Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Cổ đông của Dell chấp nhận việc tư doanh hóa công ty với tổng giá trị giao dịch 24,9 tỉ USD

[IMG]

Một cuộc bỏ phiếu mới đây của ban quản trị Dell đã chấp thuận cho Micheal Dell, người sáng lập và cũng là CEO của công ty, mua lại cổ phiếu từ các cổ đông đại chúng của mình (buy-out). Kế hoạch này suýt được thông qua hồi tháng 7 nhưng phải hoãn lại vì nhiều lý do. Kể từ khi công bố dự tính buy-out, Dell đã nhiều lần nâng số tiền mà hãng sẽ chi cho cổ đông và cuối cùng thì công ty cũng đạt được thỏa thuận mua với giá 13,75$/cổ phiếu cộng thêm 0,13$ cổ tức. Tính chung thì số tiền cho Dell phải chi cho kế hoạch này sẽ vào khoảng 24,9 tỉ USD. Chi tiết về số phiếu chưa được công bố nhưng theo hãng tin CNBC, có 65% phiếu cho phép việc buy-out diễn ra. Quá trình mua lại được kì vọng sẽ kết thúc vào cuối quý 3 của năm tài chính 2014. Trụ sở của Dell vẫn tiếp tục đóng tại Texas.

Nhân dịp này, Micheal Dell nói rằng "tôi hài lòng với kết quả này và đang được tiếp thêm năng lượng để xây dựng Dell trở thành một công ty tiên phong chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ end-to-end ở nhiều quy mô khác nhau". Về phía Carl Icahn, vị tỉ phú từng kịch liệt phản đối việc tư doanh hóa của Dell, ông nói rằng ông "không thể thắng được" trong cuộc bỏ phiếu của các cổ đông nên ông đã không cố gắng bác bỏ nó nữa.

Vậy việc tư doanh giúp gì cho Dell? Hồi tháng 2 năm nay, Michael Dell nói động thái này sẽ "mở ra một chương mới đầy thú vị cho Dell, cho công ty, khách hàng và cả nhân viên", đồng thời nhận xét nó sẽ mang lại "giá trị tức thời" cho hãng. Dell muốn thúc đẩy công ty của mình tiến sâu hơn vào lĩnh vực cung cấp thiết bị và dịch vụ cho các doanh nghiệp trong bối cảnh ngành công nghiệp PC đang xuống dốc và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính mà Dell muốn tư doanh hóa đó là vì hãng có thể tiến hành quá trình thay đổi một cách âm thầm, không bị giám sát bởi cổ đông đại chúng (bởi vì hãng không còn niêm yết trên sàn chứng khoán nữa).