Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Đánh giá Nokia X: khi Asha, Android và WP kết duyên

TINHTE.VN-NOKIA-X-500.

Sản phẩm của Nokia có đặc điểm là luôn đổi mới. Những cái mới chưa biết nên khen hay chê nhưng trước tiên nó đã tạo được ưu điểm về sự khác biệt so với hàng ngàn sản phẩm khác đang có mặt trên thị trường. Là ma mới trên thị trường điện thoại Android với 3 sản phẩm Nokia X/X+ và XL, Nokia đã kết hợp cả 3 nền tảng hệ điều hành lại với nhau bao gồm Asha, Windows Phone và Android để tạo nên một giao diện hết sức riêng cho sản phẩm của mình. Mời các bạn đọc tiếp bài đánh giá Nokia X bên dưới và xem coi nó có đáng để chúng ta từ bỏ những thói quen thường ngày với Android "nguyên chất" và chuyển sang dùng một chiếc "Lumia 520 chạy Android" hay không.

Thiết kế cao cấp trên một chiếc máy phổ thông
Trước hết ta hãy xem qua cách thiết kế của máy trước. Nokia X có các cạnh rất vuông vức cho nên mặc dù khá dày nhưng máy vẫn có nét đẹp riêng của nó. Nhìn X giống như một chiếc hộp nhỏ, cộng với màu sắc phong phú xanh đỏ tím vàng càng làm cho máy trở nên nổi bật giữa đám đông.

tinhte.vn-nokia-x-5.
Thời trang và cá tính là hai yếu tố rất được Nokia coi trọng, thay vì đi theo lối mòn làm máy vỏ nhựa, màu sắc trắng đen, bo tròn trên dưới thì Nokia đã tiên phong (phải không nhỉ?) cung cấp thêm nhiều màu sắc sặc sỡ và đẹp. Vỏ cũng là nhựa nhưng nó là nhựa PolyCarbonate, vừa có khả năng chống trầy tốt vừa đảm bảo mang lại cảm giác cầm rất khác so với nhựa thông thường. Thiết kế này đã được Nokia áp dụng trên rất nhiều máy cao cấp của họ.

Cũng cần phải nói rằng Nokia X tuy là sản phẩm chiến lược trong năm nay của Nokia nhưng nó là máy giá rẻ, hay nói chính xác hơn là một chiếc smartphone có giá bán rất phổ thông (2,6 triệu). Tuy cấu hình không cao nhưng chính yếu tố thẩm mỹ sẽ giúp bù đắp lại nhược điểm này.

tinhte.vn-nokia-x-7.

Quay trở lại thiết kế của Nokia X, xung quanh thân máy chỉ cổng sạc micro USB ở cạnh dưới, cổng tai nghe 3.5mm ở cạnh trên, phím nguồn và phím âm lượng ở cạnh phải. Hai khe SIM và thẻ nhớ được đặt ở mặt sau, bên dưới nắp lưng. Các phím cứng của máy được làm rất tốt, độ nổi cao và dễ bấm, cảm giác bấm phím rất chắc chắc và tự tin. Máy được hoàn thiện đẹp và rất sắc sảo, nhìn bằng cảm quang thì không hề thấy bất cứ một lỗi lầm nào trong thiết kế.

Bao bọc toàn bộ mặt sau và lan ra bốn cạnh của máy là một tấm vỏ làm bằng nhựa nguyên khối, không hề có một mối nối hay đường chỉ ghép nào cả. Thiết kế nguyên khối giúp máy đẹp và chắc chắn hơn rất nhiều so với thiết kế thông thường. Tuy nhiên cũng có cái dở là bạn phải học cách tháo nắp máy ra để lắp SIM và thẻ nhớ. Để tháo cái nắp này, bạn dùng ngón tay cái đẩy mạnh một trong bốn góc của máy để nó tách ra khỏi phần thân, sau đó tách tiếp góc bên cạnh và lấy vỏ ra. Hơi khó khăn một chút nhưng đó là cái giá bạn phải trả cho một chiếc máy có thết kế Unibody.

tinhte.vn-nokia-x-4.

Nokia X có tổng cộng 6 màu: Xanh lá, Xanh dương, Vàng, Đỏ, Trắng và Đen. Mình khuyên các bạn nên chọn màu tươi chứ đừng nên chọn Trắng/Đen vì sẽ vô tình làm mất đi vẻ đẹp của Nokia X. Đây là một ưu điểm rất lớn về sản phẩm của Nokia mà nếu bạn bỏ qua, người khác khi nhìn vào chỉ thấy bạn đang cầm một chiếc điện thoại hết sức bình thường và không có gì nổi bật. Hãy mạnh dạn để màu sắc của chiếc máy làm điểm nhấn cho bản thân của mình.

Sự biến mất của nút Home
Đặc điểm tiếp theo lại là một nhược điểm: máy không có nút Home. Muốn nhấn Home bạn phải nhấn giữ phím Back, cũng là phím duy nhất ở mặt trước của máy. Trước nay người dùng Android đã quen với việc có phím Home (phím cứng lẫn phím ảo), các phím ảo khác có thể thay đổi hoặc không có nhưng phím Home là một thứ bắt buộc. Thế mà trên Nokia X, hãng đã dám bỏ nó đi. Thay vào đó, mặt trước của máy chỉ có một phím ảo duy nhất đó là phím Back, nằm bên dưới màn hình.

tinhte.vn-nokia-x-6.
Phím ảo duy nhất của Nokia là phím Back

Phím Back sẽ đóng luôn vai trò của nút Home (vả kể cả nút Recent, Option). Khi bạn nhấn nó một cái, nó sẽ là phím Back, còn khi nhấn giữ khoảng 1 giây thì nó là phím Home. Như vậy, từ giờ muốn trở ra màn hình chính hay thoát ứng dụng là bạn phải tốn 1 giây để nhấn và giữ phím Back. Nhưng khoan đã, Nokia đã tính tới chuyện này và cung cấp cho chúng ta một nút Home ảo khác còn hay hơn bình thường. Khi muốn đóng ứng dụng để thoát ra ngoài, bạn chỉ cần vuốt từ cạnh trái hoặc phải của màn hình, ứng dụng đó sẽ ẩn đi và đưa bạn trở ra màn hình chính. Theo mình thì cách này còn nhanh hơn cả việc dùng phím Home. Tuy nhiên không phải ứng dụng nào cũng vuốt như vậy được và buộc chúng ta phải dùng phím Back. Ví dụ như Facebook vì khi quét từ trái qua nó sẽ mở menu định hướng của phần mềm còn vuốt từ phải thì nó mở danh sách chat.

Như vậy là vấn đề nút Home đã được giải quyết một phần, giờ tới phần nút menu (Options), Nokia X không có phím này nhưng đã nhanh nhẩu thay thế nó bằng một thao tác vuốt khác đó là vuốt từ dưới màn hình lên. Trong bất kỳ ứng dụng nào, bạn chỉ cần vuốt từ cạnh dưới lên thì menu cài đặt của nó sẽ hiện ra ngay, giống như khi ta nhấn nút menu.

tinhte.vn-control.
Vuốt từ trên xuống để hiện thanh điều khiển, vuốt từ dưới lên để hiện Options

Vậy còn nút Recent thì sao (hiện các ứng dụng đang chạy)? Nút này giờ cũng hơi hiếm vì thường các hãng sẽ tích hợp nó vào trong nút Home hoặc Options và kích hoạt bằng cách nhấn giữ hoặc nhấn hai lần các phím đó. Còn trên Nokia X thì nó được tích hợp vào cái phím duy nhất kia, tức là nút Back. Khi ở màn hình chính, bạn nhấn nút Back thì nó sẽ hiện ra danh sách các ứng dụng đang chạy gần đây và đó chính là giao diện Fastlane của Nokia. Bạn cũng có thể truy cập nhanh Fastlane từ màn hình ngoài bằng cách vuốt màn hình sang trái hoặc phải.

tinhte.vn-nokia-x-scr-fastlane.
Giao diện Fastlane của Nokia X

Nhìn chung, có vẻ như Nokia đang muốn đơn giản hóa mọi thứ có thể. Loại bỏ hầu hết các phím cơ bản và thay vào đó là các thao tác vuốt trượt. Cách này hay hơn vì nó giúp chúng ta di chuyển rất nhanh trong màn hình của máy mặc dù vẫn còn một vài bất tiện nhỏ.

Giao diện người dùng: Asha - Android - WP giao duyên
Hãy quên Homescreen và App Drawer quen thuộc đi vì trên Nokia X chúng ta có một giao diện của… Windows Phone. Thật vậy, từ cách thiết kế, sắp xếp cho đến màu sắc các thứ đều y chang những máy Lumia. Phần đầu mình có nói giao diện của Nokia X là sự kết hợp giữa Asha, Android và WP là như vậy.

tinhte.vn-nokia-x-3.
Giao diện ô giống như LiveTile của WP8

Màn hình khóa của máy cũng bình thường với các thông tin ngày giờ cơ bản, đặc biệt các thông báo Notifications cũng được đưa ra màn hình này hết và bạn có thể cuộn lên xuống để xem nếu có quá nhiều. Để mở khóa, bạn chỉ cần quét màn hình sang trái hoặc sang phải.

tinhte.vn-nokia-x-9.
Màn hình khóa của Nokia X với các thông báo Notifications

Từ đây bạn sẽ thấy cái gọi là máy Android dùng giao diện của WP. Các ứng dụng được xếp theo ô và kéo dài từ trên xuống dưới, mỗi hàng 3 ô icon, mỗi icon đều có một cái ô hình vuông rất to nằm bên dưới giống như ô LiveTile của WP và bạn có thể phóng to/thu nhỏ mỗi icon để sắp xếp sao cho đẹp. Chưa hết, Nokia còn bê luôn cả nhược điểm của WP sang Nokia X đó là không thể cài đặt hình nền. Bạn chỉ có thể đặt hình nền cho màn hình khóa, còn trong màn hình chính chỉ là một màu đen huyền bí với các icon đầy màu sắc mà thôi.

Từ màn hình chính, khi bạn vuốt sang trái hoặc sáng phải thì sẽ chuyển sang khu vực Fastlane, đây là nơi liệt kê các ứng dụng đang chạy hoặc được mở gần đây và nó chi tiết hơn rất nhiều so với giao diện Recent của các máy Android truyền thống. Nó giống như khu vực Notifications vậy, bên trong liệt kê những tấm hình vừa mới chụp, số gọi nhỡ, nội dung tin nhắn, chat, thumbnail trình duyệt web… Còn khi kéo từ trên màn hình xuống thì chỉ có các nút điều khiển Wi-Fi, Bluetooth, Data và chế độ im lặng.

Nokia X có giao diện tiếng Việt và bộ gõ tiếng Việt. Bộ gõ này giống với các máy Lumia chạy WP, nó không phải Telex nhưng cách gõ thì nhanh hơn vì có khả năng đoán từ khá chính xác. Nếu bạn đã và đang xài Lumia thì sẽ thấy rất quen với bàn phím của Nokia X. Nhưng có một điểm chưa hay đó là bàn phím trên Nokia X hơi bé nên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tốc độ gõ chữ của bạn.

tinhte.vn-nokia-x-keyboard.
Màn hình ngon cho một chiếc máy rẻ
Chúng ta không thể yêu cầu một màn hình chất lượng cao ở cái giá dưới 3 triệu nhưng có quyền đòi hỏi nó phải đủ dùng và không gây ra quá nhiều khó chịu. Bởi vì màn hình là thứ chúng ta phải nhìn hàng ngày, hàng giờ nên đòi hỏi này là hoàn toàn hợp lý. Nhìn chung, mình thật sự cảm thấy hài lòng với màn hình của Nokia X, xứng đáng với số tiền phải bỏ ra để mua.

Màn hình của máy đáp ứng tốt các nhu cầu xem ảnh và lướt web cơ bản, không đẹp nhưng cũng không phải xấu. Nó có độ bão hòa màu sắc ở mức độ khá, màu sắc không quá nhạt so với thực tế và đặc biệt là có thể nhìn rõ dưới ánh nắng mặt trời. Nếu so với máy Galaxy Trend Lite hay thậm chí Trend Plus có giá bán cao hơn thì màn hình của Nokia X thật sự vượt trội hơn nhiều lần về các yếu tố độ tương phản và độ chính xác màu.

Camera
Nokia X có camera 3MP nhưng đáng tiếc là không có Auto Focus, tức là máy sẽ lấy nét hết toàn bộ từ xa đến gần, không thể chạm lên màn hình để chọn điểm lấy nét. Do đó bạn sẽ cảm thấy thất vọng nếu cố gắng chụp các vật thể ở khoảng cách gần. Máy chỉ thích hợp để chụp phong cảnh hoặc những nơi có không gian rộng, không phù hợp để chụp chân dung gần hay chụp marco.

Về tính năng, camera cho phép chúng ta nhận diện khuôn mặt, giảm noise, điều chỉnh độ tương phản, độ bão hòa, sắc nét, thay đổi cách đo sáng, tăng giảm EV, đổi cân bằng trắng và thêm hiệu ứng màu sắc cho tấm ảnh. Dưới đây là một vài hình mình chụp bằng Nokia X.



Hiệu năng... chậm
Nokia chạy khá chậm. Đây là điều chúng ta từng lo sợ nếu Nokia làm máy Android giá rẻ. Theo mình nghĩ, một trong những yếu tố tạo sự nên thành công của Lumia 520 trên toàn thế giới (về mặt doanh số) đó là giá bán rẻ nhưng vẫn có trải nghiệm tuyệt vời. Cấu hình máy không cao nhưng có thể chạy WP8 mượt mà. Trong khi đó Android thì không được như vậy, sẽ không có chuyện cấu hình bèo mà đòi chạy nhanh.

Mặc dù Nokia đã rất cố gắng trong việc tùy biến giao diện Nokia X cho giống với WP nhưng không vì thế mà làm cho máy chạy nhanh hơn được. Giao diện mặc dù khá mộc mạc và đơn sơ nhưng máy vẫn hoạt động khá chậm. Ví dụ như thời gian mở ứng dụng, độ mượt khi cuộn danh sách, độ trễ trong mỗi thao tác đều có vẻ nặng nề. Đây có lẽ là nhược điểm lớn nhất của Nokia X mà bản thân Nokia có muốn cũng khó mà khắc phục được vì bản chất của Android đã là như vậy.

Một yếu tố khác cũng được mình thử nghiệm trong phần hiệu năng đó là tốc độ lướt web. Nokia X được cài sẵn hai trình duyệt, một là Opera và cái còn lại là trình duyệt Nokia Browser. Về chức năng thì trình duyệt này cũng bèo như cái mặc định ở trên WP8, rất đơn sơ và chỉ gồm các chức năng Back và Refresh. Nokia Browser không hỗ trợ Flash nhưng chơi tốt một công nghệ mới hơn và hay hơn đó là HTML5. Các website lớn đều đang chuyển dần sang dùng công nghệ này để thay thế cho Flash vốn có bản chất nặng và cũ kỹ.

tinhte.vn-nokia-x-8.
Trình duyệt không hỗ trợ Flash nhưng chơi tốt HTML5

Sau cùng là một tính năng mình rất thích đó là nhấn hai lần lên màn hình để mở máy. Nhấn hai cái thì màn hình sẽ sáng lên, tuy nhiên bạn phải nhấn khá thô bạo thì máy mới hiểu, còn nếu chỉ nhấn nhẹ nhẹ thì máy không có phản ứng gì. Lý do: máy dùng cảm biến chuyển động để nhận biết chứ không phải cảm ứng màn hình, có nghĩa là nếu lắc nhẹ hai cái thì màn hình sẽ sáng lên, bạn có thể gõ lên màn hình hay gõ lên vỏ máy đều được.

Điểm benchmark bằng phần mềm AnTuTu tải trên Nokia Store là 7.364 điểm, cao hơn so với 6.861 điểm của Galaxy Trend Lite.

tinhte.vn-nokia-x-bench.

Kho ứng dụng
Thật nực cười khi một chiếc điện thoại Android lại không có Google Play và không dùng tài khoản Google. Lần đầu sử dụng Nokia X, máy sẽ đưa bạn thẳng vào giao diện chính mà không yêu cầu nhập thông tin tài khoản nào cả. Thậm chí bạn còn tải được ứng dụng từ Nokia Store mà không phải nhập bất cứ thông tin gì, kể cả tài khoản Nokia. Trước đây trên các máy Asha bạn phải nhập tài khoản Nokia thì mới tải được app trên Nokia Store. Trên máy Android thì phải nhập tài khoản của Google. Còn trên Nokia thì không cần nhập luôn!?!

tinhte.vn-nokia-x-1.

Mặc định, Nokia X sử dụng Nokia Store để làm kho ứng dụng cho máy giống như Google Play nhưng giao diện hơi khác một chút và số lượng phần mềm cũng ít hơn. Bởi vì các lập trình viên phải tự nộp ứng dụng của họ lên Nokia Store chứ Nokia không được quyền sao chép toàn bộ ứng dụng từ Google Play sang Nokia Store được. Được biết, 75% ứng dụng Android hiện giờ đã tương thích sẵn với Nokia X (X Platform), số còn lại cần 8 giờ để chuyển thể sau đó mới nộp lên Nokia Store được.

Xem thêm: [MWC 2014] Nokia: 75% ứng dụng Android tương thích sẵn với X Platform, số còn lại cần 8h chuyển thể.

tinhte.vn-nokia-x-2.

Việc không yêu cầu tài khoản để tải app có hạn chế là bạn sẽ không thể quản lý được số ứng dụng mà mình đã dùng. Tuy nhiên, mình nghĩ hiện trạng này cùng với việc chỉ mới có các ứng dụng miễn phí chỉ là tạm thời mà thôi. Nhất định sau này Nokia sẽ khắc phục bằng cách yêu cầu nhập tài khoản để quản lý, đồng thời có thêm các ứng dụng có phí một khi họ đã hoàn tất hệ thống thanh toán trên Nokia Store.

Việc cài ứng dụng cũng khá đơn giản, bạn cứ vào Nokia Store, chọn phần mềm rồi tải về. Bạn cũng có thể tải file .APK vào máy để cài đặt tuy nhiên mình không khuyến khích cách này vì nó tiềm tàng nhiều nguy hiểm về mặt an ninh. Còn nếu muốn cài Google Play thì bắt buộc phải root máy, Tinh Tế đã có hướng dẫn chi tiết tại đây: Hướng dẫn root và cài Google Play cho Nokia X.

Xem thêm: Cách cài phần mềm cho Nokia X.

Pin xài 1 ngày, thời gian chờ lâu
Cho đến thời điểm hiện tại thì chiếc Nokia X của mình đã chạy được 1 ngày 4 giờ và 24 phút (hơn 28 tiếng), pin còn 34% (tổng thời gian mở màn hình On-Screen gần 1 tiếng). Mình nhận thấy rằng nếu để máy ở chế độ chờ (Standby) không làm gì cả thì máy hao pin cực kỳ ít, ít hơn hẳn so với các máy khác. Đó là lý do tại sao máy của mình lại trụ được hơn 24 tiếng mà vẫn còn kha khá pin. Còn nếu sử dụng nhiều thì pin của máy vẫn đủ để hoạt động được hơn 1 ngày làm việc.

Máy khá mát trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên khi tải nặng (vừa chơi game vừa tải ứng dụng…) thì máy có ấm dần lên nhưng cũng chưa đến mức gây khó chịu cho tay chúng ta.

Có thể "sống" mà không có Google?
Nokia X không có Google, không có kho ứng dụng Google Play, không có bản đồ Google Maps, không thể đồng bộ danh bạ dễ dàng (khó hơn) như các máy Android khác. Vậy chúng ta phải làm sao? Có đáng mua Nokia X không và mua rồi thì phải giải quyết các vấn đề đó như thế nào? Câu trả lời là xử lý được hết mặc dù có phần phiền hà và phức tạp hơn bình thường. Cụ thể:
  • Không có Google Play: root máy rồi cài Google Play vào.
  • Không có bản đồ Google Maps: sau khi root máy rồi thì tìm file .APK của Google Maps cài vào hoặc dùng Nokia Maps để thay thế.
  • Đồng bộ danh bạ: thực ra vẫn đồng bộ được nhưng nó hơi khó khăn hơn bình thường, xem hướng dẫn: Một số cách đồng bộ danh bạ cho Nokia X.
Thực ra, hai điều cực kỳ quan trọng đối với một smartphone Android đó là Google Play và đồng bộ danh bạ, Nokia X đều giải quyết được hết mặc dù phải tốn một ít công sức vọc vạch. Cũng may là Tinh Tế đã có sẵn đầy đủ hướng dẫn cho anh em rồi :D Cho nên, Nokia X hoàn toàn có thể sống tốt với Android.

Kết luận
Có thể xem Nokia X là một chiếc Lumia 520 nhưng chạy trên Android vì có phần cứng tương đương nhau. Tuy nhiên, tốc độ của máy thì không thể nào bằng Lumia 520 được vì khác biệt về hệ điều hành. Máy chạy chậm là một đặc điểm đương nhiên của Andorid giá rẻ, không máy nào tránh được nhất là ở phân khúc dưới 3 triệu đồng. Mua Nokia X chúng ta được cái lợi lớn nhất đó là máy đẹp, chất lượng hoàn thiện cực kỳ tốt, nổi bật giữa đám đông nhưng cũng có cái nhược đó là giao diện người dùng bên trong lại quá đơn điệu và gặp một vài trở ngại về cái gọi là "hệ sinh thái Android". Tuy nhiên nếu trong tương lai Nokia có thể giải quyết triệt để bằng cách tích hợp hệ thống thanh toán ứng dụng và cập nhật số lượng phần mềm vào Nokia Store thì lúc đó người dùng sẽ bớt nặng gánh hơn trong việc xài chiếc điện thoại này.

Nhược điểm
  • Không có nút Home nhưng thay bằng cách thao tác vuốt trượt, nút Back kiêm luôn Home, Recent và Option.
  • Giao diện hơi đơn điệu, không thể cài đặt hình nền trong màn hình chính.
  • Máy chạy chậm
  • Không có sẵn Google Play (phải root)
Ưu điểm
  • Thiết kế đẹp
  • Chất lượng hoàn thiện tuyệt vời
  • Màn hình xem ngoài nắng tốt
  • Pin có thời gian chờ ấn tượng
Cấu hình phần cứng Nokia X:
  • Hệ điều hành: Nokia X Software Platform
  • Kích thước: 115,5 x 63 x 10,4 mm
  • Trọng lượng: 128,66 g
  • Màn hình: 4" tấm nền IPS, độ phân giải WVGA (800 x 480)
  • CPU: Qualcomm Snapdragon lõi kép 1 GHz
  • RAM: 512 MB
  • Bộ nhớ trong: 4 GB eMMC
  • Hỗ trợ thẻ nhớ microSD tối đa 32 GB
  • Camera: 3 MP, Fixed Focus
  • Kết nối: Bluetooth, Wi-Fi, GPS
  • Hỗ trợ 2 SIM, mạng EGSM 850/900/1800/1900 và WCDMA 900/2100
  • Pin: 1500 mAh
  • Màu: Xanh lục, xanh dương, vàng, đỏ, trắng, đen.