Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Thử tìm hiểu về khả năng của camera HTC One M8

M8 refocus 3.

Chiếc HTC One M8 mới được công bố có hai camera sau với khả năng chụp hình trước và lấy nét sau, thử tìm hiểu xem công nghệ nào mang lại điều này và hiệu quả của nó đến đâu.

Chúng ta biết rằng cảm quang của những chiếc điện thoại chụp ảnh khá nhỏ giúp gắn vừa thiết bị; và kết quả là nó cho ảnh với độ sâu khá lớn - hình chụp nét từ đằng trước ra đằng sau chứ không phân tách CHÍNH - PHỤ được như các ống kính chuyên dụng dành cho máy lớn. Tính chất này coi như không ảnh hưởng tới ảnh phong cảnh, sinh hoạt nhưng làm cho những hình chụp cần điểm nhấn như chụp chân dung, đặc tả ... kém phần sinh động.

Lytro cũng như các hãng điện thoại khác như Nokia, Samsung, Sony, LG đều có những cách khác nhau để "làm mờ" những chỗ không cần rõ, trong đó Nokia phải chụp nhiều tấm ghép lại, Lytro cho độ phân giải rất thấp, hay một số hãng làm mờ bằng hậu kỳ ... tóm lại chưa thực sự làm hài lòng người dùng.

Vậy M8 thì sao?

Năm 2013 Toshiba đã công bố cụm camera kép 5M vừa ghi hình vừa ghi được dữ liệu về khoảng cách từ máy tới các vật thể trong hình (depth data) để có thể xử lý hậu kỳ đa mục đích. Theo hình mà chúng ta có được từ Ifixit thì có lẽ HTC đã phối hợp với Toshiba để thiết kế một module riêng cho M8 với 2 camera lớn nhỏ khác nhau chứ không giống hệt module mà Toshiba rao bán.

2446880_HTC_One_M8_ben_trong_19.

Như vậy, M8 có lẽ vẫn sử dụng camera Ultrapixel 4.1M để thu hình chính. Tuy hình chụp ra ngay từ máy vẫn rõ từ trước ra sau, nhưng hình ảnh này đã có thông tin về độ sâu cung cấp bởi chiếc camera của Toshiba
Ví dụ: M8 phát hiện người đứng trước cách xa 2 mét, hàng rào kim loại phía sau cách xa 5m và hàng cây hậu cảnh cách xa khoảng 50m

M8 refocus 0.

Thông tin này giúp cho máy trong quá trình xử lý hậu kỳ có thể phân tách ảnh một cách ngoạn mục theo từng lớp khoảng cách thực chứ không phải như làm Photoshop tách bằng mắt cùng với sự phát hiện đường viền tương phản / màu sắc. Ở M8, khi đã có thông tin khoảng cách cộng với nhu cầu của người dùng muốn đặt trọng tâm vào đâu, thuật toán sẽ giúp làm mờ các vùng còn lại với các mức độ khác nhau - chỗ nào gần điểm nhấn thì mờ ít, chỗ nào xa điểm nhấn thì mờ nhiều - giống như chụp lại tấm hình đó bằng ống kính "xịn" - refocus.

M8 refocus 1.

Vậy HTC One M8 có phép thần kỳ thay thế được hệ thống máy lớn cồng kềnh với trị giá nhiều ngàn $ hay không? Có và không - Nếu không cầu toàn và chỉ sử dụng hình chơi FB thì tính năng refocus này khả năng sẽ làm bạn hài lòng, tuy nhiên nếu soi thật kỹ ở 100% thì thấy rằng việc "xóa phông" vẫn còn một số khiếm khuyết, xóa luôn cả một số đường viền của chủ đề chính

M8 refocus 2.

Tại sao vậy? đó là vì thông tin về độ sâu không thể đạt tới được mức độ pixel mà mới dừng ở mức độ cụm pixel mà thôi. camera phụ của Toshiba có 5 triệu điểm bắt sáng - khả năng chỉ cho được cùng lắm là thông tin của xấp xỉ 1 triệu điểm ảnh - có khi ít hơn (vì phải gộp 4 hoặc nhiều hơn các điểm ảnh lân cận để tính toán) Điều này khiến máy sẽ phải vừa tính vừa suy đoán khi xử lý tái "lấy nét" chứ không có đủ thông tin để tính cho từng điểm ảnh của camera chính. Và vì phải đoán cho nên những khu vực tiếp giáp nhau trong bức ảnh (viền) nhưng lệch khoảng cách sẽ có khả năng bị tính sai đôi chút.

Sơ bộ nhận định:

Việc kết hợp 2 camera "mỗi người một việc" giúp cho máy ảnh của HTC M8 có thể được chụp rất nhanh, vừa có được độ phân giải tốt (hơn Lytro 1.1M) vừa có thể "tái bố cục xịn" chứ không phải là chọn vùng rồi "xóa đại" tuy giới hạn về công nghệ chưa thể cạnh tranh ở mức độ "vi thể" như máy ảnh lớn, nhưng có lẽ nó có thể làm thỏa mãn nhu cầu vui vẻ của những người chơi điện thoại. Đây cũng là một công nghệ hứa hẹn trong tương lai.

Camera Tinh Tế mong sớm có M8 trên tay để có được những trải nghiệm thực sự mang lại cho bạn đọc những hình ảnh cụ thể chi tiết hơn.