Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Google sẽ không gắn mác "miễn phí" cho những ứng dụng có cung cấp in-app purchase

In_App_Purchase.

Theo yêu cầu của Ủy ban Châu Âu, Google sắp tới sẽ không còn gắn mác "miễn phí" cho các game được phép tải về miễn phí nhưng lại cung cấp các gói mua đồ theo dạng in-app purchase. Yêu cầu này xuất phát từ những cuộc điều tra liên quan đến việc các giao dịch in-app purchase bị thực hiện nhưng không theo mong muốn của người dùng, và mới đây Ủy ban cũng đã đưa ra một loạt quy định để các lập trình viên cũng như kho ứng dụng phải tuân theo. Google cho biết thay đổi sẽ có hiệu lực trên Play Store kể từ tháng 9, ngoài ra các app dạng này cũng sẽ bắt buộc phải có thêm yêu cầu xác nhận thanh toán trước khi mua hàng. Hiện chưa rõ thay đổi này sẽ được áp dụng cho riêng Châu Âu hay trên toàn cầu.

Apple cho biết hãng đồng ý thay đổi để tuân theo những quy định mới, tuy nhiên chưa có hành động hay lộ trình cụ thể nào được công bố. Trong một phát ngôn gửi đến BBC, Apple nói thực chất hãng đang làm tốt hơn những công ty khác trong việc bảo vệ người dùng khi thực hiện in-app purchase, điển hình như tính năng mới trong iOS 8 bắt buộc trẻ em phải gửi yêu cầu mua đồ đến cho cha mẹ, và chỉ khi cha mẹ chấp thuận thì giao dịch mới diễn ra.

Nói về các quy định trên, Ủy ban yêu cầu các nhà phát triển, phát hành game không được làm người dùng hiểu sai khi quảng cáo game của mình là "miễn phí" trong khi lại cung cấp in-app purchase. Ngoài ra, các phần mềm cũng không được trực tiếp yêu cầu trẻ em thực hiện việc mua hàng, phải nói rõ việc chi trả sẽ diễn ra như thế nào, và phải hiển thị một địa chỉ email để người dùng liên hệ khi có câu hỏi hoặc phàn nàn. Phó chủ tịch Ủy ban, Neelie Kroes, nói rằng "In-app purchase là một mô hình kinh doanh hợp pháp, nhưng các nhà phát triển app phải hiểu và tôn trọng luật của Liên minh Châu Âu khi họ phát triển mô hình kinh doanh của mình". Ủy ban cho biết việc thực thi các quy định sẽ được giao cho cơ quan chuyên trách của từng quốc gia, nhưng Ủy ban vẫn sẽ tiếp tục giám sát những vấn đề này.

Còn tại Mỹ, Ủy ban thương mại liên bang (FTC) cũng đã bắt đầu có những động thái tương tự nhằm bảo vệ người dùng. FTC mới đây đã kiện Amazon để buộc công ty này trả lại hàng triệu USD tiền mua không được chính người dùng cho phép. Hồi đầu năm nay Apple cũng phải thương thảo với FTC với cùng vấn đề như trên, sau đó hãng đồng ý chi 32,5 triệu USD để hoàn lại tiền cho khách hàng.

Nguồn: EC, The Verge