LG đã thiết kế webOS cho Smart TV như thế nào?
Mọi chuyện chưa bao giờ diễn ra suông sẻ với webOS. Hệ điều hành này được Palm giới thiệu lần đầu tiên tại CES năm 2009 và nó đã gây được rất nhiều sự chú ý với giới công nghệ nhờ giao diện mới lạ, đẹp mắt và hứa hẹn mang lại trải nghiệm mới. Thế nhưng chỉ ít lâu sau đó Palm đã dừng phát triển webOS, bán cho HP để tiếp tục kinh doanh smartphone. Đáng buồn thay, HP cũng không thể làm nền tảng này phất lên, hãng phải mã nguồn mở hóa nó và cuối cùng là bán lại cho LG. Đến năm 2014, webOS lại một lần nữa xuất hiện ở CES, nhưng trong một dòng thiết bị mới hoàn toàn mà trước đây chưa ai từng nghĩ đến: Smart TV.
Tại buổi ra mắt của LG tại CES 2014, trưởng nhóm sản phẩm của webOS, ông Itai Vonshak, cùng với giám đốc quản lý Colin Zhao đã chia sẻ rằng hơn phân nửa số mẫu TV của LG trong năm nay sẽ chạy webOS. Zhao nói công ty ông đang theo đuổi khẩu hiểu “làm cho TV trở nên đơn giản”, và khởi đầu của việc này nằm ở giao diện với triết lý “đường thẳng” của webOS khi chạy trên TV. Thay vì sử dụng một lưới các ứng dụng như webOS trên điện thoại hoặc như các hệ điều hành di động phổ biến hiện nay, LG bố cục mọi thứ theo phương ngang và trên một đường thẳng. “Không có gì đơn giản hơn việc hiểu một đường thẳng”, Vonshak nói. “Bạn có những thứ thuộc về quá khứ, bạn có hiện tại, và bạn có tương lai”.
Cái “hiện tại” mà Vonshak đang nói đến chính là màn hình chủ của webOS, một thứ sẽ xuất hiện đè lên trên bất kì thứ gì bạn đang xem. Nó không giống như kiểu màn hình chủ đòi hỏi phải thoát ứng dụng ra thì mới thấy được như những gì chúng ta có trên iOS hay Android. Các app YouTube, Skype, NetFlix, Amazon Movie… sẽ xuất hiện ở cạnh dưới màn hình, cùng với đó là một thẻ hiển thị ứng dụng bạn vừa chạy trong thời gian gần đây. LG còn bổ sung thêm thẻ “Today” để đưa ra đề xuất nội dung bạn nên xem trong ngày hôm đó.
Những gì thuộc về “quá khứ” sẽ được ẩn trong một nút nằm ở bên trái màn hình. Khi chọn vào đây, chúng ta sẽ thấy được danh sách những ứng dụng đã chạy lên hoặc các kênh bạn mới vừa xem kèm hình ảnh thu nhỏ của chúng. Nếu gọi đây là giao diện để chạy đa nhiệm thì cũng không sai. Còn nút bên phải thì cho thấy những thứ “tương lai” mà bạn chuẩn bị xài, tức là danh sách ứng dụng đã cài vào TV.
Danh sách những ứng dụng mới chạy trong thời gian gần đây kèm theo ảnh thu nhỏ của chúng
Điểm khác biệt chủ yếu giữa TV chạy webOS với các Smart TV khác nằm ở chỗ LG không phân biệt giữa các ứng dụng Smart với nguồn vào hình ảnh của TV. Tất cả mọi thứ đều nằm trong các thẻ (card), dù cho đó là tín hiệu từ nhà mạng, đầu Blu-ray, máy chơi game, trình duyệt hay ứng dụng Facebook. Vonshak cho biết: “Chúng tôi muốn sự thống nhất. Tất cả mọi thứ đều giống nhau, dù đó là nội dung Xbox, nội dung truyền hình hay các ứng dụng. Nếu bạn đang xem Netflix và muốn chuyển qua xem một trận đấu thể thao hay bật sang YouTube, tất cả mọi thứ đều phải tương đồng”.
Ngoài ra, TV của LG còn có khả năng tự động phát hiện thiết bị nguồn phát, do đó khi bạn gắm một máy PS4 và TV webOS thì nó sẽ hiển thị một thẻ với chữ PS4, không phải là chữ “HDMI 2” như các TV thông thường.
Vậy làm thể nào để chúng ta điều hướng trên chiếc TV thông minh mà nghe qua mô tả thì khá giống với các smartphone, tablet chúng ta vẫn xài thường ngày? Bạn sẽ cần đến một chiếc remote đặc biệt do LG sản xuất. Trên màn hình có một con trỏ nhỏ và chúng ta sẽ di chuyển remote để chọn, tương tự như khi dùng chuột máy tính.
Tất nhiên, vì là một hệ điều hành từng được thiết kế cho máy di động nên chúng ta cũng có các tùy chỉnh và thậm chí là một trung tâm thông báo cho toàn hệ thống. Tuy nhiên, trải nghiệm cốt lõi của webOS lại nằm ở một dòng các thẻ và app như đã nói ở trên. Trông thì có vẻ rất lạ và mang cảm giác bị kìm hãm, thế nhưng với những hiệu ứng chuyển động nhẹ nhàng và tốc độ hoạt động nhanh, người dùng sẽ không cảm thấy khó chịu.
Vonshak chia sẻ: “Một trong những thử thách lớn nhất đối với thiết kế phẳng đó là nó rất chán.” LG phải nghiên cứu sao cho giao diện và cách tương tác của người dùng được vui vẻ hơn, thú vị hơn. “Chúng tôi đặt ra rất nhiều sức ép giữa các thành phần khác nhau của việc thiết kế. Bạn có thể thấy những đường nét rất mạnh mẽ, rồi nó lại chuyển động nảy nhẹ lên gần như thạch jelly vậy, theo một hướng không ngờ được”.
Ngoài ra, LG còn bổ sung thêm một chú chim dễ thương để làm hướng dẫn viên trong những bước thiết lập ban đầu. LG gọi đây là “Bean Bird” và nó nằm trong công cụ “Cinematic Setup”. Chú chim này sẽ hướng dẫn người dùng thiết lập múi giờ, truy cập Wi-Fi và những thứ tương tự như thế. Về lý do mà Bean Bird xuất hiện, Vonshak nói rằng LG muốn người dùng phải thật sự hoàn tất việc cấu hình TV của mình bởi thực tế nhiều khách hàng không thèm làm xong công đoạn này. Và tất nhiên, chỉ khi nào được cấu hình hoàn chỉnh thì một chiếc Smart TV mới phát huy hết khả năng của mình, nếu không người dùng chỉ đang phí tiền mà thôi.
Thật sự mà nói thì Bean Bird rất thu hút. Cái cách mà chú chim nhỏ này vẫy cờ trắng khi người dùng muốn bỏ qua bước thiết lập Wi-Fi thật sự thú vị. Thế nhưng người dùng nào rồi cũng sẽ phát bực nếu có một con chim cứ xuất hiện trên màn hình, nhưng may mắn là LG chỉ cho chú ta hiện ra ở những bước cấu hình ban đầu, sau đó sẽ tạm biệt bạn chứ không làm phiền nữa.
Vonshak tiết lộ thêm rằng thiết kế webOS trên TV mà LG đang theo đuổi được lấy cảm hứng rất nhiều từ câu khẩu hiệu "làm cho TV trở nên đơn giản". “Các màu đậm, những đường thẳng… thật sự đến từ những chiếc TV cũ, thậm chí là từ màn hình thông báo không có tín hiệu mà chúng ta vẫn hay thấy”, Vonshak nói. “Chúng tôi thật sự xem nó như là một nguồn cảm hứng để tập trung vào nội dung, vào chính bản thân chiếc TV”.
Nói cách khác, LG đặt trải nghiệm xem TV của người dùng lên hàng đầu, và đây là một điều tuyệt vời. Nhưng một giao diện như webOS liệu có cần thiết hay không? Tại sao phải là webOS? Vonshak nói: “Chúng tôi tin rằng web là con đường đúng để lên phía trước và web sẽ chiến rắng nhờ vào một hệ sinh thái phù hợp”. Nhiều ứng dụng, dịch vụ mà người dùng ưa thích đã có sẵn trên Internet dưới dạng HTML, ví dụ như YouTube chẳng hạn. Bộ khung phát triển phần mềm xài trong webOS lại là Enyo, vốn sử dụng HTML, CSS và JavaScript làm các ngôn ngữ chính. Chính vì thế, việc mang app lên các TV chạy webOS của LG sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Với webOS, LG có thể vẫn chưa thật sự giải quyết hết những vấn đề khó khăn vốn đã ngăn cản nhiều công ty lớn tiến vào phòng khách của người tiêu dùng. Tuy nhiên, LG ít nhất sẽ làm cho trải nghiệm sử dụng Smart TV được dễ dàng hơn, vui vẻ hơn, thuận tiện hơn. Ngay bây giờ chắc chắn chưa thể nói được rằng liệu dòng TV chạy webOS của thành công hay không, nhưng nó đã cho thấy nỗ lực của nhà sản xuất Hàn Quốc trong việc cách tân cách mà chúng ta sử dụng TV trong thời buổi hiện đại ngày nay. Và vượt qua bao nhiêu sóng gió thì chỉ một sự thành công nhỏ của webOS trong mảng TV cũng sẽ là một điều đáng mừng.
Xem thêm: Trình diễn cách hoạt động của webOS trên TV LG tại CES 2014