Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Sử dụng tính năng đa người dùng Multi User và Restricted Profiles của tablet Android 4.2 / 4.3

Google_Android_4_3_Multi_Users_Restricted_Profiles_6.

Khi Android 4.2 ra mắt, Google đã bổ sung cho các máy tính bảng chạy hệ điều hành này một tính năng mới mang tên Multi Users. Nó cho phép chúng ta tạo ra nhiều tài khoản người dùng trên cùng một thiết bị duy nhất. Đến Android 4.3, Google thêm một tính năng tương tự, Restricted Profiles, nhưng điểm khác biệt nằm ở chỗ người quản trị sẽ có quyền giới hạn các ứng dụng mà tài khoản được phép sử dụng, phù hợp hơn để nhiều người cùng chia sẻ chung một chiếc máy tính bảng.


Vậy ứng dụng thực tế của hai tính năng nói trên là gì? Giả sử mình có một chiếc tablet Nexus 7 được dùng chung trong nhà, mình muốn mỗi người dùng phải độc lập với những người còn lại, không ai được thấy nội dung của những người còn lại. Với Android cũ thì chúng ta không có cách nào để phân chia, còn với Android 4.2 và 4.3 thì có Multi Users. Mình sẽ tạo cho đứa em của mình một tài khoản, cho bố mình một cái, mẹ một cái, vợ một cái. Mỗi tài khoản như thế sẽ có một vùng chứa dữ liệu độc lập nên đảm bảo tính riêng tư và sự bảo mật.

Còn nếu như mình không muốn tạo nhiều tài khoản hoàn toàn độc lập như trên mà chỉ muốn có những tài khoản nhỏ được phép dùng một số app hiện có sẵn thì đây là lúc cần đến Restricted Profiles. Cũng lấy ví dụ bên trên, bây giờ mình chỉ muốn đứa em được phép chơi game, không được chạy trình duyệt và camera. Trong trường hợp này, Restricted Profiles sẽ cho phép mình cấp quyền chạy các game cho nhóc em, còn trình duyệt và app chụp ảnh sẽ bị vô hiệu hóa.

Bạn cũng có thể áp dụng Restricted Profiles vào kinh doanh nữa. Giả sử như công ty bạn dùng tablet Android để thu thập thông tin khách hàng, khi đó bạn có thể thiếp lập rằng nhân viên chỉ có thể chạy được một số app nhất định mà thôi (trình duyệt, app nhập liệu, app ghi chú, chụp ảnh), còn những phần mềm khác thì không. Hoặc chẳng hạn như bạn có một cửa hàng kinh doanh và bạn xài tablet Android để trình diễn mẫu mã cho khách xem, khi đó bạn có thể giới hạn rằng khách chỉ có thể chạy đúng app catolog do bạn quy định mà thôi, không được làm những thứ khác.

Bây giờ là lúc tiến hành thiết lập. Trước tiên mình sẽ nói về Multi Users nhé. Để có thể thêm tài khoản mới vào máy, bạn cần vào phần Settings > Users. Tại đây bạn sẽ thấy được tài khoản hiện tại của mình, kèm theo đó là một dòng chữ với nội dung "Add user or profile" và một dấu cộng, nhấn vào đây. Máy sẽ hỏi chúng ta là thêm người dùng "Users" hay thêm "Restricted Profiles", thì chọn User, phần kia mình sẽ nói đến sau. Xin nhớ rằng bạn có thể tạo tối đa 8 người dùng đấy nhé.

Google_Android_4_3_Multi_Users_Restricted_Profiles_3.

Ngay sau đó, một tài khoản mới sẽ được tạo ra, bạn nhấn tiếp nút OK để tiếp tục. Máy sẽ hỏi rằng chúng ta có muốn thiết lập cấu hình cho tài khoản mới luôn hay không, đây là lúc bạn cần phải đưa tablet của mình cho người mà bạn mới tạo giúp tài khoản (hoặc bạn tự làm luôn cũng được). Quá trình cấu hình y hệt như lúc chúng ta mới mua máy về, đó là đăng nhập vào tài khoản Google, thiết lập Google Play, chế độ sao lưu. Sau đó, người dùng này có thể sử dụng tablet một cách bình thường, và họ cũng có quyền cài đặt khóa màn hình cho riêng mình để tránh bị người khác nhòm ngó.

Google_Android_4_3_Multi_Users_Restricted_Profiles_1.

Như đã nói ở trên, do mỗi tài khoản có một khu vực lưu dữ liệu riêng nên tất cả những app nào mà bạn đã cài sẵn trên máy dưới danh nghĩa tài khoản của mình thì sẽ không hiện ra khi những người dùng khác xài máy.

Còn để đăng nhập ra khỏi một người nào đó, bạn hãy kéo thanh Quick Settings (đặt ngón tay ở nửa bên phải của cạnh trên màn hình tablet và vuốt xuống), chạm vào tên của người dùng. Ngay lập tức bạn sẽ được đưa về màn hình khóa và có thể chọn user khác.

Google_Android_4_3_Multi_Users_Restricted_Profiles_7.

Google_Android_4_3_Multi_Users_Restricted_Profiles_2.
Khi đã ra trở lại màn hình khóa, bạn (hoặc người nào đó sử dụng máy) có thể chọn tài khoản để đăng nhập

Bây giờ là cách thêm Restricted Profiles. Chúng ta cũng vào lại Settings > Users như bên trên, nhấn nút Add user or profile, chọn "Restricted Profiles". Nếu chưa thiết lập khóa màn hình cho tài khoản quản trị, bạn sẽ được yêu cầu làm việc này.

Ở bước kế tiếp, chúng ta có thể bật tắt những ứng dụng nào mà profile mới tạo có thể sử dụng. Như ví dụ ở trên với nhóc em, mình sẽ bật các game lên mà thôi, còn lại tắt hết. Còn ở ví dụ với công ty, bạn chỉ bật app nhập liệu của mình, còn những app khác sẽ bị vô hiệu hóa để đảm bảo nhân viên không chơi game trong giờ làm việc chẳng hạn. Bạn cũng có thể đặt tên cho profile này bằng cách nhấn vào dòng trên cùng của màn hình có chữ "Restricted Profile". Nếu muốn có thể chọn hình đại diện nữa. Sau khi đã hoàn tất thì bạn nhấn nút Back để quay về, còn thao tác đăng xuất, đăng nhập thì hoàn toàn giống với Multi User.

Google_Android_4_3_Multi_Users_Restricted_Profiles_4.

Ngoài ra, nếu để ý thì bạn có thể thấy rằng ở mục Settings trong lúc chúng ta đang thiết lập quyền chạy app cho Restricted Profile có một biểu tượng cấu hình nhỏ nhỏ bên cạnh công tắc On-Off. Đó là nơi để truy cập vào một tính năng phụ gọi là Granular Control. Nó sẽ chúng ta phân quyền sâu hơn đối với một app nào đó, ví dụ trong phần Settings ở trên thì có thêm tùy chọn nhỏ đó là cho phép ứng dụng tự thu thập dữ liệu địa điểm. Trong một ứng dụng mà Google trình diễn hồi ra mắt Android 4.3, hãng có thể tắt bật tùy chọn in-app purchase cho một ứng dụng nhất định nào đó.

Đáng tiếc rằng ở thời điểm hiện tại, không nhiều ứng dụng bên thứ ba được tích hợp Ganular Control bởi hàm API để sử dụng tính năng này còn quá mới mẻ, ngay cả những app chính chủ từ Google cũng chẳng có mấy app được tích hợp.

Google_Android_4_3_Multi_Users_Restricted_Profiles_5.

Bên cạnh đó còn có một số ứng dụng không hỗ trợ cho Restricted Profile, tức là profile bạn tạo ra sẽ không bao giờ có thể chạy được các phần mềm đó, mà trong ảnh bên trên thì Calendar là một ví dụ. Dropbox cũng gặp tình trạng tương tự.

Một số Lưu ý với Restricted Profiles và khác biệt so với Multi Users:
  • Restricted Profile chỉ được phép dùng những app do bạn chỉ định, không thể cài thêm, không thể tự mình đăng nhập Google Account, cũng không được mua nội dung bên trong app (in-app purchase) thông qua Google Play. Trong khi đó, Multi Users có thể làm tất cả những việc này.
  • Cả Restricted Profiles và Multi Users đều có quyền tắt bật các kết nối của máy, chẳng hạn như Wi-Fi, 3G, NFC, Bluetooth. Việc bật tắt của tài khoản này sẽ ảnh hưởng đến tài khoản khác (và bạn sẽ phải bật lại khi cần)
  • Hình nền và một số cấu hình cơ bản của tài khoản quản trị vẫn sẽ được giữ nguyên với các Restricted Profiles sau khi thiết lập, còn tài khoản Multi User thì sẽ được làm mới hoàn toàn.
  • Cả tài khoản Restricted Profiles lẫn tài khoản Multi User đều không được phép thêm người dùng mới vào hệ thống
  • Tính năng Restricted Profiles và Multi User chỉ có trên máy tính bảng Android, chưa có trên điện thoại