Đánh giá nhanh Range Rover Sport 2014: tinh tế, tinh tế và tinh tế
Range Rover Sport là chiếc SUV hạng sang, phân khúc nằm giữa Range Rover và Range Rover Evoque. Nó thừa hưởng nét thanh lịch, sự uy quyền của người anh Range Rover, đồng thời cũng mang phong cách trẻ trung, thể thao trên người em Evoque. Sau 9 năm có mặt trên thị trường, Range Rover Sport thế hệ thứ 2 ra mắt tại triển lãm New York Auto Show năm ngoái đã gây ấn tượng mạnh với sự "lột xác" hoàn toàn mới. Đây là một chiếc xe đúng nghĩa tinh tế về mọi mặt.
Ở Việt Nam, Range Rover Sport được phân phối với 3 phiên bản khác nhau: Autobiography 5.0 V8 Supercharge, Autobiography 3.0 V6 Supercharge và HSE 3.0 V6 Supercharge. Trong đó Autobiography 5.0 V8 Supercharge là phiên bản cao cấp nhất, đồng thời cũng mạnh nhất với công suất lên đến 510 mã lực. Hai bản Autobiography ngoài việc được trang bị nhiều "đồ chơi" hơn để phân biệt với bản HSE thì khách hàng còn được tự chọn rất nhiều thứ khác, từ màu sơn cho đến da, các chi tiết ốp gỗ nội thất, thậm chí là khắc tên mình lên một số bộ phận để tạo sự độc đáo. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa là phải đặt hàng và mất thời gian khá lâu để chiếc xe được "đo ni, đóng giày" theo sở thích của mình.
Chiếc xe Tinh Tế có dịp trải nghiệm tuy chỉ là bản HSE, nhưng chủ xe đã option thêm gần như full đồ. Nổi bật là hệ thống âm thanh vòm Meridian 19 loa 825 W với công nghệ tái tạo âm thanh Trifield độc quyền, hệ thống hỗ trợ đỗ xe song song Park Assist, màn hình 2 góc nhìn khác nhau Dual View Screen, tủ lạnh, cửa sổ trời Panoramic,...Giá trước khi ra thuế và biển số là hơn 5 tỉ đồng.
Ngoại hình: tinh tế trong thiết kế
Về thiết kế, thế hệ thứ 2 đã bớt những mảng khối hình chữ nhật cục mịch như ở thế hệ trước, thay vào đó là những đường nét sắc xảo và có phần hiện đại hơn. Dáng xe về tổng thể vẫn còn đó nét bệ vệ, bảo thủ truyền thống của những chiếc SUV đến từ xử sở sương mù. Nhưng những kỹ sư thiết kế của Land Rover đã khéo léo lồng ghép vào những chi tiết đem lại sự trẻ trung và cũng không kém phần bảnh bao cho chiếc xe như: bộ mâm 21" khỏe khoắn, bộ đèn hậu lấy cảm hứng từ người em năng động Evoque, mái dốc về sau kiểu coupe. Càng về phía đuôi, ngôn ngữ thể thao càng thể hiện rõ với bộ ổng xả kép, chữ Sport màu đỏ và phần mông tạo cảm giác cong vút lên cao rất quyến rũ. Nói cách khác, đây là chiếc xe mà sáng chúng ta có thể lái đi làm, tối đưa người yêu đi chơi, cuối tuần chở cả nhà dã ngoại hay ngẫu hứng offroad cùng bằng hữu mà không sợ ai chê "nửa mùa" cả.
Một trong những cải tiến đáng chú ý nhất là Range Rover Sport thế hệ thứ 2 đã chuyển sang sử dụng bộ khung hoàn toàn bằng vật liệu nhôm. Điều này đã giúp chiếc xe giảm được hơn 360 kg trọng lượng so với thế hệ trước, một con số rất ý nghĩa. Bên cạnh đó thì bộ khung thế hệ thứ 2 là kiểu monocoque (hay còn gọi là khung liền khối/khung đơn) chia sẻ cùng người anh Range Rover thay cho kiểu semi-monocoque (một dạng lai giữa monocoque và body-on-frame) dùng chung với chiếc Discovery trên thế hệ đầu tiên.
Phần đầu của Range Rover Sport có chung DNA thiết kế với người anh Range Rover và người em Range Rover Evoque. Nếu đặt 3 chiếc này kế bên và chỉ nhìn trực diện từ phía trước sẽ khó mà phân biệt được thằng nào anh, thằng nào em.
Cụm đèn phía trước chưa phải full LED, vẫn là xenon kết hợp với dải đèn LED chiếu sáng ban ngày. Đi kèm là các công nghệ tiên tiến như điều chỉnh góc chiếu sáng theo hướng rẽ, thay đổi cường độ pha khi phát hiện có xe ngược chiều và có cả rửa đèn tự động. Ánh mắt giờ đây đã được "mài dũa" sắc sảo, chỉn chu hơn thay cho kiểu hình hộp chữ nhật "thô" và lớn ở thế hệ trước.
Range Rover Sport phân biệt với người anh Range Rover bằng scoop hút gió cho bộ phận siêu nạp trên nắp capô, cùng bộ grille trang trí nhỏ 2 bên tai xe. Trên Range Rover không có scoop hút gió và bộ grille được tạo hình mang cá mập đặc trưng, có phần hoành tráng hơn.
Mâm xe 21" cho cảm giác cứng cáp, khỏe khoắn nhưng đồng thời cũng giúp chiếc xe ra dáng "dân chơi" cực bảnh. Bộ lốp Pirelli "hàng hiệu" theo xe cho cảm giác rất bám đường. Điều đó cho thấy Land Rover chú trọng tính năng vận hành cao và thể thao của chiếc xe.
Bộ đèn sau là điểm mình thích nhất ở phần ngoại hình. Được lấy cảm hứng từ người em Range Rover Evoque, bộ đèn sử dụng công nghệ LED, có thiết kế tưởng chừng như đơn giản nhưng mang lại cái nhìn rất hiện đại. Khi tỏa sáng vào lúc chập choạng tối, nó khiến mình nghĩ chiếc xe này chắc hẳn phải đến từ năm 2025. Rất đẹp!
Range Rover Sport sử dụng hệ thống treo 4 phuộc khí nén. Một trang bị xa xỉ có mặt trên những chiếc xe sedan hạng sang và bắt đầu xuất hiện trên những chiếc SUV cao cấp. Giờ thì khách hàng khó tính sẽ không còn cơ hội than phiền vì sao chiếc SUV của mình lại không êm bằng sedan.
Cái này thì vui vẻ thôi. Khi mới lần đầu thấy đèn sương mù của Range Rover Sport, mình đã rủa: "Quái lạ cái xe 5 tỏi mà không có nỗi cái đèn sương mù sao." (Vì không thấy bóng đèn đâu hết) Sau khi quan sát kỹ thì mình mới biết là Land Rover đã tinh tế giấu các bóng đèn LED lên phía trên. Tuy nhiên, mình vẫn chưa rõ ý đồ của thiết kế này là gì. Để trêu người hay tò mò chăng?!
Nội thất: Tinh tế trong từng chi tiết
Nếu ngoại hình của Range Rover Sport đạt điểm 10 về sự tinh tế khi thiết kế kết hợp hài hòa cả 2 thế giới sang trọng và sành điệu vào 1 chiếc xe thì sự tinh tế của nội thất xứng đáng 10 lần như thế. Chỉ cần ngồi vào không gian bên trong chiếc xe, chúng ta sẽ thấy ấn tượng với sự tinh tế có mặt khắp mọi nơi, hầu như trong từng chi tiết. Các thớt gỗ đều được gia công rất tinh xảo, mọi chi tiết kim loại đạt đến trình độ chế tác tuyệt vời, thậm chí những nút bấm bằng nhựa cũng có độ sâu vừa phải đủ để tạo sự êm ái, dễ chịu như trên những bàn phím xịn, chứ không mang lại cảm giác sơ sài giống đồ chơi trên những chiếc xe phổ thông.
Mặc dù Land Rover được định vị cao hơn những thương hiệu xe cao cấp như BMW, Audi, Mercedes Benz và thấp hơn Bentley, nhưng nội thất của Range Rover Sport lại mang đến trải nghiệm xa xỉ gần giống với những những chiếc Bentley. Có thể thấy rõ nhất là Land Rover sử dụng toàn những vật liệu cao cấp như da, crôm, gỗ lên đến 99%. Những chi tiết bằng vật liệu nhựa được giảm đến mức tối thiểu, hầu như chỉ xuất hiện trên các nút bấm và tấm ốp ở vị trí khó thấy.
Mình thích cái cách mà các kỹ sư của Land Rover xử lý không gian bên trong nội thất. Mọi thứ đều rất tập trung và thân thiện. Nếu đã từng thử qua những hệ thống thông tin giải trí của những hãng xe cao cấp khác như iDrive của BMW, COMAND của Mercedes Benz, MMI của Audi và ngập chìm trong một "rừng" các nút bấm thì chắc chắn bạn sẽ đánh giá cao nỗ lực tinh gọn 50% số lượng nút của các kỹ sư Land Rover. Các thao tác với hệ thống thông tin giải trí đều được thực hiện trên màn hình cảm ứng 8" với 2 hàng nút cảm ứng. Ngay cả Lexus trước đây đi tiên phong trong giải pháp sử dụng màn hình cảm ứng nhưng hệ thống của họ vẫn còn quá nhiều nút bấm không thân thiện với người dùng như giải pháp của Land Rover.
Màn hình cảm ứng 8" trung tâm cho chất lượng chỉ ở mức trung bình. Có vẻ như màn hình này vẫn còn sử dụng công nghệ TFT nên độ tương phản không cao, màu sắc không được sâu và điểm ảnh lớn hơn nhiều so với màn hình điện tử trên bảng đồng hồ ở phía người lái. Bù lại thì các thao tác trên màn hình và các nút cảm ứng đều rất nhạy và tương đối nhanh. Tuy nhiên, công bằng mà nói giao diện người dùng của hệ thống thông tin giải trí này vẫn chưa đạt tới sự mượt mà, hay thật sự dễ dùng. Nếu so sánh vui thì chỉ có thể ngang bằng Symbian S60 trên Nokia ngày nào thôi. Có lẽ chúng ta vẫn phải đợi kỷ nguyên của các hệ điều hành trên ô tô như Carplay và Android Auto để giúp các hệ thống thông tin giải trí thông minh hơn chăng?!
Đặc biệt trên màn hình cảm ứng 8" này còn có công nghệ Dual View Screen, một tính năng rất thú vị nằm trong gói option thêm của anh bạn mình. Tính năng này cho phép người lái và hành khách phía trên có thể xem được 2 nội dung khác nhau trên cùng một màn hình. Tức là người lái có thể theo dõi hệ thống đẫn đường, trong khi người kế bên có thể xem TV mà không ảnh hưởng gì đến nhau. Để cho dễ hiểu các bạn có thể trải nghiệm đoạn phim và những hình ảnh bên dưới.
Thực chất công nghệ Dual View Screen này cũng không có gì lạ. Nó sử dụng công nghệ hiển thị hình ảnh 3D không cần kính như trên máy chơi game Nintendo 3DS. Cụ thể hơn là nó có một tấm màn thị sai (parallax barrier) gộp chung với tấm nền màn hình. Màn thị sai này có nhiệm vụ hiển thị 2 hình ảnh khác nhau liên tục bằng cách tách ánh sáng trên 1 điểm ảnh ra 2 hướng khác nhau. Trên màn hình hiển thị 3D, thì 2 hướng ánh sáng này sẽ đến mắt trái, mắt phải chúng ta và "đánh lừa" thị giác tạo ra hình ảnh 3D. Còn trên màn hình 2 góc nhìn Dual View Screen, 2 hướng ánh sáng này sẽ có góc chiếu rộng hơn để thay vì mắt trái thấy khác mắt phải thì bây giờ người bên trái có thể thấy khác người bên phải và đảm bảo không xảy ra hiện tượng chồng hình. Nhưng thật sự hiện tượng chồng hình vẫn diễn ra nếu chúng ta nhìn thẳng trực tiếp vào màn hình.
Bảng đồng hồ sử dụng màn hình điện tử cho chất lượng đẹp gấp 3 lần màn hình cảm ứng 8" trung tâm. Tuy Land Rover không công bố chi tiết màn hình này nhưng mình đoán nó có độ phân giải rất cao vì khó mà thấy được từng điểm ảnh nhỏ.
Vị trí ngồi của người lái rất cao ráo đem lại góc nhìn thoáng đãng. Mặc dù gầm xe cao sẽ là một thử thách không nhỏ cho những ai có chiều cao khiêm tốn dù xe đã có bệ bước kèm theo. Bộ ghế da cao cấp ôm sát theo từng chuyển động, vô lăng nhỏ, và bảng đồng hồ tốc độ nền đen chữ trắng cũng đem lại trải nghiệm rất thể thao. Ngoài ra, chúng ta có 2 ghế trước chỉnh điện 18 hướng, nhớ 3 vị trí và đặc biệt chức năng làm lạnh/sưởi ấm ngay trong ghế rất "đáng tiền".
Hàng ghế sau cũng được ưu ái rất kỹ với dàn lạnh riêng, tựa lưng giữa có thể bật ra làm chỗ tựa tay/để ly, và không gian để chân cũng như khoảng không phía trên đều rất dư dả.
Range Rover Sport vẫn sử dụng loại cần số, khác với 2 anh em Range Rover và Range Rover Evoque của mình sử dụng núm chuyển số. Cá nhân mình thích xoay núm hơn là kéo đẩy cần chuyển số.
Núm xoay chuyển các chế độ đi địa hình của hệ thống Terrain Response đặc trưng của Land Rover. Bản Range Rover Sport phân phối tại Việt Nam chỉ được trang bị hệ thống Terrain Response 1 nên chỉ có 4 chế độ: general mode - đi đường bình thường, grass/gravel/snow - đường trơn như cỏ/sỏi/tuyết, mud and ruts - đường bùn lầy, sand - cát. Thiếu 2 dạng địa hình là asphalt (đường nhựa) và rock crawl (leo đá lớn) so với Terrain Response 2. Bên dưới núm xoay chuyển số là nút nâng hạ gầm xe. Khi đi ở những địa hình xấu, hệ thống treo khi nén có thể nâng gầm xe thêm 6,6 cm để mở rộng khả năng hoạt động của xe.
Trong những món option thêm trên xe, mình thích nhất là dàn âm thanh vòm Meridian 19 loa, công suất 825 W. Thương hiệu Meridian có thể còn xa lạ đối với người Việt Nam, nhưng thật ra Meridian là hãng đầu tiên phát triển hệ thống xử lý tín hiệu số Digital Signal Processing (DSP) trên xe hơi. Đi kèm dàn loa này là công nghệ tái tạo âm thanh Trifield độc quyền của hãng. Mình không chuyên về đánh giá âm thanh nhưng phải nói rằng dàn âm thanh này "đắt xắt ra miếng", cảm giác nghe cứ như ở phòng thu hay một buổi nghe nhạc sống vậy.
Nếu dàn Meridian Surround 19 loa 825 W surround vẫn chưa thỏa mãn được, thì khách hàng có thể nâng cấp lên dàn Meridian Signature Reference 23 loa, công suất 1700 W và công nghệ tái tạo âm thanh còn có thêm hiệu ứng 3D mà hãng Meridian cho biết có thể tái tạo được cả vị trí của các loại nhạc cụ trong lúc thu âm.
Hệ thống đèn trong khoang xe đều sử dụng cảm ứng. Tức chạm vào để bật lên và tắt đi, không thấy một nút nào cả.
Lại 1 đặc điểm đặc trưng khác của Land Rover, cụm nút điều chỉnh kính và gương nằm trên bậu cửa.
Cảm giác lái: Tinh tế đến tuyệt vời
Range Rover Sport ở Việt Nam có 2 cấu hình động cơ chính: V8 5,0 lít siêu nạp cho công suất 510 mã lực và V6 3,0 lít siêu nạp cho công suất 340 mã lực. Cả 2 cấu hình đều đi kèm hộp số tự động 8 cấp với thời gian chuyển số chỉ mất 200 mili giây. Bản HSE Tinh Tế trải nghiệm sử dụng động cơ siêu nạp V6 3,0 lít, theo công bố của Land Rover thì nó chỉ mất 7 giây để tăng tốc từ 0-100km/h và đạt vận tốc tối đa 210 km/h. Tuy những con số này không mấy ấn tượng với một chiếc xe 340 mã lực, nhưng với một chiếc SUV nặng trên 2 tấn thì nó cũng không tệ chút nào. Theo cá nhân mình thì chiếc xe cho cảm giác nhanh và lanh lẹ hơn những thông số trên giấy. Việc sử dụng hệ thống nén không khí dạng siêu nạp giúp chiếc xe có lợi thế về công suất cũng như mômen xoắn ở vòng tua thấp. Khi đột ngột tăng tốc, chiếc xe không hề có sự lưỡng lự nào từ độ trễ chân ga cho đến cách xử lý của hộp số. Mọi thứ đều theo ý muốn của mình.
Sử dụng hệ thống treo phuộc khí nén, Range Rover Sport mang lại cảm giác lái vững chãi và sự êm ái không khác gì những chiếc sedan cao cấp trong điều kiện đường bình thường. Mọi dao động đều được dập tắt ngay tức thì chứ ko phải là rất nhanh nữa. Dù cảm nhận ban đầu hệ thống treo tương đối mềm. Vì điều kiện không cho phép, nên mình chưa thử được ở những cung đường xấu để xem hệ thống treo này cho cảm giác như thế nào. Land Rover cho biết, họ ứng dụng công nghệ Adaptive Dynamics giúp giám sát các chuyển động của chiếc xe 500 lần trong 1 giây và tự động tối ưu hóa hoạt động của hệ thống treo theo điều kiện tương ứng để giảm độ nghiêng thân xe và giúp chiếc xe vận hành ổn định hơn.
Range Rover Sport sử dụng trợ lực điện EPAS. Theo cá nhân mình thì vô lăng cho cảm giác hơi nhẹ, nhưng bù lại rất chính xác và mình không thấy khó chịu vì bị hệ thống trợ lực điện can thiệp quá nhiều như trên những xe phổ thông khác. Chiếc SUV cỡ trung này khiến mình ngạc nhiên khi ôm cua "ngọt" và nhẹ nhàng không thua gì những chiếc sedan với độ nghiêng thân xe tương đối, hiện tượng thiếu lái (understeer) không nhiều, và khả năng bám đường rất ấn tượng. Có được điều này ngoài công nghệ Adaptive Dynamics kể trên, còn có hệ thống Torque Vectoring phân bổ mômen xoắn theo từng bánh xe giúp cải thiện rất nhiều độ bám đường khi vào cua.
Trên chiếc Range Rover Sport của anh bạn mình cũng có hệ thống Park Assist tự động đậu xe song song rất hay. Đây là một món option thêm và mình có thử tính năng này trong clip bên dưới để các bạn cùng trải nghiệm.
Tuy nhiên, điều khiến cho mình bất ngờ nhất trên Range Rover Sport không phải là tính năng vận hành của chiếc xe, mà là trải nghiệm chất âm mà nó mang lại. Phải nói là mình chưa bao giờ gặp một chiếc SUV cho ra những âm thanh như vậy. Ý mình là tuyệt vời như thế. Khi đề máy, chiếc xe gầm lên 1 tiếng rất uy lực. Tiếng pô của Range Rover Sport khá giống với những chiếc xe hiệu năng cao của người anh em họ cùng quê Jaguar, đanh nhưng lại thanh theo kiểu kỹ thuật chứ không khàn và đặc sệt cơ khí như những chiếc xe của Đức.
Các kỹ sư của Land Rover đã xử lý rất tinh tế phần chất âm bên trong để không chỉ mang lại cảm giác thoải mái cho hành khách mà còn đảm bảo yếu tố thể thao cho người lái. Ở gia tốc bình thường, chiếc xe vẫn cung cấp 1 không gian yên tĩnh cực kỳ xa xỉ. Nhưng khi bức phá, chất âm bên trong khi thốc ga mạnh có thể khiến bạn rơi vào trạng thái "ảo tưởng sức mạnh" rằng mình đang cầm cương một chú "ngựa chứng" Ferrari của Ý với chất âm vô cùng thể thao chứ không phải là 1 chiếc SUV nặng nề của Anh. Bạn có thể không tin, nhưng đó là sự thật. Thật tuyệt vời, đó là sự tinh tế trong thiết kế của các kỹ sư Land Rover chứ không đến từ một bộ loa mô phỏng nào cả. Hãy cùng trải nghiệm trong clip thử xe ngay bên dưới đây.
Nếu bạn nghĩ chiếc SUV quý tộc này không thể offroad ngon lành thì bạn đã lầm to. Land Rover là hãng đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong việc sản xuất những chiếc SUV đi địa hình hạng nặng. Riêng chiếc Range Rover Sport thế hệ thứ 2 này đã lập kỷ lục chinh phục sa mạc Empty Quarter, một trong những địa hình khắc nghiệt nhất thế giới, trong 10 tiếng 22 phút. Thật đáng nể. Khi cần mở rộng phạm vi hoạt động, chúng ta có thể nâng gầm xe lên 26,4 cm để tạo ra góc thoát phía trước và sau lên đến 31 độ và khả năng lội nước lên đến 0,85 m. Ngoài ra, Land Rover cũng chu đáo trang bị thêm cho các bản sử dụng động cơ Supercharge một hộp số phụ có nhiệm vụ chuyển 100% mômen về cầu trước hay cầu sau.
Cuối cùng, điểm duy nhất có thể chê được trên chiếc Range Rover Sport là thiết kế của chiếc khóa điều khiển từ xa có vẻ chưa xứng với đẳng cấp chiếc xe lắm.