Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Một "phản kháng" với nhiếp ảnh lạm dụng kỹ thuật số đương đại

Trong sưu tập về các nghệ sĩ nhiếp ảnh, tôi xin giới thiệu với các bạn một nghệ sĩ độc đáo - Zhang Dali - người đã thực hiện một triển lãm ảnh mang tên “World’s Shadows” (tạm dịch là bóng của thế giới) để “phản kháng” một thực trạng mà ai cũng thấy trong thời đại công nghệ số và thông tin tràn ngập ngày nay, đó là quá nô lệ và lạm dụng kỹ thuật số trong chụp ảnh và phần mềm xử lý hậu kỳ. Zhang Dali là nhiếp ảnh gia Beijing được quốc tế công nhận, có nhiều dự án lớn gần đây mang đầy giá trị nhân văn được đánh giá cao. Ông đi ngược lại dòng chảy xoáy của lối suy nghĩ trong nhiếp ảnh hiện đại và trào lưu nhiếp ảnh ở môi trường ông sống. Dự án "Bóng của thế giới" được ông thực hiện trong suốt 3 năm. Tóm lại các lý do thúc đẩy Zhang Dali thực hiện dự án là:

droppedImage_3
Tác phẩm "Boy and Girl on bicycle"
  1. Ông sử dụng kỹ thuật phóng ảnh cực kỳ lỗi thời để nói đến thời kỹ thuật số hiện đại và việc lạm dụng xử lý hậu kỳ làm người ta không còn phân biệt ranh giới giữa thực và ảo.
  2. Toàn thế giới đang bị nhấn chìm bởi thông tin cực nhanh, nhưng nguồn gốc thông tin lại không chắc chắn là chính xác và có rất nhiều sai lệch cũng như phóng đại hoặc cắt ghép.
  3. Giới nghệ sĩ nhiếp ảnh càng ngày càng phụ thuộc kỹ thuật số, họ phơi sáng trong studio, bị lừa dối bởi các kỹ thuật đồ hoạ, họ đi quá xa so với sự thật của cuộc sống và công việc.
Với lý do thứ nhất, ông sử dụng kỹ thuật nhiếp ảnh cực kỳ cổ điển, gần như đó là kỹ thuật sơ khai ban đầu của nguyên lý nhiếp ảnh, đó là kỹ thuật photograms (nhiếp ảnh không dùng máy ảnh) và cyanotypes (in ảnh màu xanh đơn sắc). Công thức Cyanotype cơ bản là không thay đổi nhiều kể từ khi ông tổ John Herschel giới thiệu nó vào năm 1842 (3 năm sau khi nhiếp ảnh ra đời). Herschel tìm ra kỹ thuật sửa lỗi ám xanh trong thời gian dài trước đó, sử dụng clorua chứa sắt thay vì clorua bạc. Sau đó bà Atkins là người đầu tiên ứng dụng kỹ thuật in trên nền tảng sắt bằng việc đặt các mẫu tảo biển phơi khô trực tiếp lên giấy ảnh. Và, Zhang là người đầu tiên sử dụng vật thể, vật sống trực tiếp trên tấm vải bông khổ lớn. Ảnh của ông không chỉ là vật tĩnh mà cả động vật, côn trùng và cả con người chuyển động. Ông làm sống lại một kỹ thuật cổ điển của nhiếp ảnh đã yên nghỉ cả trăm năm nay.

droppedImage_4

Thay vì dùng giấy ảnh phủ sẵn lớp bạc để in ảnh trong buồng tối thì ông dùng tấm vải bông khổ lớn đã được ngâm trong một dung dịch cảm quang theo công thức hoá chất truyền thống. Khi tấm vải bông phủ hoá chất được phơi khô, hình ảnh được tạo ra bằng cách đặt đồ vật phía trước hoặc lên trên bề mặt của tấm vải được chụp, rồi phơi sáng vài phút dưới ánh mặt trời. Quá trình này sẽ giúp xuất hiện hình ảnh của vật thể dần dần dưới dạng hình thù âm bản. Khu vực trên tấm vải bông bị đồ vật che phủ tuỳ vào mức độ che phủ sẽ để lại những khoảng hình màu trắng, còn lại phần nền bị ánh sáng mặt trời đốt trực tiếp sẽ tạo thành màu xanh tuỳ mức độ rõ mờ của các đối tượng trên mặt vải khác nhau.

Hình bóng âm bản là hiện hữu cách nào đó sự tồn tại của vật thể. Chúng không phải là bản sao chép của hữu thể hiện hữu mà là sự phản chiếu sự tồn tại của hữu thể. Chúng chính là sự khẳng định sự thật các hữu thể đã hiện hữu và chiếm hữu không gian dưới ánh sáng mặt trời. Những gì con người có thể cảm nhận chỉ là một phần nhỏ của thế giới hữu thể hiện hữu, của vũ trụ này, dẫu ai đó có thể cảm nhận nhiều đến mức nào thì cũng không thể là toàn bộ. Sự phản chiếu hình ảnh tồn tại của vật chất đó chỉ là thoáng nhanh của thời gian trong không gian, nhưng với kỹ thuật photograms, tác giả lưu giữ được chính hình bóng đó trong thời gian dài hơn để mọi người có thể ngắm nhìn sự hiện hữu của hữu thể rất thật. Hơn nữa, với kỹ thuật cổ điển này, đôi khi kết quả hình ảnh thu được rất bất ngờ tuỳ vào sự tương tác của chất liệu phủ hoá chất với ánh sáng. Hình ảnh lưu lại đó chính là phần hồn của vật chất trong thế giới thực tại.

proportional_710_world07-sma_l

Dường như tác giả muốn đảm bảo tính xác thực nguyên bản của hiện tượng, phương pháp nhiếp ảnh theo hướng chủ nghĩa tự nhiên, và hình ảnh thu được giúp tác giả tiến gần đến vẻ đẹp của chân lý (sự thật) hơn. Nói cách khác, Zhang Dali muốn tạo ra những hình ảnh độc bản và không thể chỉnh sửa. Mỗi tác phẩm của ông là một lời phản kháng lại nhiếp ảnh lạm dụng kỹ thuật số, xa rời thực tế. Kỹ thuật Zhang sử dụng như thổi vào ảnh một tinh thần thực hành thử nghiệm của nghệ thuật đương đại, làm cho nó trở nên sống động lạ kỳ, chứa chất những suy tưởng băn khoăn của con người đương đại, vừa hết sức gần gũi với đời sống hiện thực nhưng cũng đầy biến ảo mang đậm chất nhân văn.

Zhang-Dali-and-His-Works

Ông tâm sự rằng cuộc sống đương đại đang làm cho người ta trở thành cư sĩ, ẩn sĩ và chỉ di chuyển trong ngôi nhà bê tông và sắt thép khổng lồ. Nếu có ra ngoài, người ta nhảy vào xe và trôi trong dòng chảy của kim loại không ngừng. Dự án Bóng của thế giới là một lời tuyên ngôn về vẻ đẹp thuần khiết không hề bị can thiệp hay chỉnh sửa trong thời đại kỹ thuật số, thời đại mà mọi hình ảnh truyền thông đều khó có thể đạt sự khả tín về tính nguyên bản và chân thực. Những tác phẩm của Zhang Da Li là một tiếng nói độc đáo góp phần vào sự phát triển phong phú về chất liệu và quan niệm của nghệ thuật đương đại nói chung.

Zhang Dali được biết đến với nhiều dự án nhiếp ảnh. Ông lên tiếng việc lạm dụng nghệ thuật nhiếp ảnh sắp đặt và chỉnh sửa sự thật trong nhiếp ảnh, đặc biệt trong hệ thống truyền thông. Ông đưa ra nhiều minh chứng và những tác phẩm đi lùi lại để đạt đến sự chân thực của chính mình. Những tác phẩm của ông đã được nhiều người xem và ủng hộ.

Zhang_Dali-AK-47
Tác phẩm AK47 - chủ nghĩa sắp đặt



Zhang-Dali-4
Zhang trong dự án nhiếp ảnh "Phá Dỡ"

Tìm kiếm sự thật, tìm kiếm điều tốt, tìm kiếm cái đẹp là tìm kiếm ba cái cơ bản của con người, hướng về chân thiện mỹ. Tưởng rằng nhiếp ảnh chỉ là tìm kiếm, lưu giữ, mong gặp được cái đẹp trong thiên nhiên vạn vật, trong cuộc sống chuyển động, trong tâm hồn biến chuyển mỗi ngày, nhiếp ảnh còn phải tiến gần đến chân lý - tức là sự thật. Cái đẹp trong sự thật mới là cái phải đạt đến. Và, xa hơn, cao hơn, cuối cùng hơn là cái đẹp trong sự thật tuyệt đối! Hy vọng tác giả này, bài viết này sẽ là tiếng nói khe khẽ nhưng đủ để chúng ta, nhưng ai yêu thích môn nhiếp ảnh có cách riêng của mình trong hành trình tìm, lưu giữ, bảo tồn vẻ đẹp chân thực.


Nguồn tham khảo:
http://www.saatchi-gallery.co.uk/artists/zhang_dali.htm
http://en.cafa.com.cn/worlds-shadows-zhang-dali-solo-exhibition.html
http://www.chinaphotoeducation.com/Carol_China/Zhang_Dali.html
http://www.alternativephotography.com/wp/processes/cyanotype/cyanotype-classic-process