của Motorola chia sẻ rằng việc lắp ráp tại Mỹ là quan trọng trong việc cung cấp nhiều lựa chọn ngoại hình cho Moto X (người dùng sẽ tùy biến máy của mình thông qua trang web Moto Maker), đồng thời nó cũng mang lại cho công ty lợi thế về mặt kĩ thuật. Bởi vì các thiết bị của Motorola được thiết kế ngay trên quê hương của hãng, do đó việc có cơ sở sản xuất gần sẽ giúp các kĩ sư đưa những thay đổi về thiết kế của máy (nếu cần) một cách nhanh chóng hơn là đem đi sản xuất ở nước ngoài.
Giải thích về việc lựa chọn Mỹ để ráp máy, Woodside tiết lộ rằng "có một 'truyền thuyết' rằng bạn không thể sản xuất tại đây (Mỹ) vì chi phí quá đắt". Nhưng theo Woodside thì giá nhân công ở Châu Á đang tăng lên, trong khi tại Mỹ thì con số này tương đối ổn định. Kết hợp với việc người dùng ngày càng quan tâm đến xuất xứ của máy và chuyện có được cơ sở sản xuất gần nơi thiết kế, chúng tôi đã có được lợi thế của mình". Woodside nhìn nhận rằng những lợi ích mà nhà máy tại Mỹ mang lại sẽ vượt trội hơn so với chi phí cao. Ông cũng tin rằng chi phí để sản xuất Moto X ngay trên quê hương mình sẽ giảm theo thời gian.
Hiện Moto X được ráp ở Mỹ, và đây chỉ là bước khởi đầu. Motorola đang lên kế hoạch đem dây chuyền sản xuất các linh kiện ngoài, ví dụ như vỏ sau, viền bao xung quanh màn hình và camera, nút âm lượng, phím nguồn,... từ các nước khác về lại Mỹ. Hãng hi vọng những công ty khác cũng sẽ làm theo, đồng thời lấy ví dụ là ngành công nghiệp ô-tô, thiết bị gia dụng cũng đang được đưa về Mỹ sản xuất. Trong thời gian chờ đợi, Motorola vẫn sẽ giữ nhà máy của mình ở Trung Quốc, Brazil, Argentina. Ngoài ra, bộ phận của Moto X cũng được lấy từ 15 tiểu bang khác nhau trên khắp Hoa Kì.
Bây giờ thì mời các bạn xem ảnh:
Bên ngoài nhà máy sản xuất Moto X do Motorola hợp tác cùng Flextronics vận hành
Bên trong nhà máy, rất nhiều nhân công. Hiện ở đây có 2,500 người đang làm việc để tạo ra những chiếc smartphone đầy màu sắc trên 14 dây chuyền
Một góc nhìn khác về dây chuyền sản xuất Moto X. Những dây chuyền này đảm nhận việc ráp các linh kiện bên trong và mặt trước của máy, và theo như Motorola gọi thì đây là quy trình ENDO. Dây chuyền bắt đầu từ bên phải và kết thúc tạo những chiếc máy to to trắng trắng ở bên trái (có nhiệm vụ kiểm tra thành phẩm).
Dây chuyền này sản xuất máy cho nhà mạng AT&T nè. Những nhà mạng khác tương tự và chỉ có bản màu trắng, đen mới chia theo kiểu này.
Mỗi người công nhân sẽ để một số linh kiện xác định trước khi đẩy tiếp qua cho người khác trong dây chuyền
Sơ đồ của nhà máy
Linh kiện mẫu của Moto X, hộp và có cả phụ kiện đồ sạc nữa
Chị công nhân này đang xem xét bo mạch của Moto X trước khi gắn nó vào vỏ thiết bị
Những nơi này dành để lắp ráp những chiếc Moto X được tùy biến
Những cái hộp này chính là nơi đựng các linh kiện đầy màu sắc để có thể tạo ra chiếc điện thoại theo những gì người dùng đã đặt hàng
Đèn màu xanh báo hiệu rằng linh kiện đã nằm đúng vị trí của mình
Những linh kiện tùy biến có kích thước nhỏ như nút volume, viền camera thì sẽ được chứa trong các hộp này
Sau khi một chiếc máy đã ráp xong, nó sẽ được mang đến đây. Những chiếc máy tính này sẽ dùng camera cao cấp để xác nhận xem màu có giống đơn hàng của người dùng hay chưa
Trong nhiều năm qua Motorola đã phủ lớp nano chống nước cho một số linh kiện bên trong thiết bị của mình, và Moto X cũng không là ngoại lệ. Tấm ảnh ngay bên trên bao gồm những chiếc máy để thực hiện công đoạn này.
Xem xét các mặt trước của Moto X
Hàng đống vỏ nhiều màu sắc của Moto X, trong đó có cả mẫu vỏ gỗ mà hãng chưa bán ra
Hai nữ công nhân đang khoe thành phẩm do họ ráp
CEO Dennis Woodside của Motorola, Chủ tịch Eric Schmidt từ Google, Thống đốc bang Texas Rick Perry và CEO Mike McNamara của Flextronics đang nói chuyện với nhau vào hôm nhà máy mở cửa. Chính sách thuế dễ chịu tại Texas cũng là một trong số những lý do giúp Motorola có thể quay về ráp thiết bị tại Mỹ.
Toàn cảnh nhà máy sản xuất Moto X