Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Triển vọng mới về màn hình trong suốt có chi phí rẻ, dễ sản xuất

mit-man-hinh-trong-suot.

Các nhà nghiên cứu của học viện MIT đang phát triển một loại màn hình trong suốt mới có thể ứng dụng với mọi loại kính thông thường, trong khi đó có thể mang lại nhiều ưu điểm so với các hệ thống màn hình trong suốt khác bao gồm chi phí sản xuất thấp, góc nhìn lớn, đơn giản và dễ sản xuất. Hệ thống mới sử dụng các hạt bạc siêu nhỏ đóng vai trò là lớp phủ, cho phép người ta chiếu hình ảnh lên tấm kính trong khi vẫn có thể nhìn xuyên qua chúng.

Màn hình trong suốt không phải là một công nghệ mới, người ta đã thực hiện và áp dụng nhiều phương pháp khác nhau trong các lĩnh vực đời sống và quân đội ví dụ như kính xe có thể hiển thị bản đồ, thông tin lái xe, nón phi công có kính Head-Up Display... Tuy nhiên, những hệ thống như thế này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế ví dụ như sản xuất còn khó khăn, có tính phức tạp cao, chi phí sản xuất khá lớn và góc nhìn thì lại hẹp. Nhiều hệ thống kể trên sử dụng các thiết bị gương phản chiếu và tách ánh sáng (Beam Splitter) để phóng hình ảnh trực tiếp lên mắt con người, tạo cho người ta thấy hiệu ứng hình ảnh như trôi bập bềnh ngay phía trước mặt của mình (Head-up Display). Loại hệ thống này có nhược điểm và góc nhìn khá hẹp, người ta phải ngồi đúng vị trí thì mới nhìn thấy rõ các hình ảnh được chiếu ra.


Còn loại mà MIT đang phát triển thì khác, nó sẽ phóng hình ảnh trực tiếp lên tấm kính (dùng máy chiếu) chứ không phải lên mắt người cho nên khắc phục được nhược điểm góc nhìn hẹp. Tấm kính này sẽ được phủ lên sẵn một lớp các hạt siêu nhỏ bằng bạc đường kính khoảng 60 nano-mét (giống như người ta vẫn thường đi phủ kính xe hơi), các hạt này sẽ được điều chỉnh để chỉ phân tán một số ánh sáng có bước sóng nhất định, hoặc màu sắc nhất định, để từ đó khi máy chiếu chiếu lên thì chúng sẽ hiển thị đúng màu sắc đó lên tấm kính, còn các ánh sáng khác thì vẫn đi qua kính bình thường, nghĩa là chúng ta vừa có thể nhìn thấy hình ảnh chiếu trên kính, vừa có thể nhìn xuyên qua tấm kính đó luôn. Trong thử nghiệm, người ta chỉ chiếu các hình ảnh màu xanh dương nhưng cho biết hệ thống có thể chiếu được cả các màu khác nhau.

Các lớp phủ bằng hạt bạc siêu nhỏ có thể mua được dễ dàng trên trị trường nên nó mang lại thêm hai ưu điểm đó là dễ sản xuất và có chi phí rẻ. MIT nói hệ thống của mình tương thích với các loại máy chiếu laser và máy chiếu phổ thông, có thể áp dụng để làm cửa sổ hiển thị thông tin trong các cửa hàng mua sắm, làm kính xe hơi, máy bay... Với các ưu điểm đã nêu thì công nghệ mới này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều triển vọng hơn so với các loại màn hình trong suốt đang được sử dụng hiện nay.

Theo MIT