Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

[Tết] Câu chuyện ngắn về Carl Ledbetter, người thiết kế ra Xbox 360 và Xbox One

xboxone.
Bài viết dưới đây được lược dịch theo một bài blog của Jennifer Warnick về câu chuyện của Carl Ledbetter, người đã thiết kế ra chiếc Xbox One:

23:47 đêm thứ Năm (21/11/2013), Carl Ledbetter là người thứ 29 trong hàng dài đang chờ được mua những chiếc Xbox One đầu tiên. (Microsoft chính thức bán ra chiếc console này vào 0 giờ ngày 22/11/2013).

Thật thú vị, chính Carl là người thiết kế ra nó. (chiếc Xbox One).

"Sao có thể làm lơ được chứ? Bạn mất nhiều năm để tạo ra một thứ gì đó, và thật đặc biệt bạn là người đứng xếp hàng chờ mua những chiếc đầu tiên được bán ra trên Thế giới." Carl nói. "Thật sướng khi cùng đứng với những người cũng đang phấn khích như tôi."

Hàng người đang chờ mua Xbox One kéo dài từ trong Microsoft Store (ở làng đại học Seattle) ra tới ngoài đường. Trời lạnh như đông đá, mọi người tranh thủ chút hơi ấm bằng cách hà hơi ấm lên tay, tạo thành những luồng sương trắng xóa. Hình như màn sương này nghe thoảng thoảng có mùi của Cool Ranch Doritos? (một loại bánh snack ở Mỹ). "Họ đang thở ra mùi thức ăn nhanh của các gamer, bánh Dorito và nước ngọt Mountain Dew".

ms-store.Hàng người trước MS Store ở ĐH Seattle trong một lần chờ mua Surface

Những người xung quanh thì kín mít trong áo gió, nón trùm đầu, khăn quàng cổ... riêng Carl thì ăn mặc rất đơn giản: áo thun kiểu 16/9 (để ám chỉ tỉ lệ của chiếc HDTV), quần jean, giày thể thao Adidas, nón trùm đầu và 2 tay giấu kĩ trong túi áo.

"Giống như tôi đang chờ tới lượt trượt tuyết vậy". Vừa nói Carl vừa nhún nhảy đôi chân để tạo hơi ấm.

Thật nực cười là 8 năm trước, tại ngày ra mắt Xbox 360, Carl và nhiều người khác cũng từng xếp hàng ở Fred Meyer để mua chiếc máy này, và buổi đó cửa hàng chỉ bán được vỏn vẹn 12 cái (Carl là người thứ 8 mua máy). So với ngày nay, sức hút của Xbox One rõ ràng là lớn hơn rất nhiều, thông qua hàng dài người đang xếp hàng chờ mua máy, suốt từ khuya hôm thứ Năm.

8 năm trước, chỉ có Carl và một đồng nghiệp tới mua Xbox 360. Ngày nay thì ngoài anh còn có tới hàng chục người khác trong team thiết kế Xbox tới chờ mua những chiếc Xbox One đầu tiên. Ở thời điểm 2005, chưa có chuyện các hãng cho đặt hàng trước online, cũng như bán sản phẩm ngay lúc 0h của ngày đầu tiên ra mắt. Thời đó cũng chưa có Microsoft Store, không có điện thoại smartphone đúng nghĩa cũng như tablet như ngày nay.

"Khác hẳn với 8 năm trước. Năm nay mọi người vui như đi cắm trại. Ai ai cũng rất phấn khích và luôn cập nhật status liên tục lên blog của mình. Thật tuyệt vời". Nín thở một lúc để tạo sự chú ý, Carl nói: "Thế hệ kế kiếp" (ám chỉ thế hệ console next-gen là Xbox One).

... (Carl nhớ lại)

Carl Ledbetter sinh ra và lớn lên trong một thị trấn nhỏ ở Tây Nam Washington. Lên 12 tuổi thì anh đã biết lái máy cày và sửa lặt vặt những máy móc nhỏ. Lên trung học, Carl từng tham gia một ban nhạc rock có tên Fanfare. Thuở thiếu niên, Carl rất thích thú môn khảo cổ, anh sưu tầm rất nhiều đồ dùng của thợ săn thời đồ đá như cung, nỏ, mũi tên và dao đá. Carl nghĩ rằng lớn lên mình sẽ trở thành một nhà Địa chất. Lớn hơn nữa, một bước ngoặt nhỏ đã thay đổi cuộc đời Carl khi vị giáo sư ở ĐH Tây Washington đã khuyên anh nên đi theo ngành Kĩ sư công nghiệp. Trong lớp học môn Cơ khí, Carl giơ tay và hỏi vị giáo sư:

- Thầy, chúng ta (những người học Cơ khí) có thể thay đổi hình dáng của các thiết bị không?

- Không, cậu không thể. Chúng ta làm những việc khác. Nếu muốn làm được điều đó, cậu hãy học ngành Kĩ sư công nghiệp đi.


collection.Thuở nhỏ Carl mê khảo cổ học và ngành Địa chất hơn
Ra trường, Carl làm việc ở Patton Design, sau đó là Fluke Corp. và đến năm 1995 thì chính thức gia nhập Microsoft. Ở đây anh tham gia đội ngũ thiết kế PC, theo trí nhớ của mình thì Carl mất 3-4 năm khởi nghiệp ở công ty này. Sau 18 năm gắn bó, Carl Ledbetter đã có sự nghiệp gồm hàng chục dự án và khoảng 200 bằng sở hữu trí tuệ ở Microsoft.

Một trong những thành công đáng nhớ nhất của Carl thời đó chính là IntelliMouse, con chuột vi tính đầu tiên được trang bị bánh lăn, dùng để cuộn trang, đồng thời có 2 nút chuột trái và phải. Carl được cấp bằng sáng chế cho phát minh này. Cho tới tận ngày nay, vợ Carl vẫn thường trêu rằng "Anh là người tạo ra bánh lăn đó nha!".

intellimouse.
Những thế hệ IntelliMouse

Nhiều năm sau đó, Carl tiếp tục thiết kế ra nhiều sản phẩm khác như chuột, bàn phím, trackball, tay cầm, joystick, laptop mang hiệu Microsoft, và đặc biệt nhất là chiếc Xbox 360. Năm 2006, Carl đang giúp HP, Toshiba và Dell tìm cách "kết hợp một trải nghiệm thống nhất giữa phần mềm và thiết bị phần cứng", ít lâu sau dự án mật của Microsoft được tiết lộ, đó là tạo ra máy nghe nhạc Zune.

"Zune thật đỉnh. Nó là sản phẩm đầu tiên của chúng tôi được kết hợp hoàn hảo giữa phần cứng, phần mềm các các dịch vụ đi kèm. Đây đúng là một định hướng mới vì Microsoft chưa từng làm điều gì giống vậy".

zune.Máy nghe nhạc Zune
Tuy vậy, Zune lại không thành công như họ mong đợi. Tuy nhiên Carl lại nghĩ khác, ông cho rằng nó là một cột mốc đánh dấu sự tiên phong của Microsoft ở nhiều mảng: Một, một thiết bị được trang bị UI chuyên biệt - chính là sự khởi đầu cho ngôn ngữ thiết kế phẳng của ngày nay do Microsoft khởi xướng; Hai, một phần mềm PC giúp quản lý Zune và mua tất cả nội dung số trên mạng thật đơn giản.

"Ở thời điểm đó, thiết bị khác duy nhất có những tính năng tương tự của Microsoft là Xbox 360. Được làm việc với những đồng nghiệp nhiệt huyết và sáng tạo ra Zune là một trong những điểm mốc sáng giá nhất trong sự nghiệp của tôi." Carl Ledbetter nói.

Năm 2010, Carl trở thành kĩ sư trưởng chịu trách nhiệm thiết kế Xbox. Lúc này ông có nhiệm vụ thiết kế các thiết bị như bộ cảm biến Kinect mới, Xbox 360 slim và chuẩn bị cho ra thế hệ console tiếp theo, tên mã Durango (ngày nay là Xbox One).

xbox_360_slim.Xbox 360 slim

Lúc này nhóm của Carl phải đối mặt với những thách thức sẽ gặp phải, là làm sao chiếc Xbox mới có thể thỏa mãn những game thủ, những người từng yêu thích Xbox 360 và cả những người dùng mới. Điểm thiết kế nào của nó sẽ thu hút người dùng? Trong khi những đội khác lo phần phát triển phần cứng, phần mềm, nội dung số cho Durango, thì nhóm của Carl mất tới 2 năm chỉ để nhào nặn ý tưởng về chiếc console mới. Họ phát thảo từng bản mô phỏng, in 3D chúng để so sánh. Khi thời gian gần hết, nhóm có tới 75 bản thiết kế chiếc Xbox One, 100 thiết kế Kinect mới và hơn 200 thiết kế tay cầm mới.

xboxmodels.Các nguyên mẫu của Xbox One, tên mã Durango
"Chúng tôi thực sự rất tỉ mỉ. Mọi người cố gắng đẩy tới cùng phạm vi của thiết kế nhằm tạo ra một thứ gì đó thật mới và phá cách. Tuy nhiên có những khó khăn mà ai cũng phải đối mặt. Một trong những điều đó là những mối quan tâm của người dùng đối với chiếc Xbox thế hệ thứ 3."

Chiếc console phải được tạo ra làm sao để tối tân hết mức có thể, một thứ hoàn hảo để đặt cạnh đầu đĩa DVD, DVR, HDTV trong nhà bạn. Nó phải là thiết bị chơi game đỉnh cao, vì đơn giản Xbox mới phải tiếp nối những thành công mà 360 đạt được. Biến không gian giải trí trong phòng khách của bạn thành một hệ sinh thái. Chúng tôi muốn lấy những thứ cốt lõi mà mọi người yêu thích trên Xbox và nhân nó lên nhiều nhiều lần, nhưng đồng thời chúng tôi cũng muốn làm cho Xbox "tàng hình", nó sẽ ẩn sau để làm nền cho những thiết bị khác, mạnh mẽ và đáng tin cậy.

xbox1.

Nhóm của Carl đã đầu tư công sức rất nghiêm túc trên mọi góc cạnh, điểm bo, nút nhấn, màu sắc, font chữ của chiếc Xbox mới. Ví dụ một chuyên viên thiết kế làm việc chỉ để tạo ra âm thanh chào khi khởi động Xbox One. Một người khác cũng mất phần lớn thời gian chỉ để tạo ra chiếc ống kính 3 lớp trên camera của Kinect mới, nhìn thì đơn giản nhưng lại rất tinh vi. Durango phải là chiếc máy thừa kế hoàn hảo dãy sản phẩm Xbox của Microsoft. Carl còn nói: Với chiếc tay cầm, không hề có sự chỉ đạo nào yêu cầu chúng tôi cải tiến nói. Xbox 360 đã có chiếc tay cầm tuyệt vời. Nếu nó chưa hư, không cần phải sửa."

Tuy vậy, mọi người vẫn cải thiện khoảng 40 điểm lớn nhỏ trên chiếc tay cầm này, ví dụ hình dáng của joystick, chất lượng hoàn thiện các nút bấm, hình dáng viên pin, nút bấm ABXY, chữ dễ đọc hơn. Chúng tôi đã có hơn 1000 người tham gia test chiếc tay cầm mới, làm sao để mọi thứ thật hoàn hảo, từ cảm giác bấm phím, độ chắc cầm tay, vị trí cần joystick. Ít nhất người dùng phải có một chiếc tay cầm tốt bằng thế hệ cũ, còn không thì phải hơn.

controller.

Phương châm chú trọng vào chi tiết sản phẩm là kim chỉ nam cho một Microsoft mới. Khi mọi người nhìn vào những gì MS đang làm với các thiết bị của họ, cách MS tái tổ chức công ty, mua lại Nokia... Thực sự MS đang muốn tạo ra những sản phẩm tốt nhất trong phân khúc. Chúng tôi sẽ làm điều đó cực kì nghiêm túc."

...

Chuông báo 0 giờ đã điểm. Dòng người lần lượt được mời vô trong cửa hàng để mua Xbox One, có người mua 1 cái, cũng có người mua 2 cái, tay xách nách mang hớn hở đem máy ra về. Rất nhanh chóng sau đó thì Carl Ledbetter cũng đã mua được một chiếc Xbox One cho mình. Mặc dù đứng cùng hàng với những người yêu Xbox xung quanh, bắt chuyện với không ít người, nhưng Carl chưa từng mở miệng tiết lộ rằng "Tôi là người thiết kế ra nó (Xbox One)." Không một ai xung quanh biết được điều đó, trừ những cộng sự của ông. Tôi (Jennifer Warnick - tác giả bài viết gốc này) hỏi Carl:

- Xbox One có phải là sản phẩm tuyệt nhất mà anh từng thiết kế?

- Đúng vậy. Nhất định là nó rồi. Và luôn cả sau này! - Carl cười gượng.