Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

[FMS 2013] Nanuk Quattro - mẫu concept crossover hợp tác giữa Audi và Italdesign Giugiaro

Audi_Nanuk_Quattro_001.

Không chỉ đem đến Frankfurt Motor Show 2013 (FMS 2013) mẫu concept kỷ niệm 30 năm dòng coupe thể thao Sport Quattro, Audi đã gây bất ngờ khi trình làng một mẫu concept vừa lạ vừa quen với tên gọi Nanuk Quattro. Đây là sản phẩm hợp tác với xưởng thiết kế lừng danh Italdesign Giugiaro, vì vậy, Nanuk Quattro trông khá giống với mẫu concept Parcour từng được Giugiaro trình diễn tại triển lãm xe hơi Geneva 2013.

Không rõ tại sao Audi lại sử dụng tên gọi Nanuk, chỉ biết trong thần thoại Inuit thì Nanuk là vua của loài gấu.

Audi Nanuk Quattro tại Frankfurt Motor Show 2013.

Audi Nanuk Quattro concept dài 4541 mm (chiều dài trục cơ sở 2710 mm), rộng 1990 mm và cao 1337 mm. Khung xe được chế tạo từ vật liệu trọng lượng nhẹ và nhôm theo công nghệ Audi Space Framce (ASF). Trong khi đó, polymer gia cường bằng sơi carbon (CFRP) được dùng để chế tạo vỏ xe và hoàn thiện với nước sơn đỏ Extreme Red.

Ngoại thất của Audi Nanuk thể hiện rõ các đường nét góc cạnh, không thỏa hiệp và cường hóa. Như một khối chạm khắc động lực học đặt trên 4 bánh xe lớn, Nanuk mở ra một chương mới về ngôn ngữ thiết kế của Audi.

Audi_Nanuk_Quattro_01.

Audi_Nanuk_Quattro_04. Audi_Nanuk_Quattro_06. Audi_Nanuk_Quattro_07. Audi_Nanuk_Quattro_08.

Tại đầu xe, lưới tản nhiệt 6 cạnh đơn khung đặc trưng của Audi vẫn được giữ nguyên nhưng phẳng hơn với viền nhôm hẹp bao quanh tạo điểm nhấn. 2 bên lưới tản nhiệt là cụm đèn pha, đèn ban ngày và đèn tín hiệu với thiết kế xếp lớp độc đáo và khác biệt so với các sản phẩm trước đây của hãng xe hơi Đức. Tuy nhiên, các chế độ cốt/pha vẫn có thể được điều chỉnh nhờ công nghệ Audi Matrix LED. "Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn", chế độ đèn pha thể hiện "tính cách" của Nanuk. Khi lái xe với đèn cốt, Nanuk trông hiền hòa và cởi mở. Thế nhưng khi chuyển sang pha, Nanuk trông dữ dằn với "đôi mắt" như đang nhìn chằm chằm. Dưới đèn pha là 2 hốc hút gió lớn với 3 lá kim loại tạo hình mang cá. Ngoài ra, gờ chia mỏng đặt dưới ba-đờ-sốc cũng tích hợp các khe thoát khí.

Audi_Nanuk_Quattro_02.

Audi_Nanuk_Quattro_03. Audi_Nanuk_Quattro_05. Audi_Nanuk_Quattro_12. Audi_Nanuk_Quattro_13.

Hông xe cũng là nơi thể hiện các đường nét khí động, điển hình như vòm bánh xe lớn, cửa xe hõm sâu vào trong kết hợp với các đường khắc tạo thành một họng hút gió lớn, khỏe khoắn tương tự Audi R8. Họng hút gió sẽ đưa không khí vào động cơ V10 TDI, trong khi đó, một khe nhỏ hơn bên ngoài sẽ chia dòng khí đến các thành phần khác trong động cơ. Để tạo sự liền mạch cho hông xe thì 2 cửa cũng được thiết kế với kiểu mở khá độc đáo, vừa giống cửa cánh chim liền mui như SLS AMG nhưng cũng giống phong cách cắt kéo của Lamborghini Aventador.

Thiết kế lồi lõm tiếp tục được áp dụng với phần đuôi xe. Đèn hậu hẹp, kéo dài và phân chia cộng với một khu vực khoét lõm bên dưới khiến phần đuôi của Nanuk như đang nở một nụ cười "bí hiểm". Bên dưới "nụ cười" này là 2 ống xả lớn hình tròn mạ chrome.

Audi_Nanuk_Quattro_14.

Là một mẫu xe có động cơ đặt giữa nên Nanuk cũng được thiết kế theo mô tuýp "khoe mẽ". Cửa sổ sau có kích thước lớn, phô bày toàn bộ động cơ TDI. Khoang hành lý được chuyển sang trước và đủ rộng để chứa 2 chiếc xe đẩy hoặc một túi gậy chơi golf.

Nội thất của Audi Nanuk được thiết kế đặt trọng tâm vào người lái, thiết kế tối giản và cơ bản. Chất liệu carbon được sử dụng tối đa trong cabin nhằm mang lại sự tập trung cho người lái. Tất cả các nút điều khiển cho điều hòa nhiệt độ, núm xoay cảm ứng cho các tính năng dẫn đường và đa phương tiện, đèn tín hiệu, v.v.. đều được tập trung trên bảng khí cụ cạnh người lái và vô-lăng. Các ghế được trang bị lót tay và gối tựa đầu điều chỉnh điện.

Audi_Nanuk_Quattro_16.

Audi_Nanuk_Quattro_17. Audi_Nanuk_Quattro_18. Audi_Nanuk_Quattro_11.

Thay vì dùng các nút vật lý, người lái có thể kiểm soát các thông số và chế độ của Nanuk bằng một hệ thống giao diện tương tác có thể lập trình. Tại cột A, có 2 màn hình nhỏ và phía trên đầu tài xế cũng có một màn hình trung tâm đóng vai trò là kính chiếu hậu và hiển thị hình ảnh từ các camera trên cửa.

Ngoài chất liệu nhôm xám trên bản khí cụ, các bề mặt còn lại như ghế, lót tay, ốp bậu cửa đều được bọc da tinh chế màu xám. Chất liệu polymer gia cường carbon (CFRP) cũng được sử dụng trên một số thành phần khác của nội thất Nanuk Quattro.

Nanuk Quattro Concept được trang bị động cơ V10 TDI đặt dọc phía trước trục sau. Động cơ có dung tích 5 lít, cho công suất đầu ra 544 mã lực (400 kW) và mô-men xoắn 1000 Nm (737,56 lb-ft) ở vòng tua chỉ 1500 rpm. Bộ tăng áp kép cho động cơ được kiểm soát bởi hệ thống AVS (Audi Valvelift System) và dầu diesel được phun ở áp suất 2500 bar. Nối với động cơ là hộp số S tronic 7 cấp giúp truyền mô-men đến hệ thống dẫn động đặc biệt của Nanuk Quattro.

Audi_Nanuk_Quattro_15.

Với tổng trọng lượng 1900 kg, Nanuk Quattro có thể tăng tốc từ 0 đến 100 km/h trong chỉ 3,8 giây và đạt tốc độ tối đa 305 km/h. Hệ thống quản lý nhiệt cải tiến với các vòng lặp làm mát độc lập cùng với cơ chế phun dầu liên tục điều hòa giúp Nanuk Quattro tiêu thụ nhiên liệu trung bình 7,8 lít cho 100 km.

Hệ thống giảm xóc khí tương thích với các thanh giảm chấn điều khiển điện là một công nghệ mới của Audi. Người lái có thể điều chỉnh tùy ý khoảng trống khung gầm theo 3 chế độ: bình thường, thấp hơn 30 mm hoặc cao hơn 40 mm. Hệ thống này cũng kiểm soát độ cao thân xe dựa trên tốc độ di chuyển và dữ liệu đường đi dự đoán trước được hệ thống dẫn đường cung cấp. Trên đường cao tốc, thân xe vẫn được giữ thấp hơn so với mức bình thường ngay cả khi Nanuk Quattro di chuyển ở tốc độ chậm. Ngược lại khi chạy trên đường sỏi dá, thân xe sẽ tự động được nâng lên.

Một điểm đáng chú ý về công nghệ nữa trên Nanuk Quattro Concept là bộ tính toán đánh lái - giúp giải quyết tình trạng xung đột giữa khả năng kiểm soát động lực và độ ổn định của xe. Hệ thống kết hợp cơ chế lái động lực nổi tiếng của Audi trên trục trước - tự động can thiệp tại giới hạn vào cua nhằm tăng độ ổn định và hệ thống lái trợ lực trên trục sau.

Audi_Nanuk_Quattro_09.

Audi_Nanuk_Quattro_10.

Thêm vào đó, các bộ truyền động riêng biệt sẽ kích hoạt 2 thanh điều hướng chủ động trên bánh sau. Khi tài xế vào cua ở tốc độ từ thấp đến trung bình, bánh sau sẽ mở ra một góc 9 độ theo hướng ngược lại với bánh trước. Điều này giúp rút ngắn khoảng 100 cm khoảng cách giữa 2 cầu xe, giảm bán kính vào cua xuống còn 10 m. Đồng thời, khả năng kiểm soát cũng được cải thiện, linh hoạt hơn. Nếu vào cua ở tốc độ cao hơn, hệ thống sẽ tự động mở góc bánh sau ra tối đa 2,5 độ, cùng hướng với 2 bánh trước. Khoảng cách giữa 2 cầu xe được kéo dài thêm 140 cm để giữ độ ổn định. Xe trang bị bộ la-zăng 22" hợp kim 5 chấu với 2 lốp trước 235/50 và 2 lốp sau 295/45. Cả 4 bánh xe đều sở hữu thắng đĩa gốm-sợi carbon chịu nhiệt và khả năng chống mài mòn cực cao.

Đối thủ của Nanuk Quattro không khó để dự đoán. Đầu tiên là Parcour - sản phẩm "chính chủ" của xưởng thiết kế Giugiaro nổi tiếng nước Ý. Parcour sử dụng động cơ V10 5,2 lít do Lamborghini phát triển, công suất 550 mã lực và có thể tăng tốc từ 0 đến 96 km/h trong 3,6 giây. Ngoài ra, còn một cái tên Ý nữa không thể không nhắc đến đó là Lamborghini Urus - mẫu SUV Crossover thứ 2 của "bò tót" với động cơ tăng áp V10 600 mã lực. Trong khi Audi Nanuk Quattro và Giugiaro Parcour vẫn là 2 mẫu concept thì Urus của Lamborghini đã được lên kế hoạch sản xuất vào năm 2017.