WSJ: Mua bán và sáp nhập - cách đổi mới của các công ty lớn để tồn tại
và dẫn đầu trong tương lai
Những ngày gần đây, việc Facebook đang chi 2 tỷ đô la để mua lại hãng công nghệ thực tế ảo Oculus VR đang là chủ đề bàn tán sôi nổi của cộng đồng mạng. Trong thực tế, thương vụ mua bán còn đại diện cho xu hướng của các ông lớn trong ngành công nghiệp công nghệ cao nhằm liên tục củng cố tiềm lực. Điều này chẳng những cho phép các công ty tiếp tục giữ vị thế thống trị của mình mà còn tạo tiền đề để thay đổi toàn bộ cảnh quan của ngành công nghiệp kỹ thuật số vốn đang thay đổi cực kỳ nhanh chóng như hiện nay.
Việc Facebook tuyên bố mua lại Oculus VR tại thời điểm chỉ vài tuần sau khi hãng mua lại WhatsApp với cái giá 19 tỷ đô la. Cách đây không lâu, đó cũng là một thương vụ đình đám của Facebook và dấy lên không ít phân tích, dự đoán của giới chuyên môn. Không chỉ Facebook, gã khổng lồ Google cũng vừa mới chi số tiền 3,2 tỷ đô la để mua lại Nest Labs, hãng công nghệ phát triển các thiết bị kết nối trong nhà.
Cha đẻ của cảm biến nhiệt Nest Labs được Google mua lại với giá 3,2 tỷ đô la.
Từ nhắn tin đến thiết bị đeo thông minh và cảm biến nhiệt độ,... Facebook, Google, Amazon và dĩ nhiên là Apple đều muốn sở hữu tất cả các nền tảng công nghệ mới nhằm tạo ra các sản phẩm hỗ trợ người dùng giao tiếp, tìm kiếm, mua sắm và giải trí. Dường như việc mua bán, sáp nhập đang trở thành xu hướng chung của các hãng công nghệ. Đây được ví như cuộc đua của những "đại gia" và kết quả cuộc đua phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của từng công ty.
Những công ty dám bước chân vào cuộc đua này đều có giá trị vốn hóa thị trường không dưới 1 nghìn tỷ đô la. Lẽ dĩ nhiên là nếu một hãng nhỏ hơn nào đó đang "tỏa sáng" với một công nghệ mới và không đạt được sự phát triển đủ nhanh, hãng đó sẽ nhanh chóng bị các "ông lớn" chú ý và nuốt chửng trong một tương lai không xa.
Các thương vụ mua bán, sáp nhập trên đồng thời tạo một sự lo sợ đối với các công ty nhỏ, nhưng lại là nơi thể hiện tham vọng bá chủ đối với các hãng công nghệ lớn. Có lẽ kể từ thời kỳ bùng nổ của internet hồi những năm 1990 đến nay, chưa bao giờ vấn đề mua bán sáp nhập lại trở nên nóng bỏng như hiện tại. Lợi ích trước mắt đối với các công ty lớn qua các cuộc đầu tư trên diện rộng này chính là nhận được nhiều sự tin tưởng của các nhà đầu tư hơn, từ đó dẫn đến tăng giá cổ phiếu trong ngắn hạn từ đó hứa hẹn nhiều cổ tức hơn sẽ được chia trong tương lai.
Trên đây là doanh thu và lợi nhuận mà các công ty lớn thu được trong thời gian 1 phút
Jeff Richards, người đồng sáng lập và quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm GGV đã nhận xét: "CEO của Facebook Mark Zuckerberg đã thức tỉnh khi nhận thấy rằng các công ty lớn không thể nào ngủ quên trong chiến thắng được. Họ đã mất 1 thập kỷ để tạo dựng nên 1 Facebook như chúng ta thấy ngày hôm nay. Bây giờ, 10 năm phía trước vẫn đang chờ đợi sự phát triển của họ."
Facebook đã vươn lên trở thành người dẫn đầu cộng đồng mạng xã hội với số lượng người dùng cơ sở lớn nhất. Facebook đã rất thành công trong việc lôi kéo người dùng về phía mình đồng thời đã tạo dựng được một doanh số quảng cáo đáng nể. Trong năm 2012, Facebook đã mua lại ứng dụng chụp và chia sẻ hình ảnh Instagram với giá 1 tỷ đô la. Sau đó là WhatsApp với cái giá 19 tỷ đô hồi tháng trước.
Đối với Google, mục tiêu trong tương lai không chỉ là mở rộng các dịch vụ cung cấp thông tin mà còn nhảy sang lĩnh vực truyền thông, giải trí và cả giao thông vận tải. Ngoài việc mua lại Nest, Google đã tham gia thiết kế laptops, smartphone, thiết bị xem video trực tuyến, mắt kính thông minh và cả đồng hồ thông minh. Thậm chí, hãng còn dấn thân vào cả lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và các công ty robot nhằm phát triển những công nghệ của một tương lai xa.
Phía Apple và Amazon cũng táo bạo không kém khi liên tục thực hiện những thương vụ đầu tư vào những lĩnh vực hoàn toàn mới như dịch vụ video hoặc công nghệ thanh toán bằng cảm biến vân tay của trên iPhone.
Cảm biến vân tay của Apple có thể là công cụ để hãng chính thức đặt những bước chân thận trọng vào lĩnh vực thương mại điện tử
Theo truyền thống của Apple là tập trung vào phát triển ngành điện tử tiêu dùng với uy tín đã được củng cố trong nhiều năm qua. Hiện nay, hãng đã manh nha tìm cách tiếp cận đến với các dịch vụ như truyền hình trực tuyến, thương mại điện tử và thận trọng bước chân vào ngành công nghiệp quảng cáo.
Amazon cũng không kém cạnh khi di chuyển một cách táo bạo trên vị thế ông hoàng của ngành thương mại điện tử sang đặt cược vào nhiều lĩnh vực mới: từ stream video từ đám mây cho đến phát triển các thiết bị di động của riêng họ mà điển hình là Kindle Fire.
Kindle Fire - chiếc máy tính bảng đến từ hãng thương mại điện tử Amazon
Cả 4 công ty trên đều đang cạnh tranh với nhau để kiểm soát càng nhiều hệ sinh thái công nghệ càng tốt. Theo cách nói tại thung lũng Sillicon, tất cả các động thái trên nhằm kiểm soát càng nhiều "nền tảng" càng tốt. Một lý do lớn nhất mà nhiều nhà phân tích dùng để lý giải cho hành động trên chính là để thu thập càng nhiều dữ liệu người dùng, nhằm phục vụ quảng cáo hoặc để dự đoán xu hướng mua hàng, tiêu thụ sản phẩm trong tương lai của người tiêu dùng.
Hầu hết các dịch vụ của Google và Facebook đều miễn phí. Tuy nhiên, về mặt bản chất, cái giá mà người dùng phải trả ở đây chính là thông tin cá nhân mà họ cung cấp. Facebook và Google càng có nhiều thông tin từ người dùng, họ càng thu lại được nhiều lợi ích từ doanh thu quảng cáo nhằm phục vụ mục đích tiếp cận khách hàng tiềm năng của các công ty khác.
Amazon và Apple không phải là các công ty hoạt động chủ yếu nhờ quảng cáo, tuy nhiên Applpe vẫn thu được lợi nhuận từ việc môi giới quảng cáo thông qua các ứng dụng trên iPhone và iPad. Tuy nhiên, điểm chung của họ là đều thu được thông tin của người dùng. Với các dữ liệu nhận được, Amazon có thể khiến việc mua sắm trở nên đơn giản hơn rất nhiều do đã nắm bắt được thị hiếu của người dùng. Thậm chí họ có thể vận chuyển hàng trước khi người dùng hoàn tất mua sắm. Một cách tương tự, Apple có thể biết người dùng muốn xem gì, nghe nhạc nào và chơi thể loại game ra sao.
Liệu có ai còn nhớ tới giao diện này? Liệu dịch vụ tìm kiếm có thành công như mong đợi của Yahoo?
4 công ty trên là những ví dụ điển hình của việc đã kịp thời nhận thức một cách sâu sắc hậu quả của việc không thích ứng nhanh chóng với xu hướng công nghệ và người dùng. Tuy nhiên, có những công ty không kịp thời nhận thấy được điều trên. Và cái giá phải trả là phải vội vàng chạy theo xu hướng nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Yahoo cũng đã đưa ra một nền tảng tìm kiếm tương tự như Google nhưng có lẽ không bao giờ đạt được thành công tương tự. Microsoft cũng chính thức tham giá phát triển lĩnh vực smartphone trong thời gian gần đây thông qua việc mua lại 1 phần của ông hoàng điện thoại một thời Nokia. Và thương vụ mua bán vẫn chờ được giải quyết trong thời gian tới.
Microsoft đã kịp nhận thấy sự cần thiết đổi mới khi quyết định mua lại mảng di động của Nokia?
Giám đốc điều hành Google. Larry Page đã phát biểu tại một hội nghị hồi tuần trước: "Theo quan điểm cá nhân của tôi, nguyên nhân chính gây ra sự thất bại cho các công ty chính là họ đã đánh mất tương lai."
Trong những buổi đầu của sự bùng nổ công nghệ kỹ thuật số cá nhân, hệ điều hành của Microsoft hầu như đã chi phối toàn bộ nền tảng điện toán cá nhân trên toàn thế giới. Với cơ sở người dùng trên toàn cầu, các lập trình viên đã chủ yếu phát triển từ phần mềm đến trò chơi cho Windows. Đây chính là cơ sở cho quỹ đạo phát triển của Microsoft.
Sau đó, Apple đã chiếm giữ vị trí dẫn đầu trong thời kỳ phát triển của smartphone. Kết quả dĩ nhiên là cả người dùng lẫn các lập trình viên bắt đầu đổ xô đến với iPhone và iOS. Google cũng không hề kém cạnh khi giới thiệu hệ điều hành di động Android cho các nhà sản xuất smartphone. Và cho đến hiện nay, theo số liệu thống kê thì cứ 5 smartphone thì có 4 chiếc là chạy hệ điều hành Android.
Facebook cũng bắt đầu biến nền tảng mạng xã hội của mình thành một nền tảng trên các thiết bị di động. Điều này nhằm thu hút các lập trình viên đua nhau tạo ra các trò chơi cho phép các người dùng kết nối và cùng chơi với nhau trong một thế giới mới. Tuy nhiên, khi cuộc cách mạng di động đi tới hồi kết thì Facebook cũng sẽ có diện mạo như một kẻ đến sau so với Apple và Google.
Thiết bị đeo - Một cuộc chiến nền tảng mới sẽ bắt đầu trong tương lai không xa?
Tiếp theo smartphone hay máy tính bảng, các thiết bị đeo sẽ là một chiến trường mới cho hãng công nghệ trong một tương lai không xa. Google vừa mớ tiết lộ nền tảng thiết bị đeo trên Android mang tên Android Wear. Hãng còn cung cấp hẳn một bộ phát triển ứng dụng SDK nhằm hỗ trợ các lập trình viên có thể phát triển các ứng dụng cho thiết bị đeo. Apple cũng được cho là đang phát triển các thiết bị đeo. Tuy các thông tin quá nhỏ giọt và dường như hoàn toàn bí ẩn nhưng với những động thái như thuê các chuyên gia y tế hay các bằng sáng chế gần đây cho thấy việc phát triển các thiết bị đeo tích hợp cảm biến theo dõi sức khỏe đang được ngấm ngầm thực hiện.
Zuckerberg cũng đã có phát biểu rằng: "Dòng chảy lịch sử đã cho thấy nhất định sẽ có một nền tảng tiếp theo ra mắt. Facebook nhìn nhận đây chính là những lợi ích tài chính chiến lược trong quá trình phát triển của công ty trong tương lai."
Zuckerberg cho biết thêm mình tin rằng công nghệ thực tế ảo có thể sẽ là một cuộc chiến nền tảng mới trong tương lai với khả năng tạo nên nhiều dịch vụ không chỉ game mà còn nhiều thứ khác hữu ích đối với người dùng. Mặc dù Facebook hiện đang sở hữu hơn 1 tỷ người dùng và doanh thu quảng cáo vẫn đang ở mức tăng trưởng đáng lạc quan nhưng Zuckerberg vẫn luôn lo ngại nền tảng của mình sẽ sớm trở nên lạc hậu trong tương lai không xa "tôi muốn trong 10 năm nữa nền tảng của chúng tôi phải ngày càng được tiến hóa hơn so với hiện tại."
Biểu tượng thương hiệu Sun Microsystems trước trụ sở hiện tại của Facebook tại Menlo Park. Vật kỷ niệm nhắc nhở tầm quan trọng của sự đổi mới nếu không muốn thua cuộc?
Trong khuôn viên trụ sở Facebook tại Menlo Park, California, phía trước của công ty luôn có biểu tượng của nút like huyền thoại. Tuy nhiên, phía sau biểu tượng trên vẫn còn tên của thương hiệu Sun Microsystems đang bị che khuất bởi bóng cây. Đây là công ty đã từng đặt trụ sở tại đây và cũng đã từng nuốt chửng Oracle hồi năm 2009. Có lẽ, Facebook vẫn muốn giữ lại dấu hiệu này để luôn tự nhắc nhở mình về hậu quả xảy đến với những công ty không chịu đổi mới và ngủ quên trong chiến thắng.