Samsung sẽ dùng chip xử lý 64bit trên thế hệ điện thoại thông minh tiếp
theo
Chip Exynos sẽ hỗ trợ 64bit trong tương lai
Trưởng bộ phận di động của Samsung JK Shin vừa cho biết họ sẽ sử dụng chip xử lý 64bit trên thế hệ smartphone tiếp theo. Theo ông này, việc dùng chip 64bit sẽ không thể xuất hiện sớm mà phải qua một thế hệ điện thoại nữa. Như vậy, nhiều khả năng chúng ta sẽ phải chờ tới Galaxy S5 để có thể thấy dòng chip 64bit xuất hiện trên điện thoại Samsung. Tuy nhiên, bạn hãy lưu ý rằng chip xử lý là một chuyện còn hệ điều hành hỗ trợ hay không lại là chuyện khác, chưa rõ khi nào Google sẽ hỗ trợ 64bit cho Android. Trước đây Samsung từng hé lộ khả năng sử dụng các chip với nhân xử lý do họ tự thiết kế (giống Krait của Qualcomm hay A5 A6 A7 của Apple. Điều này có nghĩa Samsung chỉ sử dụng instruction set ARMv8 của ARM và tự độ lại nhân thay vì dựa trên nhân tham chiếu Cortex A53 hay A57 theo kiểu họ dùng Cortex A15 hiện tại. ARMv8 hỗ trợ 64bit từng được ARM giới thiệu vào 2011 và công ty này hy vọng những chip đầu tiên sẽ có mặt vào 2012. Hiện tại Apple A7 là con chip đầu tiên dùng ARMv8 64bit. Nếu quy chuẩn sang ARM, nó sẽ tương đương với Cortex A53 hoặc A57 giới thiệu cuối 2012 . Được biết ARM đã từng hợp tác cùng TSMC phát triển chip xử lý 64bit nhưng nó dành cho máy chủ chứ không phải di động.Tìm hiểu về Cortex A53/A57 Cập nhật : Có vẻ như trên Nexus 7 thì Android đã hỗ trợ 64bit. Google không công bố nhưng một số lập trình viên cho rằng Android đã phần nào hỗ trợ 64bit. Đối với bản quyền kiến trúc, ARM sẽ cấp phép cho một công ty nào đó sử dụng một trong số các kiến trúc của họ (ví dụ như ARMv7, ARMv8). Bạn hoàn toàn có thể thiết kế ra vi xử lí riêng dựa trên kiến trúc đó rồi ứng dụng theo cách mà bạn muốn, không phải dùng đến nhân Cortex A-Series của ARM. Qualcomm là ví dụ dễ thấy nhất bởi hãng đã dùng kiến trúc ARMv7 để tạo nên những nhân Krait vốn có mặt trong các SoC Snapdragon đời mới. Apple cũng sử dụng ARMv7 để tạo nên Swift, tên mã của vi xử lí hai nhân trong chip Apple A6 . ARM sẽ giúp đỡ trong quá trình thiết kế nên vi xử lí của bạn để nó tương thích với tập chỉ dẫn do hãng đề ra, nhưng còn việc thiết kế nhân ra sao, ứng dụng như thế nào, hiệu năng, hiệu suất... thì hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Nói cách khác, bản quyền kiến trúc là bản quyền rất "rộng rãi" bởi bạn có thể thoái mái sắp xếp các khối nhớ, bộ nhớ đệm, vi mạch, bố cục đế nhân xử lí,... tuỳ vào mức độ hiệu năng mong muốn. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có khả năng sử dụng bản quyền kiến trúc bởi việc tự tạo ra nhân xử lí rất tốn kém tiền bạc, thời gian và đòi hỏi kiến thức rất cao. ARM hiện có khoảng 1000 bản quyền được cấp cho 320 đối tác. Và chính vì sự tốn kém nói trên mà trong số 320 đối tác, chỉ có 15 hãng mua bản quyền kiến trúc mà thôi. Tham khảo:
Korea Times