Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Vì sao Google không phải lo sợ về vụ kiện bản quyền giữa Apple với Samsung?

Google_bien_hieu.

Vào những ngày đầu tiên của vụ kiện lớn thứ hai giữa Apple với Samsung, mục tiêu chính được nhiều người quan tâm thực chất lại là một bên thứ ba: Google. Google là nhà sản xuất ra hệ điều hành Android vốn đang dùng trên tất cả các sản phẩm chủ lực của Samsung, từ smartphone cho đến tablet, và cũng chính là đối thủ lớn nhất của iOS. Tính năng nằm trong 4 trên 5 bằng sáng chế do Apple mang đi kiện Samsung thực chất đã có mặt trên Android từ trước, và thiết bị của Samsung chỉ "vô tình" sử dụng chúng mà thôi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà Google không phải lo sợ những vấn đề pháp lý với Apple. Chính Apple cũng nói rằng hãng chỉ xem Google như một công ty cung cấp phần mềm mà thôi, còn bên sử dụng trái phép bằng sáng chế cũng như bên bán máy chính là nhà sản xuất Hàn Quốc.

Trong tổng số tiền 2 tỉ USD mà Apple muốn Samsung phải đền bù cho mình, không có một xu nào thuộc trách nhiệm của Google cả. Thực chất thì cũng không hẳn là không tốn kém gì, ít nhất là chi phí đi lại cũng như thời gian của những nhân viên Google được mời đến tòa làm nhân chứng. Tuy nhiên, những điều này vẫn không là gì so với nhiều tỉ USD mà hãng từng chi ra để mua lại Motorola cùng bộ sưu tập đồ sộ, một động thái được cho là để bảo vệ chính bản thân Google khỏi những vụ kiện với Apple và nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác trên thế giới.

Nếu Apple thắng thì sao? Đó là sẽ một đòn giáng mạnh vào Android cũng như những đối tác sử dụng hệ điều hành này làm nền tảng chính cho mình. Như đã nói ở trên, nhiều tính năng bị kiện có mặt trên Android và cũng đã được sử dụng bởi nhiều công ty khác, và Samsung đã bị kiện thì cớ gì Apple lại không tiếp tục đà thắng thế xông lên kiện luôn những tên tuổi còn lại nhằm dọn trống con đường kinh doanh smartphone của mình?

Cũng không hẳn. Những bản quyền nằm trong quy mô vụ án, bao gồm cả bằng sáng chế về việc đồng bộ dữ liệu nền, cách trượt để mở khóa màn hình, bản quyền tự động điền khuyết từ ngữ, vẫn là những thứ ít mang tính "độc nhất" nếu đem so với các bằng sáng chế liên quan đến ngoại hình, thiết kế của iPhone. Các tính năng phần mềm nói trên đã có trên Android và được sử dụng rộng rãi bởi nhiều công ty khác nhau trên hàng trăm mẫu thiết bị ở khắp mọi nơi.

Trong khi đó, hình dáng của iPhone là độc nhất vô nhị, ít nhất là tính đến thời điểm nó ra đời hồi năm 2007. Đây cũng là điểm mà Apple đã nhấn mạnh rất nhiều lần trong vụ án đầu tiên giữa hãng với Samsung nhằm cho bồi thẩm đoán thấy rằng họ là một người dẫn đầu, một người chấp nhận rủi ro thất bại để rồi sau đó thay đổi cả thị trường smartphone.

Cuối cùng thì Samsung đã bị tòa tuyên phạt 930 triệu USD tiền đề bù, một con số không hề nhỏ, nhưng nó cũng chẳng gây ảnh hưởng gì cho Android cũng như lượng người dùng đông đảo của nền tảng này.

Trong lần xử án này, nhiều nhân viên Google (gọi là Googler), trong đó có cả phó chủ tịch cấp cao Andy Rubin (người khai sinh ra Android), Hiroshi Lockheimer (trưởng nhóm kĩ thuật android) và Kenzo Fong Hing (trưởng nhóm marketing cho Android), sẽ được mời ra làm chứng trước tòa. Họ sẽ giải thích về cách tạo ra những tính năng nằm trong quy mô vụ án nhằm phản biện lại các cáo buộc của Apple. Và như đã đề cập ở trên, mặc dù có một lực lượng hùng hầu ra toàn nhưng Google vẫn không tham gia trực tiếp vào vụ án như một bị đơn độc lập.

Ở vai trò nhân chứng, Google hoàn toàn có thể nói rằng nhóm của mình thực chất đã phát triển những tính năng mà Samsung bị Apple kiện từ một thời gian dài trước khi iPhone đời (tất nhiên, công ty sẽ phải đưa ra những bằng chứng tương ứng). Nếu tình huống này diễn ra thì Apple lại trở thành một bên bị động và việc bị kiện ngược lại thì không hay chút nào. Google không có gì phải sợ Apple cả, thay vào đó, Google thậm chí còn nắm trong tay một số quyền lực nhất định nữa.

Và nếu Samsung thua cuộc, có lẽ Google sẽ phải thay đổi một số tính năng trong Android, nhưng thực tế thì hãng đã làm điều này nhiều lần rồi, và họ làm điều đó một cách đơn giản, nhanh chóng. Biết đâu giờ này Google cũng đã thay đổi những chức năng đó rồi không chừng.

Cuối cùng, số tiền 2 tỉ USD mà Apple đòi hỏi (được tính dựa trên khoản đền bù 33$ đến 40$ cho mỗi chiếc máy Samsung bán ra) khó có thể trở thành hiện thực bởi hãng chỉ mang 5 bằng sáng chế đi kiện mà thôi. Trong khi đó, theo trang Forbes, một chiếc smartphone dùng khoảng 250.000 bằng sáng chế khác nhau, vậy nếu tính theo cách của Apple thì smartphone có thể có giá rất cao. Với một chiếc điện thoại giá hai, ba trăm đô mà phải gánh thêm phí bản 40$ nữa thì quá khó để trở thành hiện thực.

Tất nhiên, điều này chẳng thể nào thuyết phục được bồi thẩm đoàn cũng như thẩm phán cả. Ngay cả khi hãng có thắng cuộc đi nữa thì số tiền bản quyền mà Samsung phải trả sẽ thấp hơn khá nhiều so với con số 40$. Đoàn luật sư của Apple, những người được trả rất nhiều tiền để giúp hãng thắng cuộc, hoàn toàn biết rõ về điều này.

Vậy vì sao họ lại quyết định theo đuổi đến cùng vụ án, ngay cả khi tiền phạt nhiều khả năng bị giảm đi, còn ảnh hưởng với Android gần như bằng không? Brian Love, giáo sư trường Đại học Luật Santa Clara, đã chia sẻ quan điểm của mình: "Vụ này có lẽ liên quan nhiều đến khía cạnh marketing. Apple đang muốn gửi đi một thông điệp thông qua việc xử án, và thông điệp đó nói rằng 'Chúng tôi là những người sáng tạo thật sự trong thế giới smartphone, tất cả những người khác chỉ đang theo đuôi chúng tôi mà thôi'. Nếu đó là mục tiêu thật sự thì chúng ta khó mà ước tính đúng những giá trị vật chất liên quan đến vụ kiện".

Vấn đề nằm ở chỗ vì sao Apple lại muốn gửi đi thông điệp như thế. Ai ai cũng biết rằng iPhone là của Apple và ở thời điểm hiện tại thì iPhone cũng đang bị các đối thủ Android khác cho "ngửi khói", nhất là Samsung. Nhiều người thậm chí còn nghĩ rằng Apple đang lo sợ trước những sản phẩm của Samsung và quan ngại về việc vị trí của iPhone bị chiếm mất, thế nên hãng mới đi kiện hãng sản xuất điện tử Hàn Quốc, thế nên vụ kiện có thể gây phản ứng ngược lại.

Nhưng dù thế nào đi nữa thì Google, bên đứng giữa Apple vói Samsung, cũng sẽ chẳng bị mất gì nhiều (nếu muốn nói là không mất gì) khi tham gia vụ án. Và trong trường hợp Google làm chứng và giúp Samsung thắng cuộc, việc hợp tác giữa hai công ty lại càng khăn khít hơn, nhất là trong bối cảnh Google vừa kí với Samsung thỏa thuận bản quyền chéo với thời hạn lên đến 10 năm. Samsung sẽ yêu quý Android hơn, còn Google thì giữ vững tình bạn với hãng sản xuất hàng đầu đã góp phần không nhỏ trong việc nâng Android lên vị trí hàng đầu như hiện nay.

Xem thêm những diễn biến mới nhất về vụ kiện giữa Apple và Samsung:

Nguồn: Forbes