Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Điểm qua một vài thiết bị công nghệ cổ tại cuộc đấu giá Team Breker

đấu_giá_team_breker

Vào hôm qua 25 tháng 5, công ty Team Breker của Đức đã bắt đầu buổi đấu giá các thiết bị công nghệ cổ có tuổi đời từ vài thế kỷ trước đến vài năm trước. Danh mục sản phẩm cũng rất đa dạng từ điện thoại cho đến máy đánh chữ, từ máy tính đến máy vi tính và cả những "đồ chơi" công nghệ như máy chơi nhạc, thiết bị văn phòng. Một số món đồ được rao bán dưới dạng bản sao những cũng có những món đồ nguyên gốc. Chúng ta hãy cùng điểm qua những thiết bị công nghệ đáng chú ý trong phiên đấu giá của Team Breker.

Máy tính SCELBI-8H:

Vào năm 1973, Nat Wadsworth và Bob Findley đã sáng lập công ty SCELBI Computer Consulting. Họ đã bán một bộ máy tính giá 500 USD có tên SCELBI-8H được chế tạo với vi xử lý Intel 8-bit và các mạch dẫn, công tắc, đèn LED tín hiệu và bộ cấp nguồn. Do không được phổ biến trên thị trường nên chỉ có khoảng 200 chiếc được sản xuất. Trong số đó, theo báo cáo chỉ còn 3 chiếc được bảo quản trong tình trạng tốt và hôm nay Breker mang đấu giá 1 chiếc với mức giá khởi điểm từ 14.750 USD.

SCELBI-8H sử dụng các công tắc DIP (Dual in-line package) để nhập liệu và dữ liệu đầu ra được hiển thị qua các đèn LED. Người dùng có thể gõ trên một bàn phím để vận hành tương tự như chiếc máy tính Apple 1 đồng thời xem nội dung trên một màn hình trắng đen. 1 trong số 6 chiếc SCELBI-8H còn hoạt động nguyên bản năm 1976 đã được Breker rao bán năm ngoái với mức giá 640.000 USD, cao hơn rất nhiều so với giá khởi điểm 666,66 USD.



Máy tính Apple 1:


Tiếp theo là một chiếc máy tính Apple 1 còn hoạt động hoàn toàn với chữ ký của "cha đẻ" Steve Wozniak - đồng sáng lập Apple Inc. Được chế tạo năm 1976, Apple 1 cũng chính là chiếc máy tính đầu tiên của Apple và nó được bán với giá ban đầu là 666,66 USD. Có khoảng 200 chiếc được sản xuất và không giống như các máy tính nhiều thành phần cùng thời, Apple 1 sở hữu một board mạch hoàn chỉnh với hơn 60 chip. Tuy nhiên, để biến nó thành một chiếc máy tính hoạt động được thì người dùng phải gắn thêm một bộ vỏ, bộ đổi nguồn, công tắc nguồn, bàn phím ASCII và màn hình. Theo ước tính có khoảng từ 40 đến 50 chiếc Apple 1 vẫn còn tồn tại. Apple 1 đã được đấu giá nhiều lần, lần đầu tiên vào năm 1999 với mức giá 50.000 USD và vào tháng 11 năm ngoái, Breker cũng đã bán được một chiếc Apple 1 với mức giá lên đến 640.000 USD. Năm nay, tiếp tục một chiếc Apple 1 khác còn hoạt động hoàn toàn được đem đấu giá với mức giá khởi điểm là 115.000 USD.



Máy tính Apple Lisa-1:


Đây có lẽ là vật phẩm đáng chú ý nhất tại phiên đấu giá là chiếc máy tính Apple Lisa-1 nguyên bản được sản xuất năm 1983 vẫn còn hoạt động rất tốt. Lisa-1 rất hiếm bởi 90% người mua đã nhanh chóng được nâng cấp lên Lisa-2. Đây là chiếc máy tính thứ 2 trên thị trường lúc bấy giờ sở hữu giao diện người dùng đồ họa (GUI) và ban đầu nó được Apple bán với giá 9.995 USD.

Chiếc máy tính được đem đấu giá vẫn hoạt động bình thường mặc dù đã có gần 30 năm tuổi. Ổ cứng Apple Profile dung lượng 5 MB gắn ngoài vẫn chạy tốt giúp nó khởi động thành công vào hệ điều hành LOS 1.0. Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả và cũng là độ "chất" của chiếc máy tính này là 2 ổ đĩa mềm Apple FireWare 5,25" (ổ Twiggy) dùng một loại đĩa diskette đặc biệt có dung lượng 871 kB. Đi kèm với Lisa-1 là sách hướng dẫn sử dụng (Owner's Guide) nguyên bản, một con chuột 1 nút Lisa-1 và một số đĩa Twiggy chứa hệ điều hành.

Theo Breker thì chỉ có khoảng 30/100 chiếc Apple Lisa-1 còn tồn tại đến ngày nay và chiếc máy trong video trên sẽ được đấu giá từ 38.000 USD.



Máy tính Pascaline:

Cách đây vài thế kỷ, nhà toán học, vật lý và triết học người Pháp - Blaise Pascal đã dành ra 3 năm phát triển và thử nghiệm rất nhiều nguyên mẫu của chiếc máy tính có tên gọi Pascal's calculator, sau này đổi thành Pascaline. Đây là một chiếc máy tính cơ học được Pascal giới thiệu năm 1645 và nó có thể cộng/trừ 2 con số trực tiếp và nhân/chia lặp lại. Chiếc đầu tiên được Pascal dành tặng cho Piere Seguier - thủ tướng Pháp lúc bấy giờ. Sau đó ông tiếp tục chế tạo thêm khoảng 20 chiếc nữa trong suốt 1 thập kỷ và hiện tại chỉ còn khoảng 9 chiếc trên toàn thế giới, hầu hết đều được trưng bày tại các bảo tàng ở châu Âu.

Chiếc máy được rao bán không phải là 1 trong 9 chiếc nói trên mà là một bản sao vào đầu thế kỷ 20. Bản sao này được cho là giống y hệt với bản gốc, chỉ có vài khác biệt nho nhỏ về thiết kế bao gồm cỡ chữ chạm trổ lớn hơn, sử dụng các con ốc được giới thiệu lần đầu năm 1919 và một nhãn viết tay sao chép lại trên giấy cũ. Giá khởi điểm cho chiếc máy tính này là 23.000 USD.



Máy "photocopy" đầu tiên của James Watt:

Lùi xa hơn về quá khứ, năm 1780, nhà phát minh người Anh - James Watt đã được cấp bằng sáng chế cho một thiết bị được xem là chiếc máy in sao chép đầu tiên. Trước khi máy đánh chữ được phát hanh, thiết bị này là cách duy nhất để sao chép các ký tự viết tay hay biểu đồ ra một tờ giấy khác. Thiết bị là một chiếc hộp bằng gỗ dái ngựa hình chữ nhật, bên ngoài có các họa tiết bằng đồng thau. Khi mở ra, mặt trong của nắp hộp (nửa bên trái) là tấm bảng ghi nơi văn bản sẽ được soạn bằng một loại mực đặc biệt. Mặt trong của hộp (nửa bên phải) chứa một cặp con lăn quay tay bằng đồng thau. Để sao chép, người ta đặt một tờ giấy ẩm lên tấm bảng có văn bản gốc và dùng con lăn để lăn cho chữ in vào mặt giấy. Dĩ nhiên là toàn bộ văn bản sẽ bị ngược nhưng nó vẫn có thể đọc được khi lật mặt kia của tờ giấy lại.

Thiết kế của James Watt đã rất thành công khi thương mại hóa sản phẩm và thiết bị tiếp tục được sử dụng trong nhiều năm sau đó. 2 tổng thống Mỹ Geogre Washington và Thomas Jefferson đều sử dụng chiếc máy in sao chép này.



Máy mật mã Enigma của Đức năm 1944:

Enigma là một loại máy mật mã rô-tơ cơ điện dùng để mã hóa và giải mã các thông điệp bí mật. Nó được phát minh bởi kỹ sư người Đức - Arthur Scherbius vào cuối chiến tranh thế giới I. Những mẫu Enigma đầu tiên được sử dụng thương mại từ đầu những năm 1920 và sau đó được quân đội và chính phủ nhiều nước khai thác, trong đáng chú ý nhất là Đức Quốc Xã trước chiến tranh thế giới II. Mặc dù được sản xuất dưới nhiều model nhưng phiên bản Enigma cho quân đội Đức luôn là chủ đề được bàn tán sôi nổi.

Bởi lẽ, quân đồng minh gần như không thể giải mã các thông điệp mã hóa được gởi và nhận bởi những chiếc máy Enigma của Đức Quốc Xã. Lật lại lịch sử, tháng 12 năm 1932, Cục mật mã Ba Lan đã lần đầu tiên bẻ khóa các thông điệp gởi từ máy Enigma của Đức. 5 tuần trước khi chiến tranh thế giới II nổ ra, Ba Lan đã trình diễn các kỹ thuật giải mã Enigma và trang bị cho bộ phận tình báo quân đội của Pháp và Anh tại Warsaw. Từ năm 1938 trở đi, độ phức tạp liên tục được bổ sung vào các máy Enigma khiến công tác mã hóa bước đầu không mấy thành công. Sau này, Ba Lan đã khám phá ra các yếu tố sống còn của hệ thống Enigma và tiết lộ cho Anh. Từ đó, các chuyên gia giải mã của Anh đã có thể giải mã một lượng lớn thông điệp được gởi từ Enigma và chiến sự tại châu Âu đã kết thúc sớm hơn 2 năm.

Mặc dù Enigma vẫn có một số điểm yếu mật mã nhưng trên thực tế, chỉ có sự kết hợp giữa những lỗ hổng thủ tục, sai sót vận hành, sự rò rỉ về phần cứng mới giúp các chuyên gia mã hóa của quân đồng minh khai thác thành công.

Tại phiên đấu giá tới, Breker sẽ tạo cơ hội cho các nhà sưu tập sở hữu một chiếc Enigma 3 rô-tơ còn hoạt động hoàn toàn.



Máy nghe nhạc đĩa than Buddha Phonographes Artistiques:


Dĩ nhiên cuộc triển lãm nào cũng sẽ có một vài món đồ "độc lạ" và cụ thể là một chiếc máy nghe nhạc đĩa than có phần loa rời hình Đức Phật. Chiếc máy được cấp bằng sáng chế vào năm 1924 cho Gonzalez de Yrarrazazeel tại Anh và Pháp và được sản xuất bởi Andia, Paris & Bruxelles.