Công nghệ nhận biết ngữ cảnh là gì và nó giúp ích như thế nào cho chúng
ta?
Bạn chán vì phải thường xuyên nhìn vào smartphone để kiểm tra thông báo? Bạn chán vì phải nhớ xem ứng dụng nào dùng để làm gì, chán vì phải download chúng về mỗi khi cần thiết, và mệt mỏi vì mỗi khi cần đều phải chạy nó lên một cách thủ công? Chính vì thế, những phần mềm có khả năng nhận biết ngữ cảnh (contextual awareness) đã ra đời nhằm giúp chúng ta bớt suy nghĩ về những thứ lặt vặt đó và tập trung hơn vào những việc quan trọng với bản thân mình.
Nhận biết ngữ cảnh là gì?
Nghe cụm từ "nhận biết ngữ cảnh" thì có vẻ to lớn nhưng thực chất nó không phải là những thứ quá xa vời. Siri, Google Now và Cortana đều là những ứng dụng contextual awareness được phát triển nhằm đơn giản hóa những việc mà chúng ta đã từng hay làm trên thiết bị di động. Ví dụ, Siri biết thời tiết sắp mưa để gợi ý bạn nên mang theo dù, Google Now biết thói quen di chuyển của bạn để đề xuất bản đồ và thời gian đi ước lượng, còn Cortana thì biết hiện tại đang là buổi sáng hay tối để đưa ra những thông tin phù hợp.
Rất sớm thôi, những ứng dụng với khả năng nhận biết ngữ cảnh, dù ở cấp thấp hay cấp cao, cũng sẽ bắt đầu xuất hiện tràn ngập trên các thiết bị công nghệ. Hãy thử tưởng tượng đến một tương lai, nơi mà bạn chỉ cần bật TV lên là những kênh truyền hình ưa thích sẽ tự xuất hiện, bạn vừa mở máy tính ra thì các app thường dùng sẽ được chạy lên, và chỉ cần rút điện thoại ra trước giờ đi làm thì các phần mềm công việc sẽ được đẩy lên đầu. Chẳng phải điều đó là quá tuyệt vời hay sao?
Jay Karsandas, quản lý mảng truyền thông kĩ thuật số của trang web Mobiles.co.uk, nhận xét rằng hiện nay Google Now và Siri khá thông minh trong việc cảnh báo cho bạn biết thời tiết sẽ thay đổi như thế nào, đường đi về nhà bao xa, nhưng để phát huy hết tiềm năng của contextual awareness thì các ứng dụng trên smartphone cần phải có khả năng chuyển thiết bị vào một trạng thái nào đó tùy theo ngữ cảnh. Chỉ khi làm được chuyện này, và tất nhiên là phải làm một cách tự động, thì contextual awareness mới thật sự giúp ích cho cuộc sống của con người.
Nói thêm về ngữ cảnh, theo giáo sư Li Ki-Joune đến từ Đại học Quốc gia Pusan, nó bao gồm ba cấp độ như sau:
- Ngữ cảnh tĩnh: chứa các thông tin kĩ thuật số có thể ảnh hưởng đến môi trường của người dùng, và những thông tin này mang tính cố định hoặc được lưu trữ cố định. Ví dụ: danh sách các trang web ưa thích, tài liệu mới đọc sáng hôm qua
- Ngữ cảnh động: thông tin có thể thay đổi của một khía cạnh nào đó trong môi trường, nó sẽ được ghi nhận bởi các cảm biến, dịch vụ thu thập thông tin và thường được cung cấp, cập nhật theo thời gian thực. Ví dụ: dự báo thời tiết, báo cáo tình trạng kẹt xe...
- Ngữ cảnh nội bộ: thông tin cá nhân của người dùng, bao gồm sở thích, tốc độ di chuyển, địa điểm, hướng đi, hành vi sử dụng thiết bị... Hiện nay các ứng dụng di động chủ yếu nhận biết ngữ cảnh nội bộ, một số app thì có kết hợp thêm với thông tin về ngữ cảnh động và tĩnh để đưa ra dữ liệu đa dạng hơn.
Những dữ liệu gì sẽ được nhận biết?
Thông thường, những thiết bị di động sẽ thu thập những dữ liệu sau để dựa vào đó mà chúng hiển thị các thông tin hoặc đề xuất cho phù hợp:
- Dữ liệu vị trí, địa điểm (bạn đang ở đâu)
- Dữ liệu thời gian (thời điểm hiện tại là gì)
- Hành vi của người sử dụng (bạn thường chạy app gì, chạy trong bao lâu, app nào ít dùng, app nào thường xài...)
- Dữ liệu duyệt web (bạn đã ghé thăm những trang web nào, bạn làm gì trên các web đó, thời gian bạn ghé thăm chúng là bao lâu)
- Dữ liệu chung trên Internet (tài khoản mạng xã hội, email, sự kiện lịch, danh bạ, ngày sinh nhật của bạn và của người khác trong danh bạ)
- Dữ liệu về sức khỏe (lượng calo đốt cháy, thói quen ngủ, nhịp tim ở trạng thái bình thường, huyết áp... chúng được thu thập từ thiết bị đeo được như đồng hồ thông minh, vòng tay thể thao, tai nghe nhịp tim, các thiết bị y tế...)
Dựa vào những thứ này, ứng dụng sẽ tự động xây dựng nên một "hồ sơ" cho riêng bạn. Mỗi người dùng sẽ có một hồ sơ duy nhất đặc trưng cho riêng mình, không ai giống ai. Khi kết hợp những thông tin này với nhau, ứng dụng sẽ đưa ra những hành động phù hợp cho bạn, từ đó giảm đi những thao tác thủ công phiền phức.
Lấy ví dụ đơn giản như sau: bạn thường chạy Facebook vào buổi sáng, khi đi làm thì bạn hay mở trình duyệt, danh bạ và Gmail, còn tối về thì bạn mở app chơi nhạc và app xem ảnh. Những launcher thông minh như EverythingMe, Cover hay Aviate dành cho Android sẽ theo dõi hết những tổ hợp thông tin trên, sau một thời gian học hỏi và ghi nhớ, chúng sẽ tự động đẩy những app có liên quan theo từng thời điểm trong ngày lên ngay giao diện chính cho bạn xài.
Phần mềm Cover (Android) hiển thị ứng dụng tùy theo thời điểm và vị trí của bạn
Vậy ứng dụng sẽ tự động lấy hết những thông tin kể trên hay sao? Câu trả lời là đúng và không đúng. Đúng ở chỗ những ứng dụng này sẽ tự động thu thập dữ liệu trong quá trình bạn sử dụng, không một phần mềm contextual awareness nào lại đi yêu cầu bạn phải nhấn nút "Học" hoặc "Ghi nhớ" mỗi khi bạn làm một thao tác nào đó. Còn không đúng ở chỗ, bạn sẽ phải cấp quyền cho phần mềm được phép theo dõi thông tin (thường thực hiện chỉ 1 lần duy nhất), nếu không thì chúng cũng không thể nào truy cập đến những dữ liệu mang tính cá nhân cao như thế này. Cả iOS, Android, Windows Phone hay BlackBerry đều có cơ chế để giúp người dùng dễ dàng thực hiện điều đó.
Trong tương lai, chắc chắn các thiết bị xoay quanh cuộc sống hằng ngày của chúng ta sẽ có khả năng thu thập nhiều loại dữ liệu khác phức tạp hơn, ít rõ ràng hơn, cái đó thì hãy chờ một thời gian nữa thì chúng ta sẽ biết ngay thôi.
Những thứ gì sẽ có tính năng nhận biết ngữ cảnh?
Smartphone và tablet chắc chắn sẽ là hai cái tên đầu tiên. Và cũng chẳng cần phải đợi đến tương lai, hiện nay những chiếc điện thoại và máy tính bảng chạy các OS phổ biến như iOS, Android hay Windows Phone cũng đều có ít nhiều những phần mềm với khả năng nhận biết ngữ cảnh. Còn trong thời gian tới, ngôi sao của chúng ta chính là các thiết bị đeo được (wearable).
Lý do vì sao? Câu trả lời nằm ở một loạt các cảm biến mà thiết bị wearable thường được trang bị. Đó có thể là gia tốc kế, con quay hồi chuyển, thiết bị đo nhịp tim, cảm biến huyết áp, cảm biến đường huyết, cảm biến đo nhiệt độ - độ ẩm của môi trường xung quanh, và rất nhiều rất nhiều những thứ tương tự như thế. Bản thân từng cảm biến khi đứng riêng lẻ sẽ không có nhiều lợi ích, nhưng khi tất cả bọn chúng được tổng hợp và xử lý ở chung một nơi thì sức mạnh của các dữ liệu cá nhân sẽ phát huy rõ rệt. Bạn sẽ có được hồ sơ sức khỏe cho riêng mình, kèm theo đó là thói quen hằng ngày cùng những lợi gợi ý về chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện thể thao, lịch hẹn đi khám bệnh...
Như lời Henrik Torstensson, CEO của nền tảng phần mềm sức khỏe và thể thao Lifesum, thì "các cảm biến trong thế giới wearable có thể nhận biết được nhiều hơn những gì mà cảm biến của smartphone làm được, nhất là khi nói về dữ liệu sức khỏe và vật lý liên quan đến từng cá nhân người dùng. Sự tổng hợp thông tin liên tục khiến cho các dịch vụ ngày càng trở nên chính xác và phức tạp hơn dựa theo thói quen và hành vi của con người".
Công ty nghiên cứu Smartwatch Group thì đưa ra dự đoán rằng từ đây đến năm 2020, trong số 20 ứng dụng được xài nhiều nhất trên các thiết bị đeo được thì tính năng trợ lý cá nhân sẽ nằm ở top đầu. "Phương pháp quản lý sự kiện lịch, tác vụ, nhu cầu thông tin một cách hiệu quả cao và dựa theo ngữ cảnh" chính là những thứ mà chúng ta cần ở một chiếc smartwatch. Khi bạn vừa rời khỏi nhà, đồng hồ sẽ nhắc bạn có cuộc họp trong nửa tiếng tới. Lúc bạn tới cơ quan, một danh sách các tác vụ trong ngày bạn cần làm sẽ hiện ra. Chẳng phải những thứ tuy đơn giản nhưng hữu ích như thế này sẽ giúp cuộc sống của chúng ta đơn giản hơn hay sao?
Cũng theo Smartwatch Group, họ ước tính rằng sẽ có khoảng 1,6 tỉ chiếc đồng hồ thông minh có kết nối mạng được bán ra từ đây đến năm 2020. Nếu nhìn vào những gì từng diễn ra với cuộc bùng nổ của smartphone thì con số này hoàn toàn có thể đạt được. Con người thích chọn những thứ thông minh, và smartwatch, nếu được thiết kế đúng cách, chắc chắn sẽ nằm trong số đó.
Công nghệ nhận biết ngữ cảnh giúp gì được cho chúng ta?
Ngoài những lợi ích nho nhỏ đã nói xuyên suốt các phần ở trên, công nghệ contextual awareness còn hứa hẹn sẽ trở thành một phần trong văn hóa của chúng ta. CEO Torstensson nói: "Nhận thức của mọi người đó là chúng (những phần mềm, phần cứng có thể nhận biết ngữ cảnh) sẽ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống, vậy là ngày càng nhiều người sẽ sử dụng chúng mà không suy nghĩ gì thêm". Nó cũng giống như việc bạn phải xài điện thoại để liên lạc với mọi người, hay việc bạn phải sắm một cái xe để đi đó đây.
Dựa vào những thông tin được nhận biết ngữ cảnh, chúng ta sẽ thay đổi thói quen của mình: bạn sẽ đi tập gym nhiều hơn, bạn sẽ ngủ đúng giờ giấc và cách ngủ hợp lý hơn, bạn sẽ ăn nhiều rau xanh hơn, và bạn sẽ chăm chỉ đi bộ hơn. Tất cả rồi sẽ dẫn đến một cuộc sống tốt hơn, khỏe mạnh hơn, đơn giản hơn và năng suất cao hơn.
Hiện tại cũng là thời đại của big data, tức là những dữ liệu phong phú và khổng lồ được thu thập từ nhiều người khác nhau trên Internet. Tuy nhiên, những nhà tiếp thị chưa sử dụng nó một cách đẩy đủ. Theo lời John Fleming, giám đốc marketing của Webtrends, công ty đang hợp tác với nhiều tổ chức lớn như Lloyds Bank, Barclays, HSBC, thì "tính đến thời điểm hiện tại, việc cá nhân hóa chủ yếu dựa vào việc kết hợp hồ sơ sẵn có với dữ liệu trong quá khứ. Thứ bị thiếu chính là khả năng kết hợp những yếu tố này với thông tin thời gian thực, ví dụ như trang web mà khách hàng đang truy cập, thiết bị người dùng đang xài, địa điểm và vị trí của họ trong quy trình mua hàng. Việc mang hết tất cả những thứ đó lại với nhau được định nghĩa là cá nhân hóa theo ngữ cảnh".
Nói cách khác, công nghệ nhận biết ngữ cảnh sẽ giúp mang đến cho bạn những thứ bạn muốn, vào đúng lúc và đúng nơi. Ngoài ra, nó cũng sẽ là cầu nối giữa thế giới thực với thế giới ảo. Hãy thử tưởng tượng nếu một cửa hàng biết trước được bạn cần gì ngay cả khi bạn chưa bước vào cửa thì có phải họ sẽ chuẩn bị sẵn cho bạn những thứ đó hay không? Tất cả mọi thứ, từ thói quen mua sắm, những thứ bạn thích, những điều bạn ghét đều được thu thập lại.
Nền tảng iBeacon của Apple hay Gimbal của Qualcomm cũng là một trong số các công nghệ nhận biết dựa theo ngữ cảnh, và cụ thể hơn là dựa theo vị trí của người dùng. Cả hai đều là giải pháp giúp theo dõi, định vị và gửi thông báo cho người dùng ở phạm vi hẹp. Chúng sử dụng Bluetooth Smart, hay còn gọi là Bluetooth Low Energy, để kết nối với smartphone và có thể đo vị trí chính xác đến từng foot (khoảng 30cm). Các thiết bị iBeacon/Gimbal sẽ được lắp đặt trong các cửa hàng, bảo tàng, nhà thi đấu, trạm xe bus, tàu hỏa để thông báo cho khách hàng những thông tin có liên quan một cách tự động, ví dụ như thông tin sản phẩm, chương trình khuyến mãi, chi tiết về vật trưng bày, kết quả trận đấu, lịch chạy xe, hỗ trợ tìm đường đi từ điểm A đến điểm B tại ga...
Theo lời Qualcomm, "việc sử dụng nền tảng Gimbal sẽ giúp các cửa hàng tăng doanh thu và cũng như mức độ trung thành của khách hàng bằng cách cung cấp một phương thức giao tiếp có liên quan đến từng người một. Những thương hiệu sử dụng Gimbal có thể gửi những thông báo được cá nhân hóa cao dựa vào sở thích của họ."
Fleming cũng đưa ra thêm một ví dụ nữa để cho thấy cách mà công nghệ ngữ cảnh sẽ giúp cho việc mua sắm trở nên tiện lợi hơn. "Công nghệ hiện đại cho phép chúng ta ghép những gì mà người dùng đã xem trước đó trên website với hành vi online cùng dữ liệu về thời tiết, địa điểm. Dựa vào đó, bạn có thể nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng thông qua việc cung cấp một trang web hiển thị đôi sandal phù hợp với cái nắng gay gắt của mùa hè." Còn nếu vị khách hàng bay đến một khu vực lạnh hơn, bạn có thể gợi ý cho họ mua một bộ áo khoác ấm áp chẳng hạn.
Ngay cả khi vị khách không mua thứ gì thì nhà bán lẻ vẫn có thể ghi nhận lại những dữ liệu đã thu thập, từ đó gửi cho khách một email chứa các thông tin khuyến mãi xoay quanh mặt hàng mà họ quan tâm. Những thứ tương tự cũng có thể áp dụng được cho rạp chiếu phim cũng như cửa hàng ăn uống nữa.
Kết
Nói tóm lại, công nghệ nhận biết ngữ cảnh hiện đang là một trong những xu hướng mới của thiết bị di động nói riêng và toàn ngành công nghệ thông tin nói chung. Nhờ có contextual awareness, chúng ta sẽ nhận được nhiều thông tin hữu ích hơn, tính liên quan cao hơn, những dịch vụ hay ho hơn và sống khỏe mạnh hơn. Còn nhìn theo góc độ kinh doanh thì các công ty sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, nội dung quảng cáo của họ sẽ được tiếp nhận tốt hơn, doanh thu của họ sẽ theo đó mà tăng lên. Tiềm năng của việc nhận biết ngữ cảnh vẫn còn rất rộng, và trong bối cảnh thiết bị wearable chuẩn bị bùng nổ thì khả năng ứng dụng của công nghệ này sẽ gần như là không có giới hạn.