Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Kĩ sư phần mềm của Apple nhớ lại những ngày đầu tạo ra chiếc iPhone

iPhone_2G_1.

Vào tháng 2 năm 2005, CEO của Apple khi đó là Steve Jobs giao cho kĩ sư cấp cao mảng phần mềm - ông Greg Christie - một tối hậu thư. Jobs muốn Christie cùng nhóm của mình phải đề ra được tầm nhìn về phần mềm cho một thiết bị di động mà sau này nó đã trở thành chiếc iPhone đời đầu tiên. Chưa hết, Christie cũng phải tìm ra cách để các thành phần của máy hoạt động phối hợp với nhau thật tốt. Từ nhiều tháng trước đó, ông cùng với đội ngũ kĩ sư của mình đã gặp rất nhiều khó khăn mà vẫn chưa đi đến một giải pháp cuối cùng nào cả. Và bây giờ thì Jobs lại đe dọa rằng nếu trong hai tuần tới mà không xong, Jobs sẽ giao dự án này cho một nhóm khác.

Christie, người vẫn còn đang làm việc cho nhóm xây dựng giao diện người dùng của Apple, nhớ lại: "Steve hoàn toàn không đồng ý (với những thứ chúng tôi đưa ra). Ông ấy muốn những ý tưởng lớn hơn, các nguyên mẫu tốt hơn".

Christie cùng nhóm của mình là những người đã xây dựng nên nhiều tính năng cốt lõi của iPhone vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, ví dụ như tính năng trượt để mở khóa, cho phép gọi ngay từ trong danh bạ, trình nghe nhạc với giao diện cảm ứng. Chiếc iPhone đã không sử dụng bàn phím cứng thông thường vốn vẫn còn được sử dụng rất phổ biến trên các smartphone thời bấy giờ. Thay vào đó, Apple trang bị cho iPhone một màn hình cảm ứng rất lớn (trong những năm 2005-2007), đi kèm theo là hệ điều hành đi theo hướng mô phỏng lại trải nghiệm trên máy tính chứ không giống như những điện thoại di động đang có trên thị trường.

Thực chất thì Christie chưa bao giờ nói chuyện công khai về quá trình phát triển iPhone. Chỉ đến khi Apple cần ông ra làm chứng trong vụ kiện về bằng sáng chế giữa hãng với Samsung thì Christie mới được mời ra để nói về một trong những điểm mấu chốt trong chiến lược pháp lý của mình: sự cách tân của iPhone từ năm 2007 đến nay.

Christie về làm cho Apple hồi năm 1996. Khi đó, dự án mà ông tham gia đó là chiếc PDA Newton, một sản phẩm cách tân nhưng yểu mệnh mà Apple đã khai tử sau đó không lâu. Thiết bị này cũng có màn hình cảm ứng, tuy nhiên chúng ta phải dùng bút stylus để điều khiển hoạt động của máy. Newton khi đó đã chứng minh cho thế giới thấy rằng nó đi trước thời đại, có điều nó quá to, quá đắt tiền, còn phần mềm thì quá khó dùng. Mặc cho thất bại này, Christie vẫn tin vào tương lai nơi mà một thiết bị có khả năng xử lý mạnh mẽ vẫn có thể bỏ vừa vào túi áo.

Hồi cuối năm 2004, Christie đang làm việc với nhóm phần mềm cho máy Mac của Apple. Khi đó, Scott Forstall, một trong những thành viên cấp cao thuộc bộ phần phần mềm tại công ty, bước vào văn phòng nơi Christie ngồi, đóng cửa lại và hỏi rằng liệu ông có muốn cống hiến cho một dự án bí mật hay không. Dự án này có tên mã "Purple". Nhiệm vụ của ông cùng nhóm của mình là phát triển nên một chiếc điện thoại với trình nghe nhạc tích hợp, và nó sẽ hoạt động bằng màn hình cảm ứng.

image.
Một hệ thống mà Apple dùng để thử nghiệm phần mềm iPhone trong năm 2006. Nó kết nối một màn hình cảm ứng bằng nhựa - tên mã "Wallaby" - vào một chiếc Mac cũ để mô phỏng lại phần cứng khi đó vẫn còn chậm của iPhone đời đầu tiên.

Ở thời điểm đó, Jobs đã hồi sinh Apple và toàn công ty đang tập trung vào một số ít sản phẩm chủ lực của mình, trong đó có iPod. Greg Joswiak, phó chủ tịch chịu trách nhiệm về marketing cho iPhone và iOS, nhận trách nhiệm theo dõi các nhà sản xuất khác xem liệu có công ty nào cũng sản xuất điện thoại được tích hợp trình chơi nhạc có khả năng đe dọa đến iPod (và cả iPhone) hay không.

Nhóm của Christie sau đó lần lượt chọn lựa ra những chi tiết một cách tỉ mỉ, chẳng hạn như tốc độ cuộn của một danh sách ở mức bao nhiều thì hoàn hảo. Ông cũng là người đã xây dựng hiệu ứng trang nội dung nảy lên khi cuộn xuống dưới cùng. Ngoài ra, Christie còn chia sẻ rằng nhóm của ông đã "đập đầu vào tường" để nghĩ xem làm cách nào họ có thể biến SMS từ một chuỗi các tin liên tục trở thành một đoạn hội thoại giống như những trình chat trên máy tính.

Ông nói thêm rằng nhóm phần mềm này "có rất ít người đến mức ngạc nhiên", nhưng từ chối tiết lộ con số cụ thể.

Trong hàng tháng trời, cứ một tháng hai lần Christie phải thuyết trình với Steve Jobs trong một căn phòng họp kín không có cửa sổ ở tầng hai trụ sở Apple. Chỉ có một số ít nhân viên mới được phép vào phòng này. Ngay cả những nhân viên dọn dẹp cũng không được đặt chân vào.

Cuối cùng thì nhóm của Christie cũng gây được ấn tượng với Jobs khi nói về tầm nhìn đối với phần mềm trên iPhone, tuy nhiên khó khăn vẫn chưa hết. Nhóm phải tiếp tục thuyết trình cho Bill Campbell, một giám đốc Apple và cũng là một nhân vật thân cận của Jobs. Christie nhớ lại rằng khi xem xong ý tưởng của nhóm, Campbell nói rằng chiếc điện thoại này sẽ tốt hơn cả mẫu máy Mac đời đầu.

Một vài ngày sau, Jobs triệu tập nhóm lại để chuẩn bị cho một bài thuyết trình thứ ba, và lần này có sự tham gia của Jony Ive, trưởng bộ phận thiết kế cho Apple. Ive khi đó đang thiết kế mặt kính cho chiếc iPhone. "Ông rất tò mò về cách mà chúng tôi sẽ khai thác được tính năng ma thuật đó (màn hình cảm ứng đa điểm)", Christie cho biết.

Cứ sau mỗi lần thuyết trình như thế, Jobs càng lúc càng giành phần nói nhiều hơn, thậm chí còn tạo ra một câu chuyện cho riêng mình. "Sự phấn khích của ông ấy khi đó là không có giới hạn", Christie cho biết. Và cũng chính vì thế mà ông yêu cầu mọi người biết tới iPhone phải giữ bí mật. Jobs ra lệnh cho nhân viên rằng khi họ ở nhà làm việc thì phải ngồi trong một góc khuất nào đó để không ai vô tình thấy chi tiết của sản phẩm. Ông cũng yêu cầu cấp dưới của mình phải mã hóa toàn bộ hình ảnh có liên quan đến iPhone.

Việc được Steve Jobs bật đèn xanh vào năm 2005 cũng là điểm khởi đầu mà Christie gọi là "2 năm rưỡi chạy marathon". Đây là giai đoạn mà Apple phải suy nghĩ kĩ về tất cả mọi thành phần của chiếc điện thoại, từ việc làm thế nào để kiểm tra hộp thư thoại cho đến cách mà lịch sẽ hiển thị. Jobs khắt khe đến từng chi tiết một.

Cuối năm 2006, vài tháng trước khi Jobs chính thức công bố iPhone, ông hỏi Christie rằng album nào thì sẽ giúp trình diễn tính năng Cover Flow một cách tuyệt vời nhất. Dành cho những bạn chưa biết: Cover Flow là chức năng cho phép xem ảnh bìa album của nhiều bài hát trong một giao diện rất đẹp và ấn tượng. Nó không chỉ có trên iPhone mà còn xuất hiện trên iPod Touch, iPod Nano/Classic và thậm chí là cả phần mềm iTunes nữa.

iPhone_2G_2.

Quay trở lại với Christie, ông được Jobs cho biết rằng ông muốn trình diễn tính năng Cover Flow với các album có ảnh bìa màu sáng, ngoài ra nó cũng phải có nhiều khuôn mặt (của các ca sĩ) để khoe màn hình đẹp trên iPhone. Tuy nhiên, những bài nhạc lại phải theo đúng phong cách và sở thích của Jobs. Cuối cùng thì họ thống nhất chọn album "Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band." của Beatles.

Trong vòng 6 tháng sau đó, nhóm của Christie đã phải thay đổi nhiều thứ khác trong phần mềm của iPhone, trong đó có việc chia màn hình ra làm hai, một bên hiện thông tin người gửi, một bên hiện nội dung email. "Steve nghĩ thật là ngu xuẩn khi chia nội dung của một thiết bị có màn hình nhỏ như thế", Christie nói.

Trong vòng 7 năm kể từ khi iPhone ra đời, Christie nói rằng có một giây phút mà ông nhớ mãi và nó rất đặc biệt. Vài ngày trước khi Jobs chính thức bước lên sân khấu để ra mắt iPhone, Christie đi đến khán phòng thông qua một cánh cửa hông (và ông đã phải dùng đến hai phù hiệu khác nhau để vượt qua các lớp an ninh tại đây). Ông kéo màn cửa, và chợt thấy hình ảnh thật lớn của một chiếc iPhone đang được chiếu trong căn phòng tối. Ngay lúc đó, Christie nói, ông nhận ra được rằng chiếc iPhone sẽ trở nên to lớn như thế nào. "Nó trở nên rực rỡ trong một không gian rộng lớn như thế này", Christie cho biết. "Tim tôi lỡ mất một nhịp và tôi nghĩ 'Điều đó thật sự đang diễn ra rồi'".