Việc hợp tác với IBM là giải pháp đơn giản để Apple bán được nhiều
iPad, iPhone hơn
Apple và IBM hiện đã trở thành đối tác của nhau. Trước đây hai hãng này từng đứng ở "hai bờ chiến tuyến" trên thị trường máy tính cá nhân, còn bây giờ họ đang bắt tay với hi vọng có thể thay đổi thế giới IT của các doanh nghiệp. Nhờ vào sức mạnh của riêng mình, một bên sẽ cung cấp iPhone, iPad và dịch vụ hỗ trợ khách hàng xuất sắc, bên còn lại thì giúp tạo ra những ứng dụng phục vụ cho mục đích kinh doanh, quản lý thiết bị, bảo mật và dịch vụ phân tích dữ liệu. Thỏa thuận giữa Apple và IBM chính là một đòn giáng mạnh vào BlackBerry vốn đã và đang được tin dùng rộng rãi trong thế giới doanh nghiệp, đồng thời gieo rắc nỗi sợ hãi vào những công ty lớn khác như Samsung, Google và Microsoft.
Tuy nhiên, thứ đáng sợ nhất của sự hợp tác này nằm ở sự đơn giản và rõ ràng. Từ trước đến nay mảng doanh nghiệp được coi là rất phức tạp và khó khăn, và nó cũng không phải là thế mạnh của Apple từ trước đến nay so với những công ty lớn khác như Microsoft, Dell, HP, Lenovo.
Apple không phải là một công ty gặp quá nhiều rắc rối. CEO Tim Cook thường xuyên nói rằng công ty của ông có thể tạo ra doanh thu và lợi nhuận khổng lồ theo từng ngày, nhưng ông cũng không giấu diếm sự tăng trưởng ngày càng chậm lại của Apple trong bối cảnh thị trường smartphone và tablet đang dần trưởng thành hơn. Xu hướng đó thể hiện rõ trong mức sụt giảm doanh số 16% của iPad trong quý vừa rồi, điều này cho thấy Apple cần phải tìm một nguồn thu mới và một lượng khách hàng mới nhằm đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu tư luôn muốn có nhiều lợi nhuận hơn.
Một trong những nỗ lực đó chính là việc ra mắt iPhone 5C, phiên bản iPhone đầu tiên được thiết kế cho thị trường tầm trung. Thế nhưng đáng tiếc rằng Apple đã không thành công như mong đợi với 5C, và chính bản thân hãng đã thừa nhận chuyện này. iPad mini cũng là một nỗ lực khác để cạnh tranh lại những đối thủ tablet giá rẻ trên thị trường, nhưng sản phẩm này chủ yếu chỉ dành cho tầm trung cận cao cấp mà thôi.
Nói cách khác, Apple cần phải tìm ra một thị trường mới nào đó, nơi mà khách hàng có túi tiền rủng rỉnh và sẵn sàng chi ra một khoản khổng lồ. Đó cũng phải là những khách hàng sẵn lòng mua một số lượng lớn sản phẩm với logo Apple, miễn là chúng được việc. Và không ở đâu khác, thị trường doanh nghiệp chính là thứ mà Apple cần tìm.
Lý do để IBM tham gia vào thỏa thuận hợp tác này thì có lẽ dễ thấy hơn. IBM đã chia tay thị trường tiêu dùng từ rất lâu, kể từ khi hãng bán bộ phận sản xuất máy tính cá nhân cho Lenovo nhiều năm về trước. Giờ đây công ty đang dành toàn lực để cung cấp các phần cứng, phần mềm phục vụ cho các doanh nghiệp với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực. IBM có nhiều giải pháp để giúp các công ty, tổ chức lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, phân tích số liệu, ngoài ra hãng còn sở hữu những công cụ giúp đơn giản hóa việc phát triển phần mềm xuyên suốt nhiều hệ điều hành khác nhau.
Về mặt tài chính, IBM gần như không gặp phải vấn đề gì, tuy nhiên mảng phần cứng của công ty đã không còn được lợi nhuận cao như xưa và mới đây hãng đã phải bán nó cho Lenovo với giá 2,3 tỉ USD. Trong bối cảnh công ty đang dần tránh xa việc bán phần cứng, IBM vẫn cần phải nắm giữ vị trí hàng đầu cảu mình trong việc cung cấp dịch vụ và phần mềm cho doanh nghiệp. Vậy làm thế nào công ty có thể làm được chuyện đó khi mà không có bộ phận phần cứng thuộc quyền sở hữu của mình? Hợp tác với Apple chính là một ý hay.
Cả Apple và IBM đều tin rằng xu hướng phát triển của mảng điện toán doanh nghiệp trong tương lai chính là một bản sao của cách mà chúng ta đang sử dụng công nghệ: nhiều thiết bị di động được kết nối vào một dịch vụ đám mây nào đó, xoay xung quanh là nhiều dịch vụ hỗ trợ. Theo như lời CEO Satya Nadella của Microsoft thì di động và đám mây cũng chính là trọng tâm trong chiến lược của Microsoft, điều đó cho thấy rằng suy nghĩ của Apple và IBM là rất đúng đắn.
Cũng cần phải nói thêm rằng trong thông cáo báo chí dài hơn 600 chữ do IBM và Apple đưa ra, tuyệt nhiên không có chỗ nào nhắc đến OS X hay Mac, hai sản phẩm dành cho máy tính cá nhân của Apple. Trước đây có thể Apple và Microsoft ganh đua nhau từng tí một trong thị trường PC, cả ở mảng doanh nghiệp lẫn tiêu dùng, nhưng còn hiện tại thì Apple muốn dồn sức để đánh vào thị trường di động. Thật ra thì các bạn cũng có thể thấy được xu hướng chuyển từ PC sang thiết bị di động trong các doanh nghiệp và tổ chức một cách dễ dàng: ngày càng nhiều nhân viên xài tablet để thu thập thông tin, các sếp lớn đi họp cũng chỉ xách theo iPad, hay như người quản lý kho xài smartphone để quét mã vạch. Thời của PC đã qua rồi, và nếu Apple có định nhảy vào mảng thì hãy cũng khó mà bắt kịp Microsoft.
Hiện nay, trải nghiệm trên Windows cũng đang dần dần tiến đến những gì mà một thiết bị di động như iPad có thể cung cấp: laptop khởi động lên nhanh hơn, ngoài ra chúng còn được trang bị màn hình cảm ứng, thậm chí biến hình thành một chiếc tablet. Trong khi đó, iOS thì phải đối mặt với một thác thức hơi ngược lại: phát triển sao cho thân thiện với việc sử dụng trong môi trường doanh nghiệp. Chính vì thế, Apple phải cần đến chuyên môn cũng như danh tiếng đã lâu của IBM.
Cái tên của IBM xuất hiện sẽ đánh tan những lời nói về việc iOS không hỗ trợ cho các mục đích kinh doanh của doanh nghiệp một khi sản phẩm của việc hợp tác này được chính thức ra mắt. Nếu như Microsoft cung cấp những giải pháp phức tạp và đa dạng cho khách hàng của mình thì Apple và IBM sẽ nhắm đến sự đơn giản. Apple và Microsoft cũng là hai cái tên có khả năng cao nhất trong việc thay thế cho BlackBerry trên thị trường doanh nghiệp.
Trong thời buổi ngày nay người ta cũng thường hay nhắc đến cụm từ BYOD - Bring Your Own Device. Với mô hình này, các công ty sẽ không cấp thiết bị cho nhân viên, thay vào đó nhân viên sẽ tự đem theo chiếc điện thoại, máy tính bảng ưa thích của mình đến công ty xài. Tất nhiên, để có thể truy cập vào mạng nội bộ hay những dữ liệu bảo mật đòi hỏi phải có một số thiết lập nhất định từ bộ phận IT của đơn vị, nhưng đó không phải là một chuyện quá khó khăn. Thứ mà chúng ta cần chú ý đó là số lượng người dùng iPhone, iPad hiện đang rất đông, chính vì thế khi họ mang thiết bị của mình vào công ty thì việc cấu hình máy có thể được diễn ra nhanh chóng hơn, trong khi công ty thì tiết kiệm được chi phí mua sắm, còn nhân vân thì rất vui vẻ vì được sử dụng đúng thứ mình thích cả cho mục đích cá nhân lẫn công việc.
Tất nhiên, sự hợp tác của Apple và IBM chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định mà chúng ta không thể không nhắc đến. Hiện nay 97% trong số các công ty thuộc top Fortune 500 có xài thiết bị iOS, tuy nhiên Tim Cook từng thừa nhận rằng mức độ thâm nhập thị trường còn thấp, nhất là với các sản phẩm di động. Đúng là có vài quan chức cấp cao của các tập đoàn lớn đang xài iPhone và iPad đấy, nhưng con số này không nhiều so với lượng nhân viên mà các tên tuổi nằm trong Fortune 500 hiện đang thuê. Số lượng công ty thật sự xài cả nghìn thiết bị Apple cho công việc chỉ đếm trên đầu ngón tay
Để giải quyết vấn đề này, Apple và IBM đưa ra giải pháp như sau: IBM sẽ sử dụng năng lực và hiểu biết của mình về các yêu cầu của doanh nghiệp, từ đó chỉnh sửa lại những ứng dụng chạy trên iOS. Tuy nhiên, thứ mà một doanh nghiệp sản xuất cần sẽ rất khác với thứ mà một ngân hàng cần, thứ mà cửa hàng bán lẻ A muốn quản lý cũng không giống với những thứ mà cửa hàng B cần theo dõi. Chính vì thế, những ứng dụng dạng này phải có tính tùy biến cao, thậm chí phải có nhiều phiên bản cho từng ngành nghề nữa kìa. Việc triển khai chúng vào thực tế cũng sẽ cần đến một đội ngũ nhân viên có kiến thức tốt, nếu không dự án sẽ rất dễ bị thất bại khiến khách hàng mất lòng tin vào Apple và IBM.
Ứng dụng IBM Cognos Mobile trên iOS, một phần mềm chuyên dùng để trình bày và phân tích số liệu
Apple biết cách viết ứng dụng iOS tốt hơn bất kì ai khác, họ đã xây dựng nên một phần cứng tốt, song song đó là hệ sinh thái phần mềm mang tính đồng nhất cao dành cho khách hàng. IBM thì chiếm lĩnh trong việc cung cấp dịch vụ, hệ thống phân tích và hỗ trợ việc ra quyết định trong kinh doanh. CEO Ginni Rometty của IBM thì mô tả hai công ty này giống như là tiêu chuẩn vàng trong lĩnh vực của riêng mình, thế nên khi kết hợp với nhau thì việc cho ra đời những sản phẩm tuyệt vời không phải là chuyện không thể tưởng tượng ra. "Chúng tôi không bị trùng với nhau, không cạnh tranh nhau, và mối quan hệ này hoàn toàn hỗ trợ cho nhau", Apple cho biết. Quả là một sự khác biệt rất lớn so với hồi 30 năm trước khi mà hai hãng còn đang đối đầu trực tiếp với nhau ở mảng PC.
Nhìn theo một vài khía cạnh thì những câu từ mà Apple và IBM nói nhân dịp cả hai bắt tay nhau hoàn toàn không phải là một thứ phóng đại. Một thiết bị cá nhân tuyệt vời hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm được tin dùng cho các doanh nghiệp. Apple hiện đã có được bệ phóng vững chắc để bắt đầu tiến vào các công ty, tổ chức một cách vững vàng. Với việc IBM đứng ra hỗ trợ và cùng nhau giải quyết những yếu điểm của mỗi bên, nhiều khả năng chúng ta sẽ được thấy những chiếc iPhone, iPad xuất hiện rộng rãi hơn trong các doanh nghiệp trong tương lai gần.