Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí tại Mỹ

air-pollution.

Một nghiên cứu vừa được công bố hôm qua trên tạp chí khoa học hàng đầu Hoa Kỳ - Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) đã chỉ ra rằng hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc là tác nhân trực tiếp gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại Mỹ. Ngành công nghiệp xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc chiếm đến 20% tổng lượng khí ô nhiễm thải ra tại nước này và tác động không nhỏ đến chất lượng không khí tại quốc gia bên kia Thái Bình Dương.

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố hôm qua do 9 nhà khoa học đến từ Mỹ, Anh và Trung Quốc cùng thực hiện trong suốt 2 năm. Các tác giả đã sử dụng dữ liệu từ năm 2006 để xem xét khả năng các chất gây ô nhiễm không khí như lưu huỳnh dioxide và muội than được gió đưa từ Trung Quốc đến vùng duyên hải phía tây của Mỹ nhằm hiểu rõ hơn về những tác động môi trường của các nền kinh tế có liên quan với nhau.

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc vẫn chiếm một phần nhỏ trong tỉ lệ ô nhiễm không khí tại Mỹ nếu so với khí thải từ xe hơi và các nhà máy. Mặc dù vậy, tác động của chúng lại biến đổi tuỳ theo vùng. Theo nghiên cứu, các ngành xuất khẩu của Trung Quốc chịu trách nhiệm cho tỉ lệ từ 12 đến 24% nồng độ sulfate hàng ngày tại khu vực phía Tây Hoa Kỳ. Trong khi đó hoạt động sản xuất gia công tại nước ngoài trên thực tế đã giúp cải thiện chất lượng không khí tại vùng phía đông Hoa Kỳ. Mỗi năm, hoạt động sản xuất nhằm phục vụ cho thị trường châu Âu và Mỹ đã khiến người dân tại Los Angeles phải chịu đựng ít nhất là 1 ngày với bầu không khí đầy khói.

Các tác giả cho biết kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng việc thuê gia công sản xuất tại Trung Quốc không có nghĩa Mỹ và các quốc gia khác có thể hoàn toàn tránh được các tác động môi trường. Steve Davis - nhà khoa học đến từ đại học California, Irvine và là một trong các đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Khi bạn mua một sản phẩm tại Wal-Mart, nó đã từng được sản xuất ở một nơi nào đó. Sản phẩm không chứa chất ô nhiễm nhưng quá trình tạo ra nó lại gây ô nhiễm."

Davis và các đồng tác giả cũng cho biết nghiên cứu của họ có thể được dùng để thực hiện đàm phán về các hiệp ước khí thải quốc tế - một vấn đề luôn gây nhiều tranh cãi trong quá khứ. "Sự hợp tác quốc tế để giảm hoạt động lan truyền khí ô nhiễm vượt biên giới sẽ phải đối mặt với câu hỏi là ai phải chịu trách nhiệm cho lượng khí thải này khi mà hoạt động sản xuất của một đất nước lại hỗ trợ cho hoạt động tiêu thụ của một nước khác," nhóm tác giả cho biết.

Theo: The Verge